Tuesday, 9 January 2024

ĐỌC "SÓNG Ở ĐÁY SÔNG" CỦA LÊ LỰU (Bảo La / Luật Khoa Tạp Chí)

 



Đọc “Sóng ở đáy sông” của Lê Lựu

Bảo La

Jan 9, 2024

https://www.luatkhoa.com/2024/01/doc-song-o-day-song-cua-le-luu/

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2024/01/7984374.png

Đồ họa: Tùy Phong/ Luật Khoa.

 

Nhà văn Lê Lựu viết “Sóng ở đáy sông” năm 1994 dựa trên một câu chuyện có thật. Nội dung cuốn tiểu thuyết không diễn ra theo tuần tự thời gian và cũng không phải hoàn toàn viết theo lối hồi tưởng. Quá khứ và hiện tại đan cài tái hiện một thời kỳ đầy biến động của lịch sử Việt Nam và sự trớ trêu của số phận con người, đặc biệt là nhân vật chính - một người tù ở Hải Phòng tên Núi. Bối cảnh chính của cả tác phẩm cũng là thành phố hoa phượng đỏ. 

 

 

Chế độ đa thê được xã hội dung túng 

 

Đó là câu chuyện của một gia đình tiểu tư sản thành thị ở Hải Phòng trước năm 1954. Từ đầu đến cuối câu chuyện, người cha có tác động chính đến số phận của những người con nhưng thường không xuất hiện với một cái tên cụ thể mà chỉ chủ yếu thông qua cách gọi “cậu" của vợ và con. Ông, một cán bộ lưu dụng từ thời Pháp, như một sự thống trị vô hình của gia đình và cuộc đời họ.

 

Tầng hai ngôi nhà của ông là thế giới của văn minh, thanh tao, tràn ngập tiếng đàn dương cầm, tranh vẽ. Còn thì tầng một chỉ là chỗ phàm tục - những người con của người ở bị đối xử như những đứa con hạng hai của người cha. Người con với bà cả được đặt những cái tên hay: An - Nam - Quốc - Bình - Yên - Vạn - Sự - Như -Ý, còn người con với vợ lẽ chỉ là những tên quê mùa: Núi - Sông - Biển.  

 

Tầng hai là chốn nghỉ ngơi của tầng lớp cao quý, còn tầng một xó xỉnh là chỗ của đám hạ đẳng. Và rốt cuộc, người cha coi đó là sự bố thí rộng rãi của một quan chức lưu dụng với một người phụ nữ mà với ông chỉ là công cụ cho những khao khát tầm thường, và những đứa con mà bà đẻ ra. Ngay cả khi vợ cả mất rồi thì người ở ấy vẫn không chính thức được coi là vợ ông. Chính Núi cũng từng tuyên bố anh được sinh ra từ tội ác của người cha là cán bộ nhà nước - chiếm đoạt người ở và coi bà là một nô lệ tình dục. 

 

Nhưng, xã hội chấp nhận chế độ đa thê phi chính thức không hề lên án người cán bộ ấy. Cho tới tận phút lâm chung, người phụ nữ kiêm người ở này chỉ biết vui khi chồng cho phép vui, buồn khi chồng cho phép buồn. Người cha không có nhân tính và chỉ coi người ở như một cái máy đẻ, nhưng vẫn luôn tỏ vẻ gia giáo, kỷ cương. Cho dù ông gửi con sơ tán ở vùng nông thôn nhưng rất coi thường người ở quê, vì cho rằng thân phận cán bộ thành phố cao quý hơn, có trọng trách lớn hơn. 

 

Người ở và các con không chính thức phải gọi người con của vợ cả như những ông chủ. Núi không những chịu khổ mà còn chịu nhục. Núi càng bị người cha ghét bỏ bởi từ nhỏ cậu đã dám nói lên những điều phi lý của cha. Núi từ nhỏ đã cảm nhận được sự phân biệt đối xử và coi thường phụ nữ của người cha và không ít lần tỏ ra phẫn uất, phản kháng thay cho mẹ. Cậu có ý thức đấu tranh cho quyền được đối xử bình đẳng của mẹ, của các em và của chính bản thân cậu. 

 

Văn hóa làng xã không cho phép Núi và Hiền đến với nhau vì họ là cô cháu bảy đời. Ngay cả khi pháp luật không cấm thì những áp lực của dư luận cũng khiến họ rời xa, đẩy Hiền tới chỗ suýt phải tự vẫn. Người ta xì xào lời ra tiếng vào, suýt nữa đã lấy đi mạng sống và danh dự của Hiền, nhưng lại hoàn toàn lặng thinh trước sự tàn nhẫn của người cha. 

 

 

Những con người tốt bụng và bao dung

 

Ngay cả khi Núi rơi vào cảnh đói ăn vụng, túng làm liều, những người hàng xóm láng giềng vẫn nhắm mắt làm ngơ cho cậu, vì rằng, xuất phát điểm của Núi là một con ngoan, trò giỏi, một người anh hết mực thương yêu em. Nhưng trớ trêu thay, Núi bị bố hết lần này đến lần khác đuổi ra khỏi nhà. 

 

Vì hoàn cảnh xô đẩy, và dù cậu phải đi ăn cắp để nuôi hai em nhỏ và sau này là chăm đứa con nhỏ, Núi vẫn có một trái tim nhân hậu, cảm hóa được cả chính những người bắt giam cậu. Trại cải tạo đành phải chấp nhận trông con cho Núi, bởi chẳng có ai đủ điều kiện để chăm nom bé Uyển. Bà tổ trưởng dân phố, hay những người phụ nữ bất hạnh như Hồng và Hiền cũng không quan tâm đến quá khứ mà đến với Núi một cách chân thành. Chính họ, những con người ở làng quê, lại biết nhìn người bằng đôi mắt yêu thương chứ không phải bằng những thông tin lý lịch hời hợt như người cha của cậu. 

 

Người cha giàu sang, quyền quý được mô tả “không khác một chiếc đồng hồ” với những nguyên tắc cứng nhắc. Những người học cao biết rộng tự cho mình cái quyền không tôn trọng những “kẻ dưới”. Những người ít học và bị coi là “mất dạy”, “nguy hiểm” như ba anh em Núi lại là những người biết đối nhân xử thế và không cạn tàu ráo máng như người cha của họ. Chính mẹ của Núi, dẫu chịu bao thiệt thòi, đắng cay, nhưng đã dạy các con phải biết kính trên, nhường dưới. 

 

Rõ ràng, ngay cả khi mất mẹ, phải nghỉ học, Núi cũng sẵn sàng lao động chân chính để không phụ thuộc vào người cha. Mặc dù vậy, ông cũng không hề giúp cậu, mà thậm chí còn hết lần này đến lần khác trừng phạt cậu, thậm chí đuổi cậu đi trong đêm gió bão. Nhân danh bảo vệ an ninh của thành phố và nhà nước, duy trì sự tử tế của xã hội, ông quả quyết từ con để rũ bỏ trách nhiệm. Và đến gần cuối truyện, ông thậm chí còn viết đơn xin Viện Kiểm sát bắt con ông đi tù chung thân.  

 

Cuốn tiểu thuyết đặt ra những câu hỏi về những khái niệm mơ hồ về sự văn minh và lạc hậu, sự đối lập nhưng đan cài giữa thành thị và nông thôn, tù tội và nền nếp. 

 

Câu chuyện được viết bằng ngôn ngữ thuần Việt đầy tính nhân văn và đặt ra những câu hỏi có giá trị cho tới tận bây giờ.

 

Tại sao người ta chỉ có luật cho những người con không chăm cha, nhưng không có những luật trừng phạt những người cha bất nhân? 

 

Tại sao xã hội có thể để cho người cha sống trong nhung lụa nhưng bắt con phải sống cảnh bụi đời, cơm đường cháo chợ, chỉ vì chúng là đứa con “không chính thức”? 

 

Chính những kẻ trưởng giả như người cha, những người có tiền có quyền trong xã hội, đã tước đoạt đi quyền làm người lương thiện của chính con mình.  

 

Những câu văn khép lại tác phẩm, cũng là lời chiêm nghiệm của tác giả, thật vô cùng ám ảnh: “Nếu người ta biết rằng dưới đáy sông Lấp vẫn còn có hai dòng nước chảy ra của sông Cấm. Sự lên, xuống của con nước, sự rào rạt của sóng vỗ cũng từ đáy sông mà tạo nên. Nếu người ta biết là lấp sông vẫn còn nước chảy, còn sóng vỗ, thì hàng trăm năm trước người ta lấp sông làm gì?”.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats