Thursday 8 August 2024

BẮC KINH 'BỎ PHIẾU' CHO DONALD TRUMP hay KAMALA HARRIS? (Trúc Phương / Người Việt)

 



Bắc Kinh ‘bỏ phiếu’ cho Donald Trump hay Kamala Harris?

Trúc Phương/Người Việt

August 5, 2024

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/bac-kinh-bo-phieu-cho-donald-trump-hay-kamala-harris/#google_vignette

 

Lá phiếu tổng thống Mỹ không chỉ là chuyện của dân Mỹ. Nó là vấn đề toàn cầu. Ghế tổng thống Mỹ ảnh hưởng gần như toàn bộ vấn đề chính trị lẫn kinh tế thế giới. Không có gì ngạc nhiên khi thế giới quan sát cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, đặc biệt những “kẻ thù” của Mỹ, trong đó có Trung Quốc, Nga và Bắc Hàn.

 

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/08/A1-Bac-Kinh-Trump-Harris-1536x981.jpg

Phó Tổng Thống Kamala Harris (trái) và cựu Tổng Thống Donald Trump. (Hình: Andrew Harnik & Curtis Means – Pool/Getty Images)

 

Một ngày sau khi Tổng Thống Joe Biden tuyên bố không tái tranh cử, một tờ báo ở Trung Quốc đã thực hiện cuộc thăm dò trực tuyến với câu hỏi: Bạn nghĩ ai có thể giành chiến thắng, cựu Tổng Thống Donald Trump hay Phó Tổng Thống Kamala Harris? Kết quả, ông Trump thắng áp đảo, với gần 80% trong 22,000 “phiếu bầu.”

 

Được những người “cuồng Trump” luôn tin rằng ông Trump là “sát thủ” đối với Bắc Kinh và chỉ ông Trump mới “diệt” được Cộng Sản Trung Quốc nhưng chính dân Trung Quốc là những người khoái ông Trump. Sau vụ ám sát hụt nhằm vào ông Trump (ngày 13 Tháng Bảy), không ít người Trung Quốc đã ca ngợi ông trên mạng xã hội, đặc biệt với “khí phách” tay giơ nắm đấm và miệng hét vang “Fight, Fight, Fight!” Tên của ông Donald Trump là một “thương hiệu” có thể hái ra tiền ở Trung Quốc. Có một công ty bất động sản mang tên Trump, một công ty vệ sinh mang tên Trump, thậm chí một hãng xe hơi có tên “Trumpchi” (广汽传祺,Guăngqì Chuánqí – Quảng Khí truyện kỳ).

 

Với nhiều người Trung Quốc, hình ảnh “macho” của ông Trump tượng trưng cho “sự vững chắc của giấc mơ Mỹ.” Bất luận ông Trump thực hiện cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, dân Trung Quốc vẫn hào hứng thích ông Trump. Chính sách cai trị nước Mỹ của ông Trump khá gần với phiên bản độc tài phi dân chủ của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Điều khiến Trung Quốc đặc biệt thích ông Trump là thái độ của ông dành cho Đài Loan. Ông Trump nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng Mỹ sẽ không bảo vệ Đài Loan. Trong cuộc phỏng vấn Bloomberg Businessweek ngày 16 Tháng Bảy, ông Trump nói rằng Mỹ chẳng có lý do gì để che chắn rào dậu cho Đài Loan, rằng nếu muốn được Mỹ “bảo kê” thì Đài Bắc phải chi tiền.

 

Chính sách “nghẹt thở” của Tổng Thống Joe Biden dành cho Trung Quốc suốt gần bốn năm qua khiến Bắc Kinh thật sự không thấy thoải mái. Trái với thái độ bất nhất của ông Trump, ông Biden tỉnh táo và tự tin hơn. Chiến lược xây dựng đồng minh của ông Biden, hơn là phá hoại, là điều thật sự nguy hiểm đối với Bắc Kinh. Với Bắc Kinh, câu cửa miệng “Chính Sách Đối Ngoại Dành Cho Tầng Lớp Trung Lưu” (“foreign policy for the middle class”) của ông Biden cũng chẳng khác gì câu thần chú “Nước Mỹ Trên Hết” (“America first”) của ông Trump. Cả hai đều thể hiện rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa chính trị trong nước và chính sách đối ngoại. Trong bài báo tiếng Anh trên Foreign Affairs ngày 1 Tháng Tám, ba tác giả Trung Quốc, đều là chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Đại Học Bắc Kinh, thừa nhận: “Nhìn chung, chính quyền Trump vẫn duy trì một mức độ linh hoạt nhất định đối với Trung Quốc. Dù đặt ra các mức thuế trừng phạt và những biện pháp khác, chính quyền này vẫn cởi mở với các cuộc đàm phán thương mại và thể hiện một số thiện chí thỏa hiệp về các vấn đề gai góc như cạnh tranh công nghệ và Đài Loan.”

 

“Hơn nữa, ‘Nước Mỹ Trên Hết’ cũng khiến Washington ít có uy tín và đòn bẩy hơn trong việc phối hợp với các quốc gia khác về chính sách của riêng họ nhằm vào Trung Quốc, dẫn đến việc chính quyền Trump không thể xây dựng và đứng đầu một mặt trận đa phương mạnh mẽ để chống Trung Quốc. Điều này đưa đến nhận thức phổ biến đối với một số nhà bình luận rằng Trump chủ yếu chỉ quan tâm lợi ích kinh doanh và đạt thỏa thuận (gì đó) với Trung Quốc,” theo bài viết.

 

“Tháng Mười Một, 2017, Trump thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh – một động thái mà Biden đã không thực hiện trong nhiệm kỳ của mình. Và Tháng Giêng, 2020, (Trump) ký thỏa thuận giai đoạn một với Trung Quốc để giải quyết căng thẳng thương mại. Vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của Trump, nhiều người ở Mỹ đánh giá rằng cuộc chiến thương mại của chính quyền ông (Trump) với Trung Quốc là một thất bại,” bài báo cho hay.

 

                                                           ***

 

Với Tổng Thống Biden, ông nhắm đến Trung Quốc ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống. Trong bài phát biểu chính sách đối ngoại đầu tiên vào Tháng Hai, 2021, ông Biden gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất,” và cam kết “giải quyết trực tiếp” những thách thức mà Mỹ đối mặt để bảo vệ “sự thịnh vượng, an ninh, và các giá trị dân chủ (của nước Mỹ).”

 

Ông Biden đã phối hợp chặt chẽ với Quốc Hội để tiến hành chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn và áp dụng các chính sách công nghiệp nhằm nâng cao tính cạnh tranh của Mỹ, đồng thời giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Ông Biden kiểm soát xuất cảng chặt hơn, áp thuế mới đối với các sản phẩm công nghệ xanh của Trung Quốc và tạo ra các liên minh quốc tế chẳng hạn Chip 4 (Chip 4 alliance) – một quan hệ đối tác sản xuất chất bán dẫn giữa Nhật, Nam Hàn, Đài Loan và Mỹ. Tại Châu Á-Thái Bình Dương, ông Biden tăng cường sự hiện diện quân sự ở eo biển Đài Loan và Biển Đông…

 

Nhận “tấm vé” tranh cử từ ông Joe Biden, bà Kamala Harris sẽ tiếp nối chính sách của ông Biden khi đối đầu Trung Quốc? Ba năm rưỡi qua, với tư cách phó tổng thống, bà Kamala Harris đã công du hơn 19 quốc gia và gặp gỡ hơn 150 nhà lãnh đạo nước ngoài. Tháng Chín, 2023, bà Harris dự Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN tại Jakarta (Indonesia). Sau cuộc họp trên, trong chương trình “Face the Nation” của CBS, bà nói về quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc và chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, rằng chính sách của Mỹ là không phải “tách rời” mà là “giảm thiểu rủi ro;” không phải “rút lui” mà là “bảo đảm chắc” rằng Washington đang làm tất cả để bảo vệ quyền lợi nước Mỹ…

 

Trong cuộc gặp đầu tiên với ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, tại Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tổ chức ở Bangkok, Thái Lan, năm 2022, bà Kamala Harris có cuộc hội đàm ngắn với ông Tập. Bà nói đến việc duy trì “các kênh liên lạc mở để xử lý một cách có trách nhiệm những vấn đề liên quan sự cạnh tranh giữa hai quốc gia.” Trong cuộc họp vào Tháng Chín, 2022, với ông Yoon Suk Yeol, tổng thống Nam Hàn, bà Harris tái khẳng định Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ Đài Loan và phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào tìm cách thay đổi nguyên trạng. Bà Kamala Harris cũng đã gặp riêng chính trị gia Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) tại lễ nhậm chức của ông Xiomara Castro, tổng thống Honduras, vào năm 2022 (ông Lại Thanh Đức đắc cử tổng thống Đài Loan vào Tháng Giêng, 2024).

 

Trong chuyến thăm Nhật vào Tháng Chín, 2022, phát biểu trên khu trục hạm USS Howard tại căn cứ Hải Quân Yokosuka, bà Kamala Harris nói: “Chúng ta đang chứng kiến hành vi đáng lo ngại ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, và gần đây nhất là các hành động khiêu khích trên eo biển Đài Loan.” Bà không dè dặt khi nói về hành động xâm chiếm của Trung Quốc ở Biển Đông. “Trung Quốc đang phá hoại các yếu tố nền tảng của trật tự quốc tế vốn dựa vào luật lệ. Trung Quốc tiếp tục thách thức quyền tự do trên biển. Trung Quốc đã phô trương sức mạnh quân sự và kinh tế của họ để ép buộc và đe dọa các nước láng giềng… Chúng ta sẽ tiếp tục sử dụng đường hàng không, hàng hải và thực hiện những hoạt động của mình một cách không nao núng và không sợ hãi ở bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào luật pháp quốc tế cho phép.”

 

Không chỉ Đài Loan, bà Kamala Harris cũng bày tỏ ủng hộ Philippines. Trên chương trình “Face the Nation” ngày 10 Tháng Chín, 2023, bà Harris nhấn mạnh: “Những gì đang xảy ra liên quan các hành động khiêu khích chống lại lợi ích của Philippines ở Biển Đông là rất đáng kể. Chúng tôi muốn nhắc lại một cách rõ ràng rằng chúng tôi luôn đứng sau Philippines.”

Trong nhiệm kỳ thượng nghị sĩ đại diện California, bà Harris đã tích cực thúc đẩy luật bảo vệ nhân quyền tại Hồng Kông. Năm 2019, bà đồng tài trợ Đạo Luật Dân Chủ Và Nhân Quyền Hồng Kông do Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) đưa ra, với nội dung thúc đẩy nhân quyền tại Hồng Kông và trừng phạt các quan chức liên quan việc “phá hoại các quyền tự do cơ bản và quyền tự chủ của Hồng Kông.” Trong cùng năm, bà Harris đồng tài trợ và giúp thông qua Đạo Luật Chính Sách Nhân Quyền Của Người Duy Ngô Nhĩ (có hiệu lực năm 2020). Dự luật này cho phép Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào “những cá nhân và tổ chức nước ngoài chịu trách nhiệm bởi các hành vi liên quan vi phạm nhân quyền tại Tân Cương.”

 

                                                             ***

 

Tương tự ông Joe Biden – tổng thống Mỹ đầu tiên không công du Trung Quốc kể từ thời ông Jimmy Carter, bà Kamala Harris cũng chưa từng đến Trung Quốc trong nhiệm kỳ phó tổng thống của mình.

 

Người Trung Quốc nói chung và báo chí nước này nói riêng luôn “phiên âm” danh từ riêng nước ngoài sang tiếng Hoa (chẳng hạn “Mã Khắc Tư” dùng cho Karl Marx). Một cách chính xác, Trung Quốc không “phiên âm” mà đặt tên lại theo cách của họ, thường có ẩn ý gì đó. Với bà Kamala Harris, tên tiếng Hoa của bà là Hạ Cẩm Lệ (He Jinli – 賀錦麗). Bằng cách gọi bà Harris là “Lệ,” Trung Quốc hàm ý bà là người yếu đuối.

 

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã không ngần ngại viết rằng bà Harris chẳng biết gì về quan hệ quốc tế. Ông Thẩm Đinh Lập (Shen Dingli), bình luận gia quốc tế có “số má” của Bắc Kinh, nhận định rằng bà Harris có thể chỉ lặp lại sách vở có sẵn của ông Biden hơn là có khả năng nghĩ ra chiêu mới. Như dư luận chung của Trung Quốc, ông Thẩm Đinh Lập tin rằng bà Harris không thể thắng ông Trump. Trong thâm tâm, Trung Quốc không muốn bà Harris thắng ông Trump. Nếu có thể “đi bầu” ngày 5 Tháng Mười Một trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, những người Trung Quốc như ông Thẩm Đinh Lập hẳn sẽ bỏ phiếu cho ông Trump, một người khó đoán nhưng rất dễ bị “bắt bài.” [qd]

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats