Tuesday, 20 June 2023

GIÁM ĐỐC BPSOS : BẠO ĐỘNG Ở TÂY NGUYÊN 'GÂY NGUY HIỂM CHO NGƯỜI THƯỢNG XIN TỊ NẠN' (VOA Tiếng Việt)

 



Giám đốc BPSOS: Bạo động ở Tây Nguyên ‘gây nguy hiểm cho người Thượng xin tị nạn’

VOA Tiếng Việt

20/06/2023

https://www.voatiengviet.com/a/giam-doc-bpsos-bao-dong-o-tay-nguyen-gay-nguy-hiem-cho-nguoi-thuong-xin-ti-nan-/7145226.html

 

Vụ tấn công vào cơ quan công quyền ở Đắk Lắk có thể là cái cớ để chính quyền Việt Nam tăng cường đàn áp và bắt bớ ở Tây Nguyên, khiến cho những người Thượng đang chờ xin tị nạn ở Thái Lan cũng gặp nguy hiểm, một chuyên gia giúp đỡ người tị nạn nói với VOA.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-517b-08db6c1840a1_w1023_r1_s.png

Chính quyền Việt Nam đang tăng cường trấn áp quyết liệt những thủ phạm đứng đằng sau vụ tấn công ở Đắk Lắk

 

Vụ tấn công bạo lực bằng dao và súng vào rạng sáng ngày 11/6 ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, khiến 9 người thiệt mạng đã kích hoạt một đợt trấn áp quyết liệt và bắt giữ người rầm rộ của chính quyền Việt Nam.

Cho đến ngày 20/6, đã có 74 nghi phạm bị bắt giữ, bao gồm toàn bộ những người cầm đầu vụ tấn công, trang mạng VnExpress dẫn lời Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết. Ông Quy cũng nói thêm là còn ‘hai người đang bỏ trốn nhưng họ không có vai trò chủ chốt’.

Hiện công an chưa công bố kết quả điều tra cũng như cáo trạng đối với những người này nên chưa rõ họ sẽ bị kết tội theo điều luật nào với mức án ra sao.

‘Lợi dụng để đàn áp’

Trao đổi với VOA từ thủ đô Washington của Hoa Kỳ, tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc BPSOS, tổ chức chuyên giúp đỡ người tị nạn từ Việt Nam, cảnh báo việc chính quyền Việt Nam ‘đang lợi dụng hành vi bạo động của một số người để đàn áp hàng loạt người Thượng ở Tây Nguyên’.

Ông chỉ ra việc ‘một số dư luận viên đã lên mạng nêu tên các hội nhóm đấu tranh của người Thượng như Người Thượng vì Công Lý, Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên để ‘tạo ấn tượng là hai nhóm này đứng đằng sau vụ bao động’.

“Nó làm cho những người tị nạn đang còn bên Thái Lan trong tổ chức Người Thượng vì Công lý có thể sẽ rất nguy hiểm bởi vì nhà nước Việt nam có thể yêu cầu chính phủ Thái Lan bàn giao những người này lại cho Việt Nam, viện cớ rằng họ đang truy bắt những phần tử khủng bố”, ông Thắng lý giải.

Ông lên án giới chức Việt Nam ‘đã có những thông tin kích động bạo lực để khuyến khích người dân thường ra đường tham gia truy bắt những phần tử tình nghi’. “Họ cứ thấy ai mặc đồ rằn ri thì bắt giữ và đánh đập”, ông nói.

Ngoài ra, tiến sỹ Thắng cũng bày tỏ lo ngại các nghi phạm sau khi bị bắt giữ sẽ bị ‘tra tấn, đối xử như con vật, xúc phạm nhân phẩm…’

Trước tình hình này, vị giám đốc BPSOS cho biết tổ chức của ông ngay lập tức đã thực hiện các biện pháp bảo vệ người Thượng tị nạn. Ngay sau khi vụ việc xảy ra hôm 11/6, BPSOS đã liên lạc với giới chức Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ và các tòa đại sứ để thông báo về nguy cơ.

“Một khi chính quyền Việt Nam biết quốc tế đang theo dõi thì hy vọng họ không dại dột mà manh động”, ông giải thích và cho hay BPSOS liên tục cập nhật các bản báo cáo cho quốc tế về tình hình Tây Nguyên.

‘Chưa có ai chạy sang’

Đối với những người Thượng ở Thái Lan đang chờ xin quy chế tị nạn hay đi tị nạn, ông Thắng cho biết BPSOS đang ‘di dời những ai đang bị nguy hiểm’. Dấu hiệu nguy hiểm mà ông chỉ ra là ‘cảnh sát Thái Lan đang truy lùng’, ‘Việt Nam đang yêu cầu Interpol truy nã’, hay ‘xuất hiện những người lạ mặt nhằm bắt cóc’…

“Chúng tôi sắp xếp cho họ những nơi trú ẩn an toàn ở Thái Lan”, ông cho hay và nói thêm tổ chức của ông đang thúc đẩy các quốc gia tiếp nhận nhanh chóng để những ai đã có quy chế tị nạn được ra đi càng sớm càng tốt, còn những ai đang nộp hồ sơ xin quy chế tị nạn thì BPSOS sẽ yêu cầu Liên Hiệp Quốc nhanh chóng cứu xét.

Theo quan sát của ông, đến nay, ‘chưa có ai từ Đắk Lắk chạy sang Campuchia hay Thái Lan do liên quan đến vụ tấn công’ mà theo giải thích của ông có thể là do chính quyền Campuchia đang chặn bắt gắt gao tất cả những người Thượng nào trốn sang lãnh thổ của họ để mượn đường sang Thái Lan.

Trong trường hợp có người từ Đắk Lắk chạy được sang Thái Lan và liên hệ BPSOS giúp đỡ cho đi tị nạn, ông Thắng nói bên ông ‘phải điều tra cho rõ’.

“Nếu như người đó có hành vi khủng bố thì chúng tôi không đại diện được và Liên Hiệp Quốc cũng không bênh vực được vì đó là hành vi vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng”, ông trình bày và cho rằng quy chế tị nạn ‘chỉ cấp cho những ai không vi phạm nhân quyền người khác’.

“Có những người dân bị cáo buộc, hoặc thân nhân của những người bị bắt đang trong vòng điều tra chưa rõ ràng, họ sợ quá mà chạy đi thì chúng tôi vẫn lên tiếng bảo vệ cho họ, vẫn có luật sư bảo vệ cho họ”.

Về phương cách xác minh một người nào đó có dính đến vụ tấn công ở Tây Nguyên hay không, ông Thắng nói bên ông sẽ trình bày cho Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người Tị nạn, tức UNHCR, những thông tin về đối tượng đó. UNHCR sẽ liên lạc với chính quyền Việt Nam để xác minh và những gì phía Việt Nam đưa ra sẽ được các luật sư của BPSOS phối kiểm lại xem có đúng hay không.

Cho đến giờ, theo quan sát của ông thì những người Thượng ở Thái Lan ‘không liên quan gì đến vụ bạo động ở Đắk Lắk’. “Sau vụ việc xảy ra, khá nhiều người Thượng tại Thái liên lạc với chúng tôi. Họ bày tỏ hết sức hoảng hốt, rất là bất ngờ, hầu như không biết gì hết. Họ cho biết họ nhận được video, hình ảnh từ trong nước mà không biết ai gửi ra”, ông giải thích.

“Chúng tôi không nghĩ người Thượng tị nạn ở Thái Lan có bất kỳ sự liên quan nào, vì nếu liên quan thì họ đã không chủ động liên lạc chúng tôi nhờ truy tìm xem người đứng sau vụ bạo động là ai”, ông Thắng nói.

Lên án bạo lực

Khi được hỏi về quan điểm của BPSOS đối với vụ tấn công ở Đắk Lắk, ông Thắng nói: “Chúng tôi lên án bất kỳ hành vi bạo lực nào. Chúng tôi muốn phát triển xã hội dân sự ổn định, ôn hòa. Chúng tôi không chấp nhận và chúng tôi lên án bất kỳ hành vi bạo lực nào từ phía người dân với nhau, của người dân đối với chính quyền và của chính quyền đối với người dân”.

Về lý do người Thượng ra đi tìm đường tị nạn trong thời gian qua, ông Thắng chỉ ra hai lý do ‘sắc tộc’ và ‘tôn giáo’.

“Người Thượng là dân bản địa ở Tây Nguyên nhưng chính quyền nhất quyết không công nhận họ là dân bản địa mà chỉ gọi họ là dân thiểu số. Nếu là dân thiểu số thì họ có thể bị di dời đến bất cứ nơi đâu, trong khi dân bản địa phải bám trụ đất đai của tổ tiên họ. Do họ không được công nhận là dân bản địa nên đất đai họ bị chiếm nhiều”, ông nói.

Về lý do tôn giáo, ông Thắng chỉ ra rất nhiều người Thượng theo đạo Tin Lành nhưng không được nhà nước công nhận. Chính quyền ‘buộc họ phải bỏ đạo, nếu không phải tham gia vào các Hội thánh Tin lành do Nhà nước kiểm soát’.

“Họ không chấp nhận nên bị sách nhiễu, bị đánh đập, bị tù đày, bị đe dọa. Do đó họ phải chạy sang Thái Lan lánh nạn”.

Theo lời ông, sau giai đoạn cao điểm vào đầu những năm 2000 sau vụ bạo loạn ở Tây Nguyên, những năm gần đây mỗi năm ‘có khoảng 100-200 người Thượng đi tị nạn’ và có những địa phương ở Tây Nguyên, con số tị nạn ‘có giảm đi’.

“Tiếc là trong 8-9 tháng trở lại đây chính quyền bắt đầu đàn áp lại như cũ, nhất là đối với những người theo hội thánh Tin Lành độc lập tại tư gia”, ông Thắng cho biết.

Diễn đàn

 

======================

LIÊN QUAN

Giới quan sát: Tấn công vũ trang ở Đắk Lắk có gốc rễ sắc tộc, đất đai, tôn giáo

Bạo động ở Đắk Lắk: Gốc rễ là người dân tộc không khuất phục, không qui thuận người Kinh?

Vụ Đắk Lắk: Thủ tướng Hun Sen ra lệnh truy lùng nghi phạm có thể chạy sang Campuchia

Vụ tấn công ở Đắk Lắk: Công an nói đã ‘bắt hết’ thủ lĩnh; có dấu hiệu Fulro?






No comments:

Post a Comment

View My Stats