Thursday, 1 August 2024

OLYMPIC VIỆT NAM, CHÍNH hay LÂM? (Lâm Công Tử / Người Việt Online)

 



Olympic Việt Nam, Chính hay Lâm?

Lâm Công Tử

July 31, 2024

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/olympic-viet-nam-chinh-hay-lam/

 

Lễ tang của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, trùng hợp vào biến cố thể thao thế giới: Olympic 2024 tại Pháp, và Olympic tại Pháp lại khiến người ta thích thú theo dõi vở kịch chính trường Hà Nội: Olympic Việt Nam.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/07/VN-Chinh-hay-Lam-1536x1012.jpg

Ông Phạm Minh Chính (trái), thủ tướng, và ông Tô Lâm, chủ tịch nước, trong lễ tang của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN. (Hình: Nhac Nguyen/Pool/AFP via Getty Images)

 

Trong những ngày lễ tang của ông Nguyễn Phú Trọng, một cách nào đó người ta cố tô vẽ hình ảnh của ông xem ra quá lố bằng cách so sánh ông với những “ông” khác đã và đang chễm chệ trên các trang giáo khoa lịch sử Việt Nam như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp… Trong khi trước đó ông Trọng không làm bất cứ điều gì có lợi cho dân cho nước, chí ít như ông Hồ có “tiền sử” từng bôn ba nước ngoài tìm đường cứu quốc hay ông Giáp có tiếng trong trận Điện Biên Phủ… Ông Trọng chỉ được cái danh đốt lò và hai nữa là nhất định phải theo cái bóng chủ nghĩa xã hội dù chưa biết tới bao giờ mới thấy nó.

 

Trong thế giới cộng sản có hai cách cai trị hiệu quả nhất là mật vụ và công an. Liên Xô có KGB còn Trung Quốc và Việt Nam có công an là hai lực lượng xương sống duy trì chế độ. Ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, sở dĩ một tay nắm hết cơ đồ nhờ vào kinh nghiệm và đường dây KGB của ông ta vẫn còn hữu hiệu cho tới ngày nay. Trong khi đó ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, và những đời tổng bí thư trước đều nhờ vào hệ thống công an mà đàn áp và theo dõi người dân. Công an vừa hiệu quả lẫn nguy hiểm nên mỗi lần một tổng bí thư mới lên nắm chính quyền thì công an phải được nắm trước nếu không thì khó mà cầm được thanh kiếm cai trị trong một cái đảng bên ngoài thì xem ra rất đoàn kết nhưng bên trong thì âm thầm thanh trừng, lôi kéo hay đè bẹp lẫn nhau.

 

Nhìn vào Việt Nam, cái lò của ông Trọng sẽ không tài nào nhóm lên được nếu trong tay không có hệ thống công an thao túng. Chỉ có công an mới nắm rõ hồ sơ chính trị hay kinh tế của từng người một trong hệ thống cầm quyền. Nhất cử nhất động của một cán bộ từ khi vào đảng cho tới khi về hưu đều không thể thoát khỏi cặp mắt công an.

 

Bộ Công An là nơi có các cơ quan tình báo chuyên theo dõi từng vấn đề quan trọng của đất nước. Mỗi một thông tin về lĩnh vực nào đó đều được nghiên cứu và khảo sát tỉ mỉ để lúc cần có thể lôi ra phục vụ công tác điều tra bất kể vụ việc liên quan đến một hay nhiều người. Cách tiếp cận này khiến bất cứ một vụ tham nhũng hay âm mưu gì liên quan đến vây cánh chính trị đều được theo dõi từng ngóc ngách của vấn đề một cách hiệu quả nhất. Ông Nguyễn Phú Trọng muốn đốt lò thì vây cánh đầu tiên phải bắt nguồn từ Bộ Công An mà bộ trưởng là người mà ông Trọng phải nắm thật vững khi nảy ra ý định khá nguy hiểm này.

 

Cái lò ấy nếu không có ông Tô Lâm, trước là bộ trưởng Công An và nay là chủ tịch nước, thì chắc chắn không đạt được kết quả như vừa qua. Những cái tên như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn hay Nguyễn Đức Chung đều mang dấu ấn phía sau của Tô Lâm.

 

Nhưng tới khi ông Trọng được “góp ý” cần phải trong sạch bộ máy thì Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh, cùng bộ sậu của ngành ngoại giao và y tế thay nhau mất chức và vào tù.

 

Không ngừng lại ở đó, khi Nguyễn Xuân Phúc rồi Võ Văn Thưởng cùng Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai trở thành củi của ông Trọng thì không ai tin đó là ý chí của ông tổng bí thư mà người ta chĩa mũi dùi vào Tô Lâm là điều hợp lý. Bởi ông Trọng có quyết đoàn thế nào cũng không thể tự chặt hai cái chân ghế của mình đang ngồi là chủ tịch nước và chủ tịch Quốc Hội. Chỉ có ông Tô Lâm, người thuận nước đẩy thuyền trong khi ông Trọng cay đắng cho tới lúc chết thì ông Tô Lâm cứ nhẩn nha từng bước chuyển mình.

 

Bây giờ là lúc ông Tô Lâm chuẩn bị tiếp nước cờ tổng bí thư. Bên ngoài ai cũng thấy sức mạnh tuyệt đối đang ở trong tay ông Tô Lâm nhưng nếu nhìn kỹ, một hàng rào khó vượt nhất chính là đồng chí Phạm Minh Chính, đương kim thủ tướng.

 

Nếu Tô Lâm tới đâu thì Phạm Minh Chính tới đấy. Cả hai đều xuất thân từ công an, cùng cấp cùng thời và cùng trường lớp nên rất hiểu rõ về nhau. Ông Phạm Minh Chính bên ngoài tuy không lộ ra sức mạnh tiềm ẩn nào nhưng Bộ Công An có bao nhiêu người thì hầu như trong sổ tay của ông Chính đều không thiếu tên những con cờ quan trọng nhất. Trong cương vị thủ tướng, ông Phạm Minh Chính có cơ hội xuất hiện nhiều trên chính trường thế giới và chắc chắn rằng trước cặp mắt của các nguyên thủ quốc gia ông Chính sẽ là người “chính danh” hơn ông Tô Lâm nhiều lần.

 

Ông Phạm Minh Chính có vẻ sạch hơn ông Tô Lâm mặc dù từng bị lên thớt khi vô tình phát biểu kém “ngoại giao” về “mẹ nó sợ gì” nhưng không nghiêm trọng như vụ bò dát vàng của ông Tô Lâm hay vụ cướp tù Trịnh Xuân Thanh vẫn còn vết nhơ với Đức và Slovakia.

 

Ông Tô Lâm có vẻ đang ra sức làm cho rõ vụ AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhưng với kinh nghiệm của một thứ trưởng Công An, ông Phạm Minh Chính không phải là tay mơ dễ bị ông Tô Lâm bắt thóp. Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào nhưng con bài Phạm Minh Chính xem ra khó nuốt hơn ông Tô Lâm nghĩ vì ông Chính vừa có “tâm” đề phòng từ trước vừa có “tầm” vì tay chân bộ hạ không hề thua kém ông Tô Lâm. Mặc dù nước cờ tiến công ông Tô Lâm chưa lộ rõ nhưng bên trong chiếc màn sân khấu Ba Đình không phải là hoàn toàn bí mật như người cộng sản luôn cho là bất khả xâm phạm.

 

Thử mở trang Wikipedia ra mà xem thì biết. Trong khi trang của ông Phạm Minh Chính đầy những sinh hoạt chính trường khắp thế giới thì trang của ông Tô Lâm vừa mở ra đã thấy lời cảnh báo: Bài viết này có nhiều vấn đề. Xin vui lòng giúp đỡ cải thiện nó hoặc thảo luận về những vấn đề này trên trang thảo luận. Bài viết này hiện đang gây tranh cãi về tính trung lập. (Tháng Sáu, 2023). Bài viết hoặc đoạn này có thể đã được chép và dán lại từ một nguồn khác, và nhiều khả năng đã vi phạm chính sách về quyền tác giả của Wikipedia (Tháng Năm, 2024).

 

Chưa hết, cũng trên trang này hai sự kiện “nổi bật” là Trịnh Xuân Thanh và Salt Bae tức bò dát vàng cùng xuất hiện. Người đọc nhận ra ngay tác giả của hai trang này là ai và mục đích của họ là gì.

 

Quay lại với hai ngày quốc tang để thấy chính trị trong thế giới cộng sản khôi hài tới mức nào. Ông Trọng không những được vinh danh mà người bị kéo xuống để ông Trọng thay vào là Lê Duẩn cũng đang được đề cập đến với hàm ý: Trung Quốc đang nhúng tay vào vì ghét Lê Duẩn, cũng là đòn cảnh báo cho vị trí tổng bí thư sắp tới ai là người thân Bắc Kinh sẽ chiếm thượng phong. Chính hay Lâm?

 

Xem ra cuộc đua marathon trong Olympic 2024 không khác gì cuộc đua giành chiếc ghế tổng bí thư của Việt Nam. Cũng đổ mồ hôi cũng sôi nước mắt như nhau, nhưng cuộc đua Ba Đình còn một điểm đặc biệt hơn: có thể phải đổ máu mới giành được chiếc huy chương vàng đáng giá. [qd]

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats