Wednesday 28 August 2024

VIỆT NAM - QUYỀN LỰC TRONG TAY AI? (Trân Văn / Blog VOA)

 



Việt Nam - quyền lực trong tay ai? (phần 1)

Trân Văn

21/08/2024

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam---quyen-luc-trong-tay-ai-phan-1-/7751402.html

 

Một số thân hữu của ông Trương Huy San (nhà báo có bút danh là Huy Đức và blogger có nickname là Osin) vừa gửi tâm tình của họ về ông lên mạng xã hội nhân dịp ông tròn 62 tuổi [1].

 

https://gdb.voanews.com/DE5962B2-FBAC-4075-99C3-3E85F93B4329_cx0_cy0_cw73_w1023_r1_s.jpg

Hình bìa tác phẩm Bên Thắng Cuộc của nhà báo Huy Đức. Hình minh họa.

 

Huy Đức bị tạm giam hôm 7/6/2024 cùng thời điểm với ông Trần Đình Triển, trong vụ án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (Điều 331 BLHS) [2].

 

Khoảng một tháng sau ngày ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển bị bắt, viên đại tá đại diện cho Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) của Bộ Công an cho biết thêm: Hai người này đã có hành vi vi phạm pháp luật khi đăng các bài viết có nội dung vi phạm, xâm phạm quyền lợi của tổ chức, cá nhân. Đến nay, cả hai đã khai nhận hành vi phạm tội của bản thân. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật [3].

 

Huy Đức vốn là người thường xuyên bày tỏ suy nghĩ, nhận định về những vấn đề, sự kiện liên quan đến nhiều lĩnh vực tại Việt Nam (chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục). Trần Đình Triển cũng gần như thế nhưng họ không gặp rắc rối đáng kể nào. Không phải tự nhiên mà AP từng xem Huy Đức như... “thử thách giới hạn của tự do ngôn luận ở Việt Nam”. Gần đây, cả hai đã “xâm phạm quyền lợi của tổ chức, cá nhân” nào khiến công an phải khởi tố, tạm giam. Thậm chí còn... “mở rộng điều tra”?

 

                                                     ***

Nếu thử tìm đọc những gì Huy Đức đã viết ắt sẽ thấy, trong khoảng 40 năm cầm bút, nhà báo Huy Đức thường chỉ trình bày suy nghĩ, nhận định về vấn đề, sự kiện, rất ít khi chỉ trích nặng lời cá nhân nào đó.

 

Nhân vật duy nhất bị Huy Đức “chì chiết” suốt nhiều năm là ông Nguyễn Tấn Dũng (cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Thủ tướng Việt Nam). Đó cũng là một trong những lý do khiến Huy Đức bị phê phán “thiếu khách quan”. Có một điểm cần chú ý, Huy Đức đã chỉ trích ông Nguyễn Tấn Dũng từ khi ông Dũng còn tại chức.

 

Đầu thập niên 2010, sau khi ông Dũng “tái đắc cử” để tiếp tục đảm nhiệm vai trò Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa (2006-2016), Huy Đức đã khuấy động dư luận bằng “Ba khâu đột phá của Thủ tướng”...

 

Xin trích một số đoạn để hình dung điều mà một số người cho là “ân oán” giữa Huy Đức và ông Nguyễn Tấn Dũng đến từ đâu: “Không thể nghi ngờ khả năng sắp đặt nhân sự để thâu tóm quyền lực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng, nhìn hai trang báo đăng bài "nhậm chức" dày đặc chữ, mới thấy, ông làm Thủ tướng tới nhiệm kỳ thứ hai mà cũng không kiếm được người viết diễn văn biết cách phân biệt sự khác nhau trong ngôn ngữ của một chuyên viên cấp vụ với ngôn ngữ của một chính trị gia ở hàng nguyên thủ...

 

...Thật khó để gạch ra vài đầu dòng nói về đóng góp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong nhiệm kỳ đầu, nhất là về mặt chính sách. Nhưng, khác với những người tiền nhiệm của mình, Nguyễn Tấn Dũng đang có cả một nhiệm kỳ trước mắt. Đây có thể là cơ hội cuối cùng và cũng có thể là cơ hội bắt đầu để ông tiếp tục nắm quyền với vai trò Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nước... Việt Nam, xét về bản chất, không còn là ‘một quốc gia cộng sản mà chỉ là quốc gia độc đảng’. Trong thâm sâu, những người đồng nhiệm của ông Dũng không còn coi ý thức hệ là kim chỉ nam cho dù độc đảng vẫn là lẽ sinh tồn của họ. Nếu ông Dũng đòi xét lại định hướng xã hội chủ nghĩa, ông cũng sẽ bị tiêu diệt. Các đối thủ của ông sẽ chống ông không vì niềm tin mà vì đấy là công cụ tấn công mà không ai dám cãi. Nhưng, với tư cách Thủ tướng, ông Dũng có thể thuyết phục các đồng chí của mình ‘Giữ định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng thay vì lấy quốc doanh là chủ đạo thì phải chọn hiệu quả của nền kinh tế làm chủ đạo’...

 

Năm 2005, trước khi ông Nguyễn Tấn Dũng cầm quyền, khu vực quốc doanh tuy nắm 54,9% tổng số vốn sản xuất kinh doanh, 51% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn nhưng chỉ tạo ra 38,8% doanh thu, trong khi khu vực tư nhân chỉ chiếm 25% vốn sản xuất kinh doanh, 20,6% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chánh dài hạn nhưng đã tạo ra mức doanh thu chiếm 39,5%. Thế nhưng, năm 2006, thành phần kinh doanh kém hiệu quả này vẫn được ưu tiên, doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm giữ 75% tài sản cố định quốc gia, 20% vốn đầu tư xã hội, gần 50% vốn đầu tư của nhà nước và 60% tín dụng ngân hàng trong nước và 70% vốn vay từ nước ngoài. Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu chấp nhận kinh tế nhiều thành phần, chưa bao giờ khu vực kinh tế quốc doanh được coi là một khu vực kinh doanh hiệu quả. Không thể có cái gọi là chủ nghĩa xã hội như đức tin của một số người nếu những anh nắm nhiều nhất tài nguyên và vốn liếng quốc gia lại làm ra tiền ít nhất...

 

Tất nhiên, nếu ông Dũng muốn, việc thực hiện những điều tối thiểu này cũng không phải dễ dàng. Một nội các mà một số thành viên của nó đã phải chi phí rất nhiều để ngồi vào không thể sẵn sàng chia tay với quyền cấp từng tờ giấy phép. Nhưng, cũng như ‘Trần Văn Chắt, Nguyễn Thị Tèo’, đã lên tới đó thì đừng nghĩ tới mục tiêu kiếm chác. Thủ tướng cũng cần có sự ủng hộ của các thành viên trong gia đình. Đối với một dòng họ có một người ngồi trên ghế Thủ tướng tới hai nhiệm kỳ thì điều đáng tự hào là những gì người đó đã làm chứ không phải là lượng đất đai, cổ phiếu mà các thành viên trong gia đình nắm được [4].

 

Thực tế cho thấy, sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố giã biệt chính trường để trở về... “làm người tử tế”, di sản mà ông để lại là hàng loạt đại án, các viên chức cao cấp (như Đinh La Thăng,...), lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (như Trịnh Xuân Thanh,...) lũ lượt vào tù và không thể đếm xuể các “đại dự án” cũng như “dự án” của các tập đoàn nhà nước, tổng công ty nhà nước thất bại, thua lỗ do tham nhũng và kém cỏi. Cho dù không có thống kê chính thức nhưng có thể ước đoán tổng thiệt hại lên tới vài trăm ngàn tỷ đồng [5] [6]. Chỉ trích Nguyễn Tấn Dũng, phân tích, nhận định về hậu họa mà Nguyễn Tấn Dũng và phe nhóm tạo ra, liệu giờ đây có sẽ thành “tội”, vì... “thời thế đã thay đổi”?

 

(còn tiếp)

 

------------

Chú thích

[1] https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02bh4YE2Bevspeu3tLUMFCtLeH4X39kiwWbNDKrs97QFbLrvBAHhLRarAkKcBxPWaul&id=100001402346694

[2] https://tuoitre.vn/bat-ong-truong-huy-san-osin-huy-duc-va-ong-tran-dinh-trien-20240602083151396.htm

[3] https://vietnamnet.vn/bo-cong-an-dieu-tra-mo-rong-vu-an-lien-quan-ong-tran-dinh-trien-truong-huy-san-2299744.html

[4] https://danluanvn.blogspot.com/2011/08/huy-uc-ba-khau-ot-pha-cua-thu-tuong.html

[5] https://phapluat.tuoitrethudo.vn/toan-canh-12-dai-du-an-thua-lo-nghin-ti-cua-nganh-cong-thuong-19144.html

 

 

                                                          ***

Việt Nam - quyền lực trong tay ai? (phần 2)

Trân Văn

22/08/2024

https://www.voatiengviet.com/a/7752664.html

 

Trong mười năm làm Thủ tướng (2006 – 2016), bất kể sự can gián của các chuyên gia, ông Nguyễn Tấn Dũng đã dốc gần như toàn bộ nội lực quốc gia vào những dự án của các tập đoàn nhà nước và tổng công ty nhà nước. Khoản tiền chừng ba tỉ Mỹ kim rút từ công quỹ và các khoản vay ngoại quốc vừa trở thành giấy lộn, vừa tạo thêm nợ, vừa đặt chính quyền Việt Nam trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan” bởi “bỏ thì thương, vương thì tội”.

 

https://gdb.voanews.com/38FF63A8-95B0-4745-BEA5-44AF82FD7995_w1023_r1_s.jpg

Ông Nguyễn Phú Trọng (phải) và Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp Quốc Hội tháng Bảy, 2011. Hình minh họa.

 

Nếu từng theo dõi các diễn biến liên quan đến chính trị - kinh tế tại Việt Nam, người ta chẳng lạ gì những dự án “vang bóng một thời” như: Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai (tổng vốn đầu tư 5.147 tỉ nhưng đến năm 2015 mới có thể hoạt động song chưa bao giờ có thể chạy hết công suất vì đủ thứ trục trặc, hai tháng đầu 2019 lỗ 37.885 tỉ). Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình (tổng vốn đầu tư 12.000 tỉ, bắt đầu sản suất tháng 9/2012 nhưng đến đầu 2019 lỗ 118.419 tỉ do cứ hoạt động ít tháng lại phải tạm dừng vì đủ loại lý do). Dự án mở rộng – cải tạo Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc (tổng vốn đầu tư 10.122 tỉ, bắt đầu sản suất vào cuối 2015, năm 2016 lỗ lũy kế 1.717 tỉ, năm 2017 lỗ 611 tỉ và ngưng hoạt động nên năm 2018 chỉ còn lỗ... 340 tỉ). Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước (tổng vốn đầu tư 1.742 tỉ, sản xuất từ 4/2012 đến 4/2013 thì ngưng hoạt động vì thua lỗ tới mức âm vốn chủ sở hữu) [1]...

 

Theo thống kê, dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, riêng ngành Công Thương có ít nhất khoảng 16 đại dự án như vừa kể [2] và không chỉ có thế! Dưới thời ông Dũng còn có những scandal về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), khiến nhiều doanh nghiệp về lý, nếu không thuộc sở hữu nhà nước thì khi giải tư phải trở thành sở hữu của tập thể người lao động làm việc trong DNNN đó nhưng cuối cùng, những DNNN này bị định giá rẻ mạt, tạo điều kiện cho một số viên chức và thân nhân của họ thâu tóm. Có thể dùng trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa – Tổng giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, đến 2010 được ông Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm làm Thứ trưởng Công Thương, sau đó bà và thân nhân trở thành chủ Công ty ‘cổ phần’ Bóng đèn Điện Quang, đến 2020 bị truy nã [3] làm một trong những ví dụ minh họa bởi chắc chắn rất nhiều người còn nhớ.

 

Sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, thiên hạ bắt đầu kháo nhau về “chạy chức, chạy quyền” và sau đó, dù không muốn nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam miễn cưỡng thừa nhận đó là... “vấn nạn”, là “ung nhọt phổ biến, không chỉ gây nhiều hệ lụy trong công tác cán bộ, gây bức xúc trong dư luận xã hội mà còn làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào đảng và sự trong sạch, vững mạnh của đảng, đòi hỏi cần phải có vaccine đặc trị” [4].

 

Cũng từ thời ông Nguyễn Tấn Dũng, bất kể khuyến cáo của các chuyên gia, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam biến tăng trưởng GDP thành một thứ trang sức để chứng tỏ sự “sáng suốt” và “năng lực” của cả cá nhân lẫn hệ thống. Năm 2018, khi phân tích và lập lại khuyến cáo – đừng chạy theo GDP bằng mọi giá, bà Phạm Chi Lan – một chuyên gia kinh tế nhắc đến điều đã từng xảy ra lúc ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng: Khi nhận ra không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP của năm, chính phủ thúc ép hút thêm một triệu tấn dầu để bán bất kể giá dầu thế giới đang giảm rất mạnh. Tuy bán dầu trong bối cảnh đó sẽ lỗ nặng nhưng bán đi một triệu tấn đầu sẽ đẩy GDP lên. Tương tự, chính phủ bắt ngành than khai thác thêm than dù đang ứ đọng chín triệu tấn than. Chưa kể đến chuyện xào nấu dữ liệu để đạt yêu cầu [5]!

 

                                                          ***

 

Tháng 10/2012, BCH TƯ đảng CSVN khóa 11 (2011 – 2016) tổ chức hội nghị lần thứ sáu. Khi phát biểu bế mạc, ông Nguyễn Phú Trọng Tổng bí thư khiến thiên hạ ngỡ ngàng vừa vì công khai thừa nhận: Bộ Chính trị, Ban bí thư của khóa này có một số khuyết điểm lớn, đặc biệt là chưa ngăn chặn được tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

 

Đó là lần đầu tiên, một Tổng bí thư của đảng CSVN liệt kê cặn kẽ những khuyết điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư song việc nhấn mạnh những khuyết điểm của các tập thể này cho thấy mục đích chỉ nhằm xác định đó là ai: Việc một số cán bộ cao cấp cả đương chức và nguyên chức có lúc, có việc còn biểu hiện chưa gương mẫu về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình, nói không đi đôi với làm đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan lãnh đạo đảng, nhà nước và bản thân đồng chí đó. Chưa tập trung chỉ đạo làm rõ, đánh giá đầy đủ thực chất, tình hình để kịp thời có biện pháp kiên quyết, khắc phục một số tiêu cực như tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội... Một số trường hợp phân công đề bạt cán bộ chưa chính xác, chưa được dư luận đồng tình. Trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết và kết luận của trung ương, nhất là về DNNN còn lúng túng, buông lỏng, kiểm tra, giám sát không chặt chẽ dẫn đến một số tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước mà điển hình là VINASHIN, VINALINES hoạt động kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất lớn, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng. Một số hạn chế, khuyết điểm chưa được làm rõ thực chất, mức độ, địa chỉ cụ thể, ai phải chịu trách nhiệm như tình trạng chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm...

 

Đó cũng là lần đầu tiên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải dùng “khổ nhục kế”: Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước BCH TƯ về những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng đảng. Những suy thoái tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu... Để giữ nguyên kỷ luật trong đảng, góp phần giữ gìn uy tín, hình ảnh thiêng liêng của đảng và làm gương trong toàn đảng, Bộ Chính trị đã thống nhất 100% đề nghị BCH TƯ cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị. Tuy nhiên cả ông Trọng lẫn đa số thành viên cao cấp đang lãnh đạo đảng vẫn không thành công: BCH TƯ đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí Bộ Chính trị!

 

Thiên hạ tin rằng, sở dĩ lúc ấy, ông Trọng nghen ngào [6] vì ông và các đồng chí cùng phe đã phải dùng tới hạ sách, tự nguyện nhận kỷ luật đối với tập thể để có thể buộc “một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị” phải gánh trách nhiệm cá nhân nhưng vẫn thất bại. Sự bất lực của Tổng bí thư đảng CSVN và các thành viên cao cấp đang lãnh đạo đảng cho thấy, ông Nguyễn Tấn Dũng – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Việt Nam có đủ cả thế lẫn lực.

 

Cho dù ông Dũng rời chính trường năm 2016 và sau đó, nhiều cá nhân vẫn được xem là thân cận với ông Dũng, thăng tiến nhờ sự nâng đỡ của ông “thất cơ, lỡ vận”, không ít người rơi vào vòng lao lý nhưng ông Dũng không chỉ “bình an vô sự” mà các quý tử của ông vẫn có thể “thăng tiến thần tốc”. Điều đó cho thấy ông vẫn còn thực lực. Khi chính trường hỗn loạn, trong bối cảnh “long tranh, hổ đấu”, phe nào cũng có nhu cầu củng cố thực lực, đặc biệt là những xứ sở còn đặt nặng yếu tố vùng/miền như Việt Nam. Sau chuỗi “bàn ra, tán vào” vì cả miền Nam lẫn miền Trung đột nhiên cùng thất thế trong việc phân chia quyền lực trên bàn cờ chính trị hiện tại, sự xuất hiện trở lại hết sức khác thường của ông Nguyễn Tấn Dũng dường như nhằm xoa dịu, cân bằng dư luận. Nỗ lực đó không chỉ nhắm tới miền Nam mà còn... tranh thủ cả... miền Trung!

 

(còn tiếp)

 

Chú thích

[1] https://phapluat.tuoitrethudo.vn/toan-canh-12-dai-du-an-thua-lo-nghin-ti-cua-nganh-cong-thuong-19144.html

[2] https://vietnamnet.vn/diem-ten-them-loat-dai-du-an-nguy-co-lang-phi-chuc-ngan-ty-553849.html

[3] https://tuoitre.vn/truy-na-cuu-thu-truong-bo-cong-thuong-ho-thi-kim-thoa-20200713183934329.htm

[4] http://danvan.vn/Home/Dien-dan/10835/Vac-xin-dac-tri-chong-chay-chuc-chay-quyen

[5] https://tiasang.com.vn/dien-dan/khong-nen-chay-theo-gdp-bang-moi-gia-12563/

[6] https://www.youtube.com/watch?v=3eDG76-uK8g

 

 

                                                           ***

 

Việt Nam - quyền lực trong tay ai? (phần 3)

Trân Văn

28/08/2024

https://www.voatiengviet.com/a/7759195.html 

 

Tháng 1/2021, các đại biểu tham dự Đại hội đảng CSVN lần thứ 13 bấu 180 cá nhân vào BCH TƯ đảng khóa 13 (Ủy viên chính thức). Sau đó, các Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13 bầu 18 tân Ủy viên BCH TƯ vào Bộ Chính trị và chọn một số Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13 vào Ban Bí thư.

 

HÌNH :

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-5d78-08dc89a92e8e_cx0_cy9_cw0_w1023_r1_s.jpg

Luật sư Trần Đình Triển phát biểu tại một sự kiện của Đoàn Luật sư Hà Nội. (Hình: Facebook Trần Đình Minh Long)

 

Đến nay dù đã nhiều lần “bầu bổ sung” nhưng BCH TƯ đảng CSVN khóa 13 chỉ còn 151 Ủy viên chính thức. Bộ Chính trị cũng chỉ còn 15 Ủy viên, 5/15 Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm (1/3) thuộc diện “bầu bổ sung” (Lê Minh Hưng, Nguyễn Trọng Nghĩa, Bùi Thị Minh Hoài, Đỗ Văn Chiến, Lương Tam Quang) để thay cho bảy Ủy viên Bộ Chính trị bị buộc phải ra đi. Chưa bao giờ đảng CSVN gián tiếp xác định đã chọn lộn và phải chọn lại nhiều Ủy viên BCH TƯ và Ủy viên Bộ Chính trị ở mức cao như vậy.

 

Nếu đặt bảy Ủy viên Bộ Chính trị đã bị buộc phải ra đi (Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai, Phạm Bình Minh, Đinh Tiến Dũng, Trần Tuấn Anh) bên cạnh những Ủy viên Bộ Chính trị vẫn còn tại nhiệm, hẳn sẽ thấy, nhiều người trong số họ ít điều tiếng hơn.

 

Chẳng hạn trong số này, có bao nhiêu người khiến công chúng thất vọng hơn ông Nguyễn Hòa BìnhÔng Bình có 33 năm khoác áo công an, năm 2008 rời ngành công an với cấp bậc Thiếu tướng, Tổng cục phó Cảnh sát vì được điều động về quê làm Phó Bí thư rồi Bí thư Quảng Ngãi. Năm 2011, ông Bình tiếp tục được điều động làm Viên trưởng Kiểm sát Tối cao. Năm 2016 chuyển qua làm Chánh án Tòa Tối cao cho đến hôm qua thì trở thành Phó Thủ tướng [1].

 

                                                         ***

Khoảng hai tháng trước khi bị bắt, hôm 23/4/2024, ông Trần Đình Triển – Luật sư Trưởng Văn phòng luật Vì dân đưa lên Facebook status “Nguyễn Hòa Bình - Những cái nhất khi làm Chánh án”. Trong status này, ông Triển cho biết ông Bình từng là đồng môn đại học (Đại học An ninh), từng công tác cùng ngành (công an) nên “tôi hiểu biết Nguyễn Hoà Bình từ học hành, năng lực trình độ, sở trường, sở đoản, phẩm chất đạo đức và nhân cách…”.

 

Đó cũng là lý do ông Triển thống kê, nêu 11 “cái được” của ông Bình, trong đó có những “cái được” như từ khi ông Bình trở thành Chánh án Tòa án Tối cao (TATC) thì nhiều cấp tòa không cho người thân của bị cáo và đương sự cũng như nhân dân tham dự phiên xử dù Hiến pháp quy định mọi công dân đều có quyền tham dự, trừ trường hợp phiên xử được pháp luật quy định xử kín, hoặc vụ án có tính chất đặc biệt cần bảo vệ an ninh trật tự trong quá trình xét xử.

 

Theo ông Triển, một trong những “cái được” khác của ông Bình là dưới thời ông làm Chánh án TATC, các thẩm phán mạnh dạn đưa vào bản án kết luận: “Mặc dù có vi phạm về tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án...” bất chấp các quy định trong Bộ Luật hình sự và Tố tụng hình sự buộc phải trả hồ sơ điều tra lại hoặc hủy án nếu hội đồng xét xử nhận thấy có vi phạm loại nàyÔng Triển cũng xếp việc ông Bình bị nhiều người thuộc nhiều giới chỉ trích vì hệ thống toà án xét xử oan sai [2]...

 

Giống như nhiều Ủy viên BCH TƯ, Ủy viên Bộ Chính trị đã bị kỷ luật sau khi dư luận liên tục dậy lên thành bão vì gia đình, thân nhân của đương sự giàu có hay thăng tiến bất thường, trên Internet có rất nhiều thông tin liên quan đến gia đình và thân nhân ông Bình. Dẫu được đính kèm nhiều bản ảnh như bằng chứng song những thông tin loại này cũng chỉ là “tin đồn” [3]. Dường như ông Triển là người đầu tiên dùng tư cách cá nhân nêu ra những vấn đề có liên quan đến gia đình, thân nhân của ông Bình và tuyên bố tự nguyện cung cấp “một số chứng cứ bước đầu để các cơ quan có thẩm quyền của đảng và nhà nước xác minh làm rõ, xử lý đúng pháp luật” [4].

 

Ông Triển còn loan báo sẽ công bố những bằng chứng, chứng minh ông Bình đã “phát biểu sai, thiếu trung thực” [5] khi khẳng định: Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội [6].

 

Tuy trang Facebook của ông Triển đã bị đóng sau khi ông bị bắt nhưng nhiều người sử dụng mạng xã hội và theo dõi sát các diễn biến liên quan đến chính trị Việt Nam vẫn ghi nhận ông là người tấn công trực diện vào tư cách cá nhân và trách nhiệm của ông Nguyễn Hòa Bình đối với hiệu quả hoạt động của ngành tòa án. Đó cũng là lý do khiến không ít người bất ngờ trước việc ông Triển bị cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Khác với ông Trương Huy San, những gì ông Triển từng viết cho thấy ông tin đảng CSVN đang nỗ lực chống tham nhũng. Đó cũng là lý do trước nay, ông Triển không ngại bày tỏ sự ngưỡng mộ nỗ lực chỉnh đốn đảng của ông Trọng, nỗ lực thực thi pháp luật của ông Tô Lâm và xem việc chỉ trích, tố cáo ông Bình là thực thi trách nhiệm công dân, vai trò luật sư [7].

(còn tiếp)

 

-------------

Chú thích

[1] https://baochinhphu.vn/quoc-hoi-bau-chanh-an-vien-truong-phe-chuan-bo-nhiem-3-pho-thu-tuong-2-bo-truong-10224082609323398.htm

[2] https://www.facebook.com/vpluatsuvidan/posts/pfbid0KphngS8MzsGN2Kibj8awvupvF9hKbmGYyhx3xFbH45wrGkxEBENXGabAvt7QnPVKl

[3] https://bao-dong01.blogspot.com/2016/01/chi-mat-nhung-cong-ty-ma-cua-nguyen.html

[4] https://www.facebook.com/vpluatsuvidan/posts/pfbid0oCwroqEmGyxoKWFCeC9ehqdEgteR9Rm7DVadyHJQHez5KRC2xsj7fEpHB2eJ51qil

[5] https://thanhnien.vn/chanh-an-tand-toi-cao-chua-phat-hien-truong-hop-nao-bi-ket-an-oan-185240508113050256.htm

[6] https://www.facebook.com/vpluatsuvidan/posts/pfbid034qiYmMuL6iavxRQzopv6448mU2kMhtyVdNa5fkiNTznv5C6NtfHYdey9GrwcET3yl

[7] https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/ca-ngoi-nguyen-phu-trong-luat-su-tran-dinh-trien-van-bi-bat/

 

                                                              ***

 

 

Việt Nam - quyền lực trong tay ai? (phần 4)

Trân Văn

28/08/2024

https://www.voatiengviet.com/a/7759269.html

 

Tháng 3/2024, ông Võ Văn Thưởng bị loại ra khỏi Bộ Chính trị, thôi làm Chủ tịch Nhà nước (CTNN). Tháng 4/2024, tới lượt ông Vương Đình Huệ bị loại ra khỏi Bộ Chính trị, thôi làm Chủ tịch Quốc hội. Sáu tuần sau (16/5/2024), bà Trương Thị Mai chia sẻ số phận của ông Thưởng, ông Huệ và thôi làm Thường trực Ban Bí thư. Đến thời điểm đó, nhân số Bộ Chính trị chỉ còn 12/18 vì trước đó đã có ba người khác bị loại khỏi Bộ Chính trị (Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc).

 

https://gdb.voanews.com/F74E6E16-5816-4460-B0FF-F70121BDAAC5_w1023_r1_s.jpg

Ông Nguyễn Tấn Dũng thời còn làm thủ tướng. Hình chụp tháng Giêng, 2016, tại Hà Nội. Chỉ trong ba ngày từ 15/8/2024 đến 17/8/2024, thiên hạ thấy ông xuất hiện bên cạnh ông Tô Lâm hai lần.

 

Tuy Bộ Chính trị còn 12 thành viên nhưng theo Qui định 214-QĐ/TW thì chỉ còn ba cá nhân đủ “tiêu chuẩn” đảm nhận vai trò Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng là các ông Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính và Tô Lâm vì “tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên” mà không cần Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN quyết định là “trường hợp đặc biệt” [1]. Cũng vì vậy, sau khi bà Mai bị tước sạch mọi thứ, ông Tô Lâm mới có thể trở thành ứng viên duy nhất cho vai trò CTNN.

 

Nếu ngày 19/5/2024, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội còn hồn nhiên trả lời báo giới: “Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 chưa giới thiệu Bộ trưởng Bộ Công an vì thế Quốc hội chưa phê chuẩn hoặc miễn nhiệm chức danh này” [2] thì ba ngày sau (21/5/2024), trước phản ứng gay gắt từ nhiều giới về việc tại sao CTNN còn muốn kiêm nhiệm vai trò Bộ trưởng Công an, “đạo diễn” đã phải điều chỉnh “kịch bản”, ông Cường xin “bổ sung nội dung miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an” vào nghị trình [3].

 

Song chuyện chưa ngừng ở đó! ông Trần Quốc Tỏ (Thượng tướng, Thứ trưởng Thường trực của Bộ Công an) nhân vật được phân công làm Quyền Bộ trưởng Công an thay thế ông Tô Lâm [4] chỉ tại vị được... hai tuần. Ngày 6/6/2024, đột nhiên ông Lương Tam Quang (một Thượng tướng cũng là Thứ trưởng Công an, người trước nay vẫn được xem là tâm phúc của ông Tô Lâm) được Thủ tướng giới thiệu, Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Công an [5]. Từ khi có Cộng hòa XHCN Việt Nam, ông Quang là trường hợp đầu tiên được chọn làm Bộ trưởng Công an khi chưa phải là Ủy viên Bộ Chính trị. Hai tháng sau (16/8/2024), ông Quang tiếp tục được “bầu bổ sung” vào Bộ Chính trị [6] cho dù Qui định 214-QĐ/TW đã xác định, chỉ lựa chọn - đưa vào Bộ Chính trị những cá nhân đã có ít nhất một nhiệm kỷ làm Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN và ông Quang không đạt điều kiện này. Tại sao ông Quang trở thành “trường hợp đặc biệt”? Đến đó, kịch vẫn chưa đến cao trào.

 

Trong tháng 6/2024, còn một Thượng tướng, Thứ trưởng Công an là ông Nguyễn Duy Ngọc vốn cũng được xem là tâm phúc của ông Tô Lâm được điều động làm Chánh Văn phòng BCH TƯ đảng và hai tháng sau được bầu vào Ban Bí thư BCH TƯ đảng. Thêm một lần nữa, Qui định 214-QĐ/TW bị vô hiệu hóa. Nếu quy định này thật sự hữu dụng trong việc lựa chọn, sắp đặt nhân sự của BCH TƯ đảng, Ban Bí thư, Bộ Chính trị thì ông Ngọc không đủ “tiêu chuẩn” (Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư phải là Ủy viên BCH TƯ đảng trọn một nhiệm kỳ trở lên). “Chỉnh đốn” khiến các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên BCH TƯ đảng rụng như sung, kể cả những người đủ “tiêu chuẩn” để trở thành Tổng Bí thư, CTNN, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, thành viên Ban Bí thư,... Mặt khác, cũng chính “chỉnh đốn” tạo ra những cơ hội vừa nằm ngoài qui định, vừa nằm ngoài khả năng tưởng tượng của nhiều người về khả năng vươn cao bất thường của một số cá nhân vừa là tướng công an, vừa có nguyên quán là... Hưng Yên!

 

                                                       ***

 

Nếu đặt việc ông Trần Đình Triển bị tống giam bên cạnh các diễn biến về nhân sự trong vài tháng gần đây, sẽ rất khó có thể tìm cách lý giải khác, hợp lý hơn khả năng đó là một cuộc “trao đổi” nhằm đạt được sự... “thống nhất cao” về... “công tác nhân sự” chứa đựng hàng loạt yếu tố thuộc loại chưa từng có. Tương tự, việc dùng “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” để “cất” ông Trương Huy San vào “kho” dường như hết sức... “hợp cảnh”. Trong bối cảnh “công tác nhân sự” hỗn loạn khó lường như vừa lược thuật, để một cá nhân dám công khai bảo rằng: Việt Nam nên học Trung Quốc ở những điều họ đúng: Bộ trưởng công an không phải là Ủy viên Bộ chính trị. Có lẽ Đảng Cộng sản Trung Quốc coi công an là công cụ của Bộ Chính trị chứ không để Bộ Chính trị trở thành con tin của công an... đồng thời còn lưu ý: Không có quốc gia nào có thể phát triển bền vững dựa trên sự sợ hãi... tiếp tục tự do, rõ ràng là hết sức nguy hiểm cho... “đại cục”.

 

Nếu... “công tác nhân sự” không phức tạp tới mức không cần phải tỏ ra tôn trọng các qui định mang tính nền tảng về lựa chọn, sắp đặt nhân sự như Qui định 214-QĐ/TW, nếu những cá nhân mới được lựa chọn, sắp đặt thực sự “là hạt nhân quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị,” được toàn đảng, toàn dân “tin tưởng, tín nhiệm cao”, hẳn sẽ không có những sự kiện làm thiên hạ ngỡ ngàng, kiểu như, chỉ trong ba ngày từ 15/8/2024 đến 17/8/2024, thiên hạ thấy ông Nguyễn Tấn Dũng xuất hiện bên cạnh ông Tô Lâm hai lần. Lần thứ nhất là tại “Hội nghị với các đồng chí nguyên lãnh đạo đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm thông tin về tình hình những tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024” tại trụ sở BCH TƯ đảng CSVN ở Hà Nội [7]. Lần thứ hai là tại “Chương trình kỷ niệm 55 năm Công an nhân dân thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Công an TP.HCM” ở TP.HCM [8].

 

Ở lần thứ nhất, không ai biết vì sao khá nhiều “các đồng chí nguyên lãnh đạo đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” vắng mặt. Họ không được mời hay không muốn tham dự? Tương tự như vậy là lần thứ hai và lần này, hình ảnh ông Dũng ngồi bên cạnh đồng chí Tô Lâm (Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước) như nhân vật thứ hai của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã khơi dậy nhiều đồn đoán. Đáng lưu ý là ngay sau đó bắt đầu có một số cá nhân sử dụng mạng xã hội để “giải oan” cho ông Nguyễn Tấn Dũng. Thậm chí khẳng định ông Dũng có “nhân cách lớn”! Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam có thật sự “đoàn kết, thống nhất”. Vì lẽ gì chỉ “đoàn kết, thống nhất” với những điều có lợi cho ông Tô Lâm?

(còn tiếp)

 

--------------

Chú thích

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quy-dinh-214-QD-TW-2020-tieu-chuan-chuc-danh-can-bo-thuoc-dien-Ban-Chap-hanh-Trung-uong-433545.aspx

[2] https://laodong.vn/thoi-su/quoc-hoi-chua-phe-chuan-hoac-mien-nhiem-chuc-danh-bo-truong-bo-cong-an-1341846.ldo

[3] https://dangcongsan.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-hoi-se-mien-nhiem-chuc-vu-bo-truong-bo-cong-an-665525.html

[4] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/thu-tuong-giao-thu-truong-tran-quoc-to-dieu-hanh-hoat-dong-bo-cong-an-119240522113618475.htm

[5] https://dantri.com.vn/xa-hoi/thuong-tuong-luong-tam-quang-giu-chuc-bo-truong-cong-an-20240605224425097.htm

[6] https://tuoitre.vn/bo-truong-bo-cong-an-luong-tam-quang-duoc-bau-vao-bo-chinh-tri-20240815145326629.htm

[7] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-chu-tri-hoi-nghi-gap-mat-cac-dong-chi-lanh-dao-nguyen-lanh-dao-dang-nha-nuoc-119240815153325303.htm

[8] https://tuoitre.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-trao-tang-danh-hieu-cho-cong-an-tp-hcm-2024081710592191.htm

 

 

                                                                  ***

Việt Nam - quyền lực trong tay ai? (phần 5)

Trân Văn

29/08/2024

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam---quyen-luc-trong-tay-ai-phan-5-/7762720.html

 

https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-3610-08dcc784af80_w1023_r1_s.png

Ảnh chụp màn hình của báo spectator.sme.sk bài báo cho biết Văn phòng Công tố khu vực Bratislava đã hủy bỏ cáo buộc hôm 29/4/2024 đối với ông Tô Lâm.

 

Ngày 24/5/2024, ông Tô Lâm được Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam bầu làm Chủ tịch Nhà nước. Ngày 30/5/2024, hệ thống truyền thông ở Slovakia loan báo, Văn phòng Công tố khu vực Bratislava đã hủy bỏ cáo buộc hôm 29/4/2024 đối với ông Tô Lâm vì các Điều tra viên của Cơ quan phòng chống tội phạm Quốc gia (NAKA) đã có sai sót nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Đồng thời phía công tố đã yêu cầu Thanh tra cảnh sát của Bộ Nội vụ phải xử lý chuyện này vì đó là nơi thực hiện các thủ tục tố tụng đối với các hành vi tương tự. Theo báo chí Slovakia, ông Tô Lâm vẫn có nguy cơ bị phạt đến 15 năm tù nếu tiếp tục bị truy tố và bị kết án trong tương lai. Một chuyên gia pháp lý tên là Thomas Stremy, làm việc tại Đại học Comenius ở Bratislava bảo với báo giới, theo luật pháp quốc tế, việc ông Tô Lâm được bầu làm CTNN của Cộng hòa XHCN Việt Nam sẽ cho ông được hưởng quyền miễn trừ đối với nguyên thủ quốc gia trong quá trình đảm nhiệm vai trò này. Đó có thể cũng là lý do việc truy tố sẽ bị đình chỉ [1].

 

Tô Lâm – Bộ trưởng Công an Việt Nam không phải là nhân vật tên xa lạ với dân chúng Đức, đặc biệt là với dân chúng Slovakia. Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra vào tháng 7/2017 đã khiến Đức quyết định ngưng quan hệ ngoại giao với Việt Nam vì công an Việt Nam tổ chức bắt cóc trên lãnh thổ Đức, xâm phạm chủ quyền Đức. Đức đã trục xuất hai viên chức ngoại giao của Việt Nam vì dính líu đến vụ bắt cóc. Đến nay, Đức vẫn còn tiếp tục điều tra, truy cứu trách nhiệm những cá nhân đã “hoạt động gián điệp và hỗ trợ việc tước đoạt tự do của người khác”. Năm 2018, Nguyễn Hải Long - một người Việt cư ngụ ở Czech bị Đức phạt ba năm 10 tháng tù. Tháng 6/2022, Anh TL - một người Việt khác cũng cư trú ở Czech bị bắt và đến tháng 6/2022 Czech giải giao ông ta cho Tòa án Đức xét xử. Tháng 1/2023, thêm một người Việt cư trú ở Czech là Lê Anh Tú bị Tòa án Đức phạt năm năm tù... Cuộc điều tra và truy cứu trách nhiệm hình sự về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh của hệ thống tư pháp Đức vẫn còn tiếp diễn.

 

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh không chỉ đầu độc quan hệ giữa Việt Nam với Đức mà còn làm vẩn đục quan hệ giữa Việt Nam với Slovakia. Bởi có đủ bằng chứng về việc công an Việt Nam đã lén lút đưa Trịnh Xuân Thanh từ Đức sang Slovakia và ông Tô Lâm đã dùng danh nghĩa Bộ trưởng Công an Việt Nam mượn một phi cơ của Slovakia đưa ông Thanh sang Nga, rồi tiếp tục đưa ông Thanh từ Nga về Việt Nam, Đức đã yêu cầu Slovakia điều tra. Thủ tướng Slovakia hứa với dân chúng Slovakia và chính quyền Đức rằng ông sẽ yêu cầu một bản báo cáo chi tiết xem Slovakia có can dự vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hay không [2]... Tháng năm vừa qua, báo chí Slovakia cho biết, ngoài ông Tô Lâm, còn bảy công dân Việt Nam, trong đó có Quang Lê Hồng, cựu cố vấn của Thủ tướng Robert Fico, bị cáo buộc dính líu đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, bị NAKA khởi tố trước khi Văn phòng Công tố khu vực Bratislava hủy bỏ cáo buộc vì sai sót nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.

 

Trên bình diện quốc tế, ông Tô Lâm không chỉ nổi tiếng về việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh! Tháng 11/2021, báo chí ngoại quốc đưa tin ông dùng “bò dát vàng 24K” khi đến London do đích thân đầu bếp Nusret Gokce người Thổ Nhĩ Kỳ phục vụ. Trong những tin liên quan đến sự kiện này, các cơ quan truyền thông ngoại quốc không quên lưu ý, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, thu nhập bình quân của một người Việt chỉ khoảng 184 Mỹ kim/tháng, trong khi bữa “bò dát vàng 24K” mà ông Tô Lâm thưởng thức tối thiểu phải trên 1.000 Mỹ kim [3]. BBC có trụ sở ở London thì cho biết cặn kẽ hơn – bữa ăn mà ông Tô Lâm đã dùng có giá từ 1.140 Mỹ kim đến 2.015 Mỹ kim [4]. Trước sự phẫn nộ của công chúng, cuối tháng 11/2021, ông Võ Văn Thưởng trấn an: Nếu cán bộ có khuyết điểm, sai lầm, uy tín giảm sút thì trước hết là khuyến khích từ chức. Đồng thời cũng phải tạo ra áp lực chính trị của tổ chức đảng và cơ quan để cán bộ từ chức khi uy tín giảm sút, không chờ hết nhiệm kỳ [5]. Hai tuần sau, ngày 9/12/2021, tại một hội nghị thảo luận về việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng, ông Nguyễn Phú Trọng nói khơi khơi: Con người cũng có không ít tật. ‘Kém một miếng không chịu được’. ‘Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu’. Vì vậy, thường rất khó, rất phức tạp. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của đảng và sự tồn vong của chế độ [6]... Tuy nhiên không rõ vì sao ông Tô Lâm vẫn tiếp tục đi tiên phong trong công cuộc “chống tham nhũng, tiêu cực” để... “chỉnh đốn đảng”?

 

                                                   ***

 

Năm 2014, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone xúc tiến việc mua lại cổ phần của Công ty Nghe nhìn Toàn cầu (AVG). Thương vụ này bị một số thành viên Mobifone tố cáo khắp nơi nhưng không có bất kỳ cá nhân hay cơ quan hữu trách nào làm gì cả. Đến tháng 8/2016, Thủ tướng Việt Nam khi ấy là ông Nguyễn Xuân Phúc mới quyết định giao cho Thanh tra của chính phủ (TTCP) thanh tra vụ nhận chuyển nhượng cổ phần này. Dù Tổng Bí thư và Ban Chỉ đạo phòng - chống tham nhũng liên tục đốc thúc nhưng TTCP vẫn không công bố Kết luận Thanh tra (KLTT). Thế rồi ngày 12/3/2018, Mobifone và AVG đột nhiên nhất trí hủy thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Hai hôm sau – 14/3/2018 – TTCP công bố Kết luận chính thức về cuộc thanh tra vụ AVG chuyển nhượng cổ phần cho Mobifone. Theo đó, giá trị thực của AVG chỉ chừng 1.900 tỉ đồng và nhiều bên, trong đó có Bộ TTTT, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an… cùng tham gia, để AVG nâng giá trị của doanh nghiệp này lên 7.000 tỉ nữa.

 

Tình tiết AVG chủ động hoàn lại cho Mobifone 8.900 tỉ trước khi TTCP chính thức công bố kết luận rõ ràng là có... đạo diễn lành nghề giúp sức! Nhờ chủ động từ bỏ khoản chênh lệch lên tới 7.000 tỉ trước khi TTCP công bố KLTT hai... ngày, cho nên dù là chủ mưu, ông Phạm Nhật Vũ (Chủ tịch Hội đồng Quản trị AVG) chỉ bị phạt ba năm tù. Còn những viên chức cao cấp như Nguyễn Bắc Son (Ủy viên BCH TƯ đảng, cựu Bộ trưởng TTTT) bị phạt tù chung thân, Trương Minh Tuấn (Ủy viên BCH TƯ đảng, Bộ trưởng TTTT) bị phạt 14 năm tù, Lê Nam Trà (Chủ tịch HĐTV Mobifone) bị phạt 23 năm tù, Cao Duy Hải (Tổng Giám đốc Mobifone) bị phạt 14 năm tù! Đáng lưu ý là trong KLTT vụ Mobifone dùng công quỹ mua 95% cổ phần của AVG với giá cao hơn giá trị thực 7.000 tỉ, TTCP xác định, việc Bộ Công an phát hành ba văn bản: “Công văn 4352/BCA-A81 ngày 08/12/2014, Công văn 418/BCA-TCAN ngày 9/3/2015, Công văn 2889/BCA-A61 ngày 21/12/2015”  “không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định” [7].

 

Những công văn vừa kể đã mở đường cho Mobifone mua AVG với giá cao bởi Bộ Công an cho là “hạ tầng truyền dẫn phát sóng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị”, nếu AVG muốn chuyển nhượng thì doanh nghiệp nhà nước phải nhận chứ không thể để nhà đầu tư ngoại quốc nắm những cổ phần này. Nếu chịu khó dành thời gian ngó qua ba công văn của Bộ Công an mà TTCP đề cập, hiện có trên trang web của Tiếng Dân [8] tất sẽ nhận ra sự can dự của Thượng tướng Tô Lâm. Có công văn tính từ lúc Bộ TTTT ký đến khi trải qua quá trình tiếp nhận – phân loại – trình cho cá nhân có thẩm quyền ở Bộ Công an xem xét - chỉ đạo - soạn văn bản trả lời – ký tên, đóng dấu chỉ vỏn vẹn... bốn ngày. Sự can dự còn được thể hiện ở chỗ, bất kể nơi phát hành là A61, A81 hay Tổng cục An ninh thì Thượng tướng Tô Lâm vẫn là người đặt bút ký tên. Chưa kể, không có ai, nơi nào dám dòm ngó, bình phẩm về thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG vì Thượng tướng Tô Lâm xếp nó vào loại “Mật” hoặc “Tối mật” .

 

Không phải tự nhiên mà trong KLTT, TTCP kiến nghị: Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Công an trong việc tham mưu ban hành ba văn bản tham gia ý kiến với Bộ TTTT nêu tại điểm 6 Mục II. Trên thực tế, đến giờ, khó mà kể hết những viên chức đủ cấp không bị xử lý hình sự thì cũng bị kỷ luật vì đã ký những văn bản mở đường cho tham ô, nhũng lạm gây hậu quả nghiêm trọng dù hệ thống tư pháp không thể chứng minh đương sự có tư lợi nhưng điều này không xảy ra với Thượng tướng Tô Lâm, cho dù cứ lật lại vụ án Mobifone – AVG tự nhiên sẽ thấy, trách nhiệm của ông tương đương với các bị án. Bản chất những “vi phạm, khuyết điểm” của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên BCH TƯ đã bị xử lý có khác gì với hành vi của ông Tô Lâm trong scandal Mobifone mua 95% cổ phần của AVG? Liệu sẽ có lúc hành vi ấy trở thành... “vi phạm, khuyết điểm”? Quyền lực ở Việt Nam không trong tay nhân dân nhưng trong tay ai? Vì sao lại thế?

 

---------------------------

Chú thích

 

[1] https://spectator.sme.sk/c/23336677/vietnamese-president-charges-slovakia.html

[2] https://spectator.sme.sk/c/20815700/german-media-vietnam-kidnapping-throughout-slovakia.html?ref=av-right

[3] https://www.abc.net.au/news/2021-11-06/salt-bae-gold-leaf-steak-vietnam-security-minister-to-lam/100599898

[4] https://www.bbc.com/news/world-asia-59174383

[5] https://tuoitre.vn/lam-sao-de-can-bo-khong-dam-khong-the-khong-can-khong-muon-tham-nhung-20211123141221495.htm

[6] https://vietnamnet.vn/nhung-cau-noi-tham-thia-cua-tong-bi-thu-trong-nam-2021-805787.html

[7] https://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/Thanh-tra-Chinh-phu-cong-bo-ket-luan-thuong-vu-MobiFone-mua-AVG-131455.html

[8] https://baotiengdan.com/2022/12/27/su-nghiep-cua-hai-pho-thu-tuong-pham-binh-minh-va-vu-duc-dam-cham-dut-phan-2/






No comments:

Post a Comment

View My Stats