Sunday, 7 January 2024

TRÍ TUỆ NHÂN TẠO CÓ SÁNG TẠO THAY NHÀ VĂN? (Hoài Hương | Báo Sức khỏe & Đời sống Online)

 



Trí tuệ nhân tạo có sáng tạo thay nhà văn?    

Hoài Hương  |  Báo Sức khỏe & Đời sống Online

21-06-2023 10:25

https://suckhoedoisong.vn/tri-tue-nhan-tao-co-sang-tao-thay-nha-van-169230621102449132.htm

 

SKĐS - Trí tuệ nhân tạo (AI) liệu có thể sáng tạo văn học nghệ thuật, thứ vẫn được xem như quyền năng tối thượng thuộc về cảm xúc của con người?

 
Năm 2016, khi tiểu thuyết Nhật Bản "The Day A Computer Writes A Novel" - Ngày mà chiếc máy tính tự viết một cuốn tiểu thuyết, được công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sáng tạo, lọt vào chung khảo giải thưởng văn học quốc gia Nhật Bản, thì xem như AI đã đánh dấu lấn sân sang lĩnh vực sáng tạo văn học toàn cầu. Và từ đó nảy sinh nhiều vấn đề xoay quanh mối quan hệ của AI với văn học, sẽ phải "ứng biến" như thế nào? AI liệu có thể sáng tạo văn học nghệ thuật, thứ vẫn được xem như quyền năng tối thượng thuộc về cảm xúc của con người?

 

""AI" là tên viết tắt của cụm từ Artificial Intelligence, dịch nghĩa "Trí tuệ thông minh nhân tạo", thường gọi gọn là "trí tuệ nhân tạo". Thuật ngữ "trí tuệ nhân tạo" - AI, được đặt ra từ năm 1956, ngày trở nên phổ biến hơn nhờ những phát triển về dữ liệu, thuật toán và năng lực của phần cứng. trong các bộ phim khoa học viễn tưởng và tiểu thuyết Hollywood thường mô tả AI là những robot giống như con người có trí tuệ siêu việt với tham vọng chiếm lĩnh thế giới.

 

AI ra đời như thế nào? Công nghệ AI đã được đề cập như một thành tố không thể thiếu khi cuộc cách mạng 4.0 lan tỏa toàn cầu với các phần mềm và thiết bị thông minh hỗ trợ ngày càng hoàn thiện. Nó được mô phỏng theo suy nghĩ và quá trình tiếp thu kiến thức của con người.

 

AI xử lý được lượng lớn dữ liệu nhanh hơn và đưa ra dự đoán chính xác hơn khả năng của con người. AI có thể tích hợp ở những công nghệ khác nhau như tự động hóa, máy học, thị giác máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, robotics, xe tự lái, du lịch... Từng bước nó đã được vận dụng trong nhiều lĩnh vực và đặc biệt trong cả lĩnh vực văn học nghệ thuật.

 

Ngay vào những năm 1960, Bộ Quốc phòng Mỹ đã quan tâm và bắt đầu xây dựng máy tính có thể bắt chước khả năng lý luận đơn giản của con người. Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng tiên tiến, gọi tắt là DARPA đã hoàn thành các dự án lập bản đồ đường phố vào những năm 1970.

 

Sau đó, cơ quan này đã chế tạo trợ lý ảo thông minh vào năm 2003. Những việc nói trên như mang tính chất mở đường.

 

Năm 2011, IBM giới thiệu hệ thống Watson, một hệ thống AI có khả năng trả lời câu hỏi phức tạp bằng cách sử dụng các kỹ thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên và máy học.

 

Năm 2016, Google DeepMind giới thiệu hệ thống AlphaGo, một hệ thống AI có khả năng chơi cờ vây với kỳ thủ chuyên nghiệp và đã gây ấn tượng mạnh khi đánh bại nhà vô địch cờ vây Lee Sedol.

 

Năm 2020, OpenAI giới thiệu hệ thống GPT3, một hệ thống trí tuệ nhân tạo sử dụng mô hình “học sâu” và có khả năng tạo ra văn bản tự động. Hầu hết những gì chúng ta gọi là AI ngày nay đều có trí thông minh hẹp, là một hệ thống cụ thể giải quyết một vấn đề cụ thể.

 

Rồi Chat GPT, được phát triển bởi OpenAI và ra mắt vào tháng 11/2022 - “Chat Generative Pre-training Transformer”, là một chatbot được xây dựng trên nền tảng GPT-3 của OpenAI như đã nói trên. AI đã thâm nhập vào sáng tạo văn học từng bước Sau tiểu thuyết đầu tiên của Nhật do AI sáng tạo “The Day A Computer Writes A Novel”- năm 2016, lần lượt một số tác phầm văn học khác được AI của các quốc gia thể nghiệm gây ảnh hưởng văn đàn quốc tế.

 

Năm 2021, Nhà xuất bản Parambook ra mắt tiểu thuyết “The World from Now On” - tạm dịch: Thế giới từ nay, do nhà văn AI mang tên Birampung viết bằng tiếng Anh, do Công ty Khởi nghiệp AI Dapumda và Công ty Xử lý ngôn ngữ tự nhiên Namaesseu của Hàn Quốc đồng sáng tạo. AI Birampung được nhà văn Kim Tae-yeon, đồng thời là một chuyên gia khoa học máy tính, hướng dẫn viết cuốn tiểu thuyết này thông qua quá trình học sâu - deep learning, sau khi ông phác thảo chủ đề, bối cảnh và nhân vật của cuốn tiểu thuyết.

 

Mới đây nhất, Nhà xuất bản Tor Books - nơi nổi tiếng về việc ra mắt cuốn “Eragon” của Christopher Paolini, sử dụng bìa sách do AI vẽ nên đang gây ồn ào những tranh luận nên hay không cho AI “nhúng tay” vào sáng tạo tác phẩm.

 

Ở một “ồn ào” khác, tay viết nghiệp dư Ammaar Reshi, một giám đốc thiết kế sản phẩm tại San Francisco, Mỹ, cũng đã trở thành tâm điểm của ngành công nghiệp sáng tạo khi cho ra mắt một cuốn sách thiếu nhi chỉ trong vài ngày với sự hỗ trợ của phần mềm AI ChatGPT.

 

Không cần dùng đến bút và giấy, cuốn sách 12 trang “Alice and Sparkle” của Ammaar thậm chí còn được đem bán trên Amazon và trở thành một chủ đề lớn trên Twitter.

 

Ngày càng nhiều tác giả, nhà xuất bản sử dụng công nghệ AI trong việc thiết kế bìa sách, thậm chí cả sáng tác nội dung. Trong khi việc ứng dụng công nghệ này có thể coi là một bước tiến mới thì đây cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi của các chuyên gia về công nghiệp sáng tạo. Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, AI đang ngày càng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực.

 

Các phần mềm sáng tạo sử dụng AI, thậm chí các công cụ trò chuyện do AI cung cấp - ChatGPT cũng đang ngày càng trở nên phổ biến và dần được sử dụng miễn phí. Từ năm 2020, AI đã can thiệp vào đời sống văn học thông qua những thuật toán tìm kiếm của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Facebook... nhằm tìm hiểu thói quen, sở thích đọc sách của bạn đọc để từ đó cung cấp danh sách những tác phẩm phù hợp với thói quen và sở thích đó.

 

Ngoài ra, các tác phẩm do AI sáng tạo cũng dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt về đạo đức trong nghệ thuật.

 

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, công nghệ AI đang lạm dụng sự sáng tạo của các nghệ sĩ và những người sáng tạo khi sử dụng tác phẩm của họ làm dữ liệu nguồn, đồng thời gia tăng nguy cơ thay thế các nghệ sĩ này trong tương lai. Tuy nhiên, đây chỉ là sự can thiệp, tác động ở “bề mặt”.

 

Liệu AI có thể thay thế sự sáng tạo của nhà văn - tạo nên tác phẩm từ cảm xúc cá nhân? AI có thể thay thế nhà văn để sáng tạo tác phẩm? Ở thời điểm hiện tại và có lẽ cũng còn lâu lắm, mà cũng có thể không có viễn cảnh AI sẽ thay thế nhà văn để sáng tạo “nguồn” tác phẩm văn học khổng lồ, cung cấp cho hơn 10 tỉ dân toàn cầu các tác phẩm văn học đa thể loại, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, đa phong cách...

 

Chúng ta đều biết, để AI hoạt động một cách hiệu quả, trong bất kỳ lĩnh vực nào, điều quan trọng nhất là phải cung cấp cho nó một hệ thống đầu vào - dự liệu gốc hoàn chỉnh. Trên cơ sở đầu vào ấy, AI tự nghiên cứu, “học sâu” và chế tác nên một sản phẩm đầu ra như mong muốn của người thiết kế. Cứ cho viễn cảnh trong tương lai xa, với sự phát triển của AI, sẽ có những bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết... mới được tạo ra dựa trên dữ liệu đầu vào là tập hợp những tác phẩm của các tác giả khác nhau. Nhưng với sáng tác văn học, là một thách thức với AI không hề đơn giản. AI muốn “học sâu” phải được cung cấp cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh bao gồm hàng tỷ các tác phẩm văn học thuộc các thể loại (thơ, truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết...). Với nền tảng số hóa hiện nay, việc làm này dù khá gian nan nhưng có thể thực hiện được ở một mức độ nhất định.

 

Nhưng để xử lý khối dữ liệu khổng lồ ấy, rồi lọc, tạo ra một tác phẩm mới như thế nào mới là điều đáng quan tâm. Một số thể loại văn học sẽ đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho AI trong quá trình tự học, như với bút ký văn học, cần sự thâm nhập sâu vào thực tế cuộc sống, con người thật, công việc thật, thì AI sẽ đi “thực tế” lấy tư liệu sáng tác ra sao?

Hay với truyện ngắn và tiểu thuyết, có thể có “công thức” chủ đề, cấu trúc, nhân vật..., nhưng cảm xúc thì AI làm sao “cảm” được? Ví dụ, trong dự liệu văn học Việt Nam đương đại, thì AI sẽ “học” theo ai? Lấy ai làm “nguyên liệu” gốc cho AI. Rất khó cho AI định dạng mô phỏng hay tổng hợp, mỗi tác giả có một phong cách, bút pháp sáng tác khác nhau, sáng tác trong giai đoạn khác nhau, và sẽ như một “mê cung” không lối thoát khi AI vương mắc vào.

 

Ngay cả nếu có thể AI lập trình những tác giả có phong cách hao hao, thì cũng rất khó mà hình dung diện mạo một tác phẩm mới có tính sáng tạo, mà chỉ là copy những gì của các tác phẩm để thành một “mớ” hỗn độn.

 

Vì vậy, điều làm nên sự khác biệt giữa nhà văn và AI chính là xúc cảm thẩm mỹ, là tiếng lòng đồng cảm với thất tình lục đục trong cuộc sống.

 

AI chỉ là một trong những công cụ hỗ trợ sáng tạo. Tác giả trẻ Vũ Đức Anh cho rằng, AI sẽ không thể thay thế công việc kiến tạo nghệ thuật của người cầm bút, nhưng nếu nhà văn không có ý thức kiếm tìm điều mới mẻ thì rất có thể trong tương lai AI sẽ vượt trước: “Và đôi khi có những ý tưởng tốt nhưng nhà văn không biết triển khai như thế nào thì chính câu chuyện của AI lại giúp họ hoàn thành được tác phẩm, ít nhất là về bản thảo...

 

Khi AI viết truyện còn liên quan tới thị trường. Điều này không có hại cho văn học. Đôi khi AI miêu tả còn chính xác hơn cả nhà văn bởi không chịu sự chi phối của cảm xúc. Khi AI viết văn sẽ thúc đẩy các nhà văn buộc phải tư duy sáng tạo...”.

 

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội tin chắc một điều rằng, máy móc không thể thay thế được con người: “Bởi văn chương là sản phẩm của con người và nó là tiếng nói của tâm hồn không thay thế được”.

 

Trong tương lai, AI có thể trở thành một phần không thể thiếu trong quy trình sáng tạo của nhiều nghệ sĩ, thì công việc sáng tạo vẫn là một trong nhiều khía cạnh của cuộc sống cần sự tham gia trực tiếp của con người và mang đậm bản sắc riêng của từng nghệ sĩ, nhất là đối với nhà văn.

 

Hoài Hương

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats