Thursday 8 August 2024

TIM WALZ 'LÀM GIÁN ĐIỆP' CHO TRUNG QUỐC NHƯ THẾ NÀO? (Trúc Phương / Người Việt)

 



Tim Walz ‘làm gián điệp’ cho Trung Quốc như thế nào?

Trúc Phương/Người Việt

August 8, 2024

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tim-walz-lam-gian-diep-cho-trung-quoc-nhu-the-nao/#google_vignette  

 

Chỉ vài giờ sau khi bộ máy tranh cử của bà Kamala Harris, phó tổng thống Mỹ, loan bố tin ông Tim Walz, thống đốc Minnesota, được chọn là ứng cử viên phó tổng thống, loạt cáo buộc ông Walz “ủng hộ Trung Quốc” nhanh chóng xuất hiện dày đặc từ phe Cộng Hòa.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/08/A1-Tim-Walz-Trung-Quoc-1536x1094.jpg

Ông Tim Walz, thống đốc Minnesota, được chọn là ứng cử viên phó tổng thống trong liên danh với bà Kamala Harris, phó tổng thống Mỹ, ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ. (Hình: Andrew Harnik/Getty Images)

 

“Trung Quốc Cộng Sản rất vui mừng (trước tin này),” ông Richard Grenell, cựu đại sứ Mỹ tại Đức làm việc thời (tổng thống) Donald Trump, viết trên Twitter/X.

 

“Không ai ủng hộ Trung Quốc mạnh bằng lão Walz theo chủ nghĩa Marx,” Thượng Nghị Sĩ Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas) nói rằng ông Walz “nợ một lời giải thích” với người dân Mỹ “về mối quan hệ bất thường kéo dài 35 năm của hắn với Trung Quốc Cộng Sản.”

 

“MAGA War Room,” tài khoản có ảnh hưởng trên Twitter/X vốn ủng hộ ông Donald Trump, “khai quật” lại một video năm 2016 trong đó ông Tim Walz nói với trang tin Agri-Pulse rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc không nên có “mối quan hệ đối đầu”…

 

Trong chương trình “Jesse Watters Primetime” của Fox News, bà Jesse Watters khẳng định: “Tôi biết chắc rằng hắn (Tim Walz) đã bỏ tiền túi từ lương giáo viên để thực hiện tất cả các chuyến đi đến Trung Quốc. Walz đi nghỉ tuần trăng mật ở Trung Quốc. Hắn hiện vẫn bị Trung Quốc mua đứt. Nếu là FBI, tôi sẽ kiểm tra hồ sơ cá nhân đương sự cho chắc ăn”…

 

Và trên mạng xã hội, những nhóm người Việt MAGA ủng hộ ông Donald Trump đã vồ vập khẳng định Thống Đốc Tim Walz là “gián điệp Trung Quốc,” rằng ông Walz sẽ cùng bà Harris biến nước Mỹ thành “thiên đường xã hội chủ nghĩa”…

 

Thống Đốc Tim Walz có “mối quan hệ 35 năm” với Trung Quốc như thế nào? Việc ông Walz “dính dáng” Trung Quốc, thật ra, chẳng phải chuyện bất thường và là một “bí mật.” Hồ sơ cá nhân của ông trên trang web Quốc Hội Hoa Kỳ (congress.gov) có ghi đầy đủ. Trung Quốc là quốc gia nước ngoài đầu tiên mà ông Walz đặt chân đến. Là sinh viên vừa tốt nghiệp năm 1989, ông Walz nằm trong nhóm giáo viên Mỹ đến Trung Quốc thông qua một chương trình giáo dục do đại học Harvard University khởi xướng. Đến Quảng Đông, ông Walz dạy tại một trường trung học địa phương.

 

Cùng năm đó, 1989, Trung Quốc chứng kiến sự kiện chính trị chấn động: Vụ thảm sát Thiên An Môn. “Tôi nhớ, sáng hôm đó, ngày 4 Tháng Sáu, lúc thức dậy, tôi không thể tin nổi khi biết những gì vừa xảy ra,” ông Walz nói với giới báo chí tại sự kiện tưởng niệm nạn nhân Thiên An Môn tổ chức ở Tòa Bạch Ốc năm 2014. Sự kiện Thiên An Môn để lại dấu ấn dữ dội trong tâm trí ông Walz đến mức ông tổ chức đám cưới với cô giáo Gwen Whipple vào kịp

tưởng niệm Thiên An Môn lần thứ năm vào năm 1994. Thuật với tờ Scottsbluff Star-Herald, cô giáo Gwen Whipple kể: “Anh ấy (Tim Walz) muốn chọn một ngày mà anh ấy luôn nhớ”…

 

                                                          ***

 

Những người chỉ trích việc ông Tim Walz “qua lại” với Trung Quốc đã phớt lờ sự thật rằng trong suốt sự nghiệp chính trị, bắt đầu bằng việc tranh cử Quốc Hội năm 2006, ông Walz thường xuyên công khai lên án hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc. Ông luôn ủng hộ các nghị quyết Hạ Viện Hoa Kỳ mang nội dung bày tỏ lo ngại về những vấn đề liên quan Trung Quốc, từ đàn áp chính trị đến việc “khai thác” nội tạng. Năm 2015, ông Walz đồng bảo trợ một nghị quyết bày tỏ mối quan ngại về việc Trung Quốc cho phép “khai thác” nội tạng từ các tù nhân lương tâm.

 

Cần nhắc lại, từ năm 2007 đến 2018, ông Walz phục vụ trong Ủy Ban Hành Pháp Quốc Hội về Trung Quốc (Congressional-Executive Commission on China – CECC), nơi giám sát các diễn biến pháp lý và nhân quyền ở Trung Quốc.

 

Với nhiều năm làm việc về các vấn đề Trung Quốc, cùng kinh nghiệm giảng dạy tại Quảng Đông, ông Walz từng được Thượng Nghị Sĩ Sherrod Brown (Dân Chủ-Ohio) mô tả là một trong những “nhân vật kiên định” nhất trong CECC. Ông Walz đã đồng bảo trợ một nghị quyết năm 2009 đánh dấu tưởng niệm 20 năm vụ thảm sát Thiên An Môn, cũng như một nghị quyết ủng hộ hai nhà hoạt động nhân quyền Hoàng Kỳ (Huang Qi) và Đàm Tác Nhân (Tan Zuoren) – bị chính quyền bỏ tù sau khi điều tra vụ sập loạt trường học (trong trận động đất tàn khốc ở Tứ Xuyên năm 2008) do bê bối trong xây dựng và tham nhũng.

 

Khi mối quan tâm quốc tế tăng dần dành cho ông Trần Quang Thành (Chen Guangcheng – luật sư khiếm thị bị bắt sau khi vạch trần tội tham nhũng của giới chức địa phương), ông Walz điều trần CECC năm 2011: “Tôi hoan nghênh những thành tựu của người dân Trung Quốc đồng thời nhận thấy một số người trong chính phủ Trung Quốc ủng hộ thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, chúng ta không thể tin Trung Quốc thật sự nghiêm túc về pháp quyền, khi mà Trần Quang Thành và gia đình ông ấy đang bị giam giữ và ngược đãi. Chúng ta không thể tin Trung Quốc nghiêm túc về nhân quyền khi họ vi phạm trắng trợn luật pháp của chính họ và không tuân thủ các cam kết nhân quyền quốc tế mà họ từng ký…”

 

Ông Tim Walz cũng kêu gọi trả tự do cho người đoạt giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo). Sau khi ông Lưu Hiểu Ba chết trong tù năm 2017, ông Walz đồng bảo trợ một nghị quyết nhằm vinh danh di sản của nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc này.

 

“Tôi từng tin rằng, một khi sống trong nền kinh tế thị trường tự do, Trung Quốc sẽ giảm kiểm soát đời sống xã hội và nhân quyền,” ông Walz phát biểu tại phiên điều trần Quốc Hội Hoa Kỳ năm 2016, “tuy nhiên, điều đó đơn giản là chưa xảy ra.”

 

Gần đây, ông Walz cũng lên án việc Bắc Kinh đứng sau lưng Nga trong cuộc chiến Ukraine. “Chúng ta cần hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề như biến đổi khí hậu và sản xuất nông nghiệp,” ông Walz nói với hãng tin Nikkei Asia, “nhưng tôi rất thất vọng với thái độ của Trung Quốc. Về vấn đề Ukraine, họ đứng về phía Nga.”

 

Với tư cách nhà giáo, ông Tim Walz đã biến việc hiểu về chủ nghĩa toàn trị thành một phần quan trọng trong các nghiên cứu và bài giảng (ông lấy bằng cao học về quản trị giáo dục tại đại học Minnesota State University năm 2001; với luận văn về nạn diệt chủng). Trong một bài báo New York Times năm 2008, những học trò cũ đã kể lại việc thầy Tim Walz khuyến khích phân tích những yếu tố dẫn đến việc một số quốc gia thực hiện thanh trừng sắc tộc (đó chính là một trong những tội ác mà Trung Quốc đang bị cáo buộc, khi họ thực hiện nhiều thủ đoạn tàn độc để tiêu diệt các cộng đồng thiểu số, đặc biệt người Tây Tạng).

 

                                                      ***

 

Từ khi trở thành nhà lập pháp, ông Tim Walz thường xuyên lên tiếng ủng hộ quyền tự chủ của Tây Tạng. Từng gặp trực tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma, ông Walz liên tục kêu gọi sự chú ý đến các tù nhân chính trị Tây Tạng bị chính quyền Trung Quốc giam giữ. Năm 2016, ông Walz tiếp ông Lobsang Sangay, thủ tướng Tây Tạng lưu vong, đến văn phòng của mình để nói chuyện với học sinh trung học Minnesota. Năm 2015, một phái đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ đến thăm Tây Tạng, ông Walz là thành viên trong đoàn.

 

Trong suốt sự nghiệp chính trị, ông Walz cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với phong trào dân chủ Hồng Kông. Năm 2016, sau cuộc Cách Mạng Dù (雨傘運動 – “Vũ tản vận động”), ông Walz đã gióng tiếng chuông cảnh báo trong một phiên điều trần Quốc Hội Hoa Kỳ rằng “Hồng Kông và luật cơ bản đang bị tấn công.” Năm 2017, ông Walz đăng trên Twitter/X bức ảnh chụp với nhà hoạt động nổi tiếng Hoàng Chi Phong (Joshua Wong).

 

Anh Jeffrey Ngo, nhà hoạt động chính trị, chuyên gia nghiên cứu chính sách thuộc Hội Đồng Dân Chủ Hồng Kông có trụ sở tại Washington, DC, cho biết trong một bài trên Twitter/X vào Thứ Ba rằng ông Walz chính là người đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì Đạo Luật Dân Chủ và Nhân Quyền Hồng Kông trước khi Quốc Hội thông qua vào năm 2019. “Chúng tôi đã gõ cửa từng nhà trong bối cảnh gần như ai cũng thờ ơ (với dự luật). Chỉ có ông Walz trả lời. Vào thời điểm dự luật nhận được sự ủng hộ thấp nhất, vào năm 2017-2018, ông ấy (Tim Walz) là thành viên Dân Chủ duy nhất tại Hạ Viện sẵn sàng tiếp tục đồng tài trợ cho dự luật, cùng với [Dân Biểu Cộng Hòa New Jersey Christopher] Smith,” anh Jeffrey Ngo kể lại.

 

Với Đài Loan, TIME cho biết, tiểu bang Minnesota luôn duy trì quan hệ tốt đẹp với chính quyền Đài Bắc trong suốt thời gian ông Tim Walz làm thống đốc. Năm 2021, khi xảy ra vụ va chạm giữa tàu hỏa và xe tải ở quận Hoa Liên khiến hàng chục người thiệt mạng, ông Walz lập tức liên hệ với Tổ Chức Kinh Tế và Văn Hóa Đài Loan để bày tỏ chia buồn. Ông cũng gặp giới chức nông nghiệp Đài Loan vào năm 2022 để thúc đẩy quan hệ đối tác thương mại với Minnesota.

 

Trong cuộc phỏng vấn năm 2016 với trang tin Agri-Pulse (Washington DC), Dân Biểu Tim Walz nói rằng Hoa Kỳ cần kiên quyết phản đối những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Cùng năm đó, ông Walz đồng tài trợ Đạo Luật POSTURE với nội dung phản đối việc cắt giảm nhân sự trong quân đội Hoa Kỳ, nhấn mạnh rằng số lượng quân nhân cần được duy trì để sẵn sàng chặn đứng vô số thách thức an ninh quốc gia, từ chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, sự đe dọa của Nga ở Châu Âu đến sự bành trướng Trung Quốc ở Biển Đông.

 

Bề dày hiểu biết và kinh nghiệm của ông Tim Walz về Trung Quốc đang được không ít người xem là những yếu tố cần thiết khi đề cập đến việc thiết kế chính sách đối đầu Trung Quốc, như nhận xét của ông Michael Hayden, cựu giám đốc CIA (Cơ Quan Tình Báo Trung Ương) và NSA (Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ), người từng làm việc dưới thời các chính quyền Dân Chủ và Cộng Hòa.

 

Giáo sư khoa học chính trị Lev Nachman tại Đài Loan cũng nói rằng kinh nghiệm của Thống Đốc Walz về Trung Quốc là điều tích cực.

 

Với những người chụp mũ Cộng Sản cho ông Tim Walz, cần để ý thêm rằng, ông Walz đã ngồi ghế thống đốc từ Tháng Giêng, 2019, và từ đó đến nay, tiểu bang Minnesota vẫn chưa trở thành… “thiên đường” của Cộng Sản! [qd]

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats