Stephen Walt: Hai xu
hướng lớn toàn cầu đang đối đầu nhau
Stephen M. Walt
- Foreign Policy
Nguyễn
Thị Kim Phụng, biên dịch /
Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2024/08/11/stephen-walt-hai-xu-huong-lon-toan-cau-dang-doi-dau-nhau/
Các nhà
lãnh đạo thế giới sẽ phải học cách giải quyết những mâu thuẫn của trật tự thế
giới mới.
Trong trường
hợp khó xảy ra, là Donald Trump, Kamala Harris, hoặc các nhà lãnh đạo thế giới
đầy tham vọng khác đến xin lời khuyên của tôi về chính sách đối ngoại, tôi rất
sẵn lòng nói chuyện với họ về nhiều vấn đề. Đó là biến đổi khí hậu, cách đối
phó với Trung Quốc, lý do tại sao chủ nghĩa bảo hộ là ngu ngốc, phải làm gì với
Gaza, vai trò của các chuẩn mực, ý nghĩa thực sự của lý thuyết cân bằng mối đe
dọa, và một loạt các chủ đề khác. Nhưng có lẽ tôi sẽ bắt đầu bằng cách thu hút
sự chú ý của họ đến hai xu hướng cạnh tranh nhau trong nền chính trị thế giới,
vốn đã bắt nguồn từ hàng thập kỷ, nếu không muốn nói là hàng thế kỷ trước. Hai
xu hướng này mâu thuẫn với nhau theo những cách quan trọng, việc không đánh giá
đúng cách chúng tương tác với nhau đã khiến nhiều quốc gia đi chệch hướng.
Xu hướng đầu
tiên là tầm hoạt động, độ chính xác và khả năng sát thương ngày càng tăng của
vũ khí hiện đại. Khoảng một thế kỷ trước, sức mạnh không quân vẫn còn ở giai đoạn
sơ khai, tên lửa và pháo binh còn thiếu chính xác và có tầm bắn hạn chế. Nếu muốn
gây nhiều thiệt hại cho kẻ thù, người ta sẽ phải đánh bại lực lượng quân sự của
kẻ thù và sau đó bao vây các thành phố của kẻ thù bằng một đội quân. Tuy nhiên,
ngày nay, các quốc gia hùng mạnh đã quá thành thạo việc làm nổ tung mọi thứ,
ngay cả khi mục tiêu cách xa hàng trăm, thậm chí hàng nghìn dặm. Vũ khí hạt
nhân và tên lửa xuyên lục địa là đỉnh cao của xu hướng này, nhưng đáng mừng là
những vũ khí này chỉ được sử dụng để răn đe kể từ năm 1945. Nhưng những cải tiến
ổn định của máy bay tầm xa, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, máy bay
không người lái, và công nghệ dẫn đường chính xác hiện đã cho phép các chiến
binh phá hủy mục tiêu cách đó hàng trăm dặm. Thậm chí một số cá nhân không thuộc
nhà nước (ví dụ như phiến quân Houthi ở Yemen) cũng đang tham gia vào hoạt động
này.
Với quyền
kiểm soát trên không, các quốc gia hùng mạnh giờ đây có thể gây ra thiệt hại lớn
cho quân đội đối phương hoặc dân thường. Những gì Mỹ đã làm khi bắt đầu Chiến
tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, những gì Nga đang làm ở Ukraine, hay những gì
Israel đang làm ở Gaza cho thấy khả năng triển khai sức mạnh hủy diệt đã tăng
lên đáng kể theo thời gian. Người ta có thể thêm vào danh sách này việc sử dụng
máy bay không người lái để tiêu diệt những kẻ bị tình nghi là khủng bố trong
cái gọi là các cuộc tấn công theo dấu hiệu đặc trưng, hoặc các vụ ám sát các
quan chức nước ngoài như Qassem Suleimani, người đứng đầu Lực lượng Quds tinh
nhuệ của Iran. Cuộc tấn công của Israel nhằm vào Fuad Shukr, một quan chức cấp
cao của Hezbollah, ở Lebanon tuần trước chỉ là ví dụ mới nhất. Đối với các quốc
gia mạnh nhất thế giới, khả năng tiếp cận mục tiêu bằng vũ lực sát thương chưa
bao giờ lớn hơn thế. Và các vũ khí mạng tinh vi có thể cho phép các quốc gia tấn
công cơ sở hạ tầng quan trọng của đối thủ chỉ bằng một cú nhấp chuột, ngay cả
khi mục tiêu ở bên kia thế giới. Tóm lại, đối với một số quốc gia, khả năng hủy
diệt đã mang tính toàn cầu.
Xu hướng
thứ hai lại khác hoàn toàn: sự gia tăng tầm quan trọng chính trị và sự bền bỉ của
các hình thức bản sắc và lòng trung thành địa phương và đặc biệt là cảm giác
thuộc về một quốc gia. Như tôi từng đề cập trước đây, “ý tưởng cho rằng con người
hình thành các bộ lạc riêng biệt dựa trên ngôn ngữ, văn hóa, sắc tộc, và sự tự
nhận thức chung, và rằng các nhóm như vậy đã định hình lịch sử 500 năm qua theo
những cách mà nhiều người vẫn chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của nó.” Sự phổ
biến của ý thức dân tộc và niềm tin rằng những nhóm như vậy không nên bị cai trị
bởi người khác là một trong những lý do chính khiến các đế chế đa sắc tộc như
Hapsburg và Ottoman đã lần lượt sụp đổ vào năm 1918 và 1922; khiến các thuộc địa
của Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và Bỉ giành được độc lập; và khiến Liên Xô và khối Hiệp
ước Warsaw cuối cùng tan rã.
Một khi ý
thức mạnh mẽ về bản sắc dân tộc đã bén rễ trong một khối dân – quá trình thường
được các chính phủ khuyến khích, nhằm hình thành ý thức đoàn kết và lòng trung
thành với nhà nước – thì các thành viên của khối dân đó sẽ sẵn sàng hy sinh tất
cả vì lợi ích của “cộng đồng tưởng tượng.” Người dân miền Bắc Việt Nam đã chiến
đấu chống Nhật Bản, Pháp và Mỹ trong 50 năm để giành độc lập và thống nhất đất
nước. Những chiến binh thánh chiến (mujahideen) Afghanistan cuối cùng đã buộc
Liên Xô phải rút quân khỏi đất nước họ, và những người kế nhiệm họ là Taliban
cũng đã khiến Mỹ làm điều tương tự. Ngày nay, những người Ukraine bị áp đảo về
quân số và vũ khí vẫn tiếp tục chống lại cuộc xâm lược của Nga, trong khi những
nỗ lực của Israel nhằm tiêu diệt sự phản kháng và bản sắc của người Palestine
dường như chỉ khiến họ trở nên mạnh mẽ hơn.
Kết quả là
một điều nghịch lý: Các quốc gia hùng mạnh, sở hữu công nghệ tiên tiến ngày
càng có những phương tiện hiệu quả để gây tổn hại cho người khác từ xa, tuy
nhiên khả năng hủy diệt này không mang lại cho họ ảnh hưởng chính trị lâu dài
hoặc tạo ra những thắng lợi chiến lược có ý nghĩa. Mỹ đã kiểm soát bầu trời
Iraq từ năm 1992 đến năm 2010, và có thể điều động máy bay, tên lửa, và máy bay
không người lái để tấn công đối thủ bất cứ khi nào họ muốn. Nhưng năng lực kỹ
thuật ấn tượng đó đã không giúp lực lượng Mỹ tiêu diệt quân nổi dậy, làm giảm ảnh
hưởng của lực lượng dân quân thân Iran, hoặc quyết định diễn biến chính trị của
Iraq.
Hai xu hướng
này – khả năng ngày càng tăng để phá hủy mọi thứ từ xa và sự bền bỉ của bản sắc
địa phương – xung đột một phần là vì việc sử dụng vũ khí có xu hướng củng cố bản
sắc dân tộc. Trong giai đoạn đầu, các nhà lý thuyết về sức mạnh không quân đã dự
đoán rằng các cuộc oanh tạc từ trên không sẽ làm suy giảm tinh thần người dân
và khiến đối thủ nhanh chóng đầu hàng, nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng việc thả
bom xuống dân thường có nhiều khả năng thúc đẩy ý thức đoàn kết và tinh thần phản
kháng mạnh mẽ hơn. Trên thực tế, việc gây ra cái chết và sự tàn phá lên những cộng
đồng không có khả năng tự vệ là một “lò lửa” lý tưởng để tôi luyện ý thức về bản
sắc chung giữa các nạn nhân. Phá hủy cơ sở hạ tầng của Ukraine bằng bom và tên
lửa có thể mang lại một số giá trị quân sự, nhưng không còn cách nào tệ hơn để
Tổng thống Nga Vladimir Putin thuyết phục người Ukraine về “sự thống nhất lịch
sử” của họ với Nga. Bất kể cuộc chiến cuối cùng sẽ kết thúc như thế nào đi
chăng nữa, ông ta cũng đã tạo ra rạn nứt giữa Ukraine và Nga, một rạn nứt có thể
kéo dài hàng thập kỷ.
Tại sao
tôi muốn nói với các nhà lãnh đạo quốc gia đầy tham vọng về hai xu hướng này? Bởi
vì các nhà lãnh đạo của các quốc gia hùng mạnh có xu hướng cho rằng khả năng
gây “sốc và kinh hoàng” khi làm nổ tung mọi thứ sẽ cho họ quyền ra lệnh cho những
nhóm dân cư yếu hơn. Đó là một suy nghĩ hấp dẫn bởi thả bom hoặc bắn tên lửa và
máy bay không người lái vào những đối thủ yếu hơn sẽ giảm thiểu rủi ro cho
chính công dân của họ. Như nhà sử học Samuel Moyn đã lập luận, các nhà lãnh đạo
thậm chí có thể thuyết phục bản thân rằng độ chính xác sẽ giúp họ tiêu diệt kẻ
xấu và tránh được dân thường, từ đó khiến việc sử dụng vũ lực gây chết người trở
nên vô hại và dễ dàng được chấp thuận hơn. Nếu bạn là lãnh đạo của một quốc gia
hùng mạnh đang phải đối mặt với một số vấn đề chính sách đối ngoại rắc rối, và
bạn có thể sử dụng sức mạnh không quân vào vấn đề này mà không gây nhiều rủi ro
cho người dân của mình, thì “làm điều gì đó” sẽ trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều.
Thật không
may, việc cho nổ tung mọi thứ (và đôi khi giết chết rất nhiều người vô tội)
không giải quyết được các vấn đề chính trị cơ bản đã dẫn đến xung đột. Hãy nhìn
vào cuộc tàn sát mà Israel đã gây ra ở Gaza trong 10 tháng qua. Không ai có thể
đặt câu hỏi về sức mạnh hủy diệt của Israel – tất cả những gì bạn cần làm là
xem các video về Gaza ngày nay – nhưng có ai thực sự tin rằng điều này sẽ khiến
hàng triệu người Palestine ở Gaza, Bờ Tây, hoặc những nơi khác từ bỏ mong muốn
tự cai trị của họ không? Tất nhiên, điều ngược lại cũng đúng – Hezbollah đang nắm
trong tay khả năng tấn công Israel lớn hơn so với 20 năm trước, nhưng khả năng
hủy diệt đó sẽ không cho phép họ ra lệnh hoặc giải quyết các vấn đề chính trị
sâu xa đang thúc đẩy xung đột với Israel và có nguy cơ gây ra một cuộc chiến
khu vực rộng lớn hơn.
Tôi không
nói rằng sức mạnh không quân hiện đại là không có giá trị, hay thế giới sẽ tốt
đẹp hơn nếu các quốc gia chỉ dựa vào ném bom rải thảm và các hình thức tấn công
tầm xa thô sơ khác. Khi kết hợp với lực lượng mặt đất có năng lực, sức mạnh
không quân có thể trở nên cực kỳ hiệu quả trong việc thúc đẩy các mục tiêu
chính trị được lựa chọn kỹ lưỡng. Chẳng hạn, sức mạnh không quân của Mỹ đã đóng
một vai trò quan trọng trong việc giúp đánh bật Nhà nước Hồi giáo khỏi vương quốc
tồn tại ngắn ngủi của nó – để rồi chứng kiến lực lượng mặt đất của Iraq và Iran
xuất hiện để tái chiếm và bình định khu vực.
Nhà lý luận
quân sự Carl von Clausewitz đã đúng: Chiến tranh là sự tiếp nối của chính trị,
và khả năng phá hủy đơn thuần thường không đủ để giúp người ta đạt được mục
tiêu chính trị. Thành công trước hết phụ thuộc vào việc lựa chọn các mục tiêu
thực tế, nhưng nó cũng phụ thuộc vào sự sẵn sàng giải quyết các nguyên nhân
chính trị cơ bản và công nhận mong muốn tự trị của mỗi quốc gia. Bất cứ ai nghĩ
rằng họ có thể ném bom để giành chiến thắng đều không có quyền điều hành một đất
nước, và thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu có nhiều nhà lãnh đạo hiểu được điều đó.
----------------------
Stephen
M. Walt là
chuyên gia bình luận của Foreign Policy và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại
học Harvard.
Nguồn: Stephen M.
Walt, “The Two Biggest
Global Trends Are at War,” Foreign Policy, 06/08/2024
No comments:
Post a Comment