Sunday, 30 April 2023

CHẾT KHÔNG NHẮM MẮT (Tưởng Năng Tiến)

 



Chết không nhắm mắt   

Tưởng Năng Tiến

30/04/2023

https://www.danchimviet.info/s-t-t-d-tuo%cc%89ng-nang-tien-chet-khong-nham-mat-6/04/2023/28685/

 

Tôi tình cờ “nhặt” trên FB một tác phẩm khá độc đáo của Marc Riboud. Ông “chớp” được cảnh một anh bộ đội (với con búp bê nằm dưới nắp ba lô, và cái sắc cầm tay) đang trên đường trở về quê cũ.

 

HÌNH : https://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2023/04/Obraz1-9.png

 

Cùng với bức ảnh là lời bình, cũng độc đáo không kém, của FB Nguyễn Hoàng : “Thằng này coi vậy mà hiền, chỉ lấy con búp bê cho con và cái bóp đầm cho vợ mà thôi.”

 

Thằng chả hiền thiệt chớ. Cái ba lô xẹp lép hà. Ngó thấy mà thương. Là kẻ cầm súng, thuộc phe thắng trận, đương sự có thể thu góp được chiến lợi phẩm nhiều hơn thế.

 

Bên thua cuộc, rõ ràng, không mất mát chi nhiều mà Bắc/Nam đã được “nối vòng tay lớn” – theo như cách nói của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Rồi ra, tác giả còn dự tưởng, sẽ có những đoàn tầu thống nhất “toả khói trắng hai bên đường,” những đám “trẻ thơ đi hát đồng dao” khắp ngõ, và “mọi người ra phố mời rao nụ cười.”

 

Họ Trịnh, có lẽ, thực lòng tin tưởng như thế. Niềm tin của ông cũng được không ít người cùng thời chia sẻ. Sự thực, tiếc thay, khác thế. Sau ngày “Nam/Bắc hoà lời ca” thì nụ cười gần như biến mất trên môi của mọi người dân Việt.

 

Dù thuộc bên thắng cuộc, những bộ đội phục viên cũng không hề được hân hoan cười đón khi họ trở về :

 

“Tôi đã được chứng kiến cảnh hẫng hụt của nhiều người khi họ … ngơ ngác tìm kế sinh nhai, đã không ít người đòi đảng, chính quyền cơ sở phải chia ruộng đất cho họ, và tất nhiên đảng, chính quyền không thể moi đâu ra ruộng đất để cho họ cày, cực chẳng đã, nhiều người đã trực tiếp đòi ruộng cha ông mà ngày trước họ đã góp vào hợp tác xã, không ít người đã tự ý đi cày ruộng cha ông của mình, thế là … họ được quy là công thần gây rối, chống lại đường lối của đảng, nhà nước, kết cục có người bị đuổi ra khỏi đảng, có người bị bắt lên xã, lên huyện tạm giam để xử lý vì đã ngang nhiên lấn chiếm đất đai của nhà nước đã giao cho người khác.” (Vi Đức Hồi – Đối Mặt, Chương II).

 

Đoạn hồi ký thượng dẫn giúp cho độc giả hiểu tại sao vỉa hè Hà Nội lại đông đảo những người làm nghề cửu vạn. Họ sống ra sao?

 

“Mỗi tối thuê cái chiếu nằm gầm cầu, có tiền bạc của nả thì gối đầu, giắt lên ngực. Bốn bên lủng củng người nằm, nói anh bỏ lỗi, nó đéo nhau huỳnh huỵch rồi lại chửi nhau, quát nhau to tiếng hơn ô tô chạy ngoài đường.” (Tô Hoài. Chiều Chiều. Phương Nam, Hà Nội: 2014).

 

Giữa Thủ Đô Của Lương Tâm Nhân Loại mà trải chiếu “đéo nhau huỳnh huỵch” thì (ngó) cũng hơi khó coi. Tuy thế – và được thế – vẫn hơn hẳn nhiều bạn đồng đội (không may) khác, đang “nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng.”

 

https://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2023/04/Obraz2-9.png

Ảnh : Hà Nội Mới

 

Hạnh phúc hay đau khổ (nghĩ cho cùng) chỉ là sự so chiếu, và mọi so chiếu đều tương đối cả. Nói chi đến những người lính vô danh, ngay cả một nhân vật tiếng tăm cỡ như thi sĩ Tế Hanh (“từng là ủy viên ban chấp hành hoặc thường vụ Hội Nhà Văn VN, từng mười năm liền phụ trách đối ngoại của hội, từng có chân trong ban phụ trách nhà xuất bản Văn học”) đến cuối đời cũng đành chép miệng : “Trải qua hai cuộc chiến tranh mình còn được sống, được làm thơ, còn may mắn hơn khối người khác, thế là được rồi.” (Vương Trí Nhàn. Cây Bút Đời Người. Phương Nam, Hà Nội: 2002).

 

Vâng, đúng thế. Còn sống là “may mắn hơn khối người” rồi!

 

Theo thống kê (chắc không khả tín) của Tổng Cục Chính Trị thì đến năm 2012, toàn quốc chỉ có 1.146.250 liệt sĩ và khoảng 600.000 thương binh, trong đó có 849.018 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Wikipedia tiếng Việt cho biết thêm :

 

“Từ tháng 12 năm 1994 đến hết năm 2001, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý cho 44.253 Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng.”

 

Có bà bị lọt sổ vì không đủ “kiên trinh” nên đã (lỡ) đi thêm bước nữa – theo như tường trình của Tuổi Trẻ Online :

 

“Chúng tôi đến khi bà Trần Thị M. đang ăn tối ngay trên giường. Bà đã ở trên giường như vậy gần ba năm rồi, kể từ khi đôi chân không còn tự đứng lên được nữa. Ấy thế nhưng khi hỏi đến chuyện xưa, đôi mắt bà sáng lên.

 

Bà say sưa kể về những ngày hoạt động cách mạng, những ngày tù ngục đòn roi tra tấn, thương tích tới 75% (thương binh hạng 2/4)… Vượt qua được hết, chỉ không chịu nổi mỗi lúc nghe tin chồng, tin con thôi” – bà chợt trầm giọng. Ba lần ‘không chịu nổi’ ấy là vào năm 1962, ông Võ Mười, chồng bà, hi sinh khi bà mới 30 tuổi; năm 1964, con trai út Võ Danh của bà bị bắn chết khi vừa 6 tuổi, đang được giao việc cảnh giới cho các chú cán bộ họp; năm 1971, con trai lớn Võ Thái làm giao liên cho ban binh vận Khu ủy Khu V hi sinh ở tuổi 16.

 

Còn lại một mình giữa đạn bom, hai lần bị bắt, giam cầm tra khảo ở nhà lao Quảng Ngãi, năm 1974 bà gá nghĩa với một người đồng đội, ông Thái Văn Thới. Chiến tranh vẫn ác liệt, đâu biết mai này sống chết thế nào. Thương nhau, thông cảm hoàn cảnh của nhau thì về với nhau thôi” – bà kể. Ngày 21-2-2014, UBND P.12, Q.Bình Thạnh đã tổ chức cuộc họp để xét duyệt và đề nghị Nhà nước tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng cho bà. Phường đã có tờ trình về trường hợp của bà gửi Phòng Lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Q.Bình Thạnh, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM. Tuy nhiên, sau đó gia đình bà nhận được thông báo bà chưa được lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng do đã… tái giá.”

 

Phải chi cái hồi giao “công tác cách mạng” cho hai đứa nhỏ (6 tuổi và 16 tuổi) mà Nhà Nước cũng xét (nét) kỹ càng như vậy thì đỡ cho mẹ Trần Thị M. biết mấy. Dù sao, vẫn còn có điều an ủi là nhờ đang sống ở thành phố mang tên Bác nên tờ trình về trường hợp của bà cũng đã được gửi tới Sở LĐ -TB&XH TP.HCM và đã được cứu xét (rồi) từ chối!

 

HÌNH : https://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2023/04/Obraz3-6.png

           Ảnh : PNVN

 

Có mẹ không nhận được danh hiệu anh hùng chỉ vì lỡ “chui rúc” ở những nơi hoang vu quá. Bên Kia Đèo Bá Thở là một nơi như thế :

 

“Trên bản đồ quân sự cũng như bản đồ của nha Ðịa Dư không bao giờ có địa danh ‘Ðèo Bá Thở’. Bởi vì đặt cái tên cho ngọn đèo này chính là tôi và một vài người bạn… Ngọn đồi nằm không xa trại giam chúng tôi trong tỉnh Yên Bái. Ngày ngày đội chúng tôi có mười anh em phải băng qua bên kia cái đèo khốn nạn này, tới một khu rừng toàn thị là tre, nứa, giang…

 

Mấy ngày đầu chúng tôi không chú ý tới cuối dốc bên kia có một cái nhà tranh đã sập. Người chủ căn nhà lấy vài thân tre to, chống cái mái lên, nên mái nhà chạm đất. Tất nhiên trong tình trạng đó nó không có cửa. Chúng tôi đã vài lần đi về ngang đó và tưởng nó đã bỏ hoang, bởi vì trông nó còn thua một cái chòi chăn vịt ở miền Nam.

 

Một hôm cả bọn chúng tôi thấy trời còn sớm, nên nghỉ lại bên kia dốc một lát trước khi ‘bá thở’. Chúng tôi nghe lục đục trong cái chòi bỏ hoang, và phát giác đuợc một cụ già thật già. Nét mặt bà cụ nhăn nheo hệt như những vết nẻ của ruộng bị hạn hán nhiều ngày.

 

Bà già có một cặp mắt nâu đục, lờ đờ và đầy rỉ mắt. Bà già mặc một cái áo bông vá chằng vá đụp. Phải gọi đây là cái áo vá trên những miếng vá. Nó nặng dễ chừng đến năm ký chứ không chơi. Chúng tôi gạ chuyện, song tất nhiên bà già biết chúng tôi là tù ‘Ngụy’ nên không hé răng một nửa lời.

 

Hôm sau trong lúc đốn tre chúng tôi hội ý. Chúng tôi lấy dư ra mỗi ngày vài cây về giấu ở gần căn lều của bà cụ. Ðược vài ngày đủ tre để dựng lại căn lều, chúng tôi để hai người lại sửa còn tám người vào rừng đốn tre cho đủ số lượng của mười người. Chúng tôi cũng cắt tranh về để dậm lại những chỗ quá mục nát. Căn nhà sửa xong, có cửa để chui ra chui vào. Bà già khi đó tự động nói chuyện với tụi tôi :

 

– Lão có ba đứa con, một đứa đã có giấy tử sĩ, hai đứa kia thì hoà bình lâu rồi, nhưng lão không hề nhận được một chữ của chúng từ ngày chúng đi. Lão mới có giấy mẹ liệt sĩ, mỗi tháng có tiền nhưng chả vào đâu.” (Hoàng Khởi Phong. “Bên Kia Ðèo Bá Thở.” Cây Tùng Trước Bão. Thời Văn, Hoa Kỳ: 2001).

 

Bà lão hẳn đã qua đời từ lâu. Những người lính thắng trận trên đường về quê (với con búp bê cầm tay) hơn 40 năm trước e cũng không còn mấy ai sống sót. Đám mẹ ngụy và lũ con thua cuộc cũng thế, cũng đều đã lần lượt đi vào lòng đất.

 

Kẻ Bắc/người Nam, bên thua/bên thắng nên họ đã phải trải qua những hoàn cảnh và kinh nghiệm sống khác nhau. Duy có điều này thì chắc chắc là hoàn toàn không khác : khi họ chết không ai nhắm mắt!





1954 ĐẾN 2005 : "50 NĂM DI CƯ - 30 NĂM DI TẢN" (Trần Giao Thủy)

 



 

1954 đến 2005: “50 năm Di cư — 30 năm Di tản”

Trần Giao Thủy

POSTED ON APRIL 29, 2023   

https://dcvonline.net/2023/04/29/1954-den-2005-50-nam-30-nam-di-tan/

 

Hãy cùng nhau nhìn lại một giai đoạn lịch sử Việt Nam không ai có thể chối bỏ, xóa bỏ, hay tránh né vì lịch sử không thể và không chỉ do bên thắng cuộc viết lại. Lịch sử không bao giờ quên.

 

Mùa Hè năm 2005, Cơ sở Truyền Thông Commmunications đã phát hành CD/DVD “50-30” hay “50 năm – 30 năm Di tản”; Trần Giao Thủy, Chủ biên Truyền Thông Số 16, thu thập hình ảnh và biên tập. Sau đây là Lời bạt do Chủ nhiệm Cơ sở Truyền Thông viết cho tài liệu hình ảnh “50 năm – 30 năm Di tản”.

 

https://dcvonline.net/wp-content/uploads/2023/04/DVD50-30.jpg

CD/DVD “50 năm Di cư– 30 năm Di tản”.

 

 

Lời bạt

 

Văn học Trung Hoa có áng thơ Đào Nguyên Ký của Đào Tiềm (365-427) kể truyện một người đánh cá đất Vũ Lăng, đời nhà Tấn, ngược dòng suối đỏ cánh hoa đào, qua một hang hẹp, tới một thung lũng có nhà cửa khang trang có ruộng tốt so sâu, có bóng trúc, có vườn dâu, tiếng gà kêu, tiếng chó sủa đều nghe rõ. Dân tình sung túc, giả trẻ, đàn ông đàn bà đều hớn hở vui vẻ. Hỏi ra mới hay là đám người này chạy trốn nạn Tần Thủy Hoàng, đốt sách, chôn học trò mà tới đất này sinh sống, cách biệt hẳn với người bên ngoài, khiến không còn biết là đất nước, đã qua ba triều Hán, Ngụy, và Tần. Họ vẫn giữ tục lệ cũ, quần áo kiểu xưa. Họ mời người đánh cá về nha khoản đãi. Nghe người đánh cá kể lại mọi chuyện thay đổi bên ngoài, họ tỏ vẻ đau xót mà thở than. Ngày người đanh cá trở ra về, họ dặn người đánh cá đừng kể cho người ngoài hay chuyện họ tại đất nguồn đào này, Về tới nhà, người đánh cá trình quan, kể lại sự tình. Quan cho đi tìm đất nguồn đào nhưng không kiếm ra.

 

https://dcvonline.net/wp-content/uploads/2018/08/phamhuutrac1-1-200x250.jpg

Phạm Hữu Trác (1934-2018)

 

Người Việt Nam, theo sử cổ, vốn sinh sống ở trung tâm đất Trung Hoa ngày nay, Nhưng vì chữ tự do, không muốn bị đồng hóa với người Hán mà di tản về phương nam, để giữ gìn truyền thống ông cha cùng tiếng mẹ đẻ. Năm 1954, nhờ chữ ký của Chu Ân Lai, người cộng sản làm chủ miền Bắc đất nước Việt Nam, không những chỉ đốt sách, giết dân mà họ còn phá hủy chùa chiền, nhà thờ, khiến một triệu người, đa số là người nghèo khổ, theo gương người xưa, bỏ làng mạc nhà cửa di cư vào Nam tìm tự do. Hai mươi nắm sau, 1975, một lần nữa, nhờ biến chuyển cục diện chính trị thế giới, , người cộng sản đã nhân cơ hội tiến chiếm miền Nam. Một lần nữa người Việt Nam tự do lại bỏ làng mạc đất nước ra đi. Đa số vẫn là người dân nghèo khó, không ngại nguy hiểm, vượt biên, vượt biển tìm đất sống tự do mới. Cuộc vượt biển di tản của người Việt Nam này như những nhát búa đầu tiên góp phần đập đổ bức tường ô nhục Bá Linh, mà trước đó người dân Ba Lan, Hung Gia Lợi, và Tiệp Khắc đã hy sinh mà chưa thành công.

 

Giữ lại chút hình ảnh về hai cuộc di cư 1954-1955 và cuộc di tản sau 1975 là mục tiêu và chủ đề của Truyền Thông số 16.

 

                                                            *

 

“50-30” hay “50 năm – 30 năm Di tản” là tập hợp một số hình ảnh tiêu biểu của cuộc Di cư 1954-1955 từ Bắc vào Nam của gần 1 triệu người đã phải rời bỏ xóm làng vì chế độ cộng sản, và của cuộc Di tản vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Việt Nam sau 30 tháng 4, 1954, một lần nữa cũng vì hai chữ tự do.

 

Phần nhạc trình bầy trong CD/DVD “50-30” là ba ca khúc Nỗi lòng người đi — Anh Bằng (1954-1965), Sài Gòn niềm nhớ không tên — Nguyễn Đình Toàn (1979), Hướng về Hà Nội — Hoàng Dương (1953) qua giọng hát của ca sĩ Mưa Thủy Tinh, một người tị nạn cộng sản trở thành công dân Canada tại Montréal, Québec, Canada.

 

Tháng 4, 2023, DCVOnline phát hành YouTube “50-30”, bổ túc thêm một số hình ảnh và phim về  Cuộc Di cư 1954-1955 và cuộc Di tản sau 1975 — hai cuộc di cư, đổi đời lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.

 

Hãy cùng nhau nhìn lại một giai đoạn lịch sử Việt Nam không ai có thể chối bỏ, xóa bỏ, hay tránh né vì lịch sử không thể và không chỉ do bên thắng cuộc viết lại. Lịch sử không bao giờ quên.

 

1954 đến 2005: 50 năm Di cư, 30 năm Di tản. DCVOnline  

https://www.youtube.com/watch?v=cWhEo_ueET8

 

© 2023 DCVOnline

 

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

Nguồn: CD/DVD “50-30”, Cơ sở Truyền Thông Commmunications, Số 16, Hè 2005.


 





30/04/1975 : TRÊN TOÀN CẦU HOA KỲ 'ĐÃ KHÔNG THẤT BẠI TRONG CUỘC CHIẾN VIỆT NAM' (Joaquin Nguyễn Hòa, BBC News Tiếng Việt)

 



30/04/1975: Trên toàn cầu Hoa Kỳ 'đã không thất bại trong Cuộc chiến VN'

Joaquin Nguyễn Hòa

Gửi bài tới Diễn đàn BBC từ San Jose, California, Hoa Kỳ

30 tháng 4 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-65444493

 

Sáng ngày 29/4/2023, Viet Museum (còn gọi là Bảo tàng thuyền nhân) ở thành phố San Jose, California, tổ chức một buổi lễ tưởng niệm ngày Sài Gòn sụp đổ, kết thúc chiến tranh Việt Nam, 30/4/1975.

 

Buổi tưởng niệm diễn ra tại một hội trường trong trụ sở của quận hạt Santa Clara. Ngoài phần nghi lễ, kéo dài hơn 30 phút, còn có sự tham gia của ba diễn giả nói về cuộc chiến Việt Nam.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/BF01/production/_106579884_img_0547.jpg

Một trong những cuộc họp Mỹ - Việt cuối cùng trong Dinh Độc Lập. Tác giả Nguyễn Tiến Hưng (bìa phải), ngồi cạnh Đại tướng Cao Văn Viên. Tại cuộc gặp mặt hôm 29/04/2023 tại San Jose, có người nói TT Nguyễn Văn Thiệu (cuối bàn trong hình) phải chịu trách nhiệm một phần về sự sụp đổ của Sài Gòn năm 1975.

 

Giáo sư Vũ Tường, trưởng khoa Chính trị học, đại học Oregon. Ông Tường là người nghiên cứu nhiều về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Quyển sách công phu nhất của ông là Cách mạng cộng sản Việt Nam (Vietnam's Communist Revolution). Các quyển sách gần đây của ông, cùng với một số tác giả khác nói về những tư tưởng cộng hòa tại Việt Nam, cũng như nhà nước Việt Nam Cộng hòa (1955-1975).

 

Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, từng làm Tổng trưởng kế hoạch của Việt Nam Cộng hòa, tác giả hai quyển sách nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam là: Khi đồng minh tháo chạy, Hồ sơ Dinh Độc Lập, nói về những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa.

 

Ông Jay Veith, từng là đại úy trong quân đội Mỹ tham chiến tại Việt Nam, tác giả quyển Tháng tư đen, sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, 1973-1975 (The Black Friday, the Fall of South Vietam, 1973-1975).

 

Có khoảng 100 người tham dự, toàn bộ là người Việt. Thời gian dành cho các diễn giả nói và trả lời các câu hỏi là khá dài (một tiếng rưỡi), nhưng một số người tham gia, thay vì đặt câu hỏi, lại muốn lấy diễn đàn để phát biểu quan điểm, hay nằng nặc muốn thảo luận "riêng" với các diễn giả,… làm cho ban tổ chức phải rất vất vả điều khiển cuộc trao đổi.

 

Một vị tự xưng là "tổng thống của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa lưu vong", không đồng ý khi các điều hợp viên cắt lời ông ta, viện cớ rằng ông ta có quyền nói vì … tự do ngôn luận.

 

Tuy vậy các diễn giả cũng nêu được một số luận điểm về cuộc chiến Việt Nam cũng như công việc họ đã, hay đang làm.

 

Tư tưởng cộng hòa và cộng sản đối nghịch

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/640/cpsprodpb/EE1B/production/_129555906_30thangtu969.jpg

Giáo sư Vũ Tường, trưởng khoa Chính trị học, đại học Oregon cầm micro phát biểu. Bên trái ông là cựu Bộ trưởng Nguyễn Tiếng Hưng và sau là ông Jay Veith- hình của tác giả bài viết.

 

Theo giáo sư Tường thì những tư tưởng cộng hòa, đối nghịch với ý thức hệ cộng sản, đã có mặt ở Việt Nam từ lâu, và được đại diện bởi nhà nước Việt Nam Cộng hòa. Như vậy, giáo sư Tường nói thêm, là nhà nước Việt Nam Cộng hòa là một thực thể tồn tại trên những giá trị cộng hòa đối lập với cộng sản, chứ không phải là một nhà nước hoàn toàn do Mỹ lập ra.

Ông nói rằng ông và các đồng nghiệp người Mỹ gốc Việt, đang nỗ lực đưa quan điểm đó vào các trường học Mỹ, hầu thay đổi cái nhìn một chiều về cuộc chiến Việt Nam trong giới học thuật Mỹ nói riêng, xã hội Mỹ nói chung.

 

Lê Duẩn 'thắng Mỹ nhưng cái giá quá cao'

Nuon Chea qua đời: Nhìn lại liên hệ của Hà Nội với Khmer Đỏ

Đại sứ VNCH Bùi Diễm qua đời là 'mất mát to lớn'

Trần Bạch Đằng tin đô thị miền Nam 'sẽ nổi dậy'

 

Có một câu hỏi do một người từ Pháp đặt ra là tại sao tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (1923-2001), không ở lại Sài Gòn để chiến đấu mà bỏ đi ra nước ngoài, trong những ngày cuối cùng trước khi Sài Gòn sụp đổ.

 

Ông Nguyễn Tiến Hưng trả lời rằng ông Thiệu không muốn ra đi, nhưng ông bị áp lực từ các đồng sự phải ra đi để cho Việt Nam Cộng hòa có cơ hội đàm phán với phía cộng sản. Ông Vũ Văn Lộc, giám đốc Viet Museum không đồng ý với ông Hưng, cho rằng ông Thiệu chỉ vin vào những áp lực đó để bỏ đi.

 

Có một câu hỏi về nguyên nhân sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa, do người Mỹ, hay do chính Việt Nam Cộng hòa. Ông Vũ Tường và ông Jay Veith cho rằng nguyên nhân thất bại là cả hai. Ông Veith nói rằng một trong những thất bại quan trọng của Việt Nam Cộng hòa là không thuyết phục được dư luận xã hội Mỹ về cuộc chiến của chính mình, dẫn đến những phong trào phản chiến khắp nơi khi mà sự thiệt hại về nhân mạng của quân đội Mỹ lên cao.

 

Ông Vũ Tường nói thêm là xã hội miền Bắc Việt Nam, dưới chế độ cộng sản, được tổ chức tốt hơn cho một cuộc chiến tranh, trong đó mọi công dân đều bị sung quân, quân đội cộng sản có kinh nghiệm chiến đấu hơn sau một thời gian dài đánh nhau với người Pháp, cách thức tuyên truyền về cuộc chiến cũng tốt hơn, không để những tin tức xấu lan về hậu phương gây ra tác động không tốt.

 

Có một câu hỏi khá lạ của vị khách tự xưng là "tổng thống chính phủ Việt Nam Cộng hòa lưu vong", rằng ông thấy rằng Trung Cộng (Trung Quốc) sẽ sụp đổ bất cứ lúc nào, thế thì người Mỹ có kế hoạch để đưa Việt Nam Cộng hòa trở lại Việt Nam?

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/AF8C/production/_123304944_gettyimages-51395137.jpg

Richard Nixon và Chu Ân Lai nâng ly năm 1972 cho quan hệ 'không còn là kẻ thù'. Ba năm sau Hoa Kỳ bỏ Nam VN và gần hai thập niên sau, Liên Xô tan rã

 

Ông Jay Veith trả lời ngay lập tức rằng không. Ông Vũ Tường nói rằng ông chẳng thấy có gì chứng tỏ rằng người Mỹ muốn đưa Việt Nam Cộng hòa trở lại, mà ngược lại, người Mỹ đang tích cực làm việc với Hà Nội, với nước Việt Nam hiện tại, trong những chính sách đối ngoại toàn cầu của họ.

 

Ông Vũ Tường kết luận rằng, thực ra trên bình diện toàn cầu, nói rằng người Mỹ thất bại cũng không đúng, mà họ đã thay đổi chiến lược, đánh sập cả hệ thống cộng sản Liên Xô, sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.

 

-------------------------------------------------------------------------------

Bài thể hiện quan điểm riêng của nhà báo Joaquin Nguyễn Hòa.

 

Xem thêm:

'The Vietnam War' và khi Hoa Kỳ vào VN

30/04: Việt Nam hoà giải chưa xong nên vẫn phải cấm đoán, kiểm duyệt?

30/4: Việt Nam hóa và bài học chơi với Mỹ

Lê Duẩn 'thắng Mỹ nhưng cái giá quá cao'      27 tháng 4 năm 2017

 

 




GS VŨ TƯỜNG : VIỆT NAM CỘNG HÒA CHỈ THUA VỀ QUÂN SỰ, NHƯNG "THẮNG HẦU HẾT" CÁC LĨNH VỰC KHÁC (Quốc Phương, RFA)

 



GS Vũ Tường: VNCH chỉ thua về quân sự nhưng "thắng hầu hết" các lĩnh vực khác

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.04.30

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/professor-vu-tuong-the-republic-of-vietnam-lost-only-militarily-but-won-most-in-other-areas-04302023105918.html

 

Hình : https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/professor-vu-tuong-the-republic-of-vietnam-lost-only-militarily-but-won-most-in-other-areas-04302023105918.html/@@images/a6889cc6-fa4b-4173-85b0-a0f90a124fa1.jpeg

Cuốn sách "Việt Nam Cộng Hòa, 1955-1975 - Những Góc Nhìn của người Việt Nam về Xây dựng Đất nước" (tạm dịch), do Tường Vũ và Sean Fear chủ biên, Xuất bản của Chương trình Đông Nam Á, một ấn phẩm của NXB Đại học Cornell, Ithaca & London, in tại Hoa Kỳ, năm 2019. Quốc Nguyễn/ RFA

 

Nhìn lại 48 năm biến cố lịch sử 30/4/1975, có thể thấy rằng Việt Nam Cộng Hòa chỉ thua về mặt quân sự nhưng đã “thắng hầu hết” trên các lĩnh vực khác; và di sản của Việt Nam Cộng Hòa mặc dù qua năm thập niên bị đàn áp, vẫn trường tồn và phát triển, đó là ý kiến của một học giả chuyên về khoa học chính trị nghiên cứu Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa từ Mỹ.

 

“Có thể thất bại về mặt quân sự, nhưng rõ ràng Việt Nam Cộng Hòa đã chiến thắng phe Cộng Sản Bắc Việt trên hầu hết các mặt trận khác, và thất bại về mặt quân sự cuối cùng đó mặc dù vậy, chỉ là một thất bại trên mặt quân sự mà thôi,” nhà nghiên cứu chính trị học, Giáo sư Vũ Tường, Chủ nhiệm Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Oregon của Hoa Kỳ trong dịp này nói với Đài Á Châu Tự Do.

 

“Qua sự nghiên cứu về văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, nghệ thuật v.v…, chúng tôi thấy câu hỏi phải đặt ra là tại sao Việt Nam Cộng Hòa lại chiến thắng về những mặt đó?

Tức là tất cả những mặt đó, Việt Nam Cộng Hòa đều hơn phe cộng sản cả, và di sản của Việt Nam Cộng Hòa vẫn tồn tại cho đến ngày nay và vẫn đang phát triển, mặc dù sau bao nhiêu năm bị đàn áp, như vậy câu hỏi đã hoàn toàn lật ngược lại.”

 

Câu hỏi mới mở ra cách nhìn mới 

 

Theo Giáo sư Vũ Tường, người cũng được biết tới là đồng chủ biên của nhiều cuốn sách, công trình nghiên cứu, biên khảo về chính trị Đông Nam Á, Chiến tranh Lạnh ở Châu Á, Việt Nam Cộng hòa (1955-1975), chủ nghĩa cộng hòa Việt Nam, chính trị và kinh tế Việt Nam đương đại, và cộng đồng người Mỹ gốc Việt v.v…, đây là cách nhìn mới trong giới nghiên cứu Việt Nam học và nghiên cứu Việt Nam Cộng Hòa học ở Mỹ hiện nay, ông cho biết:

 

“Cách nhìn mới này đã dẫn đến câu trả lời hoàn toàn khác so với cách nhìn cũ, bởi vì nếu không có cách nhìn mới, mà cứ nhìn vào cách nhìn cũ thì sẽ chỉ nói rằng: ‘Ồ, rõ ràng Việt Nam Cộng Hòa đã thua trong trận 30/4/1975, dẫn tới mất nước’.

Cách nhìn như thế thì còn gì phải bàn cãi nữa, và cứ xoay đi xoay lại thì kết cục thua quân sự là một kết cục rồi, thành ra câu hỏi tiếp tục sẽ đi tới là ‘Ồ, thua, nhưng thua theo kiểu nào?’

Còn bây giờ, chúng ta đặt câu hỏi với cách nhìn mới, không phải tập trung vào mặt quân sự, mà tập trung vào những khía cạnh khác, thì rõ ràng là Việt Nam Cộng Hòa không thua, mà còn thắng nữa. Thành ra câu hỏi này dẫn đến một sự thay đổi hoàn toàn!”

 

Về những lĩnh vực được cho là ưu thắng này của Việt Nam Cộng Hòa so với phe Cộng sản Bắc Việt, như một di sản lịch sử để lại mà vẫn còn có giá trị cho ngày nay cũng như cho tương lai, Giáo sư Vũ Tường nói:

 

“Hãy nói về từng mặt một, thứ nhất về chính trị, Hiến pháp 1967 là Hiến pháp dân chủ, tự do nhất của Việt Nam từ trước đến nay, hơn cả Hiến pháp 1946 nữa.

 

Và Hiến pháp đó thực sự là kết quả của một quá trình tranh đấu rất khó khăn, từ thời chống thực dân cho đến thời Đệ Nhất Cộng Hòa, những đảng phái, những phong trào tôn giáo, những phong trào sinh viên v.v… chống lại chế độ và gia đình ông Ngô Đình Diệm và sau đó chống lại các tướng lãnh, như là tướng Nguyễn Khánh, tướng Nguyễn Cao Kỳ v.v…, thành ra mới ra được Hiến pháp đó, bản Hiến pháp đó để lại một văn bản mà chúng ta cần nghiên cứu để hiểu thêm; và Hiến pháp đó thực sự được thi hành, chứ không phải chỉ là mấy tờ giấy thôi, mà nó thực sự được thi hành trong những năm sau đó. 

 

Và nó có sức sống tương đối là mạnh, mặc dù cuối cùng nó thất bại cùng với cái chết của Việt Nam Cộng Hòa, nhưng nó để lại một tài liệu rất quan trọng, để cho chúng ta có thể nghĩ là trong tương lai, nếu Việt Nam muốn hướng đến dân chủ, mà thực ra dân chủ này không phải là do phương Tây áp đặt, mà dân chủ này rõ ràng chúng ta thấy là những tranh đấu của những phong trào, đảng phái mà nhờ đó có được, thành ra dân chủ đó là dân chủ thực sự, là nguyện vọng của dân chúng, chứ không phải do nước ngoài áp đặt; và trong tương lai, khi Việt Nam có được điều này, Việt Nam có thể học hỏi từ những thành công hay thất bại của Hiến pháp đó, vì Hiến pháp đó không phải hoàn toàn hoàn thiện, hay toàn bích gì cả.

 

Bởi vì Hiến pháp nào, như Hiến pháp Mỹ, cũng vậy thôi, nó là văn kiện phản ánh thế lực chính trị, quan điểm chính trị của thời điểm được soạn thảo, thành ra đương nhiên, nó là Hiến pháp dân chủ và tự do nhất trong lịch sử của Việt Nam, nhưng nó cũng có những điểm yếu mà chúng ta có thể tham khảo để mà sửa đổi, v.v… đó là về mặt chính trị.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/professor-vu-tuong-the-republic-of-vietnam-lost-only-militarily-but-won-most-in-other-areas-04302023105918.html/ap7504280335.jpg/@@images/71c29e65-4761-4dec-a4b7-0f892513f4db.jpeg

Phiên họp hỗn hợp của Quốc hội miền Nam Việt Nam biểu quyết vào Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 1975 để yêu cầu Tổng thống Trần Văn Hương chuyển giao chức vụ của mình cho Tướng Dương Văn Minh. Ảnh: AP/Errington

 

Rất nhiều chính sách, kinh nghiệm, bài học hữu ích

 

Theo Giáo sư Vũ Tường, tác giả của cuốn sách được nhiều người trong giới nghiên cứu biết tới là cuốn ‘Paths to Development in Asia: South Korea, Vietnam, China, and Indonesia’ (tạm dịch: ‘Những con đường phát triển ở Châu Á: Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia’ do Nhà xuất bản Cambridge xuất bản năm 2010), về mặt kinh tế Việt Nam Cộng Hòa cũng có nhiều chính sách phát triển kinh tế rất tốt, ông nói:

 

“Mặc dù ngày nay nó không còn được thích hợp lắm do quy mô kinh tế của Việt Nam đã phát triển lớn hơn nhiều và thời đại kinh tế cũng thay đổi, nhưng cũng vẫn còn có những bài học về kinh tế có giá trị, như là quản lý khu vực tư, về quản lý những cơ sở kinh doanh của người Hoa, về quản lý đất đai v.v…

 

Nó là những bài học còn rất giá trị với Việt Nam hôm nay, chúng ta thấy ở Việt Nam ngày nay có những vụ xung đột, như là vụ xung đột đẫm máu ở Đồng Tâm chẳng hạn, cái đó có thể tránh được, nếu như chế độ quản lý ruộng đất tốt đẹp hơn, đó là về kinh tế và quản lý xã hội.”

 

Nhìn sang một số lĩnh vực khác như giáo dục, văn hóa, nghệ thuật v.v…, thì những ưu thắng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa theo sử gia Vũ Tường là hiển nhiên, ông nói:

 

“Những mặt đó thì chúng ta thấy là quá rõ rồi, và cũng đã có nhiều người nói đến, đó là chính sách tự do cho văn, nghệ sỹ được tự do sáng tác, đặc biệt dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, và được tự do tiếp cận và du nhập các trường phái tư tưởng văn hóa, nghệ thuật từ nước ngoài. 

 

Kể cả tôn giáo v.v…, kể cả những xu hướng mà chính quyền không ưa thích, nhưng vẫn được thoải mái tiếp nhận và sáng tạo, nhờ đó mới phát huy được văn học, nghệ thuật của nước nhà, còn nhiều khía cạnh khác nữa mà có thể nói đến.”

 

Về một lĩnh vực mà Việt Nam Cộng Hòa cũng được cho là đã đạt được trình độ phát triển ưu so với chế độ ở miền Bắc cộng sản, đó là về dân chủ pháp trị và xây dựng nhà nước trên nền tảng này, Giáo sư Vũ Tường nói:

 

“Xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam Cộng Hòa trước đây là một quá trình dài, nó chưa có được kết quả rõ ràng như là Hiến pháp 1967, nhưng hệ thống tòa án ở miền Nam Việt Nam tương đối độc lập với chính quyền và có khả năng đưa ra những phán quyết mà ngược lại với chính quyền. Ví dụ như vụ chính quyền Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bắt ông Trần Ngọc Châu chẳng hạn, mà đã bị Tòa án tối cao của miền Nam Cộng Hòa phủ quyết v.v… Đó là những thí dụ, mặc dù nó không phải là nhiều, vì trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng nó cho thấy đã có nhiều kinh nghiệm thực tế trong xây dựng nhà nước pháp quyền, mà thực ra hồi đó người ta gọi là pháp trị, tức là quyền cai trị của pháp luật trên cả nhà nước.” 

 

Ông Trần Ngọc Châu là Tổng thư ký Hạ viện Việt Nam Cộng Hòa giai đoạn 1968-1969 và là một người tích cực chỉ trích Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, theo một bài báo của tờ Washington Post vào năm 2020 cho biết, ông Châu bị bắt vào năm 1970 vì “những hoạt động có lợi ích cho Cộng sản.”

 

Ông bị kết án 10 năm tù giam trong một phiên tòa quân sự, mặc dù sau đó Tối cao Pháp viện miền Nam phán quyết rằng phiên tòa đã vi hiến và hủy bỏ bản án của ông, ông Châu vẫn phải ở tù bốn năm trước khi được thả ra để quản thúc tại gia.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/professor-vu-tuong-the-republic-of-vietnam-lost-only-militarily-but-won-most-in-other-areas-04302023105918.html/ap281077562598.jpg/@@images/08252bf1-4238-42e6-838e-4338f23b2cd1.jpeg

Cảnh sát Quốc gia và thường phục xô đẩy các nhà báo nước ngoài từ một hành lang đông đúc bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Sài Gòn, nơi Tổng thư ký Hạ viện Trần Ngọc Châu đợi cảnh sát đến bắt ông sau khi ông bị tòa án quân sự kết án về tội hoạt động thân Cộng, ngày 26 tháng 2, 1970. Ảnh: AP/Nick Út

 

Kế hoạch nghiên cứu VNCH và quan hệ Việt – Mỹ tới đây

 

Nhân dịp này, Giáo sư Vũ Tường cũng chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do về kế hoạch nghiên cứu Việt Nam Cộng Hòa trong nghiên cứu Việt Nam học giai đoạn cận, hiện đại tại Mỹ, ở nơi mà ông và các đồng nghiệp của ông đang nghiên cứu và đào tạo, ông nói:

 

“Thứ nhất, chúng tôi vừa ra một số sách xong, thành ra còn trong giai đoạn quảng cáo sách; thứ hai, về mặt nghiên cứu chúng tôi đã có một số đề tài sắp tới mà chúng tôi tiếp tục hướng tới như nghiên cứu về Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa và hệ thống chính trị của nó, ví dụ nghiên cứu về Chủ nghĩa Tự do, tức là dịch của chữ ‘Liberalism’ của tiếng Anh.

 

Chủ nghĩa tự do đó trong thời Pháp nó đã có một ít ở Việt Nam, nhưng đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa thì nó mới phát triển mạnh và có những quan điểm mới về tự do, đặc biệt là tự do trong kinh tế, tự do trong văn hóa và tự do trong chính trị đa nguyên. 

 

Đây là những tư tưởng mà những nhà tư tưởng và những nhà hoạt động của Việt Nam Cộng Hòa đã du nhập từ phương Tây và họ còn đang trong quá trình sàng lọc thì quá trình đó chấm dứt và bị cộng sản thâu chiếm tất cả, và không cho nó phát triển nữa, nhưng mà hiện nay nó đang phát triển trở lại, thành ra xu hướng về chủ nghĩa tự do đó là một đề tài khá hứng thú.

 

Còn một số đề tài khác, chẳng hạn về kinh tế, chính sách người cày có ruộng là một chính sách rất hay và tiến bộ mà chúng ta có thể tham khảo, bên cạnh những chính sách khác.

Và đặc biệt, nhân dịp 50 năm đánh dấu kết thúc cuộc chiến Việt Nam, sắp tới đây, trước mắt vào tháng 10/2023, chúng tôi sẽ tổ chức một hội thảo về ‘50 năm cộng đồng người Mỹ gốc Việt nhìn lại lịch sử và hướng tới tương lai’.

 

Hội thảo này sẽ là khá lớn, giống như hội thảo năm 2019 mà chúng tôi tổ chức, và sẽ có khoảng chừng 40-50 người chủ chốt tham gia, còn những người khác thì không kể, họ gồm có một nửa trong đó là những nhà hoạt động, các lãnh đạo trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

 

Chúng tôi sẽ tổ chức những cuộc đối thoại và trình bày những quan điểm khác nhau để có thể đưa đến những suy nghĩ sâu sắc về sự hình thành của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, về những khó khăn đã gặp phải, những khó khăn trong tương lai, ví dụ như xung đột giữa những thế hệ với nhau, vấn đề về bảo tồn ký ức và di sản lịch sử. 

 

Tại vì một trong những mảng mà chúng tôi ở trung tâm nghiên cứu Việt – Mỹ ở Đại học Oregon nhắm vào là cộng đồng người Mỹ gốc Việt, và chúng tôi cũng vừa xuất bản một cuốn sách về đề tài đó xong, dựa trên cuốn sách đó và dựa trên quan hệ của chúng tôi trong cộng đồng, chúng tôi hy vọng sẽ có được những cuộc thảo luận rất bổ ích trong cộng đồng, dựa trên đó chúng tôi có thể viết được những báo cáo và thu được tư liệu để làm một bộ phim tài liệu dựa trên những thảo luận và những vấn đề quan trọng trong cộng đồng.”

 

Hội thảo này theo Giáo sư Vũ Tường là một trong những hội thảo chính mà ông và các đồng nghiệp sắp tổ chức, có sự hợp tác của Viện Hòa Bình thuộc chính phủ Mỹ với Đại học Oregon, ngoài ra trong dịp đánh dấu quan hệ Việt – Mỹ sau 50 kết thúc chiến tranh, về kế hoạch tới đây mà ông đề cập cũng có một hội thảo quan trọng khác nữa:

 

“Sau đó, chúng tôi cũng dự định tổ chức một hội thảo về quan hệ Việt – Mỹ sau 50 năm, kể từ ngày 30/4/1975, khi mà cộng sản Việt Nam trở thành chủ nhân của cả đất nước Việt Nam, thì quan hệ đó rất là thù địch và trải qua một quá trình thù địch như vậy, nó trở nên bình thường hóa, và cho đến ngày nay nó vẫn còn có nhiều vấn đề mà hy vọng chúng tôi có thể đi sâu vào và có những nghiên cứu có giá trị về đề tài đó,” từ Hoa Kỳ, Giáo sư Vũ Tường nói với Đài Á Châu Tự Do trong dịp đánh dấu 48 năm biến cố lịch sử 30/4.

 

Giáo sư Vũ Tường hiện là Chủ nhiệm khoa Khoa học Chính trị, Đại học Oregon, ông bắt đầu nghiên cứu và giảng dạy tại khoa này với tư cách giảng viên từ năm 2008. Ông cũng từng thỉnh giảng tại Đại học Princeton và Đại học Quốc gia Singapore, đồng thời giảng dạy tại Trường Sau đại học Hải quân ở Monterey, California. Nghiên cứu và giảng dạy của Giáo sư Vũ Tường liên quan chính trị học so sánh về hình thành và phát triển nhà nước, chủ nghĩa dân tộc và các cuộc cách mạng, đặc biệt tập trung vào Đông Á, cùng với một số quan tâm khác nữa như hệ tư tưởng, chủ nghĩa cộng sản và Đông Nam Á học.

 

 




CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM : 48 NĂM VẪN CẦM QUYỀN NHƯ "LỰC LƯỢNG CHIẾM ĐÓNG" (Quốc Phương, RFA)

 



Chính quyền VN: 48 năm vẫn cầm quyền như "lực lượng chiếm đóng"

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.04.30

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-government-48-years-still-wielding-power-as-an-occupying-force-04302023025314.html

 

Kể từ biến cố 30/4/1975, bốn mươi tám năm đã qua, thế nhưng chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn ứng xử với đất nước “như một lực lượng chiếm đóng”, theo một nhà phân tích chính trị và hoạt động dân chủ, đa nguyên từ châu Âu.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-government-48-years-still-wielding-power-as-an-occupying-force-04302023025314.html/@@images/ca6961ee-98fd-4d7b-8200-a128ff5cb59e.jpeg. AP

Lực lượng an ninh đặt bảng cấm quay phim, chụp hình ở gần Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trong khi có cuộc biểu tình nhỏ chống Trung Quốc diễn ra ngày 18/5/2014.  AP

 

“Chính quyền cộng sản ứng xử như một lực lượng chiếm đóng, tất cả những chức vụ dù rất nhỏ như là phó phòng, như là hạ sỹ quan, đều chỉ dành cho người cộng sản,” từ Paris, Pháp quốc, kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng, người từng làm chuyên viên ngân hàng và dạy môn kinh tế chính trị tại đại học Minh Đức, Sài Gòn rồi giữ cương vị phụ tá Bộ trưởng kinh tế chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thời Đệ nhị Cộng hòa với hàm Thứ trưởng cho đến ngày 30/4/1975, nói với đài Á Châu Tự Do tuần này trên quan điểm riêng, trong dịp nhìn lại và đánh dấu tròn 48 năm biến cố lịch sử đối với đất nước Việt Nam.

 

“Chúng ta đang có cả một thế hệ mới có kiến thức, hiểu biết, một thế hệ đã từ bỏ được di sản Khổng giáo để nhìn chính trị một cách đúng đắn như là một phương thức điều hành quốc gia mang lại phúc lợi cho người dân, một thế hệ rất là lớn.

Đảng cộng sản Việt Nam có bao nhiêu người? Tôi nghĩ rằng họ có 5 triệu đảng viên, nhưng mà thực ra, bỏ ra những vị đã về hưu rồi, thì còn lại khoảng 3 triệu đảng viên, họ là một thành phần rất là nhỏ. Nhưng mà họ chiếm lĩnh hết.

Vậy thì chúng ta có một thành phần trí thức trẻ có hiểu biết, đã rũ bỏ được văn hóa nhân sỹ của Khổng giáo, thành phần đó có kiến thức, có khả năng, rất nhiều anh em bây giờ đi du học tại Âu châu, hoặc du học tại Mỹ. Họ có những kiến thức dân chủ và tự do, nhưng họ bị gạt ra ngoài lề xã hội.”

 

Kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng, thành viên sáng lập Tập hợp Dân chủ Đa nguyên, một tổ chức tập hợp nhiều trí thức, nhân sỹ Việt Nam ở Pháp quốc, châu Âu và hải ngoại vốn có chủ trương vận động cho dân chủ và dân chủ hóa Việt Nam hậu 30/4/1975 bằng đường lối bất bạo động và trong tinh thần hòa giải dân tộc, đồng thời cổ súy cho các đối thoại chính trị đa nguyên, đưa ra một lời cảnh báo với chính quyền cộng sản Việt Nam ngày hôm nay, ông nói: 

 

“Những chức vụ dù nhỏ nhất cũng dành cho những người cộng sản, và tôi sợ rằng nếu đảng Cộng sản và những người cộng sản Việt Nam không ý thức được điều đó, nó có thể là một trái bom nổ chậm và không tránh khỏi thảm kịch đã xảy ra ở Romania, thảm kịch ở Indonesia.”

 

Tại Romania trước đây, chính phủ của Tổng Bí thư đảng Cộng sản Romania khi đó, ông Nicolae Ceaușescu bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính vào tháng 12 năm 1989, theo trang Bách Khoa toàn thư mở Wikipedia phiên bản tiếng Việt, mà trong biến cố đó, ông Ceaușescu và vợ là Elena đã trốn khỏi thủ đô bằng trực thăng, nhưng họ đã bị quân đội bắt giữ và bị kết án với hình phạt cao nhất bởi các lực lượng đảo chính trong cuộc cách mạng này.

 

Còn tại Indonesia trước đây, những vụ thanh trừng tại đây trong giai đoạn hai năm 1965-1966 được cho là một cuộc thanh trừng chống cộng sản, sau một cuộc đảo chính không thành ở thủ đô Jakarta mà sau này cuộc đảo chính này bị đổ lỗi cho Đảng Cộng sản Indonesia (PKI). Và vẫn theo trang mạng Wikipedia phiên bản tiếng Việt, một ước tính được chấp nhận rộng rãi nhất là hơn nửa triệu người đã thiệt mạng. Các cuộc thanh trừng là một sự kiện quan trọng trong quá trình chuyển đổi các "trật tự mới" với đảng Cộng sản Indonesia (PKI) đã bị loại bỏ như là một lực lượng chính trị và các biến động dẫn đến các sự sụp đổ của Tổng thống Sukarno, và bắt đầu thời kỳ cầm quyền 30 năm của tổng thống Suharto.

 

Và ông Nguyễn Gia Kiểng, vẫn trên quan điểm cá nhân, nói tiếp:

 

“Điều đó là điều mà không ai muốn, bởi vì đất nước Việt Nam, trên cơ thể Việt Nam, đã có quá nhiều vết thương rồi, và chúng ta không có quyền tạo ra một vết thương nào mới nữa. 

Chúng ta phải cố gắng một mặt phải giảng giải để cho các anh em cộng sản hiểu rằng tương lai nào bắt buộc phải có đối với Việt Nam; và mặt khác, chúng ta cũng phải giải thích cho những người tự coi là nạn nhân của chế độ hiểu rằng nếu chúng ta tiếp tục trong tinh thần thù hận, chúng ta sẽ còn tiếp tục là nạn nhân nữa. Con đường và lối thoát duy nhất, là lối thoát của sự quảng đại, của tình cảm dân tộc, của tình anh em.”

 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-government-48-years-still-wielding-power-as-an-occupying-force-04302023025314.html/sach-nguyen-gia-kieng.jpg/@@images/813ecff0-0476-4627-9d27-a12859cfcf36.jpeg

Cuốn "Tổ Quốc Ăn Năn - Nghĩ lại đất nước trên ngưỡng cửa một thế kỷ và một thiên niên kỷ mới" của tác giả Nguyễn Gia Kiểng xuất bản tại Paris năm 2004 và cuốn "Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai - Dự án chính trị dân chủ đa nguyên" do tác giả Nguyễn Gia Kiểng tham gia chấp bút, xuất bản và được in năm 2015 tại Hoa Kỳ. Ảnh: Quốc Phương/RFA

 

Khi được hỏi liệu một lực lượng chính trị nào đó lâu nay cầm quyền và củng cố quyền lực đã nắm được đó qua suốt nhiều thập niên liên tục, có thể nào dễ dàng và tự nhiên hay là không, làm một sự thay đổi mà có thể hiểu theo cách Kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng đã đề cập, hay gợi ý như trên ở Việt Nam, cựu thành viên nội các chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cho đến tận ngày 30/4/1975 và người đã từng có thời gian bị đi tù ‘học tập cải tạo’ dưới chính quyền cộng sản sau biến cố này, nói:

 

“Theo tôi, việc này dễ chứ không khó. Nếu chúng ta đọc lại chính những con số, những báo cáo của đảng Cộng sản Việt Nam, họ nói rằng trong 10 năm qua, họ đã kỷ luật 8.300 người về tội ‘tham nhũng’ mặc dù chiến dịch chống tham nhũng là một chiến dịch rất lớn, nhưng mà bên cạnh đó họ đã kỷ luật 25.000 người vì ‘suy thoái tư tưởng’, vì ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’.

Tức là tôi nghĩ rằng phong trào lớn nhất trong đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay là phong trào hướng về dân chủ; và ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’ chính là một cụm từ để chỉ những người có khuynh hướng dân chủ. 

Tôi nghĩ chống tự diễn biến, tự chuyển hóa sự thực là một điều vô lý. Một mặt thì kêu gọi ‘đổi mới’, chủ trương ‘đổi mới’, một mặt lại chống ‘diễn biến’. Đổi mới là gì? Đổi mới là tự diễn biến chứ còn là gì nữa?

Nhưng mà họ muốn đổi mới mà không thay đổi và họ luẩn quẩn ở trong sự bế tắc của chủ nghĩa Marx-Lenin mà ngày nay cả thế giới nhận định là không những là sai lầm, mà còn độc hại nữa.

Thành ra tôi nghĩ họ không thể ngăn cản phong trào và tâm lý tự diễn biến, tự chuyển hóa được đâu. Và trong số 25 ngàn người mà bị quy là ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’ đó, phải có những người trong đó mà có tư tưởng, tức là những người trung cao cấp mà như thế.

Tôi nghĩ ngày hôm nay, niềm tin, niềm lạc quan chính là tinh thần dân chủ và tình cảm dân tộc đã xâm nhập vào đảng Cộng sản Việt Nam, và có những anh em ở trong đảng cộng sản đã nhận ra được rằng tương lai của họ không phải là với đảng cộng sản, mà là với dân tộc.”

 

Khi được hỏi liệu Việt Nam nói chung tới nay đã sẵn sàng hay chưa cho một sự đổi thay, hay cải tổ triệt để thể chế chính trị - xã hội mà có thể được toàn xã hội và nhân dân cùng các giới kỳ vọng, mong đợi, ông Nguyễn Gia Kiểng nói:

 

“Để trả lời câu hỏi trên, tôi nghĩ rằng chúng ta nhìn vào vấn đề, chúng ta nhìn vào thực tại, nhìn vào những vụ án như là vụ xử mới đây xử 6 năm tù giam mà lại xử kín với một người như là Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, bởi vì anh bị cho là đả kích cố Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng hạn, nhìn vào đó, chúng ta thấy chế độ này còn tàn bạo, còn dữ dằn lắm.

Nhưng mà thực ra, nếu chúng ta bình tĩnh nghĩ lại, nhìn lại toàn cảnh của đất nước, chúng ta thấy rằng dân chủ hóa là không xa và tôi nghĩ hạn kỳ dân chủ hóa là tương đối gần. 

Tất cả vấn đề là tất cả chúng ta có quyết tâm hay không mà thôi, mà nếu chúng ta chủ trương phải dân chủ hóa trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, bằng đường lối gạt bỏ tất cả những âm mưu, những ý tưởng về bạo lực, có thể hạn kỳ dân chủ sẽ rất là gần và không những chỉ là gần mà nó còn đẹp nữa,” ông Nguyễn Gia Kiểng nêu quan điểm với RFA Tiếng Việt trên quan điểm riêng từ Lognes, thuộc Île-de-France, miền bắc nước Pháp trong dịp này.

 

Kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng sinh năm 1942 tại Thái Bình, miền Bắc Việt Nam, trong một gia đình mà cha và các chú bác đều là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, theo trang Wikipedia tiếng Việt. Năm 1954, ông di cư vào miền Nam cùng với gia đình. Nguyễn Gia Kiểng học hết trung học năm 1961 và được học bổng đi du học Pháp. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư tại trường École Centrale de Paris, ông học thêm cao học kinh tế rồi làm việc tại Pháp 5 năm và về nước năm 1973. Về nước, dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông làm chuyên viên ngân hàng và dạy môn kinh tế chính trị tại đại học Minh Đức Sài Gòn rồi làm phụ tá Bộ trưởng kinh tế với hàm Thứ trưởng cho đến ngày 30/4/1975. 

 

Sau ngày này, ông bị đưa đi tập trung cải tạo trong hơn ba năm rồi được sử dụng làm chuyên viên dưới chế độ mới cho đến khi được đi Pháp do sự can thiệp của chính phủ Pháp năm 1982. Năm 1982, trở lại Pháp, Nguyễn Gia Kiểng hành nghề kỹ sư và doanh nhân. Ông trở thành Chủ tịch, Tổng giám đốc một công ty tư vấn cho đến khi nghỉ hưu năm 2005, để dành toàn thời gian cho hoạt động chính trị, trong đó ông có thành lập một tổ chức chủ trương đối thoại chính trị đa nguyên, bất bạo động, mang tên gọi Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Ông là tác giả của cuốn sách chính luận bằng tiếng Việt “Tổ quốc ăn năn – Nghĩ lại đất nước trên ngưỡng cửa một thế kỷ và một thiên niên kỷ mới” (Paris, 2004), mà đã được dịch sang tiếng Anh dưới tựa đề “Whence… Whither… Viêtnam?). Năm 2015, ông cũng tham gia chấp bút một cuốn sách khác có tựa đề “Khai sáng kỷ nguyên thứ hai – Dự án chính trị dân chủ đa nguyên”.

 

 

 



View My Stats