Nguyễn Hồng Anh & Phan Thu Vân | Diễn Đàn
26/08/2024 22:13
Tham
luận tại hội thảo PCAH2024 (Paris, 6-2024)
The Paris Conference on Arts & Humanities
(PCAH2024)
Lời
toà soạn : Diễn
Đàn xin giới thiệu với độc giả bài tham luận của hai tác giả (Trường Đại học Sư
phạm TP.HCM) tại Hội
nghị Paris về Nghệ thuật & Khoa học nhân văn (Paris Conference on
Arts & Humanities / Paris Conference on Arts & Humanities /
PCAH2024), tháng 6-2024. Đây là nguyên tác tiếng Việt. Bản
tiếng Anh vừa được công bố trong Kỷ yếu Hội nghị (vì hạn chế
về thời gian, có những đoạn lược bớt so với bản tiếng Việt).
*
Tóm tắt
Bài viết kế thừa quan điểm của một số nhà nghiên cứu như
Kevin Kenny, Isabelle Thuy Pelaud, Michelle Janette, Viet Thanh Nguyen để phân tích sự phát triển của dòng văn học di dân Mỹ
Việt viết bằng tiếng Anh dựa theo những đặc trưng căn tính trong sáng tác. Thứ
nhất, từ thế hệ 1 (những nhà văn đầu tiên đến Mỹ chủ yếu viết bằng tiếng Việt)
đến thế hệ 1.5 và 2 (những nhà văn đến Mỹ từ nhỏ hay sinh ra tại Mỹ, hầu hết
sáng tác bằng tiếng Anh), các tác phẩm đi từ việc khắc hoạ căn tính cộng đồng đến
căn tính cá nhân. Thứ hai, dù ở thế hệ nào thì căn tính chấn thương vẫn là đặc
trưng của văn học di dân. Thứ ba, căn tính lai ghép trở thành diễn ngôn phản
kháng lại định kiến về chủng tộc của Mỹ. Thuộc thế hệ nhà văn di dân 1.5, Viet
Thanh Nguyen có thể xem là người thành danh nhất tại Mỹ cho đến nay, qua giải
thưởng Pulitzer 2016. Bài viết này cũng xem xét trường hợp Viet Thanh Nguyen
trong dòng chảy của văn học di dân Mỹ Việt viết bằng tiếng Anh để cho thấy đóng
góp về tư tưởng của ông, ở hai khía cạnh : Thứ nhất, nhà văn định nghĩa lại căn
tính sắc tộc và chủ nghĩa dân tộc của cộng đồng di dân Việt ; thứ hai, nhà văn
cung cấp quan niệm mới về đề tài chiến tranh trong văn học. Kết quả nghiên cứu
đạt được là, bài viết góp phần định vị vai trò và tiếng nói của dòng văn học di
dân Việt Nam tại Mỹ so với văn học thế giới; và sau đó, khẳng định Viet Thanh
Nguyen đã đặt một dấu mốc phát triển cho dòng văn học thiểu số này nói chung và
cho mảng đề tài về chiến tranh Việt Nam nói riêng trong lịch sử văn học thế giới.
Từ khóa : văn học di dân Việt Nam, Viet Thanh
Nguyen, căn tính.
Mở đầu
Các nhà nghiên cứu về văn học di dân Mỹ Việt đều thống nhất
rằng dòng văn học này chỉ xuất hiện từ sau 1975 khi chiến tranh Mỹ Việt chấm dứt
và nhiều người tị nạn Việt Nam đến Mỹ, bắt đầu với thế hệ 1 là những nhà văn chủ
yếu viết bằng tiếng Việt, một số ít viết bằng tiếng Anh (xem Nguyễn Văn Trung, 1995, tr.4 ; Nguyễn Vy Khanh, 2005, tr.3 ; Sokolov, 2017).
Với các tác phẩm viết bằng tiếng Việt, độc giả và tác động xã hội của chúng chỉ
gói gọn trong cộng đồng người Việt xa xứ. Theo Isabelle Thuy Pelaud, dấu mốc
cho thấy văn học di dân Việt Nam tại Mỹ bắt đầu được thị trường văn học Mỹ quan
tâm, là khi các nhà xuất bản lớn cho in những tác phẩm bằng tiếng Anh của các
nhà văn di dân gốc Việt thế hệ 1: hai tác phẩm nổi tiếng hơn cả là hai quyển hồi
ký A
Vietcong Memoir (1985) của Truong Nhu Tang do Vintage xuất bản và When Heaven and Earth
Changed Places (1989) của Le Ly Hayslip do
Doubleday xuất bản (theo Pelaud, 2011, tr.26-27). Nhưng nhìn chung, “vẫn
khó tìm các văn bản Mỹ Việt, đặc biệt là các văn bản viết trước năm 1995”i (Janette, 2011, tr.x) trên văn đàn Mỹ.
Đến những thế hệ tiếp theo, văn học di dân Mỹ Việt mới thật
sự ghi dấu trong văn học Mỹ. Đó là thế hệ 1.5, là những nhà văn di
dân Việt đến Mỹ trong và sau thời thơ ấu hay niên thiếu của họ, và thế hệ
2 là con cái của những di dân, sinh ra và lớn lên tại Mỹ (theo cách phân chia
được hầu hết các nhà nghiên cứu đồng thuận, xem Pelaud, 2011, tr.33-40 và
Janette, 2011, tr.xxii). Điểm chung của hai thế hệ nhà văn này là hầu hết sáng
tác bằng tiếng Anh – một lợi thế lớn khiến tiếng nói của các nhà văn gốc Việt
được nghe thấy, trước tiên là ở phạm vi văn học Mỹ. Cột mốc 1995 Janette nhắc đến
là nói đến sự xuất hiện của tuyển tập văn xuôi và thơ đầu tiên với các tác giả
hoàn toàn là nhà văn Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ 1.5 : Once upon a
Dream (1995) của nhà xuất bản Andrews & McMeel, và tiếp nối là tuyển tập Watermark (1998)
của Temple University Press. Như vậy có thể xác định, đến giữa thập niên
1990, khi thế hệ 1.5 và 2 kịp lớn lên, hấp thụ cả hai luồng văn hoá Việt (từ ký
ức bản thân và gia đình, môi trường sống của cộng đồng thiểu số mình) và Mỹ (va
chạm và hoà nhập với cộng đồng đa số, ở nước sở tại), văn học Mỹ Việt chính thức
được công nhận trên phạm vi quốc tế.
Viet Thanh Nguyen thuộc thế hệ 1.5, sinh ra ở Việt Nam
năm 1971 tại Buôn Ma Thuột và theo gia đình đến Mỹ năm 1975, khi lên bốn tuổi.
Trải qua những năm đầu tại Pennsylvania, sau đó gia đình ông định cư hẳn tại
San Jose, California – khu vực chính của cộng đồng di dân Việt từ 1975. Nguyen
tốt nghiệp Đại học California, Berkeley chuyên ngành Anh ngữ và Dân tộc học.
Năm 1997 ông lấy bằng tiến sĩ Anh ngữ và giảng dạy về Anh ngữ và Hoa Kỳ học tại
Đại học Nam California. Sự nghiệp nhà văn của Nguyen đạt được nhiều thành tựu :
Viet Thanh Nguyen hiện đã xuất bản một tập truyện ngắn (The Refugees,
2017), hai tiểu thuyết (The Sympathizer, 2015 và The
Committed, 2021) và một hồi ký (A Man of Two Faces, 2023).
Ông cũng là chủ biên tuyển tập 17 tiểu luận của các tác giả viết từ góc nhìn “kẻ
ly hương” The
Displaced: Refugee Writers on Refugee Lives (2018). Tác phẩm đưa ông trở thành nhà văn chuyên nghiệp và cũng
là đỉnh cao sáng tác của Nguyen cho đến nay là The Sympathizer với
hàng loạt giải thưởng, danh giá nhất là Pulitzer Prize 2016. Viet Thanh
Nguyen cũng nghiên cứu về chủng tộc Mỹ Á và chiến tranh Việt Nam qua hai cuốn
sách quan trọng là Race and Resistance: Literature and Politics in Asian
America (2002) và Nothing Ever Dies: Vietnam and the
Memory of War (2016).
Bài nghiên cứu này hướng đến hai mục đích: phác thảo
dòng văn học di dân Mỹ Việt viết bằng tiếng Anh từ góc độ căn tính và
xem xét vai trò của Viet Thanh Nguyen với dòng văn học này, chủ yếu ở phương diện
tư tưởng của ông.
1. Đặc trưng căn tính của văn học di
dân Mỹ Việt viết bằng tiếng Anh
Căn tính là một khái niệm khá phức tạp và mang tính liên
ngành. Qua một số định nghĩa điển hình về căn tính của Erik H. Erikson (1963,
tr.159), của Peter J. Burke và Jan E. Stets (2009, tr.3), hay Michael Bamberg
(2009, tr.132), chúng tôi rút ra định nghĩa chung về căn tính như sau : (1) Căn
tính là đặc điểm khu biệt của chủ thể với những đối tượng khác, sao cho chủ thể
đó là độc nhất ; (2) Căn tính không bất biến mà phát triển, thay đổi theo thời
gian, từ thời thơ ấu đến khi cá nhân đảm nhiệm những vị trí trong xã hội; (3)
Căn tính vừa là vấn đề của sự tự nhận thức của chủ thể vừa ít nhiều chịu chi phối
từ bối cảnh bên ngoài. Những đặc điểm này đúng với cả cấp độ căn tính của cá
nhân và căn tính của cộng đồng.
1.1. Từ căn tính cộng đồng đến căn tính cá nhân – nhìn từ
sự vận động thể loại và đề tài
Có sự chuyển biến khá rõ rệt về thể loại, kéo theo thay đổi
về đề tài sáng tác từ thế hệ 1 sang thế hệ 1.5 và 2. Nếu phần lớn tác phẩm thế
hệ 1 thuộc thể hồi ký / tự truyện (như The Land I Lost (1982) của Huynh Quang
Nhuong, Miles from Home (1984) của Anna
Kim-Lan McCauley, A Vietcong Memoir (1985) của Truong
Nhu Tang, When Heaven and Earth Changed Places (1989) của Le
Ly Hayslip, Fallen Leaves (1989) của Nguyen
Thi Thu-Lam) thì các thế hệ sau phát triển đa dạng thể loại :
bên cạnh hồi ký còn có tiểu thuyết (ví dụ, Monkey Bridge (1997) của Lan
Cao, The Book of Salt (2003) của Monique
Truong), thơ (Song of the Cicadas (2001) của Mộng-Lan, Night
Sky with Exit Wounds (2016) của Ocean Vuong, v.v.), truyện ngắn (Fake House (2000) của Linh
Dinh, Quiet As They Come (2010) của Angie
Chau), truyện vừa (The Gentle Order of Girls and Boys (2006) của Dao
Strom), tiểu thuyết bằng tranh (Vietamerica (2010) của GP
Tran, The Best We Could Do (2017) của Thi Bui). Nếu đề tài trước đó thiên về lịch sử chiến tranh thì
càng về sau càng mở ra phong phú câu chuyện về thân phận cá nhân. Chiều vận động
đó dựa trên sự phát triển tất yếu của hoàn cảnh lịch sử và ý thức về căn tính của
những lớp người di dân.
Lùi một chút về thời kỳ đầu khi đến Mỹ với thế hệ 1 viết
bằng tiếng Việt, nhu cầu nội tại của họ, nói như Qui-Phiet Tran là, thể hiện “bức
chân dung theo kiểu Kafka của người Việt lưu vong từ 1975, là bức chân dung của
người xa lạ hoàn toàn lạc lối và bị xa lánh […] và cam chịu sự
đền tội vĩnh viễn vì đã xem nước Mỹ là quê hương mình”ii (Tran, 1989, tr.104). Do đó, đề tài chủ đạo trong sáng tác của lớp
nhà văn này là cảm thức lưu vong, thường được gắn liền với hai chiều kích không
- thời gian : một hướng về quá khứ với hoài niệm hoặc giận dữ vì một thế giới
đã mất (nước Việt) ; một hướng về hiện tại với nỗi thất vọng trước sự phản bội
về chính trị và lạc lõng về xã hội (nước Mỹ). Không phải không có những đề tài
tươi sáng hơn – như sự hội nhập thành công của người Việt thiểu số vào cộng đồng
bản địa đa số (xem Nguyễn Vy Khanh, 2005, tr.22) – nhưng đó không phải là giọng
chủ đạo.
Với thế hệ 1 (và giao thời qua thế hệ 1.5) viết bằng tiếng
Anh, vì viết chủ yếu cho đối tượng độc giả là người Mỹ, nên mục đích sáng tác
chính của các nhà văn này là kể lại câu chuyện “đúng đắn” về chiến tranh Việt
Nam so với diễn ngôn đã và đang phổ biến ở Mỹ, do văn học và điện ảnh Mỹ tạo
ra. Diễn ngôn của Mỹ là : chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến giữa Mỹ và Bắc
Việt, không có (hay bị xoá bỏ) vai trò của miền Nam Việt Nam vốn là đồng minh của
Mỹ ; dẫn đến hệ quả, hình ảnh chủ đạo của người Việt trong mắt người Mỹ chỉ còn
là “kẻ thù” ở bên kia chiến tuyến. Nên khi di dân Việt Nam đến Mỹ từ 1975, bất
chấp họ đến từ quan điểm chính trị nào, thường bị nhìn là những người mà nước Mỹ
đã đối đầu trên chiến trường, tức kẻ thù, hơn là đồng minh tị nạn. Việc viết hồi
ký / tự truyện là thực hiện nhiệm vụ kép: vừa kể câu chuyện của chính mình, vừa
trình bày lịch sử chính xác hơn của cộng đồng mình. Janette gọi sáng tác loại
này là “truyện chứng nhân” (tales of witness) – tác giả đồng thời là
nhân chứng câu chuyện, trong đó họ “viết cho sự tồn tại của họ, để được nhìn nhận
như chính con người họ, chứ không phải thông qua những quan niệm sai lầm và
khuôn mẫu”iii (Janette, 2011, tr.xix). “Họ” ở đây đại diện cho khuôn mặt của cộng đồng,
tuy mỗi truyện kể câu chuyện của cá nhân.
Bên cạnh “truyện chứng nhân” là “truyện tưởng tượng” (tales
of imagination) với đại diện hầu hết là thế hệ 1.5 và 2. Theo Janette,
trong khi loại truyện thứ nhất đóng vai trò “bảo tồn” và “giáo huấn” tính truyền
thống, lịch sử, văn hoá của cộng đồng, thì loại truyện thứ hai lại mang tính
“phiêu lưu” và hướng vào “nội tâm” (Janette, 2011, tr.xxii-xxiii). Đó là một
cách nói cho thấy đề tài về lịch sử chung đã dần chuyển hướng sang những câu
chuyện mang tính riêng tư, cá biệt hơn. Chẳng hạn như xung đột trong gia đình
giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái (như Monkey Bridge của
Lan Cao, The Gangster We Are All Looking for của Le Thi
Diem Thuy), hành trình và tâm trạng trở lại Việt Nam của người xa xứ (Catfish
and Mandala: A Two Wheeled Voyage Through the Landscape and Memory of Vietnam của Andrew
X. Pham), chuyện ẩm thực (Stealing Buddha’s Dinner của Bich Minh Nguyen, Bitter in the Mouth của Monique Truong), chuyện tình yêu đồng tính và những trăn trở của
giới LGBTQ+ (thơ của Kim-An Lieberman, Hieu Minh Nguyen, Ocean Vuong), v.v. Với
đa dạng đề tài, điểm chung của những tác phẩm này là đều hướng tới xác định và
xây dựng căn tính riêng giữa những xung đột văn hoá, sắc tộc và lịch sử. Thế
hệ 1.5 và 2 lớn lên và hấp thụ văn hoá Mỹ, họ có thể giao tiếp bằng tiếng Anh
và trở thành thông dịch viên cho gia đình mình với thế giới bên ngoài – nhưng đồng
thời, họ cũng lớn lên cùng nỗi đau đớn, mất mát, nỗi ám ảnh chiến tranh của thế
hệ 1; nên sự tra vấn căn tính cá nhân diễn ra liên tục, trong mối liên hệ với cộng
đồng và lịch sử.
Hiện nay, xu hướng “không viết về Việt Nam”, đặc biệt là
về đề tài chiến tranh và sắc tộc, ngày càng trở thành chủ trương của một số nhà
văn Mỹ gốc Việt, như có thể thấy ở: tiểu thuyết Fish in Exile của Vi Khi Nao, The
Adventures of Joe Harper của Phong
Nguyen, The
Empress of Salt and Fortune của Nghi
Vo, tập thơ In the Mynah Bird’s Own Words của
Barbara Tran, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng We Have Always Been
Here của Lena Nguyen, tuyển tập As Is: A Collection
of Visual and Literary Works by Vietnamese American Artists, v.v. Xu hướng này chủ yếu gồm các văn nghệ sĩ gốc Việt thuộc thế hệ
2, và có khả năng sẽ trở thành chủ đạo trong tương lai khi các thế hệ nhà văn gốc
Việt tiếp theo ngày càng lùi xa khỏi lịch sử chiến tranh và tị nạn. Tuy nhiên,
vì xu hướng này chỉ mới bắt đầu, nên chúng tôi chưa đủ cứ liệu để có cái nhìn
khái quát, đặc biệt về những đặc trưng căn tính, nên những phân tích tiếp theo
sẽ chủ yếu dừng lại ở những tác phẩm và tác giả gắn với đề tài Việt Nam.
1.2. Căn tính chấn thương
Một trong những kiểu căn tính đặc trưng nhất của cộng đồng
di dân, là căn tính chấn thương. Chấn thương có thể trở thành căn tính của một
người, khi nó xảy ra trong hoàn cảnh khắc nghiệt (như chiến tranh, thuộc địa, tị
nạn) (xem Berntsen & Rubin, 2006, tr.22; Becker, 2021, tr.566). Theo David Becker, một hoàn cảnh xã hội bi thương có thể
phá huỷ tâm lý, niềm tin, hi vọng hoặc thậm chí một phần thân thể – những thuộc
tính làm nên căn tính của một người – và thiết lập những hệ giá trị mới, tâm lý
và tinh thần mới, qua cách nhìn mới về cuộc đời và chính mình và qua cách người
khác nhìn mình trong hoàn cảnh mới (Becker, 2021, tr.566). Ở trong sự chông
chênh đó, việc xác định mình là ai trở nên cấp thiết hơn với những người này.
Căn tính chấn thương của cộng đồng di dân Mỹ Việt đến từ
sự kiện trung tâm là chiến tranh và tị nạn. Trong đó “thuyền nhân” (boat
people) là thuật ngữ chỉ xuất hiện từ sau chiến tranh Việt Nam và gắn với
những người rời quê hương bằng những con thuyền dễ tổn thương trên biển cả. Người
tị nạn, do đó, trở thành một kiểu nhân vật phổ biến trong văn học di dân Mỹ Việt,
được khắc hoạ trên không gian biển, trong các trại tị nạn, hay trên đất Mỹ, như
trong tác phẩm Where the Ashes Are của Nguyễn
Quí Đức, Perfume Dreams của Andrew Lam, The Refugees (Người tị nạn) của
Viet Thanh Nguyen, Quiet As They Come của Angie Chau, Dragonfish của Vu Tran, v.v.
Một ví dụ điển hình là tiểu thuyết The
Gangster We Are All Looking for (Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm)
của Lê Thi Diem Thuy. Tác phẩm được viết dưới góc nhìn của chứng nhân: một cô bé “thuyền nhân”
sáu tuổi rời Việt Nam cùng cha mình, kể lại những ngày đầu đến Mỹ ăn nhờ ở đậu,
chuyển nhà liên tục, xung đột trong gia đình, và những hồi ức về Việt Nam.
Trong đó, biến cố về cái chết của người anh trai ở quê
nhà trở thành chấn thương ám ảnh suốt dòng tự sự của cô bé. Hình ảnh người anh chết vì
đuối nước giải thích vì sao “nước” luôn xuất hiện trong nhiều liên tưởng của
cô. “Nước” là biểu tượng của mất mát, mở rộng hơn, là sự mất
quê hương, khi tác giả chơi chữ đồng âm tiếng Việt: “Trong tiếng Việt, từ water và
từ a nation, a country và a homeland đều là một
và như nhau : nước”iv (Lê Thi Diem Thúy, 2004) ở trang đề từ.
Cần nói thêm, ký ức chấn thương tác động đến hiện tại
và tương lai là mô hình không chỉ thấy trong văn học di dân Mỹ Việt, mà phổ biến
trong văn học di dân gốc Việt trên khắp thế giới, như trường hợp tiểu thuyết Sóng
ngầm của Linda Lê (Pháp gốc Việt) với nhân vật chính tên Văn chối
bỏ căn tính Việt Nam của mình do không thể đối mặt với chấn thương về cái chết
của người mẹ mà mình đã bỏ lại quê nhà; hay chấn thương cả một lớp người đọng lại
trên gương mặt “không còn biết ngạc nhiên” (Nam Lê, 2011, tr.371) của một
đứa bé thuyền nhân mới sáu tuổi trong truyện ngắn Con thuyền của
Nam Lê (Úc gốc Việt).
Kể về người chết là cách thức lớp người di dân nhớ về quá
khứ, về những người thân đã mất, cũng là cách thức chống lại sự lãng quên. Theo
Viet Thanh Nguyen, “vấn đề về chiến tranh và ký ức đầu tiên và trên
hết là về cách nhớ đến người chết”v (Nguyen, 2016, tr.4). Nếu ta quên người chết, tức là xoá bỏ cả ký ức
về chiến tranh và chấn thương, cũng tức là xoá bỏ căn tính di dân / tị nạn – một
diễn ngôn mà nước Mỹ luôn muốn tạo ra, tức dùng “giấc mơ Mỹ” hay sự
thành công của những di dân điển hình để khoả lấp hệ quả chiến tranh nước Mỹ đã
gây ra. Hành động kể hay viết về người chết, do đó, trở thành cách thức phản
kháng của người tị nạn trước sự cố tình lãng quên này của nước Mỹ. Cô bé “thuyền
nhân” trong Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm khi trưởng
thành đã chọn rời khỏi gia đình và theo nghiệp viết. Nhân vật người em gái
trong truyện ngắn Những người đàn bà mắt đen (từ tập
truyện Người tị nạn) của Viet Thanh Nguyen trở thành nhà văn
chuyên viết truyện ma. Nhân vật kể chuyện trong truyện ngắn Tình yêu
và danh dự và thương hại và kiêu hãnh và cảm thông và hy sinh (từ
tập truyện Con thuyền) của Nam Lê chọn viết về quá khứ của
cha mình gắn với sự kiện thảm sát Mỹ Lai cho bài tập cuối kì của một khoá tập
huấn nhà văn trẻ.
Như vậy, căn tính chấn thương cũng là căn tính cộng đồng
di dân, đó là điều cần xác tín chứ không phải chối bỏ. Yến Lê Espiritu – nhà
nghiên cứu người Mỹ gốc Việt nổi tiếng – khi tuyên bố : “chúng ta [những
nhà văn Mỹ gốc Việt] phải sẵn sàng trở thành những người kể chuyện ma”vi (Espiritu, 2005, tr.xix) là muốn nhấn mạnh
điều này.
1.3. Căn tính lai ghép và căn tính sắc tộc
Bên cạnh chấn thương, lai ghép (hybridity) là kiểu
căn tính đặc trưng nhất của di dân. Nhưng nếu căn tính chấn thương đi từ đậm
nét (nơi thế hệ 1 và 1.5) đến phai mờ dần (thế hệ 1.5 và 2) do trải nghiệm với
sự kiện trung tâm gây chấn thương ngày càng lùi xa, thì căn tính lai ghép lại
phát triển từ mờ nhạt (ở thế hệ 1) đến đậm nét (thế hệ 1.5 và 2) do tình trạng
hoà nhập và xung đột về sắc tộc, văn hoá giữa quê gốc với nước sở tại ngày càng
sâu sắc. Nói cách khác, tính lai chỉ xuất hiện khi di dân chịu sự tác động từ cả
yếu tố quê hương bản quán và nơi đang sinh sống, là sự kết hợp của tính dân tộc,
truyền thống trong cộng đồng thiểu số mình với tính “ngoại lai”, quốc tế của cộng
đồng đa số. Khi thế hệ 1.5 và 2 bắt đầu lớn lên, họ buộc phải hoà nhập với cộng
đồng đa số, dẫn đến những xung đột và tra vấn về căn tính của mình, nói như
Isabelle Thuy Pelaud : “đối với nhiều thành viên thuộc Thế giới thứ ba của cộng
đồng di dân, dường như ý thức về đoàn kết nhóm, về căn tính sắc tộc và dân tộc
của họ đã được nuôi dưỡng trong môi trường nhập cư, tị nạn và lưu vong. Ở đây,
căn tính là sản phẩm bản lề”vii (2011, tr.31)
Tuy nhiên, sự lai ghép này không thể hiểu đơn thuần là
tính đa văn hoá hay cầu nối giữa hai quốc gia, hai nền văn hoá hoà hợp, mà đúng
hơn, trong hoàn cảnh của những di dân, căn tính lai ghép hình thành từ cuộc đấu
tranh căng thẳng và bất tương xứng giữa diễn ngôn thống trị (của cộng đồng đa số)
và những đặc tính yếu thế của chủ thể (thuộc cộng đồng thiểu số) – thể
hiện rõ nhất ở vấn đề sắc tộc. Ví dụ, trong tiểu thuyết bằng thơ Inside Out & Back
Again, Thanhhà Lại miêu tả kinh nghiệm của một đứa bé gái gốc
Việt học lớp bốn mỗi ngày đến trường phải chiến đấu với mấy đứa bạn cùng lớp
người bản địa:
“Giờ thì tôi hiểu
khi chúng chế nhạo tên tôi
hét ha-ha-haviii dọc hành lang
khi chúng hỏi tôi có ăn thịt chó
không,
sủa và nhai và cười lăn lộn
khi chúng thắc mắc tôi có sống trong
rừng với hổ,
gầm gừ và rình rập bằng bốn chân […]
Tôi hiểu
và ước gì
tôi có thể trở lại
lúc chẳng hiểu gì”ix
(trích “More is not Better”, từ Inside
Out & Back Again)
Căn tính Việt xuất phát từ đặc điểm sắc tộc của cô bé bị
chế giễu và bị đánh đồng với những định kiến văn hoá (như ăn thịt chó, hoang
dã, kém văn minh) khiến cô bé vừa phải học cách phản kháng, bằng cách cố học tiếng
Anh thật giỏi, đồng thời nhờ anh mình dạy võ, vừa phải tìm cách được chấp nhận ở
cộng đồng mới, qua việc cùng với gia đình đi nhà thờ vào mỗi Chủ nhật và gia nhập
đạo Tin lành : “Ông cao bồi của chúng tôi nói / hàng xóm chúng tôi / sẽ giống
hàng xóm hơn / nếu chúng tôi đồng ý làm chuyện gì đó / ở Nhà thờ Del Ray
Southern Baptist / Tôi đã thấy tên nhà thờ / trên một bảng hiệu / nơi những tia
nắng vàng chói chang / đánh vần chữ CHÚA”x (trích “HA LE LU DA”, từ Inside Out &
Back Again). Tiếng Anh và Tin lành tự khắc trở thành căn tính Mỹ của cô
bé một cách bắt buộc để sinh tồn nơi nước sở tại. Còn trong hồi ký du lịch Catfish
and Mandala của Andrew X. Pham, căn tính lai ghép được khắc hoạ
trong một bối cảnh khác: không phải xung đột trên đất Mỹ mà ngay tại Việt Nam
khi người con xa xứ bao năm trở về thăm quê hương mình. Trong chuyến hành trình
một năm của mình, An đi qua nhiều phong cảnh và gặp gỡ nhiều người Việt Nam,
nhưng trớ trêu là tuy mang một nửa căn tính Việt, anh lại bị nhìn là một nửa
người Mỹ (Việt kiều), khiến anh gặp phải những tình huống gây hấn, thù địch lẫn
niềm nở, chào đón. Mối xung đột này cuối cùng trở thành nguyên cớ để củng cố
căn tính Mỹ rõ nét hơn : khi được một người họ hàng hỏi sẽ làm gì sau khi trở về
California, anh trả lời : “Là một người Mỹ tốt hơn” (“Be a better
American”) (Pham, 1999, tr.341). Từ đây, An trở thành Andrew, câu chuyện
tìm kiếm cội nguồn lại trở thành chuyện xác tín về căn tính Mỹ của một người di
dân.
Câu chuyện của Andrew rất phù hợp với diễn ngôn tuyên
truyền của nước Mỹ về tính đa văn hoá và “thiểu số kiểu mẫu” (model minority) nước
Mỹ dành cho người nhập cư. Nhưng càng về sau, tác phẩm di dân Mỹ Việt càng đi
ngược lại diễn ngôn này. Trong chuyên khảo Race and Resistance, Viet Thanh Nguyen lí giải: các nhà văn Mỹ gốc Á nói chung có xu
hướng kháng cự lại cái nhìn đầy định kiến về chủng tộc của nước sở tại. Định kiến
đó là, Mỹ thường phân biệt người gốc Á thành hai dạng: một là nhóm “chủ thể xấu”
(bad subject), tức di dân không thể hòa nhập tốt vào nước Mỹ, trở thành
gánh nặng, thậm chí mối đe doạ với nền văn hoá - kinh tế bản địa; hai là nhóm “thiểu
số kiểu mẫu”, là những tấm gương điển hình về hội nhập và làm phát triển cộng
đồng (Nguyen, 2002, tr.7). Nhóm “thiểu số kiểu mẫu” trở thành minh chứng
cho một nước Mỹ dân chủ, bình đẳng và luôn tạo cơ hội cho những ai muốn vươn
lên, bất kể xuất thân của họ, trong đối lập với “chủ thể xấu” là những người thất
bại vì kĩ năng cá nhân yếu kém. Nhóm “thiểu số kiểu mẫu” do đó trở thành
tiếng nói đại diện cho toàn thể cộng đồng di dân.
Nỗ lực của các nhà văn gốc Á là phản bác lại diễn ngôn
này. Thực tế thì di dân là một cộng đồng mang tính đa dạng (Kenny, 2013,
tr.13-14). Tiếng nói của một người thành đạt hay một người thất bại, một người
giàu hay một người nghèo, một chính trị gia xuất thân từ nhóm di dân hay một
người thất nghiệp sống nhờ vào phúc lợi xã hội… đều quan trọng như nhau. Văn học
Mỹ Việt nói riêng, Mỹ Á nói chung, cần thể hiện được tính đa dạng đó, mới nói
lên được căn tính chủng tộc của cộng đồng mình, chứ không phải chấp nhận loại
căn tính đồng nhất hướng về “thiểu số kiểu mẫu” theo cách nhìn của nước Mỹ. Định
hướng đó đã khiến các nhà phê bình văn học Mỹ Á đánh giá cao những tác phẩm nói
lên được tiếng nói của nhóm “chủ thể xấu”. Nhìn từ góc độ này, những tác phẩm
như The Book of Salt (Sách muối) của Monique
Truong, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của Ocean
Vuong hay The Sympathizer của Viet Thanh Nguyen đạt
thành công khi đã cho thấy hình tượng người gốc Việt “không kiểu mẫu”: nhân vật
chính của hai tiểu thuyết đầu là người đồng tính luyến ái; còn nhân vật người kể
chuyện trong The Sympathizer là một đứa con lai và là “một
người mang hai tâm trí” (Nguyen, 2015a, tr.1) khi nhìn cuộc chiến
tranh Mỹ Việt từ cả hai phía.
2. Viet Thanh Nguyen với văn học di
dân Mỹ Việt viết bằng tiếng Anh
2.1. Quan điểm của Viet Thanh
Nguyen về căn tính sắc tộc và chủ nghĩa dân tộc trong cộng đồng di dân
Đồng tình với Kevin Kenny về tính đa dạng của di dân, phản
bác lại diễn ngôn “thiểu số kiểu mẫu” của Mỹ, nhưng Viet Thanh Nguyen đã nhấn mạnh
vào một trọng tâm khác: đa dạng không chỉ nằm ở xuất thân, địa vị của những
thành phần trong cộng đồng, mà chủ yếu ở ý thức hệ. Một cộng đồng không chỉ có
một ý thức hệ chung nhất; miêu tả được sự xung đột hay tính đa dạng về ý thức hệ
của những người thuộc cùng một cộng đồng mới cho thấy sức sống, sự tồn tại của
cộng đồng ấy. Tư tưởng này được Nguyen theo đuổi trong các tác phẩm của
mình, như trong The Refugees và The
Sympathizer, ông khắc hoạ sự xung đột ý thức hệ trong cộng đồng
người Việt với nhau; còn trong The Committed, mâu thuẫn
giữa người Việt và người Algeria giữa lòng nước Pháp cho thấy sự phức tạp của vấn
đề thực dân - thuộc địa không phải chỉ giữa nước thực dân và các nước thuộc địa,
mà là giữa các cộng đồng thuộc địa với nhau. Đó là tính đa dạng của căn tính sắc
tộc.
Phản ứng tất yếu của cộng đồng thiểu số trước sự thống trị
của nhóm đa số là xiển dương căn tính dân tộc mình, nhưng điều đó cũng có nghĩa
là dân tộc ấy tự rơi vào chính định kiến mà diễn ngôn từ nhóm thống trị gán
cho: cộng đồng ấy là thuần nhất, không có tính đa dạng. Đó là cái bẫy của chủ
nghĩa dân tộc. Vì vậy, Viet Thanh Nguyen hướng đến một cách nhìn khác: Vì “căn
tính chủng tộc là một mâu thuẫn”xi (Nguyen, 2002, tr.12) nên trước tiên và trên hết, “lai ghép” là bản
chất của chủng tộc này. Ở 1.3, chúng tôi đã bàn về căn tính lai ghép của cộng đồng
di dân, nhưng chủ yếu thể hiện ở lai ghép về sắc tộc. Với Viet Thanh Nguyen,
ông nhấn mạnh hơn là sự lai ghép về mặt ý thức hệ. Đó là phương cách Viet Thanh
Nguyen và những nhà văn cùng quan điểm với ông kháng cự lại chủ nghĩa dân tộc
trong cộng đồng di dân của mình và chống lại nạn phân biệt sắc tộc nơi diễn
ngôn của văn hoá thống trị. Góc nhìn này trở thành cách mà Nguyen xây dựng chân
dung nhân vật chính của mình trong The Sympathizer và The
Committed – một người mang hai tâm trí, đứng ở cả hai phe: đồng
minh của Mỹ và cộng sản. Thông qua sáng tác của mình, Nguyen muốn vượt qua vị
trí của một “nhà văn sắc tộc”, xoá bỏ những đường biên, nhất là đường biên về lịch
sử và chủng tộc.
Nói cụ thể hơn về trường hợp căn tính sắc tộc Việt, Viet
Thanh Nguyen thẳng thắn khi bày tỏ quan điểm: thế nào là một người Việt Nam
“đích thực” – qua suy tư về hình tượng “nhà” (home): “Nhà là nơi an ủi,
nơi mọi người luôn chào đón bạn, đảm bảo cho bạn có đủ đồ để ăn, biết cách gọi
tên bạn. Nhà là nơi mọi người hiểu bạn đủ để đặt bạn vào đúng chỗ, không thích
bạn, ghét bạn, chán ngán bạn, trút nỗi bực bội và cơn giận lên bạn. Bố mẹ tôi sống
và làm việc trong thế giới người Việt, và những người họ sợ nhất cũng lại là
người Việt. Đó là mặt trái của tính đích thực (authenticity)” (Nguyen, 2015b). Tính hai mặt của “nhà” – vừa là nơi trú ẩn an
toàn, vừa là nơi gây tổn thương – cũng là tính hai mặt của căn tính sắc tộc. Truyện ngắn War Years của Viet Thanh Nguyen (trong
tập Người tị nạn) gói gọn trong không gian của cộng đồng người
Việt xoay quanh tiệm tạp hoá New Saigon (gợi nhắc Little Saigon trong thực tế),
nhưng không gian cộng đồng này trở nên căng thẳng và chia rẽ bởi cuộc vận động
chính trị của bà Hoa. Bà Hoa thường xuyên đi vận động và quyên góp quỹ cho cuộc
chiến chống cộng sản trong cộng đồng mình, nếu ai không quyên góp thì bị xem là
thân cộng sản, không phải người Việt tị nạn “đích thực” (xuất phát từ định kiến
của chủ nghĩa dân tộc cực đoan: hễ là người Việt tị nạn từ sau 1975 thì phải
ghét cộng sản). Trong khi bà chủ tiệm New Saigon thì chống lại quan điểm này: “Tôi
không đưa cho bà xu nào đâu” - “Tôi cật lực kiếm tiền. Bà thì làm gì? Bà
chả làm gì ngoài ăn cắp và tống tiền, làm cho người ta nghĩ là họ vẫn có thể
chiến đấu cuộc chiến này” (Nguyen, 2017, tr.65). Dù kể chuyện về người Việt
trên đất Mỹ thời hậu chiến, câu chuyện lại có tựa đề là War Years -
“Những năm chiến tranh”; dù họ đã tái định cư ở nơi có thể gọi là “nhà”
với xung quanh là đồng bào mình, nhưng yên bình không đến.
Để vượt thoát khỏi việc định danh mình là người Việt đích
thực hay không đích thực, theo Nguyen, cần phải có cái nhìn liên đới với các cộng
đồng khác:
Họ
là một phần của cộng đồng Việt hải ngoại, nhưng cũng còn biết bao nhiêu người
khác nữa, với biết bao nhiêu ý tưởng, cảm giác, và cách nhìn cuộc sống khác […] Cho
nên, chúng ta hãy thử quên đi chữ “cộng đồng” và thay vào bằng “các cộng đồng”. Không
chỉ có một cộng đồng người Mỹ gốc Việt, mà có rất nhiều cộng đồng Mỹ gốc Việt,
cũng như không phải chỉ có một nước Mỹ, mà có đến 50 bang trong một Hợp chủng
quốc, và tầng tầng lớp lớp những cộng đồng nằm trong mỗi cộng đồng, cái nào
cũng có một câu chuyện cần phải kể ra (Nguyen,
2009)
Như vậy, khác với hầu hết nhà văn thế hệ 1 và một số nhà
văn thế hệ 1.5 thường gắn bó với tính dân tộc và xác lập tính xác thực cho căn
tính Việt trong tác phẩm của mình thông qua truyền thống văn hoá và sự xung đột
với chất Mỹ, Viet Thanh Nguyen chủ trương hướng đến tính phổ quát, vượt qua
khái niệm “căn tính” hạn hẹp gắn liền với “dân tộc” và “sắc tộc”, bằng cách khắc
hoạ cả mặt sáng và mặt tối của cộng đồng mình, và bằng cách miêu tả sự liên đới
với những cộng đồng khác, thay vì chỉ kể những câu chuyện trong không gian nội
bộ của cộng đồng. Mặt khác, không giống với một số nhà văn thế hệ 1.5 và 2 hướng
hẳn về căn tính Mỹ hay chủ trương “không viết về Việt Nam”, Viet Thanh Nguyen vẫn
khẳng định căn tính Việt của mình ở một đề tài quen thuộc nhưng với quan niệm mới:
đề tài về chiến tranh Việt Nam.
2.2. Quan điểm của Viet Thanh Nguyen về chiến
tranh Việt Nam
Dù là viết về Việt Nam hay Mỹ, dù là về những người tị nạn
hay con cháu họ, thì văn học di dân, theo quan điểm của Viet Thanh Nguyen, thường
gắn liền với chiến tranh: “dòng văn học này không
thể tránh khỏi chiến tranh, bởi vì dòng văn học này không
thể tách rời khỏi cộng đồng người Mỹ gốc Việt, vốn chỉ tồn tại nhờ chiến tranh”xii (Nguyen, 2016, tr.200). Đó là lí do tất cả tác phẩm hư cấu của Viet
Thanh Nguyen đều là về chiến tranh. Ít nhất cho đến hiện tại, khi mà tiếng
nói từ phía Việt Nam trong vấn đề chiến tranh vẫn chưa được lắng nghe đủ trên
thế giới (dù thua cả cuộc chiến, nhưng Mỹ lại thắng ở việc áp đặt góc nhìn của
mình về cuộc chiến này vào lịch sử thế giới – thứ nhất là do sức mạnh ngôn ngữ,
thứ hai là do sức mạnh kinh tế, hai điều mà Việt Nam đều yếu thế so với Mỹ) –
thì chiến tranh vẫn là mạch chính của dòng văn học di dân Việt Nam nói chung.
Ở 1.1, chúng tôi có nói về sự vận động về đề tài của văn
học di dân Mỹ Việt, đi từ lịch sử chiến tranh trong sáng tác thế hệ 1 đến những
câu chuyện cá nhân và khám phá nội tâm sâu hơn nơi thế hệ 1.5 và 2. Trong khi
đó, tác phẩm của Viet Thanh Nguyen cho thấy một dòng chảy ngược: Tuy thuộc thế
hệ 1.5, rời quê hương khi mới bốn tuổi, nhà văn lại chọn cách đối mặt trực diện
với lịch sử Việt Nam, khai thác đề tài chiến tranh để làm rõ căn tính cộng đồng
mình. Nhưng khác với thế hệ 1, Nguyen viết để hình dung lại căn tính của cộng đồng
vượt lên trên cái nhìn chủ nghĩa dân tộc; muốn thế thì phải bắt đầu từ chính cốt
lõi đã hình thành nên cộng đồng này – là chiến tranh.
2.2.1. Chiến tranh qua hình tượng
nhân vật
Để làm được nhiệm vụ kép, vừa khắc hoạ được căn tính cộng
đồng, vừa vượt ra khỏi tính dân tộc hạn hẹp, Nguyen xây dựng hình tượng “chủ thể
xấu”, là người tị nạn không kiểu mẫu, thay vì người nhập cư kiểu mẫu.
Thứ nhất là sự khác biệt giữa “người tị nạn” và “người nhập
cư”: Trong bài phỏng vấn cho tờ The Nation, Nguyen khẳng định: “Hãy
gọi tôi là người tị nạn, đừng gọi là người nhập cư”xiii (Wiener, 2018). Phát biểu này xuất phát từ một lập trường rõ ràng :
Theo Nguyen, người Mỹ muốn biến câu chuyện của những người tị nạn (do chiến
tranh) thành câu chuyện thành / bại của dân nhập cư; vì “tị nạn” là một mối đe
doạ đối với văn hoá - kinh tế Mỹ, trong khi “nhập cư” mang tinh thần hoà nhập
và hoà tan tốt vào văn hoá bản địa; mặt khác, câu chuyện “tị nạn” sẽ luôn nhắc
người Mỹ nhớ đến chấn thương về cuộc chiến mà họ đã gây ra (Nguyen, 2019,
tr.13-14). Khi kể những câu chuyện “tị nạn”, Viet Thanh Nguyen đã khắc sâu điều
mà nước Mỹ muốn lãng quên: cuộc chiến tranh Việt Nam : “Khi chúng ta nhớ về
những cuộc chiến buộc người dân phải chạy trốn […], thì
chúng ta có thể thấy rằng câu chuyện nhập cư, cốt lõi của văn hóa Mỹ, trong nhiều
trường hợp, phải được hiểu như một câu chuyện chiến tranh”xiv (Nguyen, 2016, tr.220). Bằng sự kháng cự đó, góc nhìn đó, cộng đồng
di dân Việt mới có được tiếng nói của mình. Tựa đề của tập truyện ngắn Người
tị nạn của Nguyen cùng những câu chuyện về ký ức, hồn ma, người tị
nạn trên biển và trên đất Mỹ là lời đáp trả của nhà văn với nước Mỹ, rằng cộng
đồng tị nạn có căn tính riêng và phải được nhớ đến vì những thương tổn từ chiến
tranh do nước Mỹ gây ra.
Thứ hai, vì muốn phản kháng diễn ngôn “thiểu số kiểu mẫu”
của nước sở tại, nên người tị nạn của Nguyen là những “chủ thể xấu”. Như nhân vật
chính trong The Committed tự nguyện trở thành một tay
xã hội đen chuyên bán ma tuý và môi giới mại dâm, với mục đích làm sa đoạ những
tay chính trị gia người Pháp, một ẩn dụ cho sự phản kháng kiểu hậu thực dân. Chọn
khai thác kiểu hình tượng này, nhà văn không chỉ tránh được diễn ngôn áp đặt từ
Mỹ và Pháp, mà cũng tránh được diễn ngôn phổ biến của cộng đồng di dân gốc Việ
t: thay vì nói về “tính xác thực” của cộng đồng, lại cho thấy những bức chân
dung “xấu”, không mang tính đại diện.
2.2.2. Chiến tranh qua góc nhìn và
giọng điệu
Bên cạnh những tác phẩm cùng đề tài chiến tranh Việt Nam
được viết từ người Việt Nam và người Mỹ, tác phẩm của Nguyen mang đến “góc nhìn lai ghép” vừa trong cuộc vừa ngoài cuộc, vừa Việt vừa Mỹ / hay Pháp, khiến
chiến tranh trong The Sympathizer và The
Committed không giẫm chân lên những đại diện kinh điển của
văn học viết về chiến tranh của hai nền văn học (như Nỗi buồn chiến
tranh của Bảo Ninh và Những thứ họ mang của
Tim O’Brien). Chẳng hạn nhân vật chính trong The Sympathizer và The
Committed : Ngay từ nhỏ anh đã bị loại trừ khỏi đồng bào mình vì
mang dòng máu lai giữa người cha Pháp là linh mục và người mẹ Việt Nam là một
người hầu. Mối tình cấm kị này là một ẩn dụ cho quá trình Việt Nam trong vai nạn
nhân, bị áp chế về thể xác và tinh thần bởi người Pháp, thủ phạm, thời kì thuộc
địa. Sau đó anh tiếp tục bị loại trừ khỏi các đồng chí cộng sản của mình vì bị
nghi ngờ theo phe Mỹ. Tính lai về dòng máu đã rất tự nhiên trở thành sự lai
ghép về ý thức hệ, khiến cả hai tiểu thuyết là hành trình nhân vật đi tìm căn
tính thật sự của mình : Trải qua đủ các sự kiện lịch sử gắn với các cuộc chiến
tranh Việt Nam hiện đại, cuối cùng nhân vật nhận thấy căn tính của mình là một
“người đồng cảm”, tức vượt lên trên mọi phe phái và hận thù. Khi chiến tranh được
nhìn ở góc đa diện thì căn tính con người trong cuộc chiến ấy đã vượt ra ngoài
chủ nghĩa dân tộc. Thế nên, chiến tranh không phải là một ký ức đơn nhất
được chia sẻ chung cho cộng đồng mỗi dân tộc. Chiến tranh trở thành câu chuyện
của nhiều mảnh ghép ký ức, chỉ khi đọc đầy đủ các mảnh ghép, ta mới hiểu bản chất
của chiến tranh. Quan điểm này, vì nhấn mạnh đến cái “vi lịch sử” của
từng cá thể, nên nó trái nghịch với khuynh hướng đi tìm một căn tính cộng đồng chung nhất và xác thực qua lịch sử chung.
Về giọng điệu, Viet Thanh Nguyen cũng chọn một cách biểu
đạt riêng, khác với bối cảnh chung. Theo Janette, văn học Mỹ Việt bằng tiếng
Anh mang giọng đồng cảm và hoà giải khi nói về nước Mỹ : “Có nỗi đau trong
các câu chuyện bằng tiếng Anh, nhưng nó được thể hiện như sự đồng cảm chứ không
phải là sự than thở. Có giận dữ, nhưng nó thường nhắm vào đế quốc Pháp hoặc
chính phủ miền Nam Việt Nam tham nhũng hơn là vào Mỹ. Suối nguồn tình cảm ở đây
không phải là lưu đày mà là hòa giải”xv (Janette, 2011, tr.xvii-xviii). Sự hoà giải này có thể được thể hiện
hiển ngôn như cách An trở thành Andrew (trong Catfish and Mandala của Andrew
X. Pham) hay ẩn dụ trong tình yêu đồng tính giữa Chó Con và cậu bạn da trắng
(trong Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của
Ocean Vuong). Riêng Viet Thanh Nguyen lại chọn giọng “giận dữ” nhắm thẳng
vào nước Mỹ, như ông nói trong một bài phỏng vấn:
“Ở
đó không có nhiều sự thịnh nộ, ít nhất là trong vài thập niên trở lại đây. Và nếu
có, thì cơn giận dữ hay thịnh nộ lại phải được hướng vào những kẻ không biết :
đất nước nguồn cội ở châu Á, gia đình châu Á, hay những kẻ gia trưởng châu Á.
Cho dù tất cả những điều đó đều quan trọng, tôi cảm nhận một sự ngần ngại – ngần
ngại bày tỏ sự tức giận đối với văn hóa Mỹ hay đối với nước Mỹ vì những gì họ
đã làm. Đó là lý do tại sao trong cuốn sách [The Sympathizer], tôi chọn một giọng
nói giận dữ hơn nhiều đối với văn hóa Mỹ và nước Mỹ” (Tran, 2016).
Cùng với góc nhìn và giọng phê phán này, nhà văn chỉ rõ
vai trò và tác động của chiến tranh Việt Nam tới nước Mỹ hiện đại, rằng nước Mỹ
không phải đã đi qua chiến tranh sau cuộc chiến tại Việt Nam. Chiến tranh không chỉ
là về quá khứ khốc liệt trên chiến trường hay về những tổn thương
thời hậu chiến, mà nước Mỹ đã tạo ra cả một bộ máy chiến tranh khổng
lồ bao trùm hầu hết các lĩnh vực xã hội: từ điêu khắc, xếp đặt, kiến trúc, điện
ảnh, tạo
thành “ngành công nghiệp” về cuộc chiến (Nguyen,
2016, tr.106). Việc “nuôi dưỡng” cái mà nhà văn gọi là “căn tính chiến tranh” nơi người Mỹ này đã khiến nước Mỹ thường trực có mặt trong các cuộc chiến
: từ
cuộc chiến ở Việt Nam, thế hệ thanh niên Mỹ lại rơi vào cuộc chiến ở Trung Đông – tuy mặt trận khác nhau, nhưng tính chất và góc tiếp cận các cuộc chiến
với tâm thế của một đại cường quốc mang lí tưởng anh
hùng thì dường như không khác mấy. Ở góc độ là một người Mỹ, có thể coi đó là thông điệp mà Viet Thanh Nguyen
muốn gửi đến nước Mỹ nói chung và người dân Mỹ nói riêng, qua tác phẩm của
mình.
Những tư tưởng này đã được Nguyen phần nào đưa vào sáng
tác văn học, qua ba tác phẩm hư cấu The Refugees, The
Sympathizer và The Committed. Trong bài nghiên cứu
này, chúng tôi chỉ ghi nhận đóng góp của Viet Thanh Nguyen về phương diện tư tưởng,
còn việc phân tích kĩ lưỡng tác phẩm của nhà văn, xin hẹn ở một công trình
khác.
Kết luận
Bằng phương pháp văn học sử, chúng tôi đã phác hoạ sự
phát triển của văn học di dân Mỹ Việt viết bằng tiếng Anh từ thế hệ 1
đến thế hệ 2 dưới góc độ căn tính. Đề tài căn tính đặc biệt quan trọng với
dòng văn học di dân Việt Nam khi gắn với lịch sử chiến tranh Việt Nam, giúp định
hình cộng đồng tị nạn, cộng đồng sắc tộc, thiểu số kiểu mẫu, chủ thể xấu ở Mỹ
thời kì hậu chiến. Trong bối cảnh văn học di dân Mỹ Việt viết bằng
tiếng Anh, quan điểm của nhà văn Viet Thanh Nguyen về các vấn đề căn tính sắc tộc,
chủ nghĩa dân tộc và chiến tranh Việt Nam đã góp thêm vào tiếng nói khẳng định
căn tính của cộng đồng di dân ở cả hai góc độ : góc độ hướng ra bên ngoài, để
phản kháng lại cái nhìn áp đặt của diễn ngôn đế quốc và thuộc địa, và góc độ hướng
vào bên trong, để vượt ra khỏi cái nhìn hạn hẹp, sắc tộc hoá của chính cộng đồng
mình. Những nội dung này là tiền đề để hiểu sâu sắc các sáng tác văn học của
nhà văn.
Nguyễn Hồng Anh & Phan Thu Vân
Trường
Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
-----------------
THAM KHẢO :
Bamberg,
M. (2009). Identity and Narration. In P. Hühn, J. Pier, W. Schmid & J. Schönert
(Eds.), Handbook
of Narratology (pp. 132-143).
Walter de Gruyter GmbH & Co KG.
Becker, D. (2021). Political Psychology: Identity
Development in a Traumatic Environment. In M. Bamberg, C. Demuth, & M.
Watzlawik (Eds.), The Cambridge Handbook of Identity (pp.
564-585). Cambridge: Cambridge University Press. doi: 10.1017/9781108755146.029
Berntsen, D., & Rubin, D. C. (2006). The
Centrality of Event Scale : A Measure of Integrating a Trauma into One's
Identity And Its Relation to Post-traumatic Stress Disorder Symptoms. Behaviour
Research And Therapy, 44(2), 219-231.
Burke, P. J & Stets, J. E. (2009). Identity
Theory. Oxford University
Press.
Bui,
T. (2017). The Best We Could Do: An Illustrated Memoir. New York: Abrams.
Erikson,
E. H. (1963). Childhood and Society. New York: Norton.
Espiritu,
Y. L. (2005). Thirty
Years AfterWARd: The Endings That are not Over. Amerasia
Journal, vol. 31, no. 2, xiii-xxiv.
Janette, M. (ed.) (2011). Mỹ Việt, Vietnamese
American Literature in English, 1962-Present. University of Hawai’i
Press.
Kenny,
K. (2013). Diaspora: A Very Short Introduction. New York: Oxford
University Press.
Lai,
T. (2013). Inside Out & Back Again. HarperCollins Publishers.
Lê, N. (2011). Con thuyền (The
Boat). Ha Noi:
Vietnam Writers’ Association
Publishing House.
Nguyễn, Vy Khanh (2005). Nhìn lại 30 năm văn học
hải ngoại (Looking
Back at 30 Years of Vietnamese Literature Abroad). Tạp chí Văn học (Literature Journal, California) (225), 3-27.
Nguyễn, Văn Trung (1995). Văn học Hải ngoại? (What is Vietnamese Literature
Abroad?). Tạp chí Văn học (Literature Journal, California) (112), 3-22.
Nguyen,
V. T. (2002). Race and Resistance: Literature and Politics in Asian
America. Oxford University Press.
Nguyen,
V. T. (2015a). The Sympathizer. New York: Grove Press.
Nguyen,
V. T. (2016). Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War.
Massachusetts: Harvard University Press.
Nguyen,
V. T. (2017). The Refugees. London: Corsair.
Nguyen,
V. T. (Ed.)
(2019). Kẻ ly hương (The Displaced: Refugee Writers on Refugee
Lives). Ho Chi Minh City:
Vietnam Writers’ Association
Publishing House.
Nguyen,
V. T. (2021). The Committed. New
York: Grove Press.
Pelaud,
I. T. (2011). This Is All I Choose to Tell: History and Hybridity in
Vietnamese American Literature (Vol. 231).
Philadelphia, PA: Temple University Press.
Pham,
A. X. (1999). Catfish
and Mandala: A Two-Wheeled Voyage Through the Landscape and Memory of Vietnam.
New York: Farrar, Straus and Giroux.
Tran,
Q. P. (1989). Exiles in the Land of the Free: Vietnamese Artists and
Writers in America, 1975 to the Present. Journal of the American
Studies Association of Texas, 20, 101-110.
NGUỒN
:
“ Văn
học Việt Nam ở hải ngoại: những vấn đề của sự phát triển hiện nay” (Vietnamese
Literature Abroad: Current Development Issues) by Anatoly Sokolov (2017)
The Gangster We Are All Looking For by Lê Thi Diem Thúy (2004)
“‘Call Me a Refugee, Not an Immigrant’: Viet Thanh Nguyen” by Jon Wiener (2018)
“Let’s Talk: On Art,
Communism and Controversy” by Viet Thanh
Nguyen (2009).
“Bàn về việc là/ không là người Việt Nam” by Viet Thanh Nguyen
(2015b)
“Sự
giận dữ trong tiểu thuyết của người Mỹ gốc Á: Cuộc phỏng vấn với tác giả Nguyễn
Thanh Việt” by Paul Tran (2016).
CHÚ THÍCH :
i “it has remained
difficult to find Vietnamese American texts, especially those written before
1995.”
ii “Kafkaesque
portrait of a Vietnamese exile since 1975 is that of a stranger totally lost
and alienated […] and doomed to eternal penance for making America his home.”
iii “were writing for their
existence, to be seen as who they are, not through misconceptions and
stereotypes.”
iv “In Vietnamese,
the word for water and the word for a nation, a country, and a homeland are one and the same: nu’ó’c.”
v “the problem of war
and memory is therefore first and foremost about how to remember the dead.”
vi “we
have to be willing to become tellers of ghost stories.”
vii “it seems also
clear for many Third World members of the diaspora that their sense of group
solidarity, of ethnic and national identity has been nourished in the milieus
of the immigrant, the refugee and the exiled. Here, identity is a product of
articulation”
viii Tiếng cười, mà cũng là nhại lại tên Ha (Hà) của cô bé – nhân vật chính.
ix “I now understand
when they make fun of my name,
yelling ha-ha-ha down the hall
when they ask if I eat dog meat,
barking and chewing and falling down laughing
when they wonder if I lived in the jungle with tigers,
growling and stalking on all fours […]
I understand
and wish
I could go back
to not understanding”
x “Our
cowboy says
our neighbors
would be more like neighbors
if we agree to something
at the Del Ray Southern Baptist Church.
I’ve
seen the church name
on a sign
where blaring yellow sun rays
spell
GOD.”
xi “racial
identity is a contradiction.”
xii “the literature cannot avoid the war, because the literature is inseparable
from the Vietnamese American population itself, which exists only because of
the war.”
xiii “Call me a refugee, not an immigrant.”
xiv “When we remember the wars that forced people to flee […] then we can see
that the immigrant story, staple of American culture, must actually be
understood, in many cases, as a war story.”
xv “There
is pain in the English-language narratives, but it is rendered as empathy not
lament. There is anger, but it is far more often directed at the imperialist
French or corrupt South Vietnamese governments than at the American one. The
emotional wellspring here is not exile but reconciliation.
No comments:
Post a Comment