Tuesday, 2 January 2024

GHI CHÉP TỪ ĐÀI LOAN (Nguyễn Thị Hậu)

 



Ghi chép từ Đài Loan    

Nguyễn Thị Hậu

02/01/2024 16:13

https://www.diendan.org/sang-tac/ghi-chep-tu-dai-loan

 

Tùy bút

 

1.

Nhiều người biết đến Đài Loan từ những tiểu thuyết lãng mạn của nhà văn Quỳnh Dao thịnh hành hồi thập niên 70 của thế kỷ trước, sau này nhiều bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết của bà cũng rất “ăn khách”. Qua đó, Đài Loan hiện ra như một “hòn đảo xinh đẹp - Formosa” đúng như cái tên nó được người châu Âu đặt cho từ rất lâu.

 

Có thể coi đây là một “quốc đảo” gồm có đảo Đài Loan lớn nhất và một số quần đảo khác. Nằm trong vành đai “núi lửa” Thái Bình Dương, phần lớn diện tích là đồi núi với khí hậu ôn hòa nên Đài Loan đa dạng về cảnh quan tự nhiên. Dân cư Đài Loan hiện nay đa số là người Hoa nhưng các tộc người bản địa luôn được coi trọng và các mặt kinh tế - xã hội phát triển không thua kém người Hoa. Thậm chí những “đặc sản” về nông sản, sản phẩm văn hóa nổi tiếng hiện nay được ngành du lịch quảng bá là của các tộc người “thổ dân” có mặt trên đảo Đài Loan từ hàng ngàn năm trước.

 

Nếu nhìn Đài Loan từ hạ tầng cơ sở và công trình xây dựng ở các thành phố lớn thì có thể nhận xét, cảnh quan và kiến trúc hiện đại nhưng… đơn điệu, hướng đến tính hiệu quả chứ không phải tính mỹ thuật. Hệ thống giao thông công cộng phát triển tất cả các loại hình: đường hàng không, xa lộ cao tốc, xe lửa, xe bus, đường trên cao, cầu vượt… tuy không rộng lớn nhưng “phủ kín” từ Bắc xuống Nam, Đông sang Tây trong diện tích khoảng gần 36 ngàn km2. Địa hình đồi núi nên nhiều đoạn đường thực chất là những cầu cạn uốn lượn theo sườn núi hay dòng sông. Trong các thị trấn và thành phố dưới lòng đường và trên vỉa hè mỗi bên đều có hai hệ thống cống thoát nước rất lớn, cứ khoảng 5m có một miệng cống, nắp cống bằng gang đúc có nhiều khe hở. Giải pháp này giúp thoát nước rất nhanh nhất là vào mùa mưa bão.

 

Nhìn trên bản đồ địa hình Đài Loan có một đặc điểm gần giống khu vực Cần Giờ TP.HCM: nhiều sông lớn nhỏ hình thành từ những ngọn núi hoặc do bờ biển xâm thực. Vì vậy các thành phố có nhiều cây cầu hầu hết thiết kế đơn giản kiểu cầu dây văng. Mùa này nước cạn lòng sông hẹp, một bên bờ được xây kè chống sụt lở còn bên kia là bãi bồi. Phía bờ kè luôn có vườn hoa thảm cỏ cùng với bãi đậu xe hơi cho những chung cư gần đó.

 

Có lẽ không bị sức ép về dân số nên các thành phố ít có công trình cao tầng và “hoành tráng”, kiểu dáng và màu sắc của phố xá nhà ở khách sạn chủ yếu màu xám, nâu nhạt… không rực rỡ như “đại lục” ngoại trừ mấy khu Chợ đêm phục vụ du khách. Nhưng từ bãi biển đến đồi núi, từ đường phố trung tâm đến xóm làng… tất cả đều rất sạch sẽ do ý thức của mọi người. Vỉa hè lát loại đá tự nhiên nhẵn nhưng không trơn trượt. Trên vỉa hè và dưới lòng đường dù hẹp vẫn có nhiều đoạn kẻ vạch giành đậu xe hơi và xe máy, xe đạp cũng được nhiều người sử dụng nên phần lớn đường thành phố có làn dành riêng cho xe đạp. Cây xanh bao phủ khắp nơi, một khoảng trống nhỏ cũng trở thành thảm cỏ xanh hay bồn hoa rực rỡ.

 

Các thành phố lớn ở Đài Loan đều có chợ đêm, tuy được hình thành chưa lâu nhưng đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch chủ yếu và mang lại nguồn lợi lớn cho người dân địa phương. Đó là những khu phố đi bộ bố trí hàng quán hai bên, về khuya thì xe hàng được đẩy ra bán ngay trên đường. Ẩm thực ở chợ đêm nhiều nhất là đồ chiên nướng như hải sản (như mực, hàu), gà, khoai lang, đậu hũ thúi, cơm chiên mì xào… trái cây bán trái hay ký, hoặc cắt miếng đựng trong hộp, tất nhiên không thể thiếu “đặc sản” trà sữa. Ngoài ra là hàng tiêu dùng, bánh kẹo của Đài Loan và một số “hàng hiệu” của thế giới… Các mặt hàng không quá đặc sắc nhưng đảm bảo an toàn thực phẩm và không lo hàng giả. Điều thú vị là ở Chợ đêm hầu hết các quầy hàng đều do thanh niên bán hàng một cách chuyên nghiệp, nhanh nhẹn và thân thiện. Nhộn nhịp nhưng không ồn ào, an ninh và sạch sẽ cũng là một ưu điểm để du khách lựa chọn đến đây.

 

Đi dạo chợ đêm nảy ra câu hỏi, vì sao chúng ta có nhiều loại hàng hóa độc đáo, ẩm thực đặc sắc mà không có một loại nào trở nên phổ biến như trà sữa Đài Loan: vì chưa biết “cải biến” thêm bớt gia vị nguyên liệu để phù hợp hơn với “giới trẻ thời @” hay vì chưa biết cách thức quảng bá tiếp cận với du khách? Vì sao chợ đêm và phố đi bộ ở TP.HCM còn đơn điệu về hàng quán, ẩm thực và những sinh hoạt ở đó nên chưa thực sự là “không gian cho cộng đồng”? Vì sao không có nhiều người trẻ bắt đầu từ việc đầu tư và chăm lo những quầy hàng nho nhỏ không đòi hỏi nhiều vốn liếng và kỹ năng nhưng độc đáo, hơn là mơ tưởng đến những dự án “khởi nghiệp” hoành tráng?

 

Tòa tháp Đài Bắc thường biết đến tên gọi Toà nhà Taipei 101 là nơi mà ai đến Đài Loan cũng muốn check-in tại đây. Khởi công xây dựng năm 1999 và hoàn thành năm 2004 vào thời điểm đó là tòa nhà cao nhất thế giới: 509m cả cột anten với 101 tầng. Về hình dáng, tòa nhà như một thân cây tre với 8 khúc, biểu trưng cho sự tăng trưởng tốt, và mỗi khúc lại gồm 8 tầng vì trong văn hóa Trung Hoa, “bát” biểu trưng cho sự phồn vinh, sung mãn. Để đưa du khách lên tầng thứ 89 cách mặt đất 383,4m để có thể ngắm toàn cảnh thành phố Đài Bắc qua lớp kính dày trong suốt đã có hai thang máy vận hành ở tốc độ cao đến 1.010m/phút nên chỉ mất 39 giây. Từ đây đi cầu thang bộ lên 2 tầng nữa, từ tầng 91 lộ thiên ở độ cao 390m bạn có thể ngắm phong cảnh và hít thở không khí mát mẻ trong lành ngoài trời. Mỗi phía là một cảnh quan: nơi thì màu xanh bát ngát của rừng núi, nơi nhấp nhô những tòa nhà, nơi là những cây cầu qua những dòng sông chảy giữa thành phố, nơi nhìn xa xa là biển. Cũng ở tầng này có một phòng chiếu phim nhỏ, du khách có thể xem bộ phim về quá trình xây dựng và sự kiện khánh thành tòa nhà. Đi bộ xuống tầng 87 ta được tận mắt nhìn thấy quả cầu sắt mạ vàng khổng lồ nặng hơn 600 tấn được đặt ở đây với chức năng giữ thăng bằng cho tòa nhà khi gió bão hay động đất.

 

Là trung tâm tài chính thế giới ở Đài Loan nên Tòa nhà Taipei 101 được coi là biểu tượng của thành phố Đài Bắc và của đất nước Đài Loan về kiến trúc độc đáo vừa hiện đại vừa truyền thống, đồng thời là biểu tượng sức mạnh kinh tế của một trong “bốn con rồng châu Á”.

 

Ở Đài Loan vẫn duy trì và phát triển một số nghề thủ công mỹ nghệ nổi tiếng của Trung quốc, nhất là nghề chế tác đá quý. Thành phố nào cũng có cửa hàng đá quý thu hút rất nhiều du khách, nhất là khách châu Á vì đồ trang sức hay vật trang trí đều được giới thiệu là có chức năng hợp “phong thủy” hoặc có lợi cho sức khỏe. Đá ngọc các màu xanh, nâu, vàng hay trong suốt, san hô đỏ, kim cương rực rỡ, ngọc trai trắng tinh… phần lớn khai thác tại Đài Loan. Sản phẩm muôn hình vạn kiểu, giá cả cũng có nhiều mức khiến cho ai cũng có thể mua một món đồ hợp túi tiền. Sự chào mời nhiệt tình, giới thiệu kỹ lưỡng bằng ngôn ngữ của khách (tiếng Anh, Pháp, Nhật, Hàn, Việt…) càng làm cho nhiều du khách khó mà từ chối.

 

Tại nhiều trung tâm thương mại, nhà hàng, cửa hàng lớn nhỏ thường có người Việt được thuê để phục vụ du khách Việt, vì vậy du khách Việt đỡ phần ngại ngần và dễ dàng “mở hầu bao” mua sắm. Người Việt đã trở nên quen thuộc tại Đài Loan, đa phần là người trẻ “qua đây đi làm lấy tiền phụ giúp gia đình” bằng lao động hợp tác, làm osin, giúp việc nơi mua bán hay là những cô dâu Việt… Nơi xứ người mà nghe thấy tiếng Việt từ nhiều vùng miền trong nước… bỗng thấy nao lòng… Bao giờ người Việt mình không còn phải theo nhau ra nước ngoài làm thuê dù là một nơi rất gần quê nhà, như ở Đài Loan ?

 

2.

Là một thành phố trẻ, Đài Bắc có nhiều địa điểm du lịch gồm một số cảnh quan thiên nhiên, hệ thống các loại hình bảo tàng, công trình kiến trúc hiện đại nổi tiếng, chùa, miếu, công viên, chợ đêm… Phần lớn được quy hoạch và xây dựng mới vài chục năm nhưng nhờ xác định một “chiến lược du lịch văn hóa” nên Đài Bắc đã thu hút rất nhiều du khách. Bên cạnh đó, Đài Bắc cũng rất chú trọng bảo tồn các di tích cổ dù tuổi đời chỉ trên dưới trăm năm.

 

Năm 1886 Đài Loan trở thành một tỉnh thì Đài Bắc duy trì vị trí tỉnh lỵ tạm thời và chính thức hóa vào năm 1894. Trải qua thời kỳ bị Nhật Bản cai trị và chiến tranh thế giới thứ hai, tòa thành cổ đã bị người Nhật phá hủy, nhiều di tích khác mất đi trong quá trình xây dựng thành phố từ nửa sau thế kỷ 20. Cho đến nay tất cả dấu tích của thành phố từ thời nhà Thanh chỉ còn lại là Bắc môn và Tây môn, Nam môn và Đông môn đã thay đổi rất nhiều.

“Thừa Ân môn” là di tích cổng thành phía Bắc, thuộc khu vực Tây Môn Đinh được coi là một trung tâm và là “khu phố cổ” của Đài Bắc. Đây là một công trình xây bằng đá cao khoảng 8m, mái ngói thấp có những đầu đao nhỏ, nhọn và ngắn. Công trình có hai tầng. Tầng trệt cao khoảng 5m ở giữa là cổng lớn hình vòm, phía trong có cầu thang bằng gỗ đi lên gác từ hai phía, nay hai cửa lên cầu thang bị đóng chặt. Tầng gác cao khoảng 3m. Mặt chính và mặt sau của tầng gác có 3 cửa sổ: ở giữa hình tròn và hai bên là hình chữ nhật. Hai mặt bên có hai cửa vòm nhỏ, có lẽ trước đây mở thông với mặt thành nên có thể nhận biết thành cao tương đương tầng trệt.

 

(1)   https://www.diendan.org/sang-tac/ghi-chep-tu-dai-loan/h1.png
Bắc môn - Thừa Ân Môn – (hình 1 : tác giả chụp tháng 12/2017)


 (2)  https://www.diendan.org/sang-tac/ghi-chep-tu-dai-loan/h2.png
Phía trước Bắc môn là cầu vượt (hình 2 : Dong Jiakang)

 

Di tích cổ đứng giữa một công viên nhỏ nhưng trống trải cả bốn phía, xung quanh là những đại lộ rộng lớn. Thực ra di tích từng bị một cầu vượt che khuất từ năm 1976 đến năm 2016 mới tháo dỡ để bảo tồn di tích. Sau đó, khu vực quanh cổng thành cổ được xây dựng thành một công viên – bảo tàng nhỏ, gồm có cây cảnh, đá sắp đặt nghệ thuật, bảng chú dẫn về di tích, sơ đồ thành cổ và những cổng thành, những tảng đá xây thành, đá nguyên liệu tìm thấy tại đây được trưng bày tại chỗ cùng một số tác phẩm điêu khắc bằng đá, bảng đồng có chạm khắc hình vẽ khảo tả cách thức khai thác đá và tạo ra nguyên liệu, một số công cụ bằng sắt đặt trong hộp kính… Ngoài ra còn có tấm bảng lớn kể về quá trình xây dựng thành cổ và hình ảnh những vị quan có công trong việc này. Chỉ tham quan di tích này trong vòng nửa tiếng du khách đã có thể biết được một phần lịch sử của Đài Bắc và Đài Loan nói chung một cách ngắn gọn, cụ thể và sinh động. Lưu giữ những dấu ấn “Lịch sử trên đường phố” cũng là cách giáo dục truyền thống có hiệu quả của nhiều quốc gia.

 

(3) https://www.diendan.org/sang-tac/ghi-chep-tu-dai-loan/h3.png
Hình 3 : wikimedia ;

 

(4) https://www.diendan.org/sang-tac/ghi-chep-tu-dai-loan/h4.png
Hình 4 : tháo dỡ cầu vượt năm 2016 (hình : của 比比 叔叔.jpg)

 

(h5) https://www.diendan.org/sang-tac/ghi-chep-tu-dai-loan/h5.png

Hình 5 : Bia đá bảng đồng tại di tích Bắc môn. 

 

(h6)
Hình 6 : Đá xây thành được trưng bày tại chỗ
https://www.diendan.org/sang-tac/ghi-chep-tu-dai-loan/h6.png

 

(tác giả chụp 12/2017)


Chỉ một cổng thành với kiến trúc chắc chắn nhưng đơn giản, qua cách bảo tồn và làm “bảo tàng” tại chỗ, việc tạo không gian cảnh quan – có thể coi là khu vực 1 của di tích – đã nâng cao giá trị của di tích về ý nghĩa lịch sử và mỹ thuật. Vì nhu cầu giao thông mà trước đây thành phố Đài Bắc đã xây dựng một cầu vượt phía trước cao ngang cổng thành và che khuất toàn bộ cổng thành cổ, chưa kể lượng xe qua lại tạo chấn động ảnh hưởng đến độ bền vững của di tích. Nhận biết ảnh hưởng đó, thành phố đã tháo dỡ cầu vượt, mở rộng con đường phía trước để giải quyết giao thông đồng thời tạo cho khu vực di tích thành một “vòng xoay” nên có thể ngắm nhìn sự bề thế của di tích từ mọi phía. Phía sau là những tòa nhà không cao hơn chiều cao cổng thành cổ, chỉ có một tòa nhà kiến trúc hiện đại, cao nhưng không “hoành tráng” nên không lấn át “đè lên” di tích. Nhìn tổng thể về cảnh quan thì “Thừa Ân môn” là điểm nhấn của khu vực này chứ không phải là tòa nhà hiện đại.

 

Đây là một quan điểm trong bảo tồn di sản đô thị mà nhiều quốc gia đã thực hiện: lấy di tích lịch sử văn hóa là “điểm nhấn” để quy hoạch khu vực xung quanh sao cho các kiến trúc mới phải phù hợp và làm tôn vẻ đẹp và giá trị lịch sử của công trình cổ, từ đó toàn bộ khu vực cũng được nâng cao giá trị văn hóa, giá trị kinh tế cũng tăng theo (địa ốc, thương mại…). Di sãn văn hóa đóng góp cho phát triển bền vững không chỉ về mặt tinh thần cho con người mà còn cả về vật chất cho xã hội.

 

Đài Bắc, như đã nói ở trên, rất ít di tích kiến trúc cổ xưa, chỉ ở vùng làng quê còn một số công trình của các tộc người thiểu số nhưng cũng không đến hàng trăm năm tuổi. Vậy nhưng “du lịch văn hóa” của Đài Loan nói chung và thành phố Đài Bắc nói riêng rất phát triển, đó là nhờ sự trân trọng lịch sử, việc trùng tu và bảo tồn công trình cổ một cách khoa học, đồng thời kết hợp khéo léo với quy hoạch công trình hiện đại nhằm nâng cao giá trị văn hóa của cảnh quan đô thị. Nhờ đó đã “tạo ra” những di sản đô thị. Tất nhiên, có thể nhận thấy Đài Loan đã sớm xây dựng một cách khoa học với tầm nhìn lâu dài chiến lược du lịch hướng đến những giá trị văn hóa bên cạnh việc đáp ứng những nhu cầu khác của du khách như mua sắm, nghỉ dưỡng, sinh thái…

 

Một di tích đẹp và có ý nghĩa như vậy ở trung tâm thành phố Đài Bắc nhưng rất tiếc hầu như không có tour du lịch của khách Việt nào đến đây. Tại các bảo tàng cũng ít thấy đoàn du khách Việt trừ vài người khách lẻ loi giữa hàng đoàn du khách nước ngoài (châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật, Hàn). Vẫn biết các công ty du lịch thiết kế chương trình theo nhu cầu thị hiếu của số đông khách hàng, việc tham quan bảo tàng hay di tích lịch sử thì cần nhiều thời gian hơn… Nhưng để đa dạng và nâng cao ý nghĩa văn hóa của du lịch, nên chăng các tour bớt đi một, hai địa điểm mua sắm ăn uống để dừng chân chỉ 15,20 phút tại những di tích ngay trên đường phố. Ở đó, tham quan cách thức người ta giữ gìn lịch sử du khách sẽ cảm nhận sâu sắc hơn về nơi chốn và đất nước ấy. Và khi trở về chắc chắn sẽ trân trọng hơn di sản văn hóa của đất nước mình.

 

3.

Dinh Tổng thống ở thành phố Đài Bắc đặt tại quận Trung Chính, nơi đây là trụ sở chính cho các cơ quan giúp việc cho Tổng thống và Phó tổng thống Đài Loan. Là một kiến trúc vào thời Minh Trị do kiến trúc sư Uheiji Nagano thiết kế vào thời kỳ Đài Loan thuộc đế quốc Nhật Bản (1895–1945), bị hư hỏng nặng do quân đồng minh ném bom trong Thế chiến thứ hai, tòa nhà đã được khôi phục sau chiến tranh và trở thành Phủ Tổng thống từ năm 1950. Hiện nay Dinh là tòa nhà hình vuông có bốn khối nhà và mặt chính có một tháp cao, mái và tường chỉ hai màu trắng và đỏ nâu trông trang trọng mà khiêm nhường. Bốn phía không có hàng rào ngăn cách với những đại lộ lớn rợp bóng cây xanh.

 

Theo chương trình của mọi tour du lịch đến Đài bắc, du khách được đưa đến khu vực Dinh Tổng thống và chụp hình lưu niệm bên ngoài tòa nhà. Nhưng tiếc rằng khi tôi đến đây thì tất cả các ngả đường dẫn vào khu vực Dinh đều bị phong tỏa: cảnh sát kéo những lớp hàng rào chắn ngang và chỉ chừa một lối nhỏ vừa cho người đi bộ - chắc để cho nhân viên của Dinh vào làm việc. Anh tài xế taxi sau khi vòng vèo mấy lần quanh đó mà không tìm được đường vào và cũng không được dừng xe, nói với tôi: chắc lại có biểu tình hay gì đó, thôi bà chịu khó chụp hình từ trên xe vậy.

 

Thật ra tôi đến đây không chỉ để chụp hình lưu niệm như nhiều du khách mà muốn được tận mắt nhìn thấy một nơi vào năm 2000 đã diễn ra một buổi lễ nhậm chức Tổng thống rất đặc biệt. Khi buổi lễ bắt đầu, mọi quan khách trong và ngoài nước tưởng sẽ nghe bài quốc ca Cộng hoà Trung quốc (Republic of China) đầu tiên, nhưng tất cả đều ngạc nhiên khi một nhóm nhạc sĩ thổ dân của bộ lạc Bunum bản xứ (thuộc tộc Nam đảo) đứng lên hát bài ca dân tộc truyền thống “Báo tin vui”. Sau đó là phần trình diễn của các bộ lạc bản xứ khác, tiếp theo là bài hát dân ca của người Hakka (Hẹ hay Khách trú) và dân ca người Holo. Chỉ khi tổng thống Trần Thuỷ Biển và phó tổng thống bà Annette Lu bước ra từ dinh Tổng thống thì bài quốc ca mới được cử lên.

 

Buổi lễ này là một cái mốc quan trọng về văn hóa – xã hội của Đài Loan, cái mốc cho thấy sự tôn trọng văn hóa của các tộc người bản địa đã cư trú ở đây hàng ngàn năm trước khi người Hoa có mặt, sự tôn trọng không chỉ dừng lại ở chủ trương có từ trước đó mà bắt đầu được thực thi bằng nhiều chính sách cụ thể.

 

Chỉ sau gần hai chục năm nhiều tộc người bản địa đã có sự thay đổi đáng kể về đời sống vật chất và quan trọng hơn là văn hóa truyền thống của họ đã được bảo tồn một cách tích cực. Du khách đến Đài Nam luôn được giới thiệu đặc sản Trà Ô Long và nấm Linh chi trên núi A Lỷ Sơn. Hai sản phẩm này được chính phủ quy định chỉ dành riêng cho một số tộc người bản địa trồng trọt và khai thác, đồng thời hướng dẫn họ kết hợp lối sống và canh tác truyền thống vào phương thức “du lịch sinh thái” nhằm vừa bảo tồn vừa phát triển “tài nguyên bản địa” và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng. Không chỉ có trà và nấm được bán với giá không rẻ so với sản phẩm cùng loại ở “đại lục” mà còn nhiều nông sản khác được chế biến phục vụ du lịch, sản phẩm có uy tín vì là “nông sản sạch” không phân bón, không thuốc trừ sâu và sản xuất bằng máy móc với quy trình khép kín từ nguyên liệu đến thành phẩm.

 

Là thiểu số nên từ khoảng đầu thế kỷ 20 trước làn sóng ồ ạt người Hoa đến Đài Loan, văn hoá (ngôn ngữ, trang phục, ẩm thức, lối sống…) của nhiều tộc người bản địa đã bị mai một khi đa số thanh niên cố gắng hoà nhập vào xã hội hiện đại. Trước nguy cơ văn hóa bản địa biến mất, từ cuối thế kỷ 20 chính phủ đã ban hành các chính sách khuyến khích văn hoá địa phương, các tổ chức của cộng đồng, tổ chức phi chính phủ thành lập để phát triển, bảo tồn lịch sử, văn hoá của mọi tộc người. Bởi vì Đài Loan là một xã hội đa văn hoá, chấp nhận sự đa dạng và cởi mở giao lưu với nhau giữa các tộc người Austronesian, Hoklo, Hakka và người Hoa ở lục địa sang là phương thức bảo tồn và phát triển hữu hiệu nhất. Nhiều ca sĩ nổi tiếng ở Đài Loan và Trung quốc là người bản địa Đài Loan, họ đã góp phần tích cực vào việc gìn giữ văn hóa tộc người như trình diễn, sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ đồng thời mang văn hóa hiện đại đến với cộng đồng mình qua những “bản nhạc trẻ” với lời ca dân gian trình bày bằng tiếng Hoa, tiếng Anh.

 

                                                                *

 

Do hoàn cảnh lịch sử nên Đài Loan có rất ít di tích niên đại lên đến vài trăm năm, chỉ có một số công trình xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 nhưng cũng đã qua trùng tu nhiều lần do thiên tai, chiến tranh. Vậy nhưng du lịch văn hóa – tâm linh rất phát triển ở Đài Loan mà đối tượng hướng đến là những đền, chùa, tháp chỉ mới được xây dựng vài chục năm nay. Từ Đài Nam lên Đài Trung, Đài Bắc ta có thể nhận biết nhiều công trình như vậy.

 

Ở thành phố cảng Cao Hùng có Phật Quang Sơn, ngôi chùa lớn nhất và cũng là bảo tàng Phật Giáo lớn nhất của Đài Loan, được mệnh danh là “thánh địa Phật Giáo” sáng lập và hình thành từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Long Hổ Tháp kiến trúc đầy màu sắc và mang đậm nét văn hóa Đài Loan, là công trình nổi bật nhất trong quần thể các đền, chùa trên Đầm Liên Trì.

 

Ở Nam Đẩu thuộc Đài Trung có Nhật Nguyệt Đàm là hồ nước thiên nhiên lớn nhất Đài Loan gồm một hồ lớn và một hồ nhỏ liền nhau, được bao bọc bởi màu xanh bạt ngàn của những dãy núi xung quanh. Hồ Nhật Nguyệt còn được truyền tụng bởi huyền thoại về việc tìm nơi cư trú của một bộ lạc cổ xưa, từng là điểm nghỉ dưỡng ưng ý nhất của Tưởng Giới Thạch và vợ là bà Tống Mỹ Linh. Cảnh quan hồ không đẹp hơn những hồ nước ở Việt Nam nhưng thiên nhiên được bảo tồn khá nguyên vẹn và dịch vụ du lịch thì rất tốt. Gần đó là Văn võ miếu thờ Quan Công và Khổng tử nổi tiếng linh thiêng. Ngôi miếu rất lớn nằm ở vị trí nhìn ra hồ Nhật Nguyệt kiến trúc đậm phong cách Trung Hoa, thu hút khá đông du khách đến thăm viếng, gieo quẻ và cầu xin những điều tốt lành.

 

Lên đến Đài Bắc, ngoài Tòa nhà Taipei 101 nổi tiếng, Khu tưởng niệm Tưởng Giới Thạch cùng hai Nhà hát hoành tráng, khách sạn 5 sao Grand Hotel sử dụng 250.000 hình tượng rồng để trang trí, từng được đánh giá là những công trình hàng đầu thế giới, là những nơi mà du khách ai cũng muốn đến chiêm ngưỡng không chỉ về kiến trúc độc đáo “hiện đại và truyền thống” mà còn có thể ngắm toàn cảnh từ thành phố đến cảnh quan thiên nhiên, Đài Bắc còn có nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng khác. Dựa vào “sản phẩm” của thiên nhiên như công viện địa chất Dã Liễu, nơi có những khối đá bị bào mòn thành những hình thù kỳ dị, nằm ngay sát bên bờ biển, được quy hoạch thành khu du lịch với hệ thống đường đi, nơi dừng chân chụp hình, rào chắn chỗ nguy hiểm, hình ảnh và đồ lưu niệm quảng bá về những khối đá đặc sắc như Công chúa nhỏ, đầu nữ vương… Nơi chỉ là làng nhỏ Thập Phần còn lưu giữ một đoạn đường xe lửa từ thời Nhật giữa hai dãy phố ngắn, nay chuyên bán đồ lưu niệm, phục vụ du khách thả đèn lồng cầu may mắn và có thể chiêm nghiệm cảm giác đi xe lửa chạy bằng đầu máy hơi nước một đoạn đường ngắn. Hay Chùa Long Sơn một kiến trúc hoàn toàn cổ kính, xây dựng giữa khu phố trung tâm hiện đại nhưng bên trong là không gian rộng rãi yên bình có thác nước chảy đêm ngày. Khách du lịch nườm nượp, người đến cúng bái cũng rất đông nhưng tất cả đều tỏ thái độ thành kính…

 

Sự “linh thiêng” hay tính chất “truyền thống” ở những địa điểm trên không chỉ do truyền thuyết mà còn do cách quản lý điều hành tôn trọng những sinh hoạt tôn giáo, sinh hoạt dân gian và không lấy yếu tố kinh doanh là chính để chi phối. Nhưng chính vì vậy mà nguồn thu từ du lịch không hề nhỏ, cho thấy giá trị văn hóa của di tích được “quy đổi” thành giá trị kinh tế một cách hợp lý như thế nào.

 

Cùng với những thắng cảnh thiên nhiên, công trình hiện đại nổi tiếng thế giới, những cơ sở tôn giáo phục vụ cộng đồng địa phương như đền, chùa, miếu được tăng thêm giá trị văn hóa nhờ việc xây dựng mới hoặc trùng tu đảm bảo yếu tố kiến trúc truyền thống, duy trì sinh hoạt tâm linh của dân cư để thu hút du khách, đồng thời quảng bá bằng du lịch… hiện nay tất cả được coi là di sản văn hóa của Đài Loan. Ngoài ra còn là hệ thống bảo tàng các loại hình cổ vật, lịch sử, văn hóa, tự nhiên, kỹ thuật… có thể nói “công nghệ chế tạo di sản” ở Đài Loan chỉ vài chục năm phát triển đúng hướng đã mang lại hiệu quả kinh tế và tích lũy giá trị văn hóa ngày càng cao. Không bao lâu nữa chắc chắn sẽ trở thành những di sản văn hóa thật sự của thế hệ sau.

 

“Lập quốc” từ 1949 và luôn phải đối phó với đại lục rộng lớn hùng mạnh và quyết tâm đưa Đài Loan “trở về đất mẹ”, nhiều nước láng giềng tuy có quan hệ làm ăn nhưng không công khai thừa nhận như là một quốc gia độc lập, vậy nhưng Đài Loan vẫn trở thành một trong bốn “con rồng châu Á” về kinh tế và văn hóa thì gìn giữ và tạo ra được một nền tảng bền vững vừa truyền thống vừa hiện đại. Từ góc độ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Đài Loan đã có nhiều bài học, kinh nghiệm mà nếu chúng ta muốn thì không khó để có thể học được.

 

Vâng, cuối cùng vẫn là một vấn đề, “chậm, khó phát triển” hay là “không chịu phát triển” !

 

Đài Bắc – Sài Gòn 12/2017

Nguyễn Thị Hậu


NGUỒN : Tác giả gửi cho Diễn Đàn ngày 1.1.2024

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats