Ngoại
giao cây tre có phải đặc sản của Việt Nam?
Không.
Đoàn Bảo Châu
August
07 202411:10 AM
https://www.luatkhoa.com/2024/08/ngoai-giao-cay-tre-co-phai-dac-san-cua-viet-nam/
https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2024/08/43287498324.jpg
Cố
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được coi là tác giả của khái niệm "ngoại giao
cây tre" ở Việt Nam. Ảnh gốc: Getty Images và Canva. Đồ họa: V.K / Luật
Khoa.
Trong các lớp bồi dưỡng chính trị dành cho
công chức nhà nước suốt mấy năm qua, các giảng viên thường tự hào về phương
pháp “ngoại giao cây tre” của Việt Nam.
Phương
pháp này được lấy cảm hứng từ đặc tính của cây tre: gốc vững thể hiện sự bảo vệ
độc lập và lợi ích quốc gia, thân chắc biểu thị tình đoàn kết trong nhân dân và
với các quốc gia khác, và cành uyển chuyển là khả năng điều chỉnh chiến lược
theo sự thay đổi của tình hình quốc tế. Cây tre có thể uốn cong mà không gãy,
nhấn mạnh tính bền bỉ và khả năng tồn tại trong các tình huống căng thẳng.
Không
chỉ trong các lớp bồi dưỡng chính trị mà trên khắp các mặt báo của nhà nước,
phương pháp ngoại giao này được ca ngợi như một thành tựu và di sản quý báu của
Việt Nam, đặc biệt được ca tụng hơn bao giờ hết sau đám tang của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng, người được coi là tác giả của phương pháp ngoại giao
này.
Đặc
trưng của Việt Nam? Không.
Cần
phải làm rõ rằng cây tre không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia
khác, đặc biệt là ở các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào,
Campuchia, Ấn Độ, và Pakistan. Phương pháp ngoại giao linh hoạt để tránh xung đột
trực tiếp cũng được nhiều quốc gia lớn như Trung Quốc và Nhật Bản áp dụng.
Ví
dụ, Trung Quốc sau khi thua trong chiến tranh Nha Phiến (1839-1842) đã phải
ký Hiệp
ước Nam Kinh với Anh, nhượng lại Hồng Kông và trả tiền bồi thường chiến
tranh. [1] Trong những năm tiếp theo, Trung Quốc tiếp tục ký các
hiệp ước bất lợi với các nước phương Tây như Hiệp ước Bogue (1843) với
Anh và Hiệp ước Whampoa (1844) với Pháp. [2] Những hiệp ước này đã buộc Trung
Quốc phải nhượng bộ các đặc quyền cho phương Tây, bao gồm việc thiết lập các
“khu thương mại ngoại giao” tại các thành phố lớn.
Tương
tự, Nhật Bản trong thời kỳ Minh Trị Duy Tân (1868-1912) sau khi buộc phải mở cửa
giao thương với Mỹ và các nước phương Tây đã triển khai chính sách “văn minh
hóa” để học hỏi và tiếp thu thành tựu của phương Tây. Nhật Bản cũng khéo léo
đàm phán để đạt được các hiệp ước bình đẳng, tránh bị chia cắt lãnh thổ như các
nước châu Á khác. Sau chiến tranh Trung-Nhật, Nhật Bản đối mặt với sự can thiệp
của Nga, Pháp, và Đức. Thay vì đối đầu trực diện, Nhật Bản đã linh hoạt đàm
phán và đạt được các hiệp ước như Hiệp
ước Portsmouth (1905) để tránh nguy cơ bị chia cắt lãnh thổ. [3]
Ngoài
ra, nhiều nước láng giềng của Việt Nam như Thái Lan, Campuchia, Miến Điện cũng
đã áp dụng các
chiến lược ngoại giao linh hoạt để bảo vệ lợi ích quốc gia của họ. [4]
Thậm chí, người ta cũng dùng thuật ngữ “ngoại giao cây tre” để mô tả chính sách
đối ngoại của Thái
Lan. [5] Cựu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thì nổi tiếng với quan điểm rằng
hầu hết các quốc gia Đông Nam Á không
muốn phải chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc. [6]
Như
vậy, việc tìm kiếm giải pháp linh hoạt và tránh đối đầu trong các tình huống phức
tạp là một đặc tính chung của ngành ngoại giao toàn cầu, đặc biệt là với các
nước vừa và nhỏ. [7] Việt Nam gần đây được cho là một quốc
gia tầm trung mới nổi. [8] Ngoại giao cây tre, trên thực tế, cũng là chiến
lược phổ biến mà các quốc gia dạng này theo đuổi vì họ ở địa vị trông xuống thì
chẳng ai bằng nhưng trông lên thì cũng chẳng bằng ai. Và suy cho cùng, bản chất
của ngoại giao chính là sự linh hoạt trong đàm phán để giữ được lợi ích tối đa
cho một quốc gia mà không gây ra tranh chấp, tránh được đối đầu trực tiếp với tổn
hại lớn.
Chiến
lược thành công…
Phương
pháp ngoại giao cây tre đã mang lại nhiều thành tựu cho Việt Nam. Nước ta đã
thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, ký Hiệp định Thương
mại Tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA) vào năm 2019, các hiệp định quan trọng
với Nhật Bản, Hàn Quốc. Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong ASEAN. Và
trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, Việt Nam đã giữ vững được phần lớn
chủ quyền và duy trì quan hệ chiến lược với siêu cường láng giềng này.
Tiến
sĩ Nguyễn Quang A, một nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng, cho rằng những
thành tựu ngoại giao này là “điểm cộng” cho cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,
người được coi là tác giả của “ngoại giao cây tre”. Việc ký kết các hiệp định
thương mại quan trọng và duy trì quan hệ tốt với các đối tác chiến lược cho thấy
phương pháp ngoại giao này đã đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.
…nhưng
không ít hạn chế
Phương
pháp ngoại giao cây tre không phải lúc nào cũng hoàn toàn có lợi.
Năm
2020, dưới áp lực quân sự từ Trung Quốc, Việt Nam đã phải hủy bỏ các hoạt động
khai thác dầu khí ở Biển Đông của ai công ty quốc tế, Repsol và Mubadala, đồng
thời đền
bù khoảng 1 tỷ USD cho các công ty này. [9]
Repsol
là một trong những công ty nước ngoài đầu tư lớn nhất vào ngành dầu khí ngoài
khơi của Việt Nam. Theo yêu cầu của chính phủ, họ phải rút khỏi các dự án tại
hai trong số 13 khu vực triển vọng phát triển tốt nhất nằm trong vùng đặc quyền
kinh tế (EEZ) của Việt Nam nhưng đồng thời cũng nằm trong khu vực mà Trung Quốc
vẽ đường chín đoạn từ năm 1948.
Sự
nhượng bộ này cho thấy phương pháp ngoại giao cây tre đã không bảo vệ hoàn toàn
lợi ích quốc gia vốn được coi là “gốc tre” bất di bất dịch. Điều này đặt ra một
số câu hỏi quan trọng: Liệu việc này có tạo ra tiền lệ xấu trong tương
lai?
Nếu
Trung Quốc tiếp tục mở rộng yêu sách, việc nhượng bộ “linh hoạt” và “mềm mại”
như cành tre này sẽ dẫn đến đâu? Liệu các công ty dầu khí quốc tế có ngần ngại
hợp tác với Việt Nam trong tương lai do sự không chắc chắn về chính trị và ngoại
giao?
Tính
chính trực của một quốc gia
Phương
pháp ngoại giao cây tre cũng có thể ảnh hưởng đến sự chính trực của quốc gia.
Trong cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine, Việt Nam đã chọn bỏ
phiếu trắng cho nghị quyết của Liên Hợp Quốc yêu cầu Nga rút quân khỏi
Ukraine. [10] Quyết định này có thể hiểu được do mối quan hệ lịch sử với Nga và
sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga. Tuy nhiên, điều này đã dẫn đến sự phê phán từ
phía Ukraine về sự lạnh nhạt của Việt Nam, mặc dù Việt Nam cũng có mối quan hệ
hữu nghị lâu dài với Ukraine.
Sự
linh hoạt trong ngoại giao, mặc dù có thể giúp tránh xung đột, cũng đặt ra câu
hỏi về khả năng nhận được sự ủng hộ quốc tế trong các tình huống xung đột tương
tự trong tương lai. Liệu Việt Nam có thể duy trì được sự ủng hộ quốc tế khi đối
mặt với các vấn đề tương tự nếu tiếp tục áp dụng phương pháp ngoại giao mềm mại
như cây tre?
Sự
linh hoạt của cây tre là cần thiết khi phải đối phó với một trật tự thế giới do
các siêu cường tranh nhau kiểm soát, nhưng làm sao không xâm phạm tới nguyên tắc
cốt lõi về tính chính trực của một quốc gia, xứng đáng là một chỗ dựa đáng tin
cậy cho những giá trị phổ quát của thế giới văn minh thì lại là chuyện
khác.
Tính
chính trực của một quốc gia còn liên quan tới việc thực hiện những gì một quốc
gia cam kết với quốc tế. Việt Nam đã ký và phê chuẩn những công ước và nghị định
thư về quyền con người, quyền lao động và bảo vệ môi trường nhưng thực tế cho
thấy chính quyền không thực hiện nghiêm chỉnh những cam kết này. Phải chăng đây
cũng chính là sự “linh hoạt” của cây tre được áp dụng trong đối ngoại và đối nội?
Đối ngoại thì ký và giả vờ tuân thủ, đối nội thì làm ngược lại?
Linh
hoạt, mềm mại nhưng phải có giới hạn và nhất định không được xâm hại những giá
trị cốt lõi. Một quốc gia chỉ được coi là một đối tác tốt khi bạn bè quốc tế đặt
niềm tin vào tính chính trực của quốc gia ấy.
-----------------
Đoàn Bảo
Châu là một nhà văn với sáu tiểu thuyết đã xuất bản, võ sư Karate, phóng viên
viết và ảnh hợp tác với nhiều báo quốc tế. Ông thường bình luận về các vấn đề
xã hội, nhân quyền và dân chủ.
No comments:
Post a Comment