Sunday, 7 January 2024

ĐI COI MÚA LÂN (Huỳnh Chí Viễn / Saigon Nhỏ)

 



Đi coi múa lân

Huỳnh Chí Viễn  -  Saigon Nhỏ

6 tháng 1, 2024

https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/di-coi-mua-lan/

 

Hồi còn nhỏ, đến dịp Tết Nguyên Đán, tôi rất mong được về Chợ Lớn vì một lý do: Xem múa lân. Sáng 30 Tết, khi mẹ tôi đi chợ chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên, ba tôi lại chở tôi trên chiếc xe cub cánh én cũ đi vòng vòng những con đường lớn ở quận 5 và quận 11 để đón xe múa lân.

 

Không cần phải chờ quá lâu vì cứ khoảng năm phút mười phút là tôi đã nghe được tiếng trống lân rộn rã thanh la não bạc trên những chiếc xe tải được trang trí bằng băng rôn và cờ xí. 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/tong-su-zkoDBONYcx4-unsplash-1536x1024.jpg

Ảnh: tong-su-zko-unsplash

 

Trên xe là đội lân độ khoảng 20 người mặc đồng phục áo thun không cổ, in tên đội lân bằng cả tiếng Hoa lẫn tiếng Việt, thắt lưng vải đỏ quanh bụng, quần thun thể thao, hoặc quần đen, quấn xà cạp và giày vải. Có nhiều xe còn chở theo cả một dàn binh khí sáng ngời đầy đủ đại đao, trường thương, kiếm, kích để biểu diễn võ thuật. Xe đi đến đâu là trống gõ liên hồi đến đó. Tiếng trống làm nên cái hồn của múa lân. Không có trống, lân không tài nào múa được.

 

Ngày trước ở Chợ Lớn có hơn ba mươi đội lân lớn nhỏ khác nhau, mỗi đội đều có tên gồm ba chữ, kết thúc bằng chữ “Đường”, trong đó nổi tiếng nhất là đội lân Nhân Nghĩa Đường của gia đình võ sư Lưu Kiếm Xương, Thắng Nghĩa Đường của Trần gia và Hằng Anh Đường của họ Từ.

 

“Đường” trong tiếng Hoa là gian nhà lớn để mọi người tụ tập về. Đó là những đội lân của người Quảng Đông theo trường phái Nam Sư. Bên cạnh đó còn có những đội lân của người Tiều Châu theo trường phái Bắc Sư và những đội múa rồng của người Phúc Kiến. Tiếng trống của Bắc Sư và tiếng trống múa rồng hoàn toàn khác tiếng trống lân của người Quảng Đông. Thỉnh thoảng có một vài chiếc xe tải nhỏ chở đoàn lân với đầu lân nhìn rất lạ, nửa giống rồng, nửa giống tôm mà ba tôi bảo đó là lân của người Hẹ (Khách Gia).

 

Sáng 30 Tết là thời điểm mà các đội lân khắp Chợ Lớn chuẩn bị lên đường; và trước khi đi múa ở đâu đó, tất cả đều tập trung ở chùa bà Nam Hải trên đường Trần Hưng Đạo B để làm lễ “điểm tinh” cầu phúc. Chỉ cần đến chùa bà Nam Hải sáng 30 Tết, người mê lân sư rồng sẽ được xem miễn phí tất cả các đội lân về tụ hội.

 

Thường thì nhà nào làm ăn lớn như cửa tiệm hoặc cơ sở sản xuất sẽ đón đoàn lân đến múa vào những ngày Tết để lấy hên. Lân sẽ được ông địa cầm quạt dắt vào nhà múa vòng quanh nhà để xông đất, sau đó tiến vào trong nhà để lạy bàn thờ và cuối cùng là màn hấp dẫn nhất “thực thanh”. Gia chủ treo bắp cải có kèm theo bao lì xì đỏ trên cao trước cửa nhà, người múa lân phải leo lên cây sào để giật lấy bao lì xì và bắp cải.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/pexels-vlad-vasnetsov-2354073-1536x1025.jpg

Ảnh: pexels-vlad-vasnetsov

 

 

Múa lân hay múa sư tử?

 

Một nhầm lẫn khá thú vị mà mãi gần đây tôi mới tìm được lời giải thỏa đáng là tên gọi và nguồn gốc của con vật mà ta hay gọi là “con lân” và “múa lân”. Trái với suy nghĩ của nhiều người Việt, người Hoa không gọi là “con lân” hay “múa lân” mà gọi là “sư tử” và “múa sư tử”. Đây cũng là cách gọi của người miền Bắc nước ta đối với loại hình nghệ thuật này. Chỉ có người miền Nam từ Huế trở vào mới gọi là “múa lân” mà thôi.

 

“Múa lân” theo cách gọi của người miền Nam thực chất bắt nguồn từ điệu múa tứ linh của cung đình Huế thời Nguyễn, với hình tượng con lân rất giống hình tượng của Nam Sư (nên mới có sự nhầm lẫn trong cách gọi từ Huế vào đến miền Nam như vậy). Múa lân của cung đình Huế là điệu múa cầu cho quốc thái dân an và thịnh vượng, với cao trào là tiết mục “lân mẫu xuất lân nhi” tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở phồn vinh.

 

Theo nhiều tài liệu thì nghệ thuật múa sư tử bắt đầu du nhập vào thời Tùy-Đường theo chân Phật giáo, và phát triển rộng rãi với nhiều phong cách khác nhau từ thời Tống trở đi. Điều này có vẻ hợp lý vì sư tử không phải là động vật bản địa Trung Quốc nhưng có mặt ở Ba Tư và Ấn Độ. Đạo Phật thường sử dụng hình ảnh sư tử để đại diện cho sự uy nghiêm và sức mạnh của Phật Tổ.

 

Khi đạo Phật du nhập vào Trung Quốc từ Ấn Độ, hình ảnh sư tử cũng bắt đầu xuất hiện trong văn chương và nghệ thuật. Nghệ thuật múa sư tử của người Trung Quốc có rất nhiều trường phái nhưng tựu trung chia làm hai trường phái chính, “Nam Sư” và “Bắc Sư” với phong cách biểu diễn được tóm tắt trong tám chữ “Bắc Sư kiều diễm, Nam Sư hùng kiện”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/pexels-tuan-kiet-jr-14870976-1536x1024.jpg

Ảnh: pexels-tuấn-kiệt-jr

 

Bắc Sư đầu và miệng vuông, không có sừng trên đầu, mắt không chớp, miệng không há ra ngậm vào được (do không có dây kẽm luồn bên trong để người múa đầu sư tử điều khiển), có bờm dài và lông rậm phủ kín thân (người múa thường mặc bên ngoài quần kết tua bằng sợi ny lông màu vàng hoặc đỏ). Đây là hình ảnh cách điệu của con Thanh Mao Tuyết Sư (sư tử tuyết lông xanh).

 

Tiếng trống của Bắc Sư không mạnh mẽ hùng hồn như tiếng trống Nam Sư mà khoan nhặt thư thái. Điệu múa của Bắc Sư cũng nhẹ nhàng uyển chuyển và không đa dạng bằng Nam Sư. Múa lân theo phong cách Bắc Sư không có ông Địa mà có người cầm quả cầu đi phía trước để lân vờn theo (sư tử hí cầu). Tuyệt kỹ của Bắc Sư là đứng múa trên quả cầu to. Nó đòi hỏi người múa đầu và người múa đuôi phải phối hợp ăn ý để giữ thăng bằng trên quả cầu đang lăn.

 

Ngày xưa, Bắc Sư được múa trong các lễ hội cung đình với đội múa gồm một gia đình gồm sư tử bố, mẹ và sư tử con. Ở Chợ Lớn, các đội Bắc Sư chủ yếu là người Triều Châu và cũng không phổ biến lắm. Những lần tôi xem các đội Bắc Sư biểu diễn đều là ở các liên hoan lân sư rồng tổ chức ở Tao Đàn hay sân Tinh Võ chứ chưa thấy gia đình nào rước đội Bắc Sư về múa để đón Tết cả.

 

Người Quảng Đông thì nổi tiếng về trường phái Nam Sư với đầu sư tử hình tròn, trán có cục u, có một sừng trên đỉnh đầu. Mắt và miệng của Nam Sư được người giữ đầu sư tử điều khiển có thể khép mở theo ý muốn rất sống động. Khác với Bắc Sư, thân Nam Sư không có lông dài bao phủ mà chỉ là một mảnh vải dài có thêu kim tuyến và viền lông. Do không phải mặc quần lông phủ rườm rà, người múa Nam Sư có thể thực hiện được những động tác nhanh mạnh và phức tạp hơn so với Bắc Sư.

 

Sư tử trong trường phái Nam Sư thật ra không liên quan gì đến sư tử trong trường phái Bắc Sư mà có xuất xứ riêng của nó. Theo truyền thuyết thì đó là con quái vật dưới biển có tên là con “Niên” thường lên bờ ăn thịt làm hại bá tánh. Phật Di Lặc (còn được biết đến với cái tên “Bố Đại Hòa Thượng” – hòa thượng túi vải) thương người dân lầm than nên dùng cỏ linh chi ngàn năm để thu phục con quái vật này.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/pexels-nam-le-10959540-1536x1024.jpg

Ảnh: pexels-nam-le

 

Điều này giải thích vì sao các đoàn múa Nam Sư luôn có nhân vật ông Địa (thực ra là Phật Di Lặc) cầm quạt nan (tượng trưng cho cành linh chi) đùa giỡn với con lân; và tại sao múa lân theo trường phái Nam Sư thường được múa vào dịp Tết (“Niên” có nghĩa là năm). Đây là trường phái chủ đạo của múa sư tử ở Chợ Lớn trước đây.

 

Một màn không thể thiếu của phái Nam Sư là hoạt cảnh tái diễn việc Phật Di Lặc thu phục con quái thú Niên. Con quái thú lúc đầu hung hăng như muốn ăn tươi nuốt sống Phật Di Lặc còn ông Phật có cái bụng to tròn và cái miệng cười thật rộng thì luôn đùa giỡn như không có chuyện gì xảy ra. Ông đợi cho con vật ngủ say mới bắt đầu ra tay thuần phục và cuối cùng con Niên hung dữ cũng trở nên hiền lành đi theo cành linh chi của Phật Di Lặc.

 

Trẻ con rất thích màn này vì trông hài hước và sinh động, nhất là cảnh con Niên tìm mọi cách đớp Phật Di Lặc (đôi khi người múa đầu sư tử cố tình đớp cậu bé nào đó đứng gần khiến cho cu cậu hét lên vừa sợ vừa thích), còn Phật Di Lặc mặc dù to béo nhưng vẫn né tránh nhẹ nhàng những đòn tấn công. Màn tuyệt kỹ của Nam Sư khiến người xem hồi hộp thót tim là màn leo sào để ăn bắp cải bên trong có chứa bao lì xì mà chủ nhà treo trên cao để thử thách tài nghệ của người múa. Ngoài ra, còn có Mai Hoa Thung, tức là múa trên những cây cọc được xếp từ thấp đến cao dần.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/tony-pham-7cA0JfTkteo-unsplash-1024x1491.jpg

Ảnh: tony-pham-unsplash

 

 

Múa sư tử xưa và nay

 

Trước đây, các đoàn lân theo phái Nam Sư ở Chợ Lớn tự làm đầu lân với nan tre, giấy bồi, dùng lông thỏ để dán làm râu và lông mày; còn thân được may bằng vải bóng đủ màu có đính lông thỏ và thêu chỉ kim tuyến. Các đoàn lân thường được những võ quán kiêm nhà thuốc bắc thành lập, với thành viên là sư huynh đệ trong một đoàn. Giữa các đoàn lân có một số qui luật bất thành văn. Đó là màu sắc của râu lân.

 

Những đoàn lân thành lập trên 20 năm trở lên mới dám múa đầu lân có râu bạc, còn những đoàn lân có tuổi nghề ít hơn chỉ được múa đầu lân râu đen. Khi hai đoàn xe lân đi ngược chiều nhau trên một con đường, đoàn lân ít tuổi hơn phải múa chào đoàn lân nhiều tuổi và nếu đường hẹp thì phải nhường đường. Tuyệt đối không có chuyện đoàn lân ít tuổi tỏ thái độ vô lễ, xem thường hay cà khịa với đoàn lân có thâm niên.

 

Giờ đây, các đội lân thường mua đầu lân được đặt làm từ Hong Kong hoặc Trung Quốc với râu lân đủ màu sắc: Đỏ, vàng, cam, đen, trắng và thân lân được may cầu kỳ hơn nhiều. Có nhiều đội, người múa còn mặc quần may cùng loại vải với thân lân, giống phong cách của Bắc Sư. Đẹp thì đẹp thật nhưng người ta có cảm giác nét truyền thống kính trên nhường dưới của các đội lân râu bạc và râu đen ngày xưa  bị mất đi. Hỏi một số người ở Chợ Lớn, ai cũng nhận ra sự thay đổi này nhưng tại sao thì không ai trả lời được. Tìm tòi tài liệu, cuối cùng tôi cũng biết.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/mohd-lazim-ath-thany-bin-mohd-lazim-bKr3FLPpXK4-unsplash-1024x1536.jpg

Ảnh: ath-thany-bin-mohd-lazim-unsplash

 

Thì ra trường phái Nam Sư râu đen-râu bạc của Chợ Lớn trước kia là trường phái Quảng Đông Phật Sơn. Phật Sơn vốn là quê hương của võ sư huyền thoại Hoàng Phi Hồng với võ quán Bảo Chi Lâm lừng danh thiên hạ. Thảo nào các phim võ thuật về Hoàng Phi Hồng đều sử dụng đầu sư tử râu trắng và râu đen với cách múa rất giống các đội lân Chợ Lớn.

 

Còn đầu sư tử với râu nhiều màu khác nhau lại thuộc trường phái Quảng Đông Hạc Sơn, du nhập vào Sài Gòn Chợ Lớn chỉ độ khoảng mười mấy năm trở lại đây nhưng có chiều hướng lấn át trường phái Phật Sơn. Trường phái Hạc Sơn hiện rất phổ biến ở Malaysia, Singapore và Thái Lan, với đầu sư tử có chữ “Vương” trước trán và mỗi màu sắc của đầu sư tử tượng trưng cho một nhân vật trong Tam Quốc Diễn Nghĩa.

 

Nếu múa ba con thì sẽ có một con mặt vàng, thân vàng râu trắng gọi là Thụy Sư, tượng trưng cho Lưu Bị; con mặt đỏ, thân đỏ râu đen dài gọi là Tỉnh Sư, tượng trưng cho Quan Công; và con mặt đen, thân trắng đen, râu đen gọi là Đấu Sư, tượng trưng cho Trương Phi.

 

Còn nếu múa năm con thì là “ngũ hổ tướng”. Lúc này con Thụy Sư (Lưu Bị) sẽ được thay thế bằng ba con sư tử khác: Con mặt và thân vàng cam râu trắng tượng trưng cho Hoàng Trung; con mặt xanh râu xanh tượng trưng cho Triệu Vân; và con mặt trắng râu trắng tượng trưng cho Mã Siêu.

 

Cũng với hình tượng năm con sư tử đó, có người lại giải thích theo hướng ngũ hành: Con màu trắng thuộc hành Kim; con màu xanh thuộc hành Mộc; con màu đen thuộc hành Thủy; con đỏ hành Hỏa; và con vàng hành Thổ.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats