Thursday, 4 January 2024

BẤT BÌNH ĐẲNG và BẤT BÌNH ĐẲNG TRONG GIÁO DỤC (Dương Quốc Chính)

 



Bất bình đẳng và bất bình đẳng trong giáo dục

Dương Quốc Chính

04/01/2024

https://baotiengdan.com/2024/01/04/bat-binh-dang-va-bat-binh-dang-trong-giao-duc/

 

Hôm trước mình có nghe một podcast của Vietcetera, bạn host Thùy Minh nói chuyện với bạn Chi Nguyễn, tiến sĩ về giáo dục đang dạy đại học gì đó bên Mỹ (BTV Tiếng Dân: Đại học Arizona – The University of Arizona), bạn ấy đang nghiên cứu về bất bình đẳng trong giáo dục.

 

VIDEO :

Vai trò của giáo dục trong vòng lặp giàu nghèo - Chi Nguyễn (The Present Writer) | #HaveASip 152  

https://www.youtube.com/watch?v=6soDvi8WOp4

 

Ban đầu mình cũng chẳng để ý chuyện này lắm, cho đến khi bạn Lang Minh viết một bài phản biện trên trang Khoa học và Phát triển, hình như là báo của dân nghiên cứu. Mình đọc bài này xong hì hục nghe lại cái podcast kia, vì nó có một nội dung mà hai bên cùng nói tới mà mình thấy khá thú vị là bàn về bất bình đẳng trong giáo dục. Nhưng vì không hoàn toàn đồng ý với cả hai bên, nên mình mới viết status này.

 

Bên trên, mình dùng từ “hì hục” bởi vì hai bạn gái kia “buôn chuyện” đúng kiểu phụ nữ lâu ngày gặp nhau, nên nói chuyện lan man, nghe rất sốt ruột và không rõ chủ đề chính là gì. Chuyện bếp núc, cá nhân, hai bạn nói chuyện, mình không để ý, chủ yếu quan tâm đến đoạn nói về bất bình đẳng thôi, khoảng 15 phút trong khoảng một tiếng rưỡi các bạn ấy nói chuyện.

 

Ở đây mình không coi là phản biện gì, chỉ là trao đổi quan điểm của mình về đề tài này, chủ yếu nhắc tới những cái mà hai bên đều không nói tới. Link bài báo của Lang Minh:

https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/tu-van-hoa-cua-kiep-ngheo-den-bat-binh-dang-giao-duc/2023122909165371p1c785.htm

 

Các bạn ấy tâm sự, giãi bày rất dài, đại khái có hai nội dung chính mà quen thuộc với người Việt, đó là cho rằng sự bất bình đẳng trong giáo dục đến từ sự phân biệt giàu nghèo, dân tộc thiểu số, vùng miền (văn minh lạc hậu, dân nhập cư)… Trong đó có một chi tiết mà bạn Thùy Minh nhắc tới câu chuyện trải nghiệm của bạn ấy ở Cần Thơ.

 

Đoạn dưới mình trích dẫn bài báo của Lang Minh (viết chung với một người khác, ở đây mình tạm gọi là bài báo của Lang Minh):

 

“Trong một chương trình podcast khá nổi tiếng dành cho giới trẻ mới đây, người dẫn chương trình (MC) kể lại câu chuyện đến ở nhà dân trong lần tham gia một gameshow thực tế và có đưa tiền cho người dân ở ngôi làng nghèo đó đi chợ mua thịt. Kết quả là người dân dùng hết số tiền để mua năm cân thịt về kho, thay vì chỉ cần mua vài lạng cho hôm nay, số tiền còn lại để dành cho mấy ngày sau. Từ trải nghiệm này, MC rút ra kết luận rằng người nghèo thiếu tư duy “tích cốc phòng cơ” cũng như kỹ năng lên kế hoạch, và bởi “tư duy khác” như vậy, họ không tối ưu được nguồn lực, dẫn đến thiếu hụt nguồn lực cho giáo dục, thứ đang ngày càng đắt đỏ. Vì vậy MC đưa ra lời khuyên, người nghèo cần dựa vào nỗ lực cá nhân (tạm chưa bàn đến các cấu trúc xã hội vĩ mô) để thay đổi tư duy của mình, tập trung vào học tập, rồi dựa vào học vấn để di động xã hội tới các bậc cao hơn. Đó dường như là lối thoát duy nhất. Xét về lịch sử, tư duy có bao nhiêu xài bấy nhiêu – được cho là nguyên nhân khiến người nghèo không thể thoát nghèo – trở thành một huyền thoại quen thuộc khi cắt nghĩa sự tồn tại dai dẳng của bất bình đẳng”.

Hết trích

 

Bài báo của Lang Minh viết kiểu hàn lâm, trích dẫn mấy ông Tây, thực ra là diễn giải lại ý của họ để phản biện hai bạn kia. Hai bên có lối trình bày đối nghịch nhau và mình đều ngại đọc/nghe. Hai bạn kia thì trình bày kiểu buôn chuyện, bài báo thì kiểu hàn lâm. Mình nghe được hết là do phải lái xe 5h liền! Đoạn dưới là suy nghĩ của mình, nếu chỗ nào khác với các bạn kia thì coi như phản biện, còn nếu giống thì là đồng ý.

 

Mình cho rằng tư duy thoát nghèo, thoát khỏi sự bất bình đẳng nhờ đi học. Học càng cao, càng nhiều càng tốt, là tư duy giáo điều, văn mẫu, mà đa số mặc định coi là đúng. Tương tự vậy, tư duy cần kiệm để thoát nghèo cũng gần như vậy. Đó là tư duy “chuẩn mực” theo kiểu người miền Bắc và đặc biệt là miền Trung, coi như văn mẫu mà các ông bố bà mẹ hay dạy con, người trí thức dạy người cần lao.

 

Vấn đề bất bình đẳng này cần được tiếp cận dưới góc nhìn khoa học chính trị, trong đó bất bình đẳng trong giáo dục chỉ là một phần nhỏ. Sự bất bình đẳng thường đồng thời có cả ở kinh tế, chính trị, xã hội. Nhóm yếu thế sẽ không thể bình đẳng trong hầu hết các lĩnh vực chứ không chỉ có giáo dục. Thường bất bình đẳng về kinh tế sẽ kéo theo bất bình đẳng ở mọi lĩnh vực khác, trong đó có giáo dục. Vì vậy, muốn giảm bớt sự bất bình đẳng triệt để thì cần xóa đói giảm nghèo, giảm bớt sự chênh lệch giàu nghèo.

 

Cánh tả thường có xu hướng đấu tranh để xóa bỏ sự bất bình đẳng. Cộng sản thậm chí còn mong mỏi xóa bỏ hoàn toàn sự bất bình đẳng bằng cách xóa bỏ giai cấp. Trong khi cánh hữu thì muốn duy trì trật tự cổ điển, coi sự bất bình đẳng là tất yếu của xã hội và cho rằng sự bất bình đẳng chính là động lực thúc đẩy để nhóm yếu thế vươn lên thoát nghèo, tiến tới bình đẳng bằng nỗ lực bản thân, chứ không phải ngồi chờ kẻ khác ban phát sự bình đẳng.

 

Hai xu hướng chính trị này đấu tranh với nhau cả trăm năm qua và mỗi phe có thắng thế nhất định ở mỗi quốc gia tùy mô hình thể chế mà quốc gia đó theo đuổi. Nói cách khác, sự bất bình đẳng vẫn luôn tồn tại dù phe tả hay cộng sản có trỗi dậy cỡ nào.

 

Tại sao nói thoát nghèo (để có sự bình đẳng) bằng hô hào học nhiều, học giỏi là giáo điều, hô khẩu hiệu?

 

Đó là vì một người không sinh ra trong một gia đình có truyền thống học giỏi, trí thức hay có điều kiện kinh tế thì khó có cơ hội và động lực cũng như năng lực trí tuệ để học giỏi. Có phải bất kỳ ai cứ cố học là giỏi được đâu. Mà học giỏi rồi cũng chắc gì đã thoát nghèo, chỉ chắc chắn không quá nghèo thôi, nhưng khả năng thoát nghèo có khi thấp hơn đi xuất khẩu lao động trong khi để học giỏi không hề đơn giản với xuất phát điểm thấp. Đó là lý do dân Thanh Nghệ bây giờ đi xuất khẩu lao động, kể cả đi chui, còn đông hơn đi học đại học, học thạc sĩ, tiến sĩ.

 

Xét trên bình diện vĩ mô, thì học nhiều, học giỏi, nhưng quốc gia chưa thể chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang kinh tế tri thức, phát triển dịch vụ nhiều hơn sản xuất công nghiệp và nông nghiệp thì sẽ dẫn tới thừa thầy thiếu thợ và nghèo vẫn hoàn nghèo do trí thức thất nghiệp lại không chịu/ không biết làm thợ. Việt Nam hiện đang rơi vào cái bẫy học nhiều, bằng cấp cao, phổ cập đại học kiểu đó.

 

Một quốc gia thoát nghèo nhanh, thường phải đi theo con đường chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp rồi tới dịch vụ. Các con rồng châu Á và Trung Quốc đã đi theo con đường đó. Tức là người nông dân nghèo đi làm công nhân là cách thoát nghèo phổ thông và đơn giản nhất, chứ không phải là đi làm giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ là cách thoát nghèo tốt nhất.

 

Làm gì để thoát nghèo cho một gia đình, địa phương, không phải là điều dễ dàng bằng cách khuyên người nghèo đi học. Tất nhiên cũng phải học đến hết phổ thông để có kiến thức nền cơ bản. Nhưng không phải cứ học đại học hay sau đại học là chắc chắn thoát nghèo đâu.

Còn việc chi tiêu dè xẻn, tiết kiệm để thoát nghèo, theo lối suy nghĩ của dân Bắc cũng không chính xác, thậm chí có thể có hại cho sự phát triển. Tiết kiệm chỉ tránh đói chứ không thể giàu nhờ tiết kiệm, cũng chẳng thể tiến tới thoát nghèo và xóa bỏ bất bình đẳng.

 

Việc người dân miền Tây mua 5 kg thịt để kho một lần nó là do lối sống của họ, không hề như cách lý giải của bạn Thùy Minh. Nhà có khách, mà tiền khách đưa, thì với tâm lý hiếu khách và không cần tích trữ, chủ nhà dùng tất cả để mua thức ăn để đãi khách là phù hợp tâm lý phóng khoáng của dân địa phương. Người miền Tây không lo đói, nên không có xu hướng cần tích trữ, tiết kiệm.

 

Về mặt kinh tế, thì xã hội tiêu dùng mới giúp ích được cho sự tăng trưởng kinh tế. Nếu toàn dân tiết kiệm, thắt chặt hầu bao, thì sẽ khó phát triển. Tất nhiên chi tiêu bừa bãi, vượt qua khả năng kiếm tiền thì cũng sẽ nghèo.

 

Tóm lại, bàn về sự bất bình đẳng, xóa đói giảm nghèo, là một đề tài lớn, khó, với tầm quốc gia rồi, không phải là một đề tài có thể dễ dàng để buôn chuyện. Những thứ mình viết bên trên cũng chỉ là đại khái, mang tính gợi mở thôi.





No comments:

Post a Comment

View My Stats