Friday 30 August 2024

TÔNG DU ĐÔNG NAM Á và BỐN THÔNG ĐIỆP CỦA GIÁO HOÀNG PHANXICÔ (RFI)

 



Tông du Đông Nam Á và bốn thông điệp của giáo hoàng Phanxicô

 RFI

Đăng ngày: 29/08/2024 - 10:28

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20240829-t%C3%B4ng-du-%C4%91%C3%B4ng-nam-%C3%A1-v%C3%A0-b%E1%BB%91n-th%C3%B4ng-%C4%91i%E1%BB%87p-c%E1%BB%A7a-gi%C3%A1o-ho%C3%A0ng-phanxic%C3%B4

 

Từ ngày 03-13/09/2024, Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ thăm bốn nước Đông Nam Á và châu Đại Dương, bao gồm Indonesia, Papua New Giunea, Timor Leste và Singapore. Chuyến đi dài nhất này, gần 33 ngàn cây số, đi qua 4 quốc gia và 2 châu lục, diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn 10 ngày, đặt ra nhiều câu hỏi về tính khả thi cho vị giáo hoàng đã 87 tuổi, phải đi lại bằng xe lăn và có nhiều vấn đề về sức khoẻ.

 

HÌNH :

Ảnh tư liệu: Giáo hoàng Phanxicô trong cuộc gặp với tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh (P) trong chuyến thăm Mông Cổ ngày 02/09/2023. AP - Remo Casilli

 

Thông tin này đã được hoan nghênh không chỉ từ các Giáo hội Công Giáo ở các nước này, mà từ cả các lãnh đạo chính quyền và lãnh đạo các tôn giáo khác. Chuyến đi của Đức giáo hoàng Phanxicô đang được mọi người ở các nước này mong đợi.

 

Điều đáng tiếc là trong chuyến tông du này, Việt Nam không nằm trong số các điểm đến của Ngài bất chấp những chuyển biến trong năm nay : Việt Nam vừa cho phép Tòa thánh đặt văn phòng đại diện thường trực, cũng như việc tiếp xúc đều đặn của « tổ công tác hỗn hợp » giữa Tòa Thánh và Việt Nam để tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Phải chăng các nước được chọn trong chuyến tông du này đều có mục đích? Linh mục Phạm Hoàng Dũng, từ Liège, Bỉ giải thích:

 

Theo lịch trình công bố của Phòng báo chí Vatican, Đức Phanxicô sẽ có 4 bài diễn văn chính thức và khoảng 16 bài giảng trong các thánh lễ. Chuyến đi này còn là cơ hội để Tòa Thánh bày tỏ những quan điểm của mình : Từ ngày lên địa vị giáo hoàng, Đức Phanxicô luôn kêu gọi những mục tử, những người hợp tác với ngài trong chức giám mục, linh mục đi đến các vùng ngoại vi (périphérie) để loan báo Tin mừng.

 

Khái niệm vùng ngoại vi trong ngôn ngữ châu Âu dùng để chỉ nơi kết thúc của một thành phố, thường là những khu dân cư phức tạp, nơi mà nạn nghèo đói và các tệ nạn xã hội lan tràn. Và vì thế những con người của Đức Ki-tô phải đi đến và hiện diện ở những nơi đó để trình bày Tin mừng của Chúa.

 

Nhưng vùng ngoại vi không chỉ giới hạn về mặt địa lý, mà nó còn mở rộng ra cả không gian chính trị, tôn giáo và kỹ thuật công nghệ, nơi mà các tôn giáo gặp gỡ để cùng xây dựng thế giới, nơi các chính sách chính trị không loại trừ con người và công nghệ mới không phá hủy nhưng xây dựng thế giới tốt đẹp hơn.

 

Chuyến đi Mông Cổ năm 2023 là một ví dụ điển hình cho chủ trương này của Ngài. Gặp gỡ với các tôn giáo đặc trưng của Mông Cổ, Đức Phanxicô đã kêu gọi hợp tác gìn giữ và phát triển văn hoá bản sắc, nhất là sự bền vững của thảo nguyên nơi cộng đồng nhân loại cùng sinh sống.

 

 

Indonesia và khẩu hiệu « Đức tin-Tình Huynh đệ-Lòng Cảm thương »

Chuyến đi đến các nước châu Á đã được chuẩn bị từ năm 2020 cùng với những chuyến đi đến các nước Phi châu. Hai lục địa này có số tín hữu gia tăng không ngừng và có thể nói đây là tương lai của Giáo hội Công giáo.

 

Thủ đô Jakarta sẽ là điểm dừng đầu tiên. Ngài là vị giáo hoàng thứ ba, sau Đức Phaolô VI (1970) và Đức Gioan-Phaolô II (1989) đặt chân đến Indonesia, quốc gia lớn nhất, đông dân nhất Đông Nam Á và có tín đồ Hồi giáo đông nhất thế giới 270 triệu người, tức chiếm đến 87% dân số Indonesia, trong khi số người theo Ki-tô giáo chiếm khoảng 11%.

 

Theo Hồng y Ignatius Suharyo Hardioatmodjo, giáo phận Jarkarta, hai tổ chức Hồi giáo lớn nhất nước này là Muhammadiyah và Nahdlatul Ulama, « rất cởi mở và khoan dung ». Chính vì điều này, ban tổ chức đã lấy khẩu hiệu Đức tin-Tình Huynh đệ-Lòng Cảm thương (Faith-Fraternity-Compassion) làm chủ đề cho chuyến thăm.

 

Nhân chuyến thăm này, đường hầm Terowongan Silaturahmi dài 28,3m sẽ được tổng thống Joko Widodo khánh thành trong tháng Tám này. Đường hầm nối liền Nhà thờ Chính toà Đức Mẹ Mông Triệu và Đền thờ Hồi giáo Istiqlal lớn nhất Đông Nam Á. Đây chính là biểu tượng cho cơ hội bắc cầu đối thoại với Hồi giáo tại đất nước vạn đảo.

 

 

Papua New Guinea và những yếu tố bất ổn

Papua New Guinea, nơi Đức Phanxicô từng hy vọng viếng thăm năm 2020 nhưng bị đại dịch Covid-19 ngăn trở, sẽ là chặng dừng chân thứ hai, nhưng đây cũng là một điểm đến chứa đựng nhiều yếu tố bất ổn.

 

Thứ nhất, Vị khâm sứ Toà thánh, người gánh vai trò chính trong việc chuẩn bị cho chuyến đi, chỉ mới được bổ nhiệm hồi tháng 3/ 2024 sau khi vị trí này bị để trống một thời gian dài.

Kế đến, từ đầu năm nay, bạo lực và bất ổn xã hội bùng phát và diễn tiến theo hướng trở nên trầm trọng. Vào tháng giêng 2024, việc cắt giảm lương của các nhân viên an ninh và đề xuất thay đổi thuế đã làm bùng phát bạo lực ở nhiều thành phố tại một đất nước có khoảng 10 triệu dân, làm hơn 22 người thiệt mạng. Thủ tướng Lames Marape đã phải ban hành tình trạng khẩn cấp trong 14 ngày. Sự việc này, theo Hồng y John Ribat, “đã phá hủy tất cả những gì mà người dân Papua New Guinea đã xây dựng trong suốt 49 năm sau khi giành độc lập”.

 

Thêm vào đó là xung đột giữa các bộ lạc trên những vùng cao nguyên, gây chết chóc ngày càng nhiều do sự gia tăng sử dụng các vũ khí hiện đại. Những vùng cao nguyên này xa xôi hẻo lánh, nhưng có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, kể cả vàng.

 

Nhưng bất ổn tại Papua New Guinea còn nảy sinh giữa những nhóm theo Ki-tô giáo (bao gồm Công giáo, Tin lành). Theo điều tra, có 98% người Papua New Giunea tự nhận theo Ki-tô giáo. Vì thế, những người theo Tin Lành đã vận động để thay đổi Hiến pháp theo đó Papua New Guinea sẽ là nước Ki-tô giáo. Nhưng các nhóm Công giáo chống đối; xem hành động này là “lỗi thời và gây rối loạn xã hội”. 

 

Hội đồng giám mục nước này đã gửi một lá thư chỉ trích đến Ủy ban Cải cách Hiến pháp và luật pháp : “Mặc dù Papua New Guinea đã có Kinh thánh trong Hạ viện từ năm 2015 và tự hào rằng có hơn 90% là người theo đạo Thiên chúa, chúng tôi không thấy có sự giảm bớt nào về tham nhũng, bạo lực, tình trạng vô luật pháp và hành vi xúc phạm trong các cuộc tranh luận của Quốc Hội”.

 

Ủy ban chuẩn bị hy vọng sẽ không xảy bất ổn có thể dẫn đến việc phải hủy bỏ chuyến đi. Papua New Guinea là một quốc gia biển đảo bị ảnh hưởng trầm trọng do biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán và mực nước biển dâng cao. Những chủ đề này gần gũi với Đức Phanxicô, sẽ được nêu lên khi Ngài đề cập đến vấn đề “chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta” như đã nói đến trong thông điệp Laudato si’ và tông huấn Laudate Deum.

 

 

Đông Timor và những nghịch lý của chuyến đi

Đông Timor, còn được gọi là Timor-Leste, nổi bật trong bốn điểm dừng chân trong chuyến đi của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Dân số 1,3 triệu người của quốc gia này là 97% theo Công giáo. Đông Timor tách ra khỏi Indonesia từ năm 2002, nên có thể nói đây là vị giáo hoàng thứ hai đến nước này, vì đức Gioan-Phaolo II đã đến thủ đô Dili vào năm 1989.

 

Cộng đoàn công giáo Đông Timor mang dấu ấn của Đức cha Carlos Filipe Ximenes Belo, giám mục của hòn đảo, người đoạt giải Nobel Hòa Bình do vai trò của ngài trong việc giành độc lập, nhưng sau đó bị tố cáo đã lạm dụng tình dục một số trẻ em địa phương.

 

Khoảng 700.000 người - hơn một nửa dân số - dự kiến ​​sẽ dự Thánh lễ của Giáo hoàng vào ngày 10 tháng 9 tại thủ đô Dili.

 

Tuy nhiên, việc chi ra đến 12 triệu đôla để đón tiếp giáo hoàng đã gây ra nhiều chỉ trích, vì 42% dân số Đông Timor sống dưới mức nghèo đói,không đủ lương thực. Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), Đông Timor đang phải đối diện với những thách thức nghiêm trọng về an ninh lương thực. Lạm phát thì cao và biến đổi khí hậu thì đã làm giảm sản lượng ngũ cốc, đẩy khoảng 364.000 người ( 27% dân số ) vào tình trạng thiếu thốn lượng thực nghiêm trọng từ tháng 5 đến tháng 9.

 

Những người chống đối còn cáo buộc chính phủ của thủ tướng Xanana Gusmão ưu tiên cho các nghi lễ mà không quan tâm đến các ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Mặc dù vậy, hầu hết người Công giáo đều vui mừng về chuyến thăm của Đức Giáo hoàng.

 

 

Singapore: Cửa ngõ để vào Trung Quốc ?

Chặng cuối của chuyến đi của Đức Phanxicô sẽ là Singapore,  nơi mà cách nay 38 năm vào năm 1986 đức Gioan-Phaolo II đã từng đặt chân đến.

 

Ban tổ chức đã lấy khẩu hiệu Hiệp nhất và hy vọng (Unity Hope) làm chủ đề cho chuyến viếng thăm. Theo báo chí, Singapore như cách cửa mở vào vùng đất rộng lớn là Trung Quốc, vì Singapore có cộng đồng người Hoa theo Công giáo đóng vai trò quan trọng cả về chính trị và kinh tế.

 

Singapore còn là một trung tâm tài chính và công nghệ không chỉ của vùng Đông Nam Á mà của cả thế giới. Ngày cuối cùng ở Singapore, Đức giáo hoàng sẽ gặp gỡ và chúc lành cho những người cao tuổi sống tại Saint Joseph’s Home và Villa Francis Home, sau đó là cuộc gặp với các giáo sĩ và tu sĩ cao tuổi trước khi có cuộc gặp khác với giới trẻ.

 

Điều đó như là một thông điệp về một xã hội phát triển nhưng không gạt sang bên lề những con người “khác”: người già, người thiếu phương tiện…

 

 

An ninh: Vấn đề hóc búa

Đảo quốc Singapore được coi là một trong những quốc gia ổn định nhất thế giới về mặt chính trị. Nhưng ngay cả ở đây, chặng cuối trong chuyến thăm của Giáo hoàng, vẫn có những rủi ro.

 

Mối đe dọa chính không đến từ bên trong thành phố thịnh vượng với khoảng năm triệu dân, mà từ khu vực rộng lớn hơn. Tại nước láng giềng Malaysia, nơi có phần lớn dân số theo đạo Hồi, các nhóm chiến binh dự trù tổ chức các cuộc biểu tình phản đối chuyến thăm của Giáo hoàng từ ngày 11 đến 13/09. Tại nước này, trạng tâm lý chống Israel gia tăng mạnh trong bối cảnh cuộc chiến ở Gaza.

 

Aruna Gopinath, từng là giáo sư tại Đại học Quốc phòng Malaysia, đã thẳng thắn nói với UCA News rằng "Giáo hoàng đã chọn sai thời điểm để đến [Singapore]".

 

"Với việc Singapore được coi là ủng hộ Israel, chuyến thăm của Giáo hoàng chắc chắn sẽ kích động các nhóm ủng hộ Hồi giáo cực đoan", bà nói. "Cần phải có sự quan sát toàn diện ở Malaysia".

 

Các chuyên gia khác nhấn mạnh khả năng xảy ra một cuộc tấn công đơn độc, như ở Indonesia, do những cá nhân bị kích động từ các tổ chức như Nhà nước Hồi giáo hoặc al-Qaeda.

 

Một báo cáo đánh giá mối đe dọa được công bố trong năm nay cho biết "mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy một cuộc tấn công sắp xảy ra, nhưng mối đe dọa khủng bố đối với Singapore vẫn ở mức cao".

 

 

Thành công trước khi bắt đầu ?

Chưa thể nói gì bởi vì việc chuẩn bị cho một một chuyến đi dài và lâu của một vị giáo hoàng 87 tuổi có nhiều vấn đề về sức khoẻ thì rất phức tạp. Phức tạp không chỉ về chi phí cho chuyến đi mà còn về mặt an ninh trong tình hình thế giới bất ổn hiện nay. Tuy thế, điều có thể cảm nhận được là sự sẵn sàng và lòng hiếu khách của các tín hữu Công giáo hay không Công giáo và của các nhà lãnh đạo các tôn giáo và chính phủ ở các nước này.

 

Nhân chuyến đi của Đức Giáo Hoàng, những nước xung quanh như Philippines hay Việt Nam cũng như Hồng Kông gởi phái đoàn sang Singapore. Điều này mở ra một cánh cửa cho một chuyến đi khác của ngài đến các quốc gia mà chưa từng có vị Giáo hoàng nào đặt chân đến: Việt Nam và Trung Quốc.

 

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn Linh mục Phạm Hoàng Dũng, từ Liège, Bỉ.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

GIÁO HOÀNG - ĐÔNG NAM Á

Giáo hoàng thăm bốn nước Đông Nam Á, không có Việt Nam

 

Tạp chí Tiêu điểm

Quan hệ Vatican - Đài Loan trong tương quan với Trung Quốc

 

Tạp chí Việt Nam

Cộng đồng Công Giáo Việt Nam nóng lòng chờ đón giáo hoàng Phanxicô

 

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats