Thursday 15 June 2023

NGƯỜI KINH : TỪ ĐỒNG CHÍ CỘNG SẢN TRỞ THÀNH THẾ LỰC THỰC DÂN NỘI ĐỊA Ở TÂY NGUYÊN (Vincente Nguyen / Luật Khoa Tạp Chí)





Người Kinh: Từ đồng chí cộng sản trở thành thế lực thực dân nội địa ở Tây Nguyên

Vincente Nguyen  -  Luật Khoa Tạp Chí

June 15, 2023

https://www.luatkhoa.com/2023/06/nguoi-kinh-tu-dong-chi-cong-san-tro-thanh-the-luc-thuc-dan-noi-dia-o-tay-nguyen/

 

Quyết tâm khai hóa bằng sự thượng đẳng và tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1304/2023/06/Th-c-d-n-T-y-Nguy-n.jpg

Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.

 

Nhờ vào cuộc chiến chống thực dân Pháp và sau đó là cuộc chiến chống chính quyền Việt Nam Cộng hòa, các lực lượng cách mạng cộng sản Việt Nam luôn có cơ hội sát cánh cùng với các nhóm dân tộc thiểu số, sắc dân bản địa cao nguyên. Họ thường chĩa mũi giáo cáo buộc “thực dân”, “đàn áp”, “đồng hóa” sang các thế lực chính trị đối nghịch với họ. 

 

Tuy nhiên, khi đã giành được chính quyền sau năm 1975, nhóm người Kinh cộng sản không còn gì để đứng chung với các sắc dân thiểu số. Điều này được minh chứng bằng một loạt các chính sách can thiệp và cưỡng ép, dẫn đến xung đột kéo dài, mà ngay ở thời điểm hiện tại, có lẽ câu chuyện về người Thượng Tây Nguyên lại tiếp tục được nhắc đến rất nhiều.

 

Vận động cách mạng trong một tiềm thức thượng đẳng 

 

Tây Nguyên luôn được xem là một trong những khu vực có ảnh hưởng quan trọng tới sự tồn vong của Việt Nam.

 

Trong Chiến tranh Việt Nam, Tây Nguyên là vùng đệm chiến lược giữa các khu vực cao nguyên và đồng bằng do chính quyền Việt Nam Cộng hòa nắm giữ, với đường mòn Hồ Chí Minh chạy dọc biên giới Lào - Campuchia. Sự ủng hộ của các sắc dân bản địa là tối quan trọng cho khả năng bám trụ địa bàn (living on the land) của lực lượng cộng sản miền Nam và Bắc Việt Nam. 

 

Và ở thời điểm đó, việc tìm kiếm sự ủng hộ của các nhóm dân này không phải quá khó. 

Theo nghiên cứu “Highlanders on the Ho Chi Minh trails: Representations and Narratives” (Tạm dịch: Người Thượng trên đường mòn Hồ Chí Minh: Những đại diện và những câu chuyện kể), chính quyền cách mạng Việt Nam đã cố gắng bắt rễ ở Tây Nguyên ngay từ giai đoạn Việt Minh. [1] Cho đến Chiến tranh Việt Nam, sự ủng hộ của các sắc dân bản địa lại càng quan trọng hơn. 

 

Chiến thuật xây dựng lòng tin của cán bộ cộng sản tại đây tuân thủ theo lý luận về xây dựng phong trào cách mạng khá cơ bản. 

 

Họ xoáy sâu vào sự thiếu vắng của đại diện người bản xứ trong hệ thống quản trị quốc gia của Việt Nam Cộng hòa. Họ chỉ ra thiệt hại đối với đất đai và thiên nhiên của các chiến dịch quân sự do Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa thực hiện tại đây.

 

Cùng lúc đó, họ đưa ra những lời hứa và vận dụng các chiến thuật hết sức kinh điển của các thế lực bên ngoài khi đến các vùng đất bản địa đang có xung đột. 

 

Họ hứa về một chính quyền tự trị, một đời sống tốt đẹp hơn cho người canh tác ở Tây Nguyên. Các cán bộ cộng sản cũng tận dụng triệt để sự đối nghịch chính trị của nhiều bộ lạc, cộng đồng khác nhau để từ đó dần dần chiếm lĩnh không gian chính trị ở Tây Nguyên.

 

Tuy nhiên, việc vận dụng triệt để các nhóm diễn ngôn này không làm mất đi niềm tin thực tế của những người cộng sản Việt Nam về sự chậm tiến, lạc hậu trong lối sống, phong tục, và mô hình kinh tế - xã hội của người Thượng.

 

Hiển nhiên, cách mạng - theo chủ nghĩa Marx - luôn nhấn mạnh tính đoàn kết sắc tộc (interracial solidarity), nên một nhóm cách mạng theo chủ nghĩa Marx không thể đưa ra các quan điểm có tính chất phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, cũng chính chủ nghĩa Marx lại rất tin tưởng vào sự vận động phát triển của các hình thái kinh tế xã hội. Sự hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa (socialist modernity) mà người Kinh đang học tập và ứng dụng thì phải tốt đẹp, phát triển hơn công xã nguyên thủy của người Thượng. 

 

Bằng niềm tin này, ngay từ những ngày đầu, giới cán bộ cộng sản đã mang theo tiềm thức khai sáng cách mạng cho các sắc dân người Thượng, không khác gì người Pháp đòi khai sáng cho dân An Nam. Tuy nhiên, vì xung đột triền miên và đụng độ một kẻ thù chung (hoặc Pháp, hoặc Mỹ, hoặc chính quyền Việt Nam Cộng hòa), nên tư tưởng thượng đẳng này ít khi có cơ hội bộc lộ.

 

Mặc dù vậy, như Christopher Goscha tranh biện, ngôn ngữ và mục tiêu chính của các cán bộ cộng sản người Kinh khi vận động, thuyết phục và xây dựng niềm tin với các cộng đồng người dân tộc thiểu số nói chung và người Thượng ở Tây Nguyên nói riêng, vẫn luôn luôn duy trì sự thượng đẳng, tính ưu việt tuyệt đối của mô hình và con đường mà họ lựa chọn. [2] Tự do lựa chọn niềm tin chính trị, theo quan điểm của những cán bộ này, không phải là một thứ mà các sắc dân thiểu số đủ khả năng để làm. 

 

Thiết lập một chính sách cai trị thực dân kiểu mới

 

Với sự duy ý chí đó, khó có thể nói các cán bộ cộng sản người Kinh có một cách tiếp cận, một tư duy khác biệt khi nhìn vào người Thượng ở Tây Nguyên so với cách người Pháp nhìn vào người An Nam. Tất cả đều là những sắc dân kém phát triển, kém văn minh cần được khai sáng.

 

Giống như cách người Pháp đến Việt Nam dưới danh nghĩa khai sáng nhưng cuối cùng lại tập trung vào việc khai thác thuộc địa, người Kinh đến Tây Nguyên cũng với tâm thế này, đặc biệt sau khi họ đã xác lập sự thống trị chính trị của mình trên toàn cõi Việt Nam. 

 

Theo cách định nghĩa phổ thông, chủ nghĩa thực dân là sự kiểm soát của một nhóm quyền lực đối với một khu vực hay một cộng đồng lệ thuộc. [3] Trong đó, một quốc gia hoặc một cộng đồng khuất phục một cộng đồng khác, khai thác cộng đồng đó về mặt kinh tế, đồng thời áp đặt các giá trị về văn hóa, ngôn ngữ, chính trị của mình lên cộng đồng bị khuất phục. 

 

Với định nghĩa chung này, có thể thấy chủ nghĩa thực dân không có ám chỉ cố định là phương Tây. Người Kinh từng bị đô hộ không có nghĩa là họ không thể trở thành kẻ đi đô hộ người khác. 

 

Giới nghiên cứu dùng thuật ngữ internal colonialism (chủ nghĩa thực dân nội địa) để bàn về các vấn đề tương tự đang diễn ra ở Việt Nam. 

 

Trong ghi nhận của tác giả Grant Evans, các nhóm người Thượng đã từng mong ước rằng sau khi chiến tranh kết thúc, họ có thể trở về với buôn làng, với vùng đất thiêng của mình và gây dựng lại đời sống như xưa. Tuy nhiên, đó là mong ước chưa bao giờ trở thành hiện thực. [4]

 

Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, các chiến dịch tái định cư, tái kiến thiết, tái phân bổ lao động và xây dựng vùng kinh tế mới đều chủ yếu nhắm vào đất đai tại Tây Nguyên và các vùng đất lịch sử do người Thượng quản lý. 

 

Lần lượt các chính sách “xâm lược” của chính quyền mới tiếp quản miền Nam Việt Nam cho đến các phong trào di cư tự phát hỗn loạn của người miền khác lên vùng đất mới, cũng như sự xuất hiện của các công ty khai thác gỗ phi pháp (vốn nhận được sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương) khiến cho các sắc dân bản địa gần như không có bất kỳ thời điểm nào được phép tự trị như lời hứa của các cán bộ cộng sản trước đó. 

 

Từ một sắc dân đa số hiện hữu ở khu vực Tây Nguyên, người Thượng bị trung hòa bởi làn sóng người Kinh di cư, bị biến thành sắc dân thiểu số ngay trên chính vùng đất của mình. 

Từ chủ đất và người canh tác chính trên những mảnh đất cao nguyên, người Thượng bị đẩy sâu vào các khu vực hẻo lánh và khả năng sản xuất công nghiệp, nông nghiệp thấp. 

 

Từ chỗ có một hệ thống văn hóa, chính trị tự chủ, tự quyết, tương lai của cộng đồng người Thượng gói gọn trong các quyết sách chính trị dành cho người thiểu số của đảng bộ và chính quyền địa phương. 

 

Không chỉ vậy, nghiên cứu của Grant Evans còn cho thấy chính sách nhân học nói chung của các học giả người Kinh, dưới sự giám sát và định hướng của chính quyền Hà Nội, tiếp tục sản xuất ra những sản phẩm bất lợi cho sự tồn tại và phát triển của văn hóa người Thượng ở Tây Nguyên. 

 

Cụ thể hơn, một số tác giả, như Đặng Nghiêm Vạn, thể hiện rất rõ thái độ chủ nghĩa Marx và đặt nhu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội lên trên việc công nhận và hỗ trợ duy trì đời sống truyền thống của người Thượng. Các nghiên cứu của ông Vạn, cũng như rất nhiều tác giả nhân học người Kinh khác, đều ủng hộ chính sách tái định cư và tái phân phối nguồn lực lao động người Kinh về Tây Nguyên với lý do sự phân bổ của người Kinh vào các khu vực này giúp rút ngắn khoảng cách phát triển của các cộng đồng bản địa. Cách nhìn này rõ ràng thể hiện tính thượng đẳng khi những người Kinh cộng sản nhìn vào cộng đồng người Thượng ở Tây Nguyên. 

 

                                                            *** 

 

Tính chất thực dân của các chính sách mà người Kinh dành cho người Thượng ở vùng đất Tây Nguyên thể hiện vô cùng đậm nét. 

 

Nói không ngoa, nếu so sánh những chính sách này với chính sách của thực dân Pháp trong giai đoạn đô hộ Việt Nam thì cũng không phải là quá đáng. Tuy nhiên, để đòi hỏi người Kinh thừa nhận và tìm hướng hòa giải các xung đột sắc tộc do chính họ gây ra thì chẳng khác gì một tưởng tượng viển vông. 

 

------------

Chú thích

 

1. Pholsena, V. (2008). HIGHLANDERS ON THE HO CHI MINH TRAIL. Critical Asian Studies, 40(3), 445–474. https://doi.org/10.1080/14672710802274151

 

2. Vietnam and the world outside: The case of Vietnamese communist advisers in Laos (1948–62) on JSTOR. (n.d.). https://www.jstor.org/stable/23750295

 

3. Blakemore, E. (2021, May 3). What is colonialism? Culture. https://www.nationalgeographic.com/culture/article/colonialism

 

4. Internal Colonialism in the Central Highlands of Vietnam on JSTOR. (n.d.). https://www.jstor.org/stable/26531807

 

 

-------------------

LIÊN QUAN

 

Khi Tây Nguyên không còn là nhà

Gần hai thập kỷ, người Thượng vẫn không ngừng tháo chạy khỏi Tây Nguyên vì sự truy bức của chính quyền Việt

Trần Duy   -   Luật Khoa tạp chí  

 

.

Đồn đoán chính trị trong vụ xung đột ở Tây Nguyên là vũ khí chống lại độc quyền thông tin

Đây không phải là tin giả, mà là kỳ vọng đối thoại của một cộng đồng.

Võ Văn Quản   -   Luật Khoa tạp chí  

 

.

Vấn đề tôn giáo tại Tây Nguyên: Chính quyền càng can thiệp thô bạo càng không có lối thoát

Các sắc tộc bản địa không chấp nhận sự kiểm soát của người Kinh đối với Tây Nguyên.

Văn Tâm   -   Luật Khoa tạp chí  

 






 

No comments:

Post a Comment

View My Stats