Thursday 11 January 2024

TRUNG QUỐC CÓ THỂ TỔNG ĐỘNG VIÊN CÔNG DÂN Ở NƯỚC NGOÀI NHƯ THẾ NÀO (Lê Nam Phong / Luật Khoa Tạp Chí)

 



Trung Quốc có thể tổng động viên công dân ở nước ngoài như thế nào

Lê Nam Phong  -  Luật Khoa Tạp Chí

January 10 2024 12:09 PM

https://www.luatkhoa.com/2024/01/trung-quoc-co-the-tong-dong-vien-cong-dan-o-nuoc-ngoai-nhu-the-nao/

 

Nhật Bản lo ngại người lao động Trung Quốc bị Bắc Kinh thao túng.

 

Người lao động nhập cư từ Trung Quốc giúp ích rất lớn cho nền kinh tế Nhật Bản, nhưng các quy định pháp luật về quân sự và an ninh của Trung Quốc khiến Tokyo ngày càng lo ngại. Trong số đó, Đạo luật Tổng động viên Quốc phòng và Đạo luật Tình báo Quốc gia là hai bài toán lớn nhất.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2024/01/r439483024.jpeg

Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.

 

 

Đạo luật Tổng động viên Quốc phòng

 

Năm 2010, Trung Quốc thông qua “Đạo luật Tổng động viên Quốc phòng”. Theo đó, tất cả các cá nhân và tổ chức người Trung Quốc đều phải tuân thủ lệnh tổng động viên vào quân đội, cung cấp nhân lực vật lực cho quốc gia khi an ninh quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc bị đe dọa. Quy định này áp dụng cho mọi công dân và tổ chức của người Trung Quốc, dù cho sống ở đâu. [1]

 

Các lãnh đạo và học giả Nhật Bản không ngừng thảo luận về các nguy cơ an ninh quốc gia mà đạo luật này có thể đem lại.

 

Dân biểu Hạ viện Yamatani Eriko gửi công văn cho Chủ tịch Hạ viện, chỉ ra rằng đạo luật này cung cấp cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị huy động lực lượng trong thời bình và huy động lực lượng trong thời chiến.

 

“Nếu căn cứ theo đạo luật này thì khoảng 650.000 người Trung Quốc sống ở Nhật Bản có thể sẽ được huy động theo lệnh của chính phủ Trung Quốc. Các công ty Nhật Bản hiện đang làm ăn tại Trung Quốc cũng có thể phải tuân thủ lệnh động viên và tuyển dụng cho mục đích quân sự theo lệnh của chính phủ Trung Quốc”, bà nói.

 

Công văn này cũng đặt ra vấn đề chủ quyền quốc gia của Nhật khi có một nước khác (Trung Quốc) ra luật để có cơ sở pháp lý huy động lực lượng là người Trung Quốc ngay trên lãnh thổ Nhật. [2]

 

Trong công văn trả lời, Thủ tướng Nhật khi đó là Kan Naoto cung cấp các thông tin liên quan đến người Trung Quốc tại Nhật như yêu cầu, nhưng nói ông không muốn làm công việc diễn giải luật của nước khác. [3]

 

 

Doanh nghiệp Nhật cũng giật mình

 

Ông Tachibana, đại diện của Ellis Asia, một công ty có trụ sở tại Malaysia và cung cấp dịch vụ tư vấn cho các công ty Nhật Bản, cũng cảnh báo về nguy cơ mà "Đạo luật Tổng động viên Quốc phòng" của Trung Quốc có thể gây ra cho doanh nghiệp Nhật. [4]

 

Ông cho biết: "Một khi chính phủ Trung Quốc đánh giá một sự cố nào đó là trường hợp khẩn cấp, cần chú ý là việc trưng dụng người, tiền bạc và hàng hóa của tất cả các tổ chức ở Trung Quốc, bao gồm các công ty Nhật Bản đang làm việc tại Trung Quốc, sẽ được hợp pháp hóa. Các doanh nghiệp Nhật tại Trung Quốc trong trường hợp đó hoàn toàn có thể bị đặt dưới sự kiểm soát kiểu thời chiến."

 

Khái niệm "khẩn cấp" trong đạo luật nói trên là mơ hồ. Vì vậy, phạm vi áp dụng của nó rất rộng. Đạo luật cho phép Bắc Kinh tự do diễn giải một sự kiện nào đó là "khẩn cấp" để áp dụng các biện pháp thời chiến, một khi họ thấy cần thiết.

 

Ông Tachibana chỉ ra rằng, nếu xảy ra một vụ va chạm tình cờ nào đó ở Biển Hoa Đông hoặc Biển Đông, Trung Quốc có thể coi đó là trường hợp khẩn cấp và hoàn toàn có thể động viên những nhân viên người Trung Quốc làm việc cho doanh nghiệp Nhật.

 

Nếu doanh nghiệp và người lao động đó đang ở trong lãnh thổ Trung Quốc, họ vẫn có nghĩa vụ trả lương khi nhân viên bị động viên vào hoạt động quốc phòng.

 

Mặt khác, các doanh nghiệp Nhật tại Trung Quốc cũng không có cách nào ngăn chặn thông tin nội bộ được chuyển đến các cơ quan quân sự của nước này.

 

 

Đạo luật Tình báo Quốc gia

 

Đến năm 2017, Trung Quốc tiếp tục ban bố "Đạo luật Tình báo Quốc gia", trong đó quy định: "Bất kỳ tổ chức và công dân Trung Quốc nào cũng phải hỗ trợ, giúp đỡ và hợp tác với công tác tình báo quốc gia, theo quy định của pháp luật, và giữ bí mật của công việc tình báo quốc gia mà họ biết."

 

Mặt khác, Cơ quan Tình báo Quốc gia Trung Quốc "có thể thiết lập quan hệ hợp tác với các cá nhân và tổ chức có liên quan và ủy thác công việc có liên quan." Đồng thời, khi thực hiện công tác tình báo, các cơ quan này "có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức và công dân có liên quan cung cấp sự hỗ trợ và hợp tác cần thiết.” [5]

 

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera (thành viên của Đảng Dân chủ Tự do) và ông Katsuya Okada, Tổng Bí thư của Đảng Dân chủ Lập hiến, đã có phát biểu lo lắng về cả Đạo luật Tổng động viên Quốc phòng và Đạo luật Tình báo Quốc gia của Trung Quốc. [6]

 

Đặc biệt, hai đạo luật này đều quy định không chỉ công dân Trung Quốc sống trong nước mà còn cả công dân Trung Quốc sống ở nước ngoài cũng phải tuân thủ những quy định đó.

 

Ông cựu Bộ trưởng Quốc phòng từng chỉ ra: "Đây là một đạo luật rất đáng sợ. Nhìn từ phía cộng đồng quốc tế, chúng ta không thể chấp nhận một nội dung như vậy".

 

Bản thân người Trung Quốc lao động ở Nhật không phải là một vấn đề. Vấn đề nằm ở cách mà luật pháp của Bắc Kinh quy định chính quyền có thể huy động công dân Trung Quốc ở nước ngoài cho mục đích quân sự và tình báo.

 

Từ nhiều năm nay, các quan chức cũng như giới nghiên cứu Nhật Bản đã thảo luận nhiều về các nguy cơ mà hai đạo luật này đặt ra đối với nước Nhật.

 

Việt Nam là nước có nhiều công dân Trung Quốc sinh sống. Nếu xét về mức độ ảnh hưởng của hai đạo luật nói trên, Việt Nam có lẽ nằm trong vùng chịu ảnh hưởng mạnh nhất.

 

Hiện chưa rõ có cuộc thảo luận công khai nào trong giới chức ở Việt Nam về tình huống chính quyền Trung Quốc huy động công dân của họ đang sinh sống tại Việt Nam phải tuân thủ các nghĩa vụ quốc phòng khẩn cấp hay không.

 

-------------

Chú thích

 

1. Đạo luật Tổng động viên Quốc phòng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ban hành ngày 26/2/2010

 

2. Xem thư chất vấn chính phủ của Dân biểu Hạ viện Nhật Bản Yamatani Eriko ngày 3/2/2011, trên Website của Hạ viện Nhật Bản. truy cập ngày 23/12/2023

 

3. Xem công văn ngày 10/2/2011 của Chính phủ Nhật trả lời chất vấn của Quốc hội về những vấn đề nói trên, trên tại Website Hạ viện Nhật Bản. Truy cập ngày 19/12/2023.

 

4. Xem bài trên báo Sankei:

 

5. Xem các Điều 7, 12, 14 của “Đạo luật Tình báo Quốc gia” của Trung Quốc, 华人民共和国国家情报法, ngày 27/6/2017.

 

6. Tường thuật của tờ Toyo Keizai “Người Nhật vẫn chưa biết về cái đáng sợ của hai đạo luật Trung Quốc có thể huy động người Trung Quốc (tại Nhật) cho chiến tranh” 日本人は中国人を動員する2法の怖さを知らない, ngày 26/9/2022. Truy cập ngày 20/12/2023 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats