Wednesday 7 August 2024

NHẤT THỂ HÓA LÀ GÌ? (Trịnh Hữu Long   -   Luật Khoa tạp chí)

 



Nhất thể hóa là gì?

Trịnh Hữu Long   -   Luật Khoa tạp chí

August 06 20249:56 AM

https://www.luatkhoa.com/2024/08/nhat-the-hoa-la-gi/

 

Đại tướng Công an Tô Lâm đã chính thức nắm cả hai vị trí chủ tịch nước và tổng bí thư. Cụm từ “nhất thể hóa” lại được xới lên bàn thảo. Nhưng nhất thể hóa là gì?

 

Trong bộ truyện tranh “7 viên ngọc rồng” có đoạn hai nhân vật Sôn Gô Tên và Ca Lích triển khai thế “lưỡng long nhất thể” để hợp nhất sức mạnh của cả hai, nhằm tạo ra một nhân vật mới đủ sức đối phó với Ma Bư. Đó chính là một ví dụ theo phong cách manga cho vấn đề nhất thể hóa của chính trị Việt Nam.

 

Nói dễ hiểu, nhất thể hóa là việc hợp nhất hai vị trí đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam (tổng bí thư) và của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (chủ tịch nước).

 

Nhưng trước khi bàn sâu thêm, ta hãy tìm hiểu cấu trúc của hệ thống chính trị Việt Nam, vốn có một thuật ngữ là “song trùng”.

 

Bạn đọc có lẽ đã quá quen thuộc với diễn ngôn liên quan tới “Đảng và Nhà nước”. Đảng và nhà nước luôn song hành với nhau trong mọi diễn ngôn của các quan chức. Bạn sẽ không thấy điều này trong sinh hoạt chính trị của các nước dân chủ như Mỹ, Đức hay Đài Loan.

 

Lý do đơn giản vì mô hình hệ thống chính trị Việt Nam là mô hình độc tài Leninist do một đảng nắm toàn bộ quyền lực và chi phối hoàn toàn bộ máy nhà nước. Trong chính trị học, người ta gọi đây là mô hình đảng-nhà nước (party-state). Chương “The Communist Party of Vietnam: Consolidating Market-Leninism” của Giáo sư Jonathan D. London viết trong cuốn “Routledge Handbook of Contemporary Vietnam” (2022) giải thích rõ mô hình này. [1]

 

Theo GS. London, mô hình cai trị này có năm thành phần: (1) hệ thống tổ chức đảng, (2) cơ quan lập pháp do đảng chi phối, (3) một hệ thống hành pháp do đảng chỉ định và điều hành, (4) một hệ thống tư pháp và thanh tra dưới quyền đảng, và (5) một mạng lưới các tổ chức quần chúng do đảng vận hành.

 

Trong đó, (1) là đảng; (2), (3), và (4) thuộc khối chính quyền/nhà nước; và (5) là các tổ chức ngoại vi của đảng.

 

Người đứng đầu đảng là tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương. Người đứng đầu chính quyền/nhà nước là chủ tịch nước. Hai vị trí này, theo thông lệ ở nước ta và cũng theo mô hình Liên Xô, thường do hai người khác nhau nắm giữ.

 

Trong một hệ thống đảng chi phối hoàn toàn chính quyền, vị trí tổng bí thư xưa nay luôn được coi là người lãnh đạo cao nhất của Việt Nam trên thực tế. Đó là lý do Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Nhà Trắng năm 2015 như tiếp một nguyên thủ quốc gia. Ngược lại, các nguyên thủ quốc gia tới thăm Việt Nam cũng thường có ít nhất một phiên làm việc với tổng bí thư.

 

Biểu hiện rõ nhất của cơ chế đảng-nhà nước trong đối ngoại là việc cả tổng bí thư và chủ tịch nước cùng đón nguyên thủ nước ngoài trong lễ đón chính thức ở Phủ Chủ tịch. Thông lệ này được duy trì tới khoảng giữa thập niên 2000 là chấm dứt. Có lẽ lần cuối cùng Việt Nam cử hành nghi thức này là sự kiện Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng đón Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ở Hà Nội vào tháng 11/2006. [2]

 

Sau này, chủ tịch nước phụ trách lễ đón chính thức, còn tổng bí thư họp riêng với nguyên thủ nước ngoài. Ngoại lệ là trường hợp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đích thân đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong năm cuối đời ông mà không để cho Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng làm.

 

Trong lịch sử, đã từng có một số giai đoạn người đứng đầu đảng cũng đồng thời đứng đầu chính quyền.

 

Đầu tiên là trường hợp Hồ Chí Minh, người nắm vai trò đứng đầu Đảng Cộng sản (khi đó gọi là chủ tịch đảng) và đứng đầu chính quyền (chủ tịch nước) từ năm 1945 tới khi ông qua đời năm 1969. Nhưng trong suốt giai đoạn đó, ông chỉ có thực quyền cho tới năm 1960, khi Lê Duẩn được bầu làm bí thư thứ nhất, tương đương với chức tổng bí thư ngày nay, và dần dần lấn át vai trò của Hồ Chí Minh.

 

Thời đại Lê Duẩn (1960-1986), dù không hợp nhất hai chức danh nhưng vị tổng bí thư trên thực tế nắm quyền sinh sát và khuynh loát toàn bộ hệ thống chính trị. Ngược lại, chức chủ tịch nước (hay chủ tịch Hội đồng Nhà nước) không có nhiều quyền lực.

 

Sau thời Lê Duẩn, có lẽ vì e ngại quyền lực tập trung quá nhiều vào tay một người, cơ chế phân quyền trong nội bộ ban lãnh đạo đảng hình thành. Ban đầu là cơ chế “tam nhân phân quyền” (tổng bí thư, chủ tịch nước và thủ tướng), rồi sau đó đến cơ chế “tứ trụ triều đình” (cộng thêm chủ tịch Quốc hội). Xu hướng phân tách quyền lực này khiến cho ý niệm về việc nhất thể hóa không có đất để thảo luận, dù đôi lúc cũng được nói tới.

 

Sở dĩ người ta nói tới là vì họ ngó sang Trung Quốc.

 

Từ thời Giang Trạch Dân (1993-2003), Trung Quốc hợp nhất vị trí tổng bí thư và chủ tịch nước, tạo ra một nhà lãnh đạo đứng đầu toàn bộ hệ thống chính trị có đủ nanh đủ vuốt. Thế hệ lãnh đạo sau đó như Hồ Cẩm Đào (2004-2012) và Tập Cận Bình (2012 tới nay) được thừa hưởng cơ chế này. Họ trở thành những tay anh chị khét tiếng trên chính trường quốc tế, đủ tư cách đứng ngang hàng với nhân vật cộm cán của bất kỳ cường quốc nào. Tập Cận Bình thậm chí còn tận dụng cơ chế này để thâu tóm nhiều quyền lực hơn nữa và trên thực tế đã có thể sánh ngang với Mao Trạch Đông trong lịch sử Trung Hoa cộng sản.

 

Người ta nói mãi rồi một ngày nước ta cũng nhất thể hóa thật, dù chỉ là tạm thời.

 

Đó là năm 2018, khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang đột ngột qua đời. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội khi đó bầu làm chủ tịch nước cùng năm và giữ chức đó cho tới tháng 4/2021, khi ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm chủ tịch nước thay ông Trọng. Chính trường quay trở lại với lưỡng đầu chế.

 

Với sự kiện Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu làm tổng bí thư ngày 3/8 vừa qua, hai chức danh này lại nhập làm một.

 

Với quyền lực của một đại tướng công an, ông Tô Lâm rất có thể sẽ giữ được hai chiếc ghế này cho tới ít nhất là Đại hội Đảng năm 2026.

 

Và thậm chí còn lâu hơn nữa.

 

--------------

Chú thích :

 

[1] London, J. D. (2022). The Communist Party of Vietnam. Routledge EBooks, 21–47. https://doi.org/10.4324/9781315762302-3

 

[2] https://nvsk.vnanet.vn. (2023). Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm hữu nghị chính thức Việt Nam (11/2006). Vnanet.vn. https://nvsk.vnanet.vn

 

 

-------------------------------------------------------------------------

 

Đọc thêm:

 

Đại tướng Tô Lâm được bầu làm chủ tịch nước  

Luật Khoa tạp chí     -      Luật Khoa tạp chí

 

Cuộc đại cải cách của ngành công an dưới thời Tô Lâm

Luật Khoa tạp chí     -      Đình Thế Vinh

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats