Saturday, 6 January 2024

BẮT BỚ Ở XỨ GIÃY CHẾT (Bông Lau)

 



Bắt bớ ở xứ giãy chết

Bông Lau

05-01-2024

https://thuymyrfi.blogspot.com/2024/01/bong-lau-bat-bo-o-xu-giay-chet.html

 

Nhân vụ công an Vi Xi bắt cóc anh Phan Vân Bách ở Hà Nội trong mấy tuần qua, chúng ta thử soi vào hệ thống pháp lý - thể thức câu lưu nghi can của đế quốc giãy chết ác ôn, để thấy được những điểm dị biệt với thiên đường xã hội chủ nghĩa.

 

Ghi chú: Ở xứ giãy chết cho dù người phạm tội bị bắt quả tang giết người thì vẫn phải kêu họ là nghi can, cho tới khi nào ra tòa và bị kết tội thì mới gọi là tội phạm. Ở xứ thiên đường, chỉ cần nói xấu chế độ là đương nhiên trở thành tội phạm trước khi ra tòa.

 

Luật ở Mỹ có những đặc thù riêng và có thể khác với các quốc gia dân chủ pháp quyền trên thế giới. Đa số các tiểu bang, cảnh sát chỉ có quyền bắt giữ nghi can không lâu hơn 72 tiếng đồng hồ để công tố viên thiết lập hồ sơ kết tội dựa vào báo cáo của cảnh sát.

 

Hồ sơ buộc tội sẽ được gởi ngay đến quan tòa để tòa án quyết định nghi can được thả ngay sau khi đóng tiền thế chân đợi ngày ra tòa, hay nếu nghi can quá nguy hiểm thì quan tòa ra lịnh giam luôn cho tới ngày ra tòa. Quan tòa cũng sẽ được nghe phía luật sư biện hộ thuyết phục yêu cầu được đóng tiền thế chân để thân chủ ra về.

 

Nếu nghi can giàu có thì tự bỏ tiền ra để đóng tiền thế chân để tại ngoại hầu tra. Nếu nghi can nghèo thì sẽ có những công ty gọi là "Bail Bond company" đóng tiền thế chân giùm, rồi sau đó nghi can sẽ đi cày trả nợ với tiền lời cắt cổ, hoặc nếu nghi bỏ trốn thì công ty đóng tiền thế chân đó sẽ tịch thu tài sản của nghi can.

 

Những công ty Bail Bond này còn có thám tử riêng làm công việc lùng bắt các nghi can bỏ trốn mà hỏng chịu hầu tòa. Các thám tử này trang bị đồ chơi tận răng rất ngầu gọi là "Bounty hunter" hay là thợ săn người có tiền thưởng. Giồng hệt thời Viễn Tây có những chàng cao bồi làm nghề bắt quân gian để lấy tiền thưởng. Hollywood có làm những cuốn phim hành động về "Bounty hunter" coi rất phê.

 

Trước khi ra tòa nghi can phải hầu tòa lần đầu gọi là "hearing", để quan tòa "lắng nghe" nội vụ sơ khởi từ phía công tố viên và luật sư biện hộ, rồi mới quyết định sẽ có một phiên tòa chính thức có bồi thẩm đoàn xét xử. Trước khi hầu tòa sơ khởi "hearing", công tố viên và luật sư biện hộ gặp nhau để duyệt xét nội vụ trước khi "lâm chiến".

 

Đôi khi có những luật sư biện hộ giỏi, thuyết phục công tố viên là cảnh sát đã bắt lầm và không có đủ chứng cớ. Nếu tiến hành xét xử thì phía công tố viên cũng thua thôi. Có trường hợp công tố viên thấy trước đó là một vụ bắt bớ tào lao sẽ không thắng được, nên quyết định hủy bỏ vụ án mà không cần có phiên "hearing". Cả công tố viên và luật sư biện hộ lúc nào cũng muốn khi lâm chiến là phải thắng, vì nếu thua thì mất uy tín, hỏng ai thèm thuê.

 

Hệ thống pháp lý Mỹ cũng không hoàn hảo. Có những trường hợp luật sư biện hộ dở và công tố viên giỏi, làm nghi can lãnh án oan hay quá nặng. Có những trường hợp luật sư biện hộ giỏi và công tố viên quờ quạng khiến nghi can được trắng án, như trường hợp anh O. J. Simpson, giết chết bạn gái và bồ của bạn gái nhưng vẫn hỏng bị kết tội và trắng án.

 

Ở Mỹ quan tòa không có quyền kết án mà chỉ làm trọng tài trong phiên tòa. Bồi thẩm đoàn phải nhất trí kết tội (Unanimity in jury verdicts) thì nghi can mới trở thành tội phạm và thọ án. Chỉ cần một người trong bồi thẩm đoàn không đồng ý kết tội là nghi can trắng án. Cho nên ở tù ở Mỹ rất khó. Ở xứ thiên đường vinh quang cũng ở tù rất khó vì nghi can có gốc bự sẽ nhờ luật sư biện hộ "chạy án", thông đồng hối lộ quan tòa để được nhẹ hay trắng án. Xứ thiên đường thiệt sướng nè.

 

Khi cảnh sát bắt người ở Mỹ, câu đầu tiên cảnh sát nói là “Bạn có quyền im lặng từ chối trả lời” ; và nghi can có quyền đòi hỏi một luật sư biện hộ ngay tức khắc để luật sư trả lời các câu hỏi của cảnh sát cho thân chủ mình. Nếu nghi can nghèo không có tiền thì chính quyền phải cung cấp luật sư biện hộ miễn phí. Ở Mỹ, cảnh sát không có quyền bắt bớ người rồi tự tiện hỏi cung riêng một mình, để tránh tình trạng lạm dụng quyền thế vu khống hại người vô tội.

 

Cảnh sát Mỹ rất dzữ, nếu người bị bắt chống cự với hung khí thì đa phần sẽ bị ăn kẹo đồng trong chớp mắt. Tuy nhiên quyền hạn của cảnh sát Mỹ hỏng có nhiều như quyền sinh sát của công an Vi Xi. Ở Mỹ chưa bao giờ có vụ nghi can treo cổ tự tử trong bót cảnh sát, hoặc cảnh sát Mỹ bắt nghi can rồi vài ngày sau gọi gia đình lên nhận xác thân nhân có đầy dấu vết bầm dập tím thẫm do những cuộc tra tấn dã man.

 

Hỏng những cảnh sát Mỹ hỏng có nhiều quyền lực mà nhiều khi còn sai lầm nữa. Có những vụ người dân gọi cảnh sát Mỹ đến câu lưu hay tịch thu súng của người có triệu chứng bị điên. Cảnh sát đến tiếp xúc nghi can rồi bỏ đi vì hỏng muốn bắt lầm người. Sau đó nghi can điên thiệt và xả súng giết người hàng loạt, và gây tai tiếng nhiều cho cảnh sát là quá ù lì và nhân nhượng.

 

Có những trường hợp khác thì cảnh sát Mỹ quá tích cực nếu không nói là hiếu chiến nên mạnh tay nựng gây thương tích cho long thể của nghi can. Có khi lỡ tay làm nghi can viên tịch thì báo chí làm um sùm trời đất, kết quả là viên cảnh sát mạnh tay đó đi nằm nhà đá dài hạn, và chính quyền địa phương phải đền hàng triệu đô la cho nghi can bị cảnh sát nựng mạnh tay.

 

Nói chung làm công an ở xứ thiên đường vinh quang rất sướng và có nhiều quyền lực hơn cảnh sát Mỹ Đế, vốn dễ chết và dễ đi nằm nhà đá nếu sai lầm. Tiền bạc của công an Vi Xi lại rủng rỉnh đầy túi nữa nên nhiều người ao ước được hành nghề công an. Các cô gái đẹp rất thích có chồng làm công an Vi Xi vì sẽ có một đời sống phú quý trong nhung lụa, thậm chí có hy vọng xây được biệt phủ nữa.

 

BÔNG LAU 05.01.2024

 

Publié par Thụy My RFI à 18:55

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats