Friday 30 August 2024

VỤ BẮT ÔNG CHỦ CỦA TELEGRAM ĐANG ĐE DỌA NỀN TẢNG TRUYỀN THÔNG THỐNG TRỊ VỀ CUỘC CHIẾN Ở UKRAINE (Anatoly Kurmanaev, từ Berlin   |   New York Times)

 



NỘI DUNG :

 

NYT: Vụ bắt ông chủ của Telegram đang đe dọa nền tảng truyền thông thống trị về cuộc chiến ở Ukraine  

Anatoly Kurmanaev, từ Berlin   |   New York Times

.

Pháp : Tư pháp chuẩn bị quyết định số phận tiếp theo của ông chủ Telegram  

Anh Vũ  -  RFI

.

Vụ bắt giữ ông chủ Telegram, một cảnh cáo của Liên Âu đối với tỉ phú Elon Musk, chủ nhân mạng X ?

Trọng Thành  -  RFI

 

======================================================

.

.

NYT: Vụ bắt ông chủ của Telegram đang đe dọa nền tảng truyền thông thống trị về cuộc chiến ở Ukraine  

Anatoly Kurmanaev, từ Berlin   |   New York Times

Cù Tuấn, biên dịch

29-8-2024  08:47    

https://www.facebook.com/cutuan4/posts/pfbid0MYTo5z3Nq7c7pDGwbCmhXBZ8iubPMzzbu3Yq4qBT4yQsmUgWBSPAzJJZ2MP755nql

 

Tóm tắt: Việc bắt giữ nhà sáng lập Telegram đã làm nổi bật vị thế to lớn của ứng dụng nhắn tin này trong cuộc chiến đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II.

----

 

Việc bắt giữ Pavel Durov, người sáng lập ứng dụng nhắn tin Telegram, tại Paris vào ngày 24.8 đã làm dấy lên câu hỏi về tương lai của một nền tảng vốn đóng vai trò định hình nhận thức của công chúng về cuộc chiến của Nga tại Ukraine.

 

Cuộc xâm lược của Nga năm 2022 đã giúp biến Telegram từ một công cụ giao tiếp chuyên biệt dành cho tầng lớp trí thức của Nga thành một hiện tượng toàn cầu. Ứng dụng này đã cho phép hàng triệu người theo dõi diễn biến chiến trường gần như theo thời gian thực, biến những người lính thành người kể chuyện về cuộc xung đột đang diễn ra xung quanh họ và trao cho cả những người tuyên truyền và những người bất đồng chính kiến một sân khấu để thể hiện trong cuộc đấu tranh giành trái tim và khối óc của những người theo dõi cuộc chiến.

 

Telegram được ông Durov cùng anh trai thành lập vào năm 2013. Các công tố viên Pháp cho biết Durov, một công dân Pháp gốc Nga, đã bị bắt giữ liên quan đến cuộc điều tra được mở vào tháng trước về hoạt động tội phạm trên ứng dụng này và tình trạng thiếu hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật.

 

Theo Trung tâm Levada, một tổ chức thăm dò ý kiến độc lập của Nga, hiện nay cứ hai công dân Nga thì có một người sử dụng Telegram để lấy thông tin hoặc giao tiếp với người khác, tăng từ mức khoảng 38 phần trăm vào đầu cuộc chiến.

 

Nhiều người Nga đã chuyển sang ứng dụng nhắn tin này để biết tin tức về cuộc chiến sau khi Điện Kremlin cấm hầu hết các nền tảng truyền thông xã hội lớn khác của phương Tây tại quốc gia này, bao gồm Facebook và Instagram. Chính phủ Nga cũng đã đóng cửa một số tờ báo, trang web, đài phát thanh và truyền hình độc lập, và bỏ tù hàng trăm người vì đặt câu hỏi về cách truyền thông Nga tường thuật chính thức về cuộc chiến.

 

Theo một cuộc thăm dò do Levada thực hiện vào tháng 4, cứ bốn người Nga thì có một người đọc các bảng tin công cộng của Telegram, mà được gọi là các kênh, để có được góc nhìn chân thực hơn về cuộc chiến. Năm năm trước, con số đó chỉ là 1 phần trăm.

 

Những người khác bị thu hút bởi tính năng mã hóa mạnh mẽ và cài đặt quyền riêng tư của ứng dụng này, khiến nó trở thành phương tiện hấp dẫn để truyền đạt thông tin nhạy cảm trong thời điểm kiểm duyệt và đàn áp gia tăng ở Nga.

 

Sự kết hợp giữa lượng người dùng lớn của Telegram và tính bảo mật được cho là của nền tảng này đã khiến nó trở thành công cụ truyền thông được ưa chuộng ở Nga đối với cả những người ủng hộ và những người phản đối cuộc xâm lược.

 

Các nhà báo độc lập hiện đang sống lưu vong đã sử dụng ứng dụng này để tiếp tục đưa tin về cuộc chiến và thông báo cho khán giả Nga về thiệt hại của nó. Những người hâm mộ quân sự Nga và nhà phân tích dữ liệu vệ tinh trước đây ít được biết đến đã thu hút hàng triệu người theo dõi trên Telegram sau cuộc xâm lược, và họ trở thành trọng tài quan trọng để nêu ý kiến về diễn biến của cuộc chiến. Những người tình nguyện Nga đã sử dụng ứng dụng này để gây quỹ cho quân đội Nga và giúp sơ tán các dân thường bị kẹt trong cuộc chiến.

 

Telegram cũng đã trở thành một nguồn thông tin chiến tranh nổi bật ở Ukraine. Ví dụ, nhiều người Ukraine đã chuyển sang sử dụng Telegram để cảnh báo không kích, được coi là nhanh hơn ứng dụng chính thức của chính phủ Ukraine.

 

Nhưng có lẽ điều đáng nói nhất là những người lính tiền tuyến đã chuyển sang dùng Telegram để ghi lại cuộc sống và cái chết của họ. Việc này đã thay đổi bản chất của cách thông tin lan truyền trong thời chiến. Việc Telegram không hạn chế nội dung bạo lực có nghĩa là ứng dụng này đã trở thành cổng thông tin cho một số video chiến đấu ghê rợn nhất, phơi bày thực tế của cuộc chiến tranh thế kỷ 21, nơi máy bay không người lái và máy quay đeo trên người đã tạo ra một số lượng cảnh quay thời gian thực khổng lồ chưa từng có.

 

Binh lính Nga cũng thường xuyên sử dụng Telegram để trao đổi thông tin quân sự với nhau. Việc này đã nhấn mạnh cách thức chiến tranh ở Ukraine được tiến hành bằng sự kết hợp giữa công nghệ quân sự và thương mại, bao gồm cả máy bay không người lái và bộ định tuyến Starlink.

 

“Cho đến nay, Telegram có lẽ đã trở thành phương tiện chính để chỉ huy và kiểm soát các đơn vị quân đội”, một nhóm các nhà phân tích quân sự Nga ủng hộ chiến tranh, được gọi là Rybar, đã viết trên Telegram sau khi ông Durov bị bắt giữ.

 

Rybar nói thêm rằng việc bắt giữ ông Durov đã cho thấy nhu cầu của Nga trong việc phát triển các kênh liên lạc quân sự an toàn hơn.

 

Sức mạnh định hình câu chuyện về cuộc chiến của Telegram đã trở nên rõ ràng vào mùa hè năm 2023, khi lãnh chúa Nga Yevgeny V. Prigozhin sử dụng ứng dụng nhắn tin này để công bố — và sau đó tường thuật — cuộc nổi loạn ngắn ngủi của ông chống lại bộ chỉ huy quân sự Nga. Hàng triệu người ở Nga và nước ngoài đã xem trên Telegram hình ảnh và video về đoàn xe bọc thép của ông Prigozhin tiến về Matxcơva, trong khi các kênh truyền hình của đất nước này tập trung phát các chương trình giải trí thường lệ.

 

Việc bắt giữ ông Durov hiện đang đe dọa vị thế của Telegram như là phương tiện truyền thông chính thống đưa tin về cuộc chiến.

 

Một số nhà phân tích cho biết việc bắt giữ ông có thể làm phức tạp thêm hoạt động gây quỹ của công ty, gây ra nghi ngờ về khả năng tài chính trong tương lai của công ty này. Những người khác đã bày tỏ lo ngại về tính bền vững của các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư của Telegram sau khi phương tiện truyền thông Pháp đưa tin rằng các cơ quan thực thi pháp luật của nước này đang tìm cách truy cập vào cơ sở dữ liệu các cuộc trò chuyện riêng tư trên ứng dụng này.

 

Một kênh Telegram của Nga có quan hệ mật thiết với các cơ quan tình báo nước này, có tên là Baza, đã đưa tin vào ngày 26.8 rằng các quan chức an ninh Nga đã nhận được chỉ thị yêu cầu xóa ứng dụng này khỏi điện thoại của họ.

 

Margarita Simonyan, một giám đốc truyền thông nhà nước Nga và là một nhà tuyên truyền nổi tiếng, đã viết trên Telegram vào ngày 25.8 rằng: "Bất kỳ ai đã quen sử dụng Telegram cho các cuộc trò chuyện và tin nhắn nhạy cảm phải xóa ngay lập tức và đừng làm như vậy trong tương lai".

 

Chính phủ Nga đã từng cố gắng đẩy mọi người ra khỏi Telegram trước đây, một phần vì sợ cung cấp thông tin an ninh quốc gia nhạy cảm cho công ty do ông Durov điều hành. Nhưng nỗ lực năm 2018 nhằm chặn quyền truy cập vào ứng dụng này hầu như là vô ích, và chính phủ Nga đã từ bỏ những nỗ lực này vào hai năm sau đó.

 

Kể từ đó, Telegram đã trở thành kênh truyền thông chính thức của chính phủ Nga.

 

Ảnh: https://www.facebook.com/photo?fbid=122140464908323532&set=a.122095297286323532

Durov, ông chủ Telegram, chụp tại San Francisco 2014

 

--------------------------------------

.

.

Pháp : Tư pháp chuẩn bị quyết định số phận tiếp theo của ông chủ Telegram  

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 28/08/2024 - 11:54  -  Sửa đổi ngày: 28/08/2024 - 14:45

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20240828-ph%C3%A1p-t%C6%B0-ph%C3%A1p-chu%E1%BA%A9n-b%E1%BB%8B-quy%E1%BA%BFt-%C4%91%E1%BB%8Bnh-s%E1%BB%91-ph%E1%BA%ADn-ti%E1%BA%BFp-theo-c%E1%BB%A7a-%C3%B4ng-ch%E1%BB%A7-telegram

 

Lệnh tạm giữ ông chủ của mạng Telegram, Pavel Durov, với 12 cáo buộc hình sự liên quan đến tội phạm có tổ chức, hết hiệu lực ngày hôm nay, 28/2028 và có thể tiếp nối bằng một quyết định khởi tố. Điều này có nguy cơ làm dấy lên nhiều phản ứng phẫn nộ trên thế giới.

 

HÌNH :

Ảnh minh họa : Ông chủ Telegram, Pavel Durov, tại Mobile World Congress, ở Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 23/02/2016. REUTERS - Albert Gea

 

Ông Durov bị bắt giữ hôm 24/08 tại phi trường Le Bourget, ngoại ô Paris. Theo luật của Pháp, việc giam giữ kéo dài tối đa 96 giờ và hết hiệu lực ngày hôm nay. Các thẩm phán thụ lý vụ việc phải quyết định, hoặc trả tự do hoặc chuyển ông qua tòa tư pháp để khởi tố.

Vụ bắt giữ Pavel Durov đã làm dấy lên những phản ứng gay gắt trên thế giới. Ông chủ Telegram đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhân vật nổi tiếng như Edward Snowden, người tố giác hệ thống theo dõi thông tin của an ninh Mỹ hiện định cư tại Nga, hay Elon Musk, ông chủ của mạng X.

 

Vụ bắt giữ  Pavel Durov được chính quyền Nga đặc biệt quan tâm với những lo ngại nhất định. Thông tín viên RFI tại Matxcơva Jean-Didier Revoin cho biết thêm thông tin :

 

Theo phát ngôn viên Điện Kremlin, các cáo buộc nhằm vào Pavel Durov là cực kỳ nghiêm trọng. Dmitri Peskov hy vọng Pháp có thể đưa ra nhưng chi tiết chứng cứ đúng với các cáo buộc nhắm vào người sáng lập, ông chủ của mạng Telegram. Nếu không có thì theo quan điểm của ông, đây chỉ là vụ bắt giữ mang động cơ chính trị, điều mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phủ nhận.

 

Nhìn chung, điều mà chính quyền Nga dường như lo ngại đó là các quốc gia khác có thể lấy được các khóa mã hóa tin nhắn, vì về mặt chính thức, Mastxcơva cũng chưa bao giờ có được. Thách thức lớn là nhân viên của toàn bộ cơ quan chính quyền đều sử dụng Telegram để trao đổi các tin nhắn cá nhân cũng như trong công việc.

 

Từ khi nổ ra cuộc xung đột với Ukraina, mạng tin nhắn đã trở nên hữu ích để thu thập các thông tin từ mặt trận hai phía. Tin nhắn qua Telegram là một mỏ thông tin mà hàng chục blogger quân sự khai thác và chỉ cần thêm vào hình ảnh của riêng họ. Do đó, người ta có thể tưởng tượng rủi ro phát sinh khi xóa bỏ tính bảo mật của việc trao đổi tin nhắn.

Có lẽ vì lý do đó mà từ khi xảy ra vụ bắt giữ ông chủ của Telegram, Matxcơva nhắc đi nhắc lại sẵn sàng mọi hỗ trợ cần thiết cho Pavel Durov, nếu ông cần.

 

Ấn Độ mở điều tra

Vụ bắt giữ Pavel Durov tại Pháp cũng đã gây tác động đến tận Ấn Độ. Trên cơ sở sự kiện diễn ra tại Pháp, bộ Nội Vụ Ấn Độ thông báo mở cuộc điều tra về ứng dụng nhắn tin được mã hóa để tìm hiểu xem liệu Telegram có vi phạm luật pháp nước này hay không. Chính phủ của Narendra Modi, vốn thường xuyên tìm cách kiểm soát mạng xã hội, đã không loại trừ việc cấm Telegram.

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHÂN TÍCH

Vụ bắt chủ nhân mạng Telegram: Điện Kremlin rúng động, người chống Putin lo ngại

 

NGA - PHÁP - MẠNG XÃ HỘI

Bắt giữ ông chủ Telegram, Nga lên án Pháp “độc tài” dưới vỏ bọc tự do

 

PHÁP - NGA - MẠNG XÃ HỘI

Pháp bắt giữ ông chủ mạng Telegram, tỉ phú song tịch Pháp - Nga Pavel Durov vì "dung túng tội phạm"

 

 

===================================================.

.

.

Vụ bắt giữ ông chủ Telegram, một cảnh cáo của Liên Âu đối với tỉ phú Elon Musk, chủ nhân mạng X ?

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 28/08/2024 - 15:59Sửa đổi ngày: 28/08/2024 - 20:58

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240828-v%E1%BB%A5-b%E1%BA%AFt-gi%E1%BB%AF-%C3%B4ng-ch%E1%BB%A7-telegram-m%E1%BB%99t-c%E1%BA%A3nh-c%C3%A1o-c%E1%BB%A7a-li%C3%AAn-%C3%A2u-%C4%91%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-t%E1%BB%89-ph%C3%BA-elon-musk-ch%E1%BB%A7-nh%C3%A2n-m%E1%BA%A1ng-x  

 

Tối ngày 23/08/2024, cảnh sát Pháp bắt giữ ông chủ mạng Telegram, Pavel Durov, với gần một tỉ người sử dụng tại một phi trường gần Paris. Vụ việc gây chấn động : Lần đầu tiên lãnh đạo một mạng xã hội quy mô lớn như vậy bị bắt giữ tại châu Âu. Một trong những người lên tiếng phản đối đầu tiên và mạnh mẽ nhất là tỉ phú Mỹ Elon Musk, nhân danh bảo vệ quyền tự do ngôn luận. 

 

HÌNH :

Ông chủ mạng X Elon Musk. © Czarek Sokolowski / AP

 

Nhưng vấn đề không chỉ liên quan riêng đến quyền tự do ngôn luận. Truyền thông Pháp ghi nhận việc tạm giữ ông chủ Telegram cũng là một ‘‘cảnh cáo’’ của Liên Âu gửi đến ông chủ của mạng xã hội X nổi tiếng, với các cáo buộc liên quan đến những hoạt động vi phạm pháp luật quy mô lớn được dung túng trên mạng xã hội này. 

 

                                                         ** *

 

Vì sao nói đây là một cảnh cáo của Liên Âu đối với Elon Musk ? 

 

Vụ bắt giữ Pavel Durov diễn ra vào dịp tròn một năm ngày Ủy Ban Châu Âu ra Quy chế giám sát kỹ thuật số châu Âu, gọi tắt là DSA - Digital Services Act (ngày 25/08/2023). Đây là các quy định buộc các mạng xã hội có quy mô hơn 45 triệu người sử dụng hàng tháng tại Liên Âu phải tuân thủ các đòi hỏi của Liên Âu về giám sát và minh bạch, nhằm bảo vệ môi trường thông tin trên mạng. 

 

Kể từ tháng 12/2023, mạng X (tức Twitter cũ) bị Ủy Ban Châu Âu chính thức mở điều tra, đặc biệt liên quan đến hai mảng chính. Thứ nhất là việc ‘‘không tuân thủ các nghĩa vụ trong việc chống lại các nội dung bất hợp pháp và các hoạt động bóp méo thông tin’’ và thứ hai là nghĩa vụ ‘‘tuân thủ tính minh bạch’’. Ngày 12/07/2024 vừa qua, về mảng ‘‘minh bạch’’ trong cuộc điều tra này, Ủy Ban Châu Âu đã đưa ra một nhận định sơ bộ, theo đó mạng xã hội này đã vi phạm nhiều quy định DSA của châu Âu, trong đó có quy định về minh bạch trong lĩnh vực quảng cáo, cũng như việc tạo điều kiện để giới điều tra truy cập các dữ liệu. 

 

 

Musk - đối thủ hàng đầu của Cơ chế giám sát kỹ thuật số châu Âu DSA 

 

Hiện tại, theo nhật báo kinh tế Les Echos, dẫn lời một số người thân cận với ủy viên châu Âu phụ trách thị trường Nội Địa, Thierry Breton, cuộc điều tra của Ủy Ban Châu Âu đang trong ‘‘giai đoạn đối chất’’. Các luật gia của mạng X đang tiếp cận với toàn bộ các bằng chứng mà Ủy Ban Châu Âu thu thập được, và sẽ phải chuẩn bị các phản hồi. Trong những tuần tới, và có thể những tháng tới, Ủy Ban Châu Âu sẽ phải đưa ra các quyết định cuối cùng, rất có thể là với một án phạt tiền kèm theo. 

 

Về mảng thứ nhất, ‘‘chống lại các nội dung bất hợp pháp và các hoạt động bóp méo thông tin’’, theo Les Echos, kể từ khi Liên Âu chính thức mở điều tra, mạng xã hội X của tỉ phú Elon Musk đã có một số hợp tác, đặc biệt trong giai đoạn bầu cử Nghị Viện Châu Âu, đầu tháng 6/2024. Một trong các kết quả thấy rõ tác động của quy định DSA của châu Âu đến X là mạng xã hội này đã hoãn tung ra GROK, tức dịch vụ Trí tuệ nhân tạo trên X, đến sau kỳ bầu cử châu Âu. Dịch vụ Trí tuệ nhân tạo này bị nghi ngờ là phương tiện phát tán tin giả, tin bịa đặt quy mô lớn. Theo ủy viên phụ trách Thị trường Nội Địa Liên Âu, thái độ hợp tác của mạng X sẽ được xem xét thích đáng. Kết quả sơ bộ về mảng điều tra các nội dung bất hợp pháp và bóp méo thông tin sẽ được công bố trong những tháng tới. 

 

 

Án phạt 6% doanh thu toàn cầu… và mạng có nguy cơ bị đình chỉ 

 

Trên thực tế, bất chấp một số nhân nhượng, theo giới quan sát, mạng xã hội của tỉ phú Elon Musk vẫn tỏ ra rất cứng rắn với Liên Âu. Ngày 12/08/2024, ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội địa gửi một công văn đến ông chủ mạng X để nhắc nhớ về vấn đề này. Đáp lại cảnh báo của Liên Âu, Elon Musk tung lên mạng X ‘‘những lời lẽ miệt thị’’. Căng thẳng giữa Liên Âu và mạng X được công chúng chú ý theo dõi. Công văn của ủy viên châu Âu gửi tỉ phú Mỹ thu hút đến 95 triệu người xem chỉ trong ít ngày. 

 

Hệ quả cuộc đọ sức này có thể rất lớn. Bởi về nguyên tắc, án phạt đối với một công ty vi phạm quy định DSA của Liên Âu có thể lên đến 6% doanh thu toàn cầu hàng năm, 6% tiền phạt nói trên không phải chỉ của riêng mạng X, mà của công ty mẹ, tức bao gồm doanh thu của hãng xe hơi Tesla, và công ty vũ trụ SpaceX…. Nếu tái phạm, theo quy định của châu Âu, mạng xã hội liên quan có thể bị ngừng hoạt động tại thị trường 450 triệu người tiêu dùng của châu Âu.  

 

Theo giới quan sát, Pavel Durov và Elon Musk được ghi nhận như là hai ông chủ mạng xã hội có quan điểm tương đồng về chủ trương bảo vệ tuyệt đối các hoạt động trên mạng xã hội, nhân danh tự do ngôn luận, gần như bất hợp tác với đòi hỏi hợp tác, từ phía chính quyền các nước. Tuy nhiên chủ trương này cũng bị cáo buộc là dung dưỡng như hoạt động thông tin phạm pháp đủ loại trên mạng, từ gieo rắc tin giả, thù hận. Vụ cảnh sát Pháp bắt giữ Pavel Durov, ông chủ mạng Telegram, để điều tra về các cáo buộc ‘‘đồng lõa’’ về các hành động phạm pháp trên mạng, chỉ gần hai tuần sau phản ứng khinh thường của chủ nhân mạng X đối với đại diện của Liên Âu, được nhiều người ghi nhận là một cảnh cáo gián tiếp nhắm vào tỉ phú Mỹ.  

 

 

Mạng X ‘‘gần như bất khả xâm phạm’’ và cuộc bạo động bài ngoại ở Anh 

 

Sau gần một năm Liên Âu ban hành các quy định giám sát các mạng xã hội DSA, theo ghi nhận của Ủy Ban Châu Âu tình hình đã được cải thiện một phần. Khoảng 20 tập đoàn lớn, với các mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Linkedln, … các nền tảng tìm kiếm như Google, hay mạng thương mại điện tử, như Amazon… đã hợp tác. Tuy nhiên, mạng X vẫn được coi là một thách thức lớn. 

 

Nhiều nhà quan sát nói đến tình trạng mạng X được dung túng đến mức ‘‘gần như bất khả xâm phạm’’. Trong cuộc bạo động bài ngoại dữ dội chưa từng có tại Anh từ 13 năm nay, bùng lên hồi tháng 7 – đầu tháng 8/2024, mạng xã hội của tỉ phú Elon Musk bị truyền thông Anh và giới chuyên gia mạng cáo buộc đã góp phần đáng kể vào việc thổi bùng lên ngọn lửa thù hận. Mạng X bị tố cáo là không gian ngôn luận tự do của giới khủng bố, ấu dâm, và các thành phần cực hữu, theo cáo buộc của Imran Ahmed, giám đốc tổ chức phi chính phủ Anh quốc về phòng chống hận thù trên mạng CCDH.  

 

Tuy nhiên, chính quyền Anh hiện gần như thúc thủ trước mạng X, bởi thiếu các quy định pháp lý. Trường đấu chống lại việc lợi dụng các mạng xã hội vào các hoạt động phạm pháp giờ đây diễn ra trước hết tại châu Âu. Theo giám đốc ONG phòng chống hận thù trên mạng, Elon Musk là một doanh nhân, chắc chắn ông ta biết phải cân nhắc làm gì có lợi, để có thể tiếp tục các hoạt động kinh doanh tại châu Âu. 

 

--------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHÂN TÍCH

Vụ bắt chủ nhân mạng Telegram: Điện Kremlin rúng động, người chống Putin lo ngại

 

CHÂU ÂU - TWITTER

''Chim sổ lồng'' Twitter của Elon Musk phải ''bay theo quy tắc'' của EU

 

TRUNG QUỐC - AN NINH QUỐC GIA MỸ

Elon Musk và Trung Quốc, mối liên hệ nguy hiểm cho an ninh Mỹ ?

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats