Wednesday 28 June 2023

GIÁO SƯ CAO XUÂN HẠO và THAM VỌNG DẠY TIẾNG VIỆT CHO NGƯỜI VIỆT (Thiên Tân / Luật Khoa)

 



Giáo sư Cao Xuân Hạo và tham vọng dạy tiếng Việt cho người Việt

Thiên Tân  -  Luật Khoa

June 27 2023  8:02 PM

https://www.luatkhoa.com/2023/06/tieng-viet-van-viet-nguoi-viet/?ref=luat-khoa-newsletter

 

Những ý kiến “bạo phổi” nhưng gợi ra nhiều hướng suy nghĩ mới.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2023/06/Ti-ng-Vi-t-V-n-Vi-t.jpg

Ảnh bìa sách: Nhà sách Phương Nam. Đồ họa: Luật Khoa

 

                                                                *

Người ta hay nói “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” nhưng không nhận ra chính câu nói này đã là một câu không đúng. Người Việt Nam nói tiếng Việt, yêu tiếng Việt, nhưng không có mấy người thật sự hiểu tiếng Việt.

 

Giáo sư Cao Xuân Hạo (1930 - 2007) là một nhà Việt ngữ học lão thành, ông rất quan tâm đến tiếng Việt và những vấn đề của nó, đi cùng với đó là những vấn đề về văn học và văn hóa của Việt Nam. Sinh thời, ông có nhiều nghiên cứu về tiếng Việt có giá trị, đề xuất nhiều ý kiến mới cũng như trình bày những phương pháp giảng dạy tiếng Việt.

 

Năm 2003, nhóm giảng viên là đồng nghiệp và học trò cũ của GS Cao Xuân Hạo gồm PGS.TS Hoàng Dũng, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha, v.v. sưu tập các bài đăng trên báo của ông từ năm 1982 đến năm 2001 để biên tập, sắp xếp, và cho phát hành thành cuốn sách “Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt”.

 

Tác phẩm này là một tập tạp văn được ước định chia thành ba phần tương ứng như tựa cuốn sách. Những bài viết này đều mang một điểm chung là rất ít khi trung hòa, nghĩa là độc giả hoặc sẽ khen ngợi và tiếp nhận lối suy nghĩ mới, hoặc sẽ phản đối mạnh mẽ vì trông rất kỳ cục, lạ tai. Tuy vậy, “những ý kiến có thể coi là “bạo phổi” nhưng may ra cũng có thể gợi ý cho bạn đọc những hướng suy nghĩ mới” đều là kết quả của một quá trình khảo sát, nghiên cứu lâu dài, chứ không phải là một cơn ngẫu hứng nhất thời, muốn thay đổi tiếng Việt theo cách mà mình thích.

 

Đáng chú ý ở phần “Tiếng Việt”, GS Cao Xuân Hạo nhận định dạy tiếng Việt ở trường học chính là dạy ngữ pháp tiếng Pháp. Ông cho biết những câu có cấu trúc chủ ngữ - động từ - tân ngữ chỉ chiếm khoảng 20% trong số các kiểu câu của tiếng Việt. Đối với những kiểu câu không có cấu trúc như vậy thì giáo viên thường tìm cách đảo lại cho giống cấu trúc câu của tiếng Pháp, hoặc cắt bỏ phần “không giống Pháp”, hoặc xem đó là trường hợp đặc biệt.

 

GS Cao Xuân Hạo cho biết những thứ tiếng không có chủ ngữ như tiếng Việt có một cấu trúc khác hẳn, nó gồm phần đề (đề tài) và phần thuyết để nói một điều gì liên quan đến cái đề ấy. Ông giải thích: “Đề có thể bất cứ là vai gì, có bất cứ quan hệ gì với thuyết, miễn sao thành một nhận định có ý nghĩa, có một nội dung nào đấy [...] những kiểu câu này đa dạng gấp mấy mươi lần các kiểu câu của các tiếng châu Âu.”

 

Ông dẫn ví dụ những câu đơn có một đề và một thuyết, như tham thì thâm, có kiêng có lành, tay làm hàm nhai, trên thuận dưới hòa, đất lành chim đậu, tre già măng mọc, v.v. Hay những câu ghép gồm hai câu đơn sóng đôi cân xứng với nhau (đối nhau) như bên lở, bên bồi; nát dẻo, sống bùi (cơm có nát thì nên khen là dẻo, cơm có sống thì khen là bùi); cần tái, cải nhừ (rau cần thì ăn tái, rau cải thì ăn nhừ); v.v.

 

Tại phần này, GS Cao Xuân Hạo đặt ra mục tiêu dạy học cho học sinh. Ông đề xuất ở cấp tiểu học cần dạy học sinh tập viết, về ngữ âm, chính tả, ngữ pháp cơ bản (gồm câu đơn, ngữ đoạn, các loại câu hỏi và câu trả lời, các mẫu câu), cũng như là dạy về từ vựng mà tập trung vào nghĩa của từ (tiếng và ngữ định danh).

 

Ở cấp trung học cơ sở, giáo sư nhấn mạnh học sinh vẫn cần thực hành những kiến thức cũ để nắm bắt kỹ hơn, bên cạnh đó là cần được lập thức chính xác những khái niệm về ngôn ngữ, để có khả năng hành văn thuần túy tiếng Việt (không dùng kiểu nói và kiểu viết “ngoại quốc”). Ông gợi ý ở cấp này, học sinh sẽ được học về câu và nghĩa của câu (cấu trúc đề-thuyết, chủ đề và khung đề, nghĩa biểu hiện của câu, các vai nghĩa trong câu, v.v.), ngữ đoạn và cấu trúc của ngữ đoạn, v.v.

 

Đến cấp trung học phổ thông, GS Cao Xuân Hạo mong muốn học sinh cần được học và có hiểu biết về dụng pháp ngôn ngữ (nghĩa và sở chỉ, tiền giả định và hàm ý, nguyên lý hợp tác trong hội thoại, câu ngôn hành), đặc điểm loại hình (đơn lập) của tiếng Việt, bên cạnh đó là dạy về nguồn gốc của tiếng Việt thuộc nhóm Việt Mường, họ Nam Á, v.v.

 

Ở phần này, ông cũng đưa ra suy nghĩ của mình về những vấn đề của tiếng Việt, như từ Hán Việt và từ thuần Việt, việc mượn chữ Tây và chữ Hán, cách viết và đọc tên người nước ngoài trong tiếng Việt, những cách dịch thuật chưa đúng, cũng như lỗi trùng ngữ (pleonasm) rất dễ gặp (chẳng hạn ngày sinh nhật, cây cổ thụ, tối ưu nhất, lòng quyết tâm, v.v.).

 

Trong phần “Văn Việt” và “Người Việt”, bạn đọc sẽ thấy được những quan sát của tác giả về cách người Việt viết văn, thông qua đó là văn hóa của người Việt. Tại phần này, một số kiến thức đã cũ, không còn đúng với diễn biến của xã hội hiện tại, song vẫn cung cấp cho độc giả một cái nhìn bao quát hơn vào phần trước đó của cuốn sách.

 

Người Việt Nam dùng tiếng Việt mỗi ngày nhưng không mấy ai để ý những khía cạnh cơ bản trong ngữ pháp, lối dùng ngôn ngữ thiếu logic hay phi lý vì “ai nói sao thì ta nói vậy”, lâu ngày biến tiếng Việt thành một “ngôn ngữ nói” (tức là nói như thế nào thì viết như thế đó).

 

Tập tạp văn này không phải cuốn sách giáo khoa nhằm hệ thống hóa tiếng Việt, hay hướng dẫn độc giả cách dùng tiếng Việt đúng. Tác giả dùng rất nhiều thuật ngữ mới lạ, không phổ biến đối với đa số bạn đọc. Cuốn sách “Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt” được xếp vào hàng “nhẹ đô” so với nhiều tác phẩm khác của GS Cao Xuân Hạo, nhưng cũng khiến bạn đọc mất rất nhiều thời gian để đọc và hiểu. Tuy vậy, độc giả sẽ phải ngỡ ngàng và suy ngẫm trước những kiến thức được ông dày công tìm hiểu, kỹ lưỡng viết ra và giải thích, cho thấy ông nặng lòng với ngôn ngữ và văn hóa nước nhà đến thế nào.

 

 

=======================================================

XEM THÊM

 

“Tấm Nam sử” được Trần Trọng Kim dệt nên như thế nào?

Quốc gia tiến bộ phụ thuộc vào chí nguyện và sự cố gắng của quốc dân.

Lam Thái Hòa   |   Luật Khoa tạp chí

 

.

Trăn trở thời cuộc của một nhà thơ đi ngược dòng

Đọc thơ, kết nối quá khứ, hàn gắn tương lai

An Nam   |   Luật Khoa tạp chí

 

.

Phá vỡ nhị nguyên giới có gây nên rắc rối cho xã hội?

Gây rắc rối là chuyện tất yếu, nhưng sao cho hiệu quả nhất.

Thiên Tân  |  Luật Khoa tạp chí

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats