Monday, 19 June 2023

HOA KỲ HÒA GIẢI VỚI TRUNG QUỐC, TÌM "HỖ TRỢ" ĐỂ GIẢI QUYẾT CHIẾN TRANH UKRAINE? (Thu Hằng / RFI)

 



Mỹ hòa giải với Trung Quốc, tìm “hỗ trợ” để giải quyết chiến tranh Ukraina ?

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 19/06/2023 - 15:02

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20230619-m%E1%BB%B9-h%C3%B2a-gi%E1%BA%A3i-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c-t%C3%ACm-h%E1%BB%97-tr%E1%BB%A3-%C4%91%E1%BB%83-gi%E1%BA%A3i-quy%E1%BA%BFt-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina

 

Liệu việc Mỹ và Trung Quốc giảm căng thẳng trong quan hệ song phương có thể tác động đến cuộc chiến do Nga phát động ở Ukraina hay không ? Dường như Washington đang từng bước bớt cứng rắn với Bắc Kinh để có được một tiếng nói chung tìm giải pháp cho cuộc chiến ngày càng tốn kém, không lối thoát, tác động nghiêm trọng đến kinh tế thế giới. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/08a20dde-0e9d-11ee-9d0b-005056a90284/w:980/p:16x9/2023-06-19T091425Z_178507080_RC29M1A70BYY_RTRMADP_3_CHINA-USA-BLINKEN.webp

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (G) tiếp ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (T) tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 19/06/2023. REUTERS - LEAH MILLIS

 

Từ hơn một năm qua đã có nhiều sáng kiến ngoại giao tìm giải pháp cho cuộc xung đột, mà gần đây nhất là chuyến công du hòa giải của phái đoàn châu Phi vừa kết thúc hôm 18/06/2023 nhưng không đạt được kết quả. Có lẽ phải cần đến hai cường quốc hàng đầu thế giới, đại diện cho hai bên tham chiến, đứng ra tác động. Theo cựu bộ trưởng Pháp Pierre Lellouche, nguyên chủ tịch Hội đồng Nghị viện NATO, chuyến công du Kiev và Matxcơva của đặc sứ Trung Quốc Lý Huy (Li Hui) vào tháng 05, phần nào có tác động từ Mỹ và dường như Washington đang thay đổi theo hướng đàm phán. 

 

Trên báo Le Figaro ngày 19/06, ông Pierre Lellouche nêu ba chặng đánh dấu quá trình thay đổi của Mỹ. Chặng thứ nhất là ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã liên tục có những phát biểu thân thiện về vai trò của Trung Quốc nhằm tháo gỡ bế tắc trong cuộc khủng hoảng Ukraina khi trả lời phỏng vấn báo Washington Post ngày 03/05. Sự kiện thứ hai là cuộc gặp kín đáo tại Vienna vào giữa tháng 05 giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jack Sullivan và ông Vương Nghị, chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc. Vấn đề Đài Loan và Ukraina là trọng tâm chương trình nghị sự. 

 

Cuối cùng, tại thượng đỉnh G7 Hiroshima ngày 20/05 mà Ukraina là tâm điểm, nhóm G7 cho rằng “phải hợp tác với Trung Quốc về những thách thức thế giới, căn cứ vào tầm cỡ và vai trò của nước này trên trường quốc tế” và trực tiếp “kêu gọi Bắc Kinh gây sức ép với Nga để Nga chấm dứt cuộc xâm lược quân sự và Nga rút hết quân”

 

Trung Quốc đã hành động, một cách thận trọng, trong hồ sơ Ukraina : Bắc Kinh cử đặc sứ đến Kiev, Matxcơva và một số nước châu Âu ; ông Tập Cận Bình cũng điện đàm với tổng thống Zelensky. Bước đi của Trung Quốc, được cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, khi trả lời phỏng vấn The Economist ngày 27/05, đánh giá là “nghiêm túc” và dù có “phức tạp hóa thách thức ngoại giao thì bước đi đó vẫn tạo một lĩnh vực hợp tác” giữa Mỹ và Trung Quốc. 

 

Chuyến công du Bắc Kinh hai ngày của ngoại trưởng Mỹ, trao đổi những điểm bất đồng với các nhà lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc, đặc biệt là với chủ tịch Tập Cận Bình, có thể sẽ làm thay đổi tình hình, dù chưa thể xóa tan căng thẳng chồng chất giữa hai nước. Bởi vì, theo cựu bộ trưởng Pháp, thời gian đang thúc bách. Thế giới đang dõi theo cuộc phản công mà Ukraina phát động cách đây hai tuần. Kết quả sẽ xác định bước tiếp theo : hoặc đàm phán, hoặc sa lầy. 

 

“Sa lầy” sẽ đẩy châu Âu luôn trong cảnh chiến tranh thường trực, trong khi tổng thống Nga vẫn có thể huy động được nhân lực, tiềm lực để duy trì cuộc chiến mà ông vẫn biện minh là “chính nghĩa” để “giải trừ phát xít”. Kho vũ khí của Mỹ, cũng được dành để phòng chống Trung Quốc, sẽ bị hao mòn. Lầu Năm Góc cũng như đại bộ phận đảng Cộng Hòa sẽ không chấp nhận điều này. Ông Donald Trump, hiện là ứng viên sáng giá bên phía đảng Cộng Hòa cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đã dọa sẽ cắt viện trợ cho Ukraina nếu đắc cử. Mỹ sẽ tiếp tục bị cuốn vào cuộc chiến tốn kém ở Ukraina và có thể sao nhãng việc củng cố ảnh hưởng ở những khu vực khác. 

 

Nếu “đàm phán”, Mỹ sẽ cần Trung Quốc tác động đến Nga, cần chủ tịch Tập Cận Bình thuyết phục “người bạn lâu năm” Putin. Về phần mình, Washington cũng phải “thuyết phục” và thậm chí có thể là gây sức ép, để chính quyền Kiev ngồi vào bàn đàm phán. Nhiệm vụ sẽ không hề dễ dàng trong khi mỗi bên tham chiến đều khăng khăng bảo vệ những điều kiện tiên quyết để đối thoại. Ông Putin không có ý định từ bỏ 4 vùng mới chiếm được từ Ukraina. Ông Zelensky vẫn quả quyết hôm 18/06 là “sẽ không có (các lựa chọn nào khác) ngoài việc tái chiếm” các vùng bị Nga sáp nhập. 

 

-------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Nối lại đối thoại Mỹ - Trung: Washington không chờ đợi những thay đổi lớn

 

Blinken thăm Trung Quốc : Washington và Bắc Kinh tìm được “nhiều điểm chung”

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats