Thursday, 15 June 2023

GIẢI PHÁP NÀO CHO ĐỒNG BÀO BẢN ĐỊA TÂY NGUYÊN? (Mặc Lâm / Saigon Nhỏ)

 



Giải pháp nào cho đồng bào bản địa Tây Nguyên?

Mặc Lâm  -  Saigon Nhỏ
14 tháng 6, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/giai-phap-nao-cho-dong-bao-ban-dia-tay-nguyen/

 

Báo VnExpress sáng 11/6, dẫn thông tin báo cáo từ Công an tỉnh Đắk Lăk cho biết lúc 0 giờ 35 phút ngày 11 Tháng Sáu, khoảng 10 người mặc đồ rằn ri, đi xe máy đến trụ sở Uỷ ban và Công an xã Ea Tiêu sát hại hai công an, sau đó ra ngã ba Ea Sim, Quốc lộ 27, chặn ôtô bán tải và bắn chết tài xế.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/no-su-ng-o-Da-k-La-k-jpeg-8716-1686487637.jpg

Công an bố ráp và bắt bớ nhiều người được cho là can tội thực hiện vụ bạo loạn ngày 11 Tháng Sáu 2023 (ảnh: báo CAND)

 

Cùng lúc, một nhóm khác gồm 30 người đi hai xe Jeep và xe máy, tấn công trụ sở UBND và Công an xã Ea Ktur. Những người này dùng súng và dao tấn công một thiếu tá 42 tuổi, một đại uý 35 tuổi và hai thượng uý 21 và 29 tuổi. Bí thư xã, Chủ tịch xã và một thanh niên sau đó cũng bị bắn.

 

1/

Bước đầu ghi nhận có bảy người tử vong trong đó có một người dân, ba người khác bị thương. Báo chí lúc đó không nói rõ động cơ gây án của nhóm người trên. Cái tin nóng hổi này sau đó bị gỡ xuống rồi dần dần các báo khác lấy thông tin từ Bộ Công an, lặp lại gần như nguyên văn cũng như thông tin thêm về sự truy tìm thủ phạm của lực lượng vũ trang. Kết quả ban đầu cho biết có 45 nghi can bị bắt trong đó vài người bị bắt lầm, số còn lại bị giam giữ để tiếp tục điều tra.

 

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra bạo loạn tại Tây Nguyên. Vấn đề người Thượng thiểu số chưa bao giờ lắng xuống kể từ khi họ nổi dậy đòi lại đất đai trong hai năm 2001 và 2004. Những cuộc biểu tình bị đàn áp đẫm máu cũng như đẩy hàng ngàn người vượt biên sang Campuchia và sau đó sang Thái Lan tỵ nạn. Cho tới giờ vẫn còn không ít người ở lại Thái chờ nước thứ ba chấp nhận.

 

Nguồn cội của người Thượng không chỉ bắt đầu từ việc bị mất đất mà trước đó hàng trăm năm người bản địa trên vùng cao nguyên có một chặng dài lịch sử đẫm máu và nước mắt. Thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp đã phát hiện Tây Nguyên bao gồm Kon Tum, Gia Lai, Dak lak, Dak Nông và Lâm Đồng là vùng đất trù phú và đã bỏ công xây dựng những công trình phục vụ dân sinh cũng như phát triển kinh tế. Khi vua Bảo Đại công bố chính sách Hoàng Triều Cương Thổ vào năm 1950 với dụng ý xoa dịu tâm lý người bản địa thì Việt Minh đã đi trước một bước vào năm 1945, hứa hẹn cho phép người bản địa tự trị sau khi đất nước thống nhất.

 

Không chấp nhận chính sách Hoàng Triều Cương Thổ, chính phủ Ngô Đình Diệm đã yêu cầu bãi bỏ nó sau đó những hứa hẹn của ông Diệm đối với những nhân sĩ người Thượng bị phớt lờ. Mọi vị trí cao nhất trong khu vực Tây Nguyên đều do người Việt nắm giữ, tệ hơn nữa, hàng chục ngàn người Bắc di cư trong năm 1954 được mang lên Tây Nguyên bắt đầu phá rẫy, làm vườn đẩy người bản địa vào sâu trong rừng rậm. Người Thượng bất mãn ra mặt chống lại chính quyền cả miền Nam lẫn miền Bắc và phong trào FULRO ra đời sau đó, khi chính quyền ông Diệm sụp đổ và Mỹ bắt đầu tham chiến tại Việt Nam từ năm 1965.

 

FULRO được chính phủ Sihanouk đỡ đầu và vận động quốc tế rất hiệu quả nhằm tiến tới tự trị. Lực lượng này kéo về Việt Nam và cuộc chiến tranh giữa FULRO và VNCH dằng dai cho đến năm 1969 thì hai bên thỏa thuận hợp tác để chung sống hòa bình. Người Thượng gia nhập quân đội và trở thành một phần sức mạnh của quân đội VNCH. Từ năm 1969 tới năm 1975 người Thượng sống trong hòa bình và gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp. Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu giữ lời hứa ban đầu và tích cực tổ chức đời sống cho người Thượng trong nhiều mặt: Kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị.

 

Năm 1972, biết trước việc sẽ rút ra khỏi Việt Nam, Mỹ đã vận động thành lập lực lượng FULRO DEGA nhằm chuẩn bị cho hậu chiến. FULRO DEGA có hơn 10 ngàn người tập trung từ lính Thượng trong quân đội VNCH cũng như tuyển mộ thêm thanh niên Thượng tại nhiều tỉnh Tây Nguyên. Tháng Sáu 1975 sau khi chiếm được toàn bộ miền Nam cũng là lúc chính quyền Cộng sản tính toán với lực lượng DEGA. Một trận càn quét quy mô nổ ra gần như xóa sổ mọi đơn vị của DEGA, hơn hai ngàn lính Thượng chạy sang Campuchia và sau đó buông vũ khí làm người tị nạn.

 

2/

Giải quyết được mầm mống phản loạn nhưng số đồng bào Thượng bản địa vẫn còn rất lớn tại các tỉnh Dak Lak, Gia Lai, Ban Mê Thuộc, Kon Tum… buộc chính quyền mới phải chú ý giải quyết, thế nhưng theo nhà văn Nguyên Ngọc, người quan tâm sát sao vấn đề Tây Nguyên cho biết:

 

“Nhà nước chủ trương xây dựng Tây Nguyên thành một địa bàn vững chắc về an ninh và quốc phòng cũng như thành một vùng trọng điểm kinh tế của cả nước.

Để thực hiện chủ trương chiến lược đó, đã: Tăng cường lực lượng lao động lớn cho Tây Nguyên bằng cách tiến hành một cuộc đại di dân chưa từng có, chủ yếu từ đồng bằng châu thổ sông Hồng và vùng duyên hải Nam Trung Bộ lên Tây Nguyên…

Tổ chức toàn bộ Tây Nguyên thành các đơn vị kinh tế lớn… Toàn bộ đất và rừng ở Tây Nguyên được quốc hữu hoá, được lấy giao cho các binh đoàn làm kinh tế, các LHXNLCN, các nông trường, lâm trường, và giao cho dân di cư từ đồng bằng lên. Người bản địa chỉ còn phần đất thổ cư và một ít đất làm rẫy.”

 

Kết quả của chủ trương này là đẩy người dân bản địa vào sâu trong rừng còn đất đai mà họ khẩn hoang trước đây vào tay cán bộ hay người dân từ Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng… kéo nhau vào lấn chiếm và được chính quyền địa phương làm ngơ khuyến khích.

 

Bên cạnh vấn đề đất đai là vấn đề tôn giáo. Từ giữa thế kỷ 16 người Thượng vốn được các tu sĩ Thiên Chúa truyền đạo rất sớm và đạo Công giáo bén rễ trong các buôn làng người Thượng lâu đời. Sau khi Tự Đức lùng diệt đạo Công giáo người Thượng bị bắt bị giết rất nhiều nhưng đạo Công giáo vẫn bén sâu vào cộng đồng này.

 

Sau năm 1975, giống như các cộng đồng khác, tôn giáo bị chính quyền mới dị ứng và các cuộc bách hại, ngăn cấm việc hành đạo liên tục xảy ra khiến thế giới phải lên tiếng và hàng ngàn người Thượng bỏ sang Thái Lan tị nạn cũng từ vấn đề đàn áp tôn giáo này.

 

Có người cho rằng sở dĩ người Thượng bị bách hại tôn giáo do chính quyền muốn đẩy họ ra khỏi nước hầu khỏi đối phó với những âm mưu chính trị từ bên ngoài, nhất là vấn đề tự trị. Thật ra nếu quan sát kỹ hiện tượng bạc đãi người Thượng nói riêng và những dân tộc bản địa khác nói chung xuất phát từ lo sợ của lịch sử.

 

Người Thượng nằm giữa những tranh chấp, lôi kéo của hai chế độ tự do và cộng sản qua nhiều thời kỳ đã tạo ra tư duy chính quyền nào cũng xem họ là thành phần tuy dễ lợi dụng nhưng lại khó quản lý trong lâu dài. Ám ảnh họ sẽ đòi tự trị khiến chính quyền cố đẩy họ ra càng xa càng tốt. Càng xa thì mối lo bạo loạn càng ít, từ đó chính sách đồng hóa đất đai của họ thành của người Kinh đã khiến cho vụ giết cán bộ công an xảy ra vào hôm 11 Tháng Sáu.

 

3/Thật ra vấn đề người bản địa không phải chỉ Việt Nam mới có mà cả thế giới nước nào cũng phải đối phó với vấn đề này. Cụ thể là Mỹ, ai cũng biết miếng đất mà người Mỹ đang sống thuộc sở hữu của người da đỏ và máu của người bản địa đã tô đỏ cho màu cờ nước Mỹ. Những trang sử người bản địa của nước Mỹ làm cả thế giới kinh hồn nhưng cũng chính nước Mỹ đã tạo nên sức sống thật sự cho người da đỏ cho tới ngày nay bởi những chính sách đúng đắn và hiệu quả.

 

Việc đầu tiên nhằm ổn định vấn đề đất đai: Để ngăn chặn việc mất đất của người Mỹ bản địa, chính phủ liên bang đã chấm dứt chính sách phân bổ vào năm 1934 và kéo dài thời hạn ủy thác vô thời hạn.

 

Chính sách của chính phủ liên bang đối với người da đỏ đã thay đổi vào cuối những năm 1880 từ việc tái định cư, sang đồng hóa họ với lý tưởng của người Mỹ. Người da đỏ được trao đất để đổi lấy việc từ bỏ bộ lạc, quần áo truyền thống và lối sống của họ. Một phần quan trọng của nỗ lực đồng hóa là cải cách ruộng đất.

 

Chính sách Ưu tiên cho người Da đỏ là một công cụ được sử dụng bởi Cục Các vấn đề về Người Da đỏ (BIA) thuộc Bộ Nội vụ Hoa Kỳ (DOI) và Dịch vụ Y tế dành cho Người Da đỏ (IHS) thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) và được ủy quyền của Quốc hội.

Năm 1972 Đạo luật Giáo dục người Mỹ bản địa tài trợ cho các chương trình sinh viên. Đạo luật này cho phép thành lập Văn phòng Giáo dục Người Da Đỏ và Hội đồng Tư vấn Quốc gia về Giáo dục Người Da Đỏ, đồng thời cung cấp quỹ liên bang cho giáo dục Người Mỹ Da Đỏ và Người Bản Địa Alaska ở tất cả các cấp lớp.

 

Người Mỹ không sợ vấn đề tự trị, họ chỉ sợ người da đỏ (được chính thức gọi trong tất cả các văn kiện là American Native) lang thang, cơ nhỡ và suy sụp tinh thần sẽ khiến cho dân chúng Mỹ nổi dậy chống đối, vì vậy mọi công dân bản địa đều được đối xử ưu tiên như với những cựu chiến binh của Mỹ.

 

                                                       *****

Việt Nam đã qua khỏi thời kỳ lo sợ nhưng vẫn tiếp tục đối phó với người Thượng bản địa như cách đây 50 năm là bất cập. Vấn đề này sẽ mãi kéo dài và làm quốc tế nhìn Việt Nam dưới ánh mắt kỳ thị vì sự vô nhân đạo nào cũng không thể biện minh. Nguồn đất mang cung cấp cho một số thành phần ưu tiên hôm nay sẽ là hậu họa về lâu dài. Không chú trọng việc giáo dục thỏa đáng cho đồng bào bản địa trên cả nước là mầm mống tai họa cho tương lai vì một cái đầu rỗng sẽ dễ bị tuyên truyền nhưng cũng sẽ là gánh nặng cho đất nước.

 

Hãy để người bản địa chia sẻ niềm tin vào Thượng đế, có như thế mọi câu nói nhằm tuyên truyền sẽ không cần thiết vì họ nhìn thấy lương tâm của nhà nước qua tiếng chuông nhà thờ, tiếng mõ cứu độ chứ không phải bằng tờ truyền đơn kêu gọi đoàn kết kinh Thượng một nhà.

___________

 

Nguồn gốc bạo loạn Tây Nguyên và tội ác của chính quyền

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats