Tuesday 11 October 2022

VỤ NGÂN HÀNG SCB : BÁO ĐÀI KHUYẾN CÁO LIÊN TỤC, DÂN VẪN ĐỔ XÔ ĐI RÚT TIỀN (RFA)

 



NỘI DUNG :

 

Vụ ngân hàng SCB: Báo đài khuyến cáo liên tục, dân vẫn đổ xô đi rút tiền    

RFA 

.

Vạn Thịnh Phát sụp đổ (phần 1): SCB không liên quan, vẫn sống khỏe, không sợ mất tiền tiết kiệm?

Bình luận của blogger Gió Bấc

.

Điều gì sau những tấm ảnh “dìm hàng” của bà chủ Vạn Thịnh Phát và bà Nguyễn Phương Hằng?

Bài bình luận của Phạm Hiền

===================================================

.

.

Vụ ngân hàng SCB: Báo đài khuyến cáo liên tục, dân vẫn đổ xô đi rút tiền    

RFA 

2022.10.08

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/scb-truong-my-lan-van-thinh-phat-10082022023933.html

 

Báo đài nhà nước liên tục đăng tải khuyến cáo của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, khuyên khách hàng của Ngân hàng  Thương mại Cổ phần Sài Gòn SCB "không nên rút tiền trước hạn" tuy nhiên người dân vẫn đổ xô đi rút.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/scb-truong-my-lan-van-thinh-phat-10082022023933.html/@@images/2589e710-19a2-442d-95f5-a374287eb4a6.jpeg

Người dân tập trung đông trước Ngân hàng SCB chi nhánh Hà Nội vào sáng 8/10 để rút tiền.  FB Sài Gòn Review

 

Người dân lo lắng rút tiền, nhân viên SCB được chỉ đạo "đáp ứng nhu cầu của khách"

 

Mạng xã hội Facebook sáng 8/10 tràn ngập những hình ảnh người dân đổ xô tới các chi nhánh của ngân hàng SCB ở TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng để rút tiền do các thông tin bắt giữ các đại gia được cho có liên hệ mật thiết với SCB.

 

Một người đàn ông tên T. (không nêu danh tính vì lý do an ninh) cho biết, sáng nay ông đến chi nhánh của ngân hàng ở Tân Định để rút toàn bộ số tiền trong một sổ tiết kiệm nhưng được trả lại toàn tiền mệnh giá 100.000 đồng.

 

Theo ông T., sáng nay ông không thể truy cập vào app (ứng dụng trên điện thoại) của ngân hàng, ông gọi cho số đường dây nóng nhưng không thể kết nối.

 

Ngoài cuốn sổ tiết kiệm này, ông còn một vài cuốn sổ khác cũng của SCB nhưng chưa rút được khiến bản thân lo lắng "vì đây là tiền tiết kiệm cả đời".

 

Một nhân viên có thâm niên của ngân hàng SCB chi nhánh TPHCM (nói trong điều kiện giấu tên vì không phải là người phát ngôn) cho biết, sáng nay người dân xếp hàng dài ở chi nhánh của bà trước khi ngân hàng mở cửa lúc 7 giờ.

 

Nhân viên nhận được chỉ đạo từ bên trên yêu cầu "hỗ trợ tất cả nhu cầu của khách hàng, không được để khách hàng bất mãn". Nữ nhân viên này tiết lộ: 

"Phòng Dịch vụ Khách hàng đang bận hỗ trợ khách hàng đông lắm nên không thể nói chuyện được.

Còn các phòng ban khác vẫn đang làm việc bình thường (tất nhiên sẽ có đôi chút hoang mang) nhưng trong tâm lý sẵn sàng hỗ trợ bên dưới trong trường hợp khách hàng quá đông."

 

Thứ bảy ngân hàng chỉ làm việc trong buổi sáng, tuy nhiên nhân viên dự kiến phải ở lại hỗ trợ ngoài giờ thêm cho khách hàng còn tồn đọng và không nhận thêm khách mới đến vào giờ trưa.

 

Theo bà, khách hàng có số tiền nhỏ trong tài khoản ít đi rút do lãi suất đang tăng, đa phần người rút là những người gửi tiết kiệm nhiều.

 

"Sáng nay thấy có mấy khách có số tài khoản đang lãi hơn cả trăm triệu, họ cũng đòi rút. Họ chấp nhận mất luôn số tiền lãi đó để đổi lại sự an tâm," bà này cho biết nhân viên đều tư vấn cho khách không rút tiền để giữ chân khách hàng, đồng thời khẳng định ngân hàng hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/scb-truong-my-lan-van-thinh-phat-10082022023933.html/google-trending.jpg/@@images/765ec2da-3ad7-48f1-a928-c513e98cd89e.jpeg

Thông tin về Ngân hàng SCB dẫn đầu số lượt tìm kiếm trên Goolge. Ảnh: RFA chụp màn hình

 

 

Thông tin bắt giữ các đại gia có liên quan đến SCB

 

Bộ Công an sáng 8/10 cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) tiến hành khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan bắt giữ các lãnh đạo cao cấp.

 

Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt tạm giam để điều tra tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, công an cũng tạm giam ba người khác là bà Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor; Nguyễn Phương Hồng, Trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Hồ Bửu Phương, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

 

Thông tin trên khiến người dân lo lắng vì cho rằng, nữ đại gia gốc Hoa - Trương Mỹ Lan có liên hệ mật thiết với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).

 

Hồi đầu tháng 3 năm nay, SCB ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Tân Việt trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ sản phẩm, việc này được cho là "nhằm khai thác tối ưu mọi tiềm năng, tạo hiệu quả kinh doanh, tăng vị thế và sức cạnh tranh trên thị trường liên quan của hai bên."

 

Một thông tin khác cũng được chú ý là ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Chứng khoán Tân Việt đột ngột qua đời vào ngày 6/10, ông cũng đồng thời là thành viên HĐQT độc lập của SCB từ tháng 4/2017.

 

 

Khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước

 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sáng 8/10 đăng tải khuyến cáo cho biết, "trên mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực về Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn.

Về việc này Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng hoạt động bình thường và có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.

NHNN khuyến cáo người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền."

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/scb-truong-my-lan-van-thinh-phat-10082022023933.html/khuyencao.jpg/@@images/8c3c6ef3-1b82-463e-86e1-dee7966edeab.jpeg

Người dân nhận được bản sao khuyến cáo của Ngân hàng nhà nước được in ra từ trang web khi đến rút tiền tại SCB sáng 8/10. Ảnh chụp màn hình video Việt Plus

 

Khuyến cáo này được các báo đài liên tục đăng tải nhằm trấn an dư luận, tuy nhiên một số người vẫn bày tỏ với phóng viên RFA, cho biết họ không thể an tâm trước thông tin này.

 

Một người dân ở tỉnh Khánh Hòa cho hay, ông không để tiền tiết kiệm của mình trong Ngân hàng SCB do "tôi có nguyên tắc không bao giờ để tiền nhiều trong tài khoản, tôi chỉ tin tài sản hữu hình với điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay".

 

Ông này khẳng định, "các khủng hoảng tương tự tôi tin nhà nước này có cách giải quyết để không trở thành khủng hoảng hệ thống, tuy nhiên lợi ích cá nhân khó lòng đảm bảo".

 

Theo Quyết định về Hạn mức trả tiền Bảo hiểm do Thủ tướng Chính phủ ban hành hồi năm 2021, "Số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng."

 

Nhân viên của SCB cho hay, vấn đề khủng hoảng nếu có chỉ là nhất thời, "dù luật Việt Nam có cho phép Ngân hàng được phá sản, tuy nhiên về nguyên tắc ngầm thì gần như không có ngân hàng nào được phép phá sản tại thời điểm này (các Ngân hàng 0 đồng là 1 ví dụ).

Thứ hai là nguồn khách hàng cực lớn của SCB, nếu không giữ mà để họ rút hết ra rồi thì sau này rất khó để hồi phục lại nguồn vốn huy động này."

 

 

Ngân hàng SCB phủ nhận có liên quan với bà Trương Mỹ Lan

 

Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn trong trưa ngày 8/10 cũng có thông cáo báo chỉ khẳng định đã rà soát và "Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB. Do đó, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB."

 

Ngân hàng này cam kết "có đầy đủ giải pháp, nguồn lực để bảo đảm quyền lợi và lợi ích của người gửi tiền cũng như quyền, lợi ích của đối tác và khách hàng của SCB theo quy định của pháp luật.

Tại SCB, quyền lợi của khách hàng được đặt ở vị trí cao nhất. Các nhu cầu, thắc mắc của khách hàng trong mọi tình huống sẽ được xử lý một cách tận tâm, trọn vẹn."

 

----------------------

Tin, bài liên quan

 

TIN VIỆT NAM

 

Báo Nhà nước gỡ tin bà Nguyễn Phương Hồng - trợ lý của Vạn Thịnh Phát qua đời sau hai ngày bị tạm giam

 

Trợ lý Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát qua đời sau hai ngày bị bắt giam

 

Báo Nhà nước đồng loạt loan tin “tìm ra người khiến dân ồ ạt đi rút tiền”

 

====================================================

.

.

Vạn Thịnh Phát sụp đổ (phần 1): SCB không liên quan, vẫn sống khỏe, không sợ mất tiền tiết kiệm?

Bình luận của blogger Gió Bấc
2022.10.10

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vtp-collapsed-scb-survives-part-1-10102022005851.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vtp-collapsed-scb-survives-part-1-10102022005851.html/@@images/cefe8734-ee92-4667-9732-4d04c043325a.jpeg

Chi nhánh của Ngân hàng SCB ở phường Bình Thọ, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh hôm 8/10/2022.   Báo Xây Dựng

 

Vụ bắt giam bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Tin vỉa hè lao xao vào ngày thứ sáu đen theo lệ đốt lò nhưng đến ngày 8-10, ngày thứ bảy báo chí mới công bố công khai kèm theo chiến dịch truyền thông khá chu đáo nhưng đầy mâu thuẫn. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho rằng bà Trương Mỹ Lan không liên quan đến SCB, Ngân hàng Nhà nước bảo đừng rút tiền, hứa “có những biện pháp theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền tại ngân hàng SCB”. Những lời vàng ngọc này liệu có đáng tin?

 

Rút kinh nghiệm từ những vụ bắt bầu Kiên, Trần Bắc Hà từng gây bão, làm thị trường chứng khoán bốc hơi hàng tỷ đô la, hệ thống ngân hàng chao đảo, lần này việc bắt giam đại gia Trương Mỹ Lan và các đồng phạm ở tập đoàn Vạn Thịnh Phát được chuẩn bị chu đáo từ việc bảo mật, điểm rơi công bố và đồng hành với bắt giam là chiến dịch truyền thông rầm rộ.

Về thời điểm bắt giam, theo truyền thống của chiến dịch đốt lò lâu nay, việc đưa củi nhập lò thường được công bố vào ngày thứ sáu hàng tuần. Lần này, ngày 7-10, mạng xã hội đó đánh tiếng xa gần nhưng không có tin chính thức. Ban chuyên án chọn điểm rơi vào ngày thứ bảy rất hợp lý vì ngày thứ bảy, thị trường chứng khoán không làm việc, hầu hết các ngân hàng nghỉ làm hoặc chỉ làm việc buổi sáng.

 

Tuy vậy vẫn có rò rỉ thị trường vẫn có xáo trộn. Ngay mới 7 giờ sáng 8-10, Báo Lao Động online đã đưa tin trấn an “Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân không nên rút tiền trước hạn ở SCB”. Theo đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước chính thức lên tiếng về hiện tượng

 

"Ngày 7.10.2022, trên mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực về Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn".

Về việc này Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng hoạt động bình thường và có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung”.(1)

 

Ngay sau khi công bố thông tin bắt bà Trương Mỹ Lan thì 800 tờ báo cùng chung một tổng biên tập Trưởng Ban Tuyên Giáo đã cùng đồng ca giai điệu: không có gì…., hãy yên tâm, đã có Nhà nước lo.

 

Tuy vậy, chiến dịch tuyên truyền này lại thực hiện theo phương cách cũ rích, khá ngây thơ là cứ cùng nhau nói dối. Báo Đảng thành Hồ đi đầu đưa tin “Ngân hàng SCB: Bà Trương Mỹ Lan không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh tại SCB”. Báo dẫn nguồn tin rất oách, rất oai vệ “Tại buổi họp báo liên quan đến thông tin về Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) diễn ra tại Trung tâm Báo chí TPHCM chiều ngày 8-10, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết: Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB”.(2)

 

Ối cha mẹ ơi! Xưa nay người có tiền gửi tiết kiệm thì ai cũng biết SCB là ngân hàng có lãi suất cao chót vót và là cái hầu bao cho bà Trương Mỹ Lan Vạn Thịnh Phát. Thậm chí vì biết và tin bà Lan có gốc bự nên người ta ùn ùn gửi tiền dù lãi suất ngân hàng này cao hơn các ngân hàng thương mại khác rất đáng ngờ!

 

Không chỉ trấn an 800 anh em báo chí còn nhiệt tình bơm thổi biến bệnh nhân đang hấp hối trở thành võ sĩ đang thách đấu trên võ đài. Cũng trong ngày thứ bảy đen tối ấy. Báo chí đồng loạt đưa tin SCB tăng lãi suất với những lời có cánh: “Ngân hàng SCB ổn định sau động thái của NHNN và trở nên hấp dẫn đối với nhiều người sau khi có quyết định tăng lãi suất lên 8,9% và thực hiện chi trả cho các khách hàng có nhu cầu một cách bình thường.

Trong phiên giao dịch ngày 8/10, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động lên mức cao nhất 8,9%/năm cho kỳ hạn 24 tháng đối với chứng chỉ tiền gửi và cũng áp dụng mức lãi suất 8,9% cho tiền gửi kỳ hạn 36 tháng…” (3)

 

Chỉ trong một buổi sáng, đang bị khách hàng ùn ùn rút tiền, nâng lãi suất cái độp thì “ổn định sau động thái của NHNN và trở nên hấp dẫn đối với nhiều người” quả là tài thánh giống như lập luận quân Nga đốt cầu Crưm để thanh lý xây cầu mới!

 

Chiến dịch truyền thông càng hở sườn khi chối bỏ mối quan hệ của bà Trương Mỹ Lan với SCB thì lại lộ liễu mối quan hệ thâm sâu và bất minh giữa SCB và tập đoàn Vạn Thịnh Phát qua cái chết bất ngờ, bí ẩn của ông Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) vài ngày trước đó. 

 

Các báo đều đưa tin chi tiết “Ông Thành là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng - phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát”. “Không chỉ là người đứng đầu của Chứng khoán Tân Việt, từ năm 2017, ông Thành cũng đảm nhiệm vị trí thành viên hội đồng quản trị độc lập tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)”, “Theo dữ liệu từ SCB, trong quá trình hoạt động, Chứng khoán Tân Việt và SCB có nhiều mối quan hệ hợp tác với nhau”. (4)

 

Như vậy, trên giấy tờ hiện nay, bà Lan không có vai trò trong SCB nhưng thông qua vợ chồng ông Thành và trung gian chứng khoán Tân Việt (TVSI) thì SCB với Vạn Thịnh Phát của bà Lan tuy hai mà một. Cái chết bất ngờ, bí ẩn của nhân vật hai chức ba vai này vào thời điểm hết sức nhạy cảm chỉ vài ngày trước khi bà Trương Mỹ Lan được công bố bị khởi tố bắt giam càng cho thấy bên trong SCB có rất nhiều ẩn khuất.

 

Điều quan trọng là 800 anh em báo Nhà nước cùng bơm hơi SCB sống khỏe sống hùng, hấp dẫn khách hàng nhưng đã để lòi hèm là Tân Việt không khỏe lắm bằng thông tin bất thường trong ngày chủ nhật 09/10/2022: “Chứng khoán Tân Việt tạm ngừng cho nhà đầu tư ứng trước tiền bán chứng khoán” từ ngày 10-10, cho tới khi Công ty CP Chứng khoán Tân Việt có thông báo mới. Các hoạt động khác vẫn diễn ra bình thường.”

 

Ngoài điểm bất bình thường trong việc tạm ngừng cho nhà đầu tư ứng tiền bán chứng khoán, thông tin còn hé ra con số đáng ngại về sức khỏe tự công bố của Tân Việt: “Tính đến ngày cuối quý hai năm nay, Chứng khoán Tân Việt có tổng tài sản hơn 9.200 tỉ đồng, tăng 38% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên khoản nợ phải trả của doanh nghiệp cũng tăng 72% lên hơn 5.400 tỷ đồng, nhiều hơn vốn chủ sở hữu (3.800 tỉ đồng)”.(5)

 

Anh em báo chí trong nước theo sự lãnh đạo của đảng ắt hẳn phải nói theo đường lối. Báo chí của ông anh cả một thời là thành trì XHCN đã tổng hợp tin tức và thông tin chi tiết với từ ngữ long trọng “đế chế Vạn Thịnh Phát”

 

Riêng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), theo trang Tài chính và cuộc sống Fili, cơ quan của Hiệp hội các nhà quản trị tài chính Việt Nam (VAFE), chỉ trong vòng ba tháng gần đây, Ngân hàng SCB đã liên tục miễn nhiệm và bổ nhiệm nhiều nhân sự cấp cao thuộc ban điều hành.

 

Điển hình như ngày 12/08/2022, Ngân hàng đã miễn nhiệm chức danh Quyền Tổng Giám đốc của ông Trương Khánh Hoàng.

 

Ông Trương Khánh Hoàng được bổ nhiệm làm quyền tổng giám đốc SCB từ tháng 5/2021 thay cho ông Jeremy Chen.

 

Ông Hoàng ngồi ghế Quyền CEO của SCB chỉ khoảng 15 tháng. Đáng chú ý, trước khi ông Trương Khánh Hoàng làm Quyền Tổng giám đốc, SCB đã thay tổng giám đốc đến ba lần…chỉ trong vòng 10 tháng(lần lượt là ông Võ Tấn Hoàng Văn, ông Hoàng Minh Hoàn, rồi đến ông Chen Yi-Chung - tức Jeremy Chen).

 

Sau thời khi miễn nhiệm ông Trương Khánh Hoàng, SCB bổ nhiệm ông Diệp Bảo Châu làm Phó Tổng giám đốc phụ trách. Tuy nhiên, tới ngày 30/08, SCB tiếp tục bổ nhiệm ông Trương Ngọc Lũy vào vị trí Phó Tổng Giám đốc.

 

Ngày 15/09/2022, bà Trần Thị Mỹ Dung bị miễn nhiệm khỏi vị trí Phó Tổng Giám đốc của SCB. Theo đó, bà Dung thực hiện nhiệm vụ mới theo sự phân công của lãnh đạo Ngân hàng SCB.

 

Bà Nguyễn Kim Hằng được bổ nhiệm làm Kế Toán trưởng của Ngân hàng. Cũng trong tháng 9, SCB liên tiếp bổ nhiệm thêm ba phó tổng giám đốc khác là ông Bùi Nhân, ông Hoàng Minh Hoàn và bà Đặng Thị Bảo Châu. Mới nhất, ngày 4/10, SCB đã bổ nhiệm ông Đoàn Trung Kiên vào vị trí Phó Tổng Giám đốc.

 

Chỉ tính từ tháng 8 đến nay, Ngân hàng SCB liên tục ghi nhận biến động nhân sự khi liên tiếp bổ nhiệm tới sáu Phó tổng giám đốc.

 

Các hoạt động tại Ngân hàng SCB gây chú ý vì được cho là có mối liên quan mật thiết với tập đoàn Vạn Thịnh Phát của vợ chồng nữ đại gia bất động sản Trương Mỹ Lan và Chu Nap Kee Eric.(6)

 

Với những dữ liệu đã nêu cho thấy thông tin trấn an SCB mạnh khỏe, hấp dẫn của ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành SCB và các anh em báo chí quốc doanh là không khả tin. Hơn thế nữa, qua kinh nghiệm các vụ án ACB, FLC, những người trong ban lãnh đạo cũng được cơ quan cho phát ngôn hôm nay có thể chuyển hóa thành củi hoặc tự ý xin nghỉ việc vào thời điểm x,y nào đó trong tương lai. Những lời hứa hẹn của ‘kẻ trọc đầu” như ông Phó tổng SCB càng không khả tín.

 

Tin vào sức khỏe của SCB, vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước hay tin vào câu châm ngôn dân gian trâu chậm uống nước đục là quyền và sự khôn ngoan của mỗi người.

 ______________

 

Tham khảo:

 

1- https://laodong.vn/tien-te-dau-tu/ngan-hang-nha-nuoc-khuyen-cao-nguoi-dan-khong-nen-rut-tien-truoc-han-o-scb-1102235.ldo

 

2- https://www.sggp.org.vn/ngan-hang-scb-ba-truong-my-lan-khong-anh-huong-den-hoat-dong-kinh-doanh-tai-scb-847418.html

 

3- https://vietnamnet.vn/ngan-hang-scb-tang-lai-suat-len-8-9-on-dinh-sau-do...

 

4- https://tuoitre.vn/chu-tich-chung-khoan-tan-viet-thanh-vien-hdqt-doc-lap...

 

5- https://tuoitre.vn/chung-khoan-tan-viet-tam-ngung-cho-nha-dau-tu-ung-tru...

 

-------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 .

.

.

Vạn Thịnh Phát sụp đổ (phần 2): Trái phiếu sẽ được Ngân hàng nhà nước chi trả hay “móc bọc*?  

Bình luận của blogger Gió Bấc
2022.10.10

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/van-thinh-phat-collapses-part-2-10102022100555.html

.

.

======================================================

.

 

Điều gì sau những tấm ảnh “dìm hàng” của bà chủ Vạn Thịnh Phát và bà Nguyễn Phương Hằng?

Bài bình luận của Phạm Hiền
2022.10.11

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/what-behind-not-good-looking-pictures-of-disgraced-female-monguls-10112022101720.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/what-behind-not-good-looking-pictures-of-disgraced-female-monguls-10112022101720.html/@@images/image

Bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.   RFA edit

 

Cuối tuần qua, một tấm ảnh mới của bà Trương Mỹ Lan, người sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được đăng trên tất cả các tờ báo thời sự tiếng Việt. Không hiểu người chụp và gửi tấm ảnh này cho các báo có dụng ý hay không, mà cuối cùng, người ta hầu như chỉ tập trung bàn luận về nhan sắc của bà Trương Mỹ Lan, thay vì bàn luận về việc tại sao bà bị bắt.

 

Tại sao cứ phải chụp ảnh “dìm hàng”

 

Đại khái, người ta nói tại sao bà tỷ phú quá khác so với những hình ảnh (gắn với các bài báo ca ngợi) trên báo chí hoặc truyền thông xã hội. Một bên xinh đẹp, trẻ trung, sang trọng, trắng hồng nõn nà, đôi mắt hiền từ cười có đuôi, làn tóc mây. Một bên, chụp ngược sáng nên gương mặt tối đen, da khô sạm và sần, đôi lông mày xăm đen ngòm thô tháp với phần đầu như bị chặt ngang (chắc do thợ xăm dạo tiến hành). Đặc biệt trên đầu còn nguyên đôi ống cuốn tóc hai bên, mà thường phụ nữ chỉ làm khi đi ngủ hoặc khi làm việc nhà cho gọn.

Nữ tỷ phú dĩ nhiên không cần tự tay làm việc nhà, vậy có thể tạm đoán khi công an chụp tấm ảnh này, bà đang ngủ hoặc đang trong tình trạng rất riêng tư, và đã bị lay/lôi dậy, chụp hình ngay lập tức. Mà không hề được cho thời gian để chỉnh lại vẻ ngoài.

 

Bà Lan mới chỉ là người bị bắt tạm giam, bị khởi tố để điều tra vụ án. Theo pháp luật Việt Nam, thậm chí cho đến khi ra trước vành móng ngựa, bà Lan (và những người bị bắt khác) vẫn chỉ là bị can, bị cáo, chưa phải là người có tội. Họ chỉ được xem là người có tội sau khi đã có bản án chính thức đã có hiệu lực của tòa án.

 

Nếu vậy, tại sao bộ phận bắt giữ, chụp ảnh người bị bắt của Công an không thể cho họ một ít thời gian, ít nhất để chỉnh sửa lại trang phục xộc xệch, tháo chiếc ống cuốn tóc, chải lại mái tóc trước khi chụp ảnh lưu hồ sơ?


Nhìn tấm ảnh bà Trương Mỹ Lan, người xem không khỏi nhớ đến tấm ảnh của bà Nguyễn Phương Hằng đăng kèm với thông tin bị bắt, vào cuối tháng Ba cùng năm nay. Tấm ảnh bà Hằng cũng do Công an TP HCM chụp (ghi chú rõ dưới ảnh). Cũng cho thấy rõ vẻ mặt ngái ngủ, mái tóc xõa tung, khuôn mặt không son phấn, cũng chụp ngược sáng khiến gương mặt tối mịt, khác xa những hình ảnh đẹp rực rỡ khi bà live stream thời gian dài trước đó.

 

Hai người đàn bà làm kinh doanh, cùng vô cùng nổi tiếng vì giàu có, cùng ở độ tuổi đã qua thanh xuân, cùng bị bắt và cùng bị đăng lên những tấm ảnh để đời một cách không mong muốn nhất. Về mặt này, họ trùng hợp nhau đến kỳ lạ.


Tôi không khỏi nghi vấn việc Công an cố tình chụp và tung những tấm ảnh những phụ nữ này một cách xấu xí nhất. Xin lỗi các anh Công an nếu nghi vấn này sai.

 

Đó là vì, trong hiện tại, những tấm ảnh các anh chụp đã mang lại sức công phá mãnh liệt cho cá nhân người bị bắt cũng như doanh nghiệp của họ, trong khi vụ án chỉ mới được khởi tố để điều tra.

 

Hình ảnh thao túng tâm lý

 

Vì nó trực quan, đập vào mắt, nên hình ảnh có quyền lực thao túng tâm lý người xem ngay khi họ không ý thức về việc đó. Bà Nguyễn Phương Hằng hiểu rõ điều đó, nên trong tất cả các buổi live stream, bà luôn make up kỹ càng, dùng ứng dụng làm đẹp, thẩm mỹ, và có bộ phận chuyên môn bố trí ánh sáng và góc thu hình sao cho đẹp nhất, trẻ nhất.

 

Một người phụ nữ giàu là chuyện thường thấy. Nhưng nếu người phụ nữ ấy đã rất giàu mà còn đẹp (tự nhiên và/hoặc nhân tạo, không sao cả, miễn đẹp là được) thì sức thu hút của bà tăng lên theo cấp số nhân. Và người ta-bất kể là ai-cũng nhiều khi mải ngắm gương mặt đẹp mà tự động mặc định rằng mọi lời bà nói, mọi hành động bà làm đều đúng hết. Mọi hạn chế về tất cả các mặt khác đều biến thành điểm độc đáo duyên dáng chết người, nếu chủ nhân nó giàu và đẹp.

 

Phụ nữ yêu quý nhan sắc còn hơn sinh mạng. Các ông đàn ông cứ thử xỏ chân vào đôi giày cao gót mũi nhọn, mặc chiếc váy bút chì bó sát eo, bụng và hông rồi ngồi làm việc cả ngày đi rồi biết. Các ông có dám cắt gọt, xẻo nặn, bơm hút, thậm chí đập đi xây lại toàn bộ gương mặt và cơ thể như phụ nữ không? Thế mà chúng tôi dám đấy.

 

Với phụ nữ làm kinh doanh thì ngoại hình của bà còn là hình ảnh, là bộ mặt của doanh nghiệp. Bà đẹp, bà lên báo chí, truyền thông, nói gì người ta cũng thích thú nghe. Nếu bà làm shark, truyền hình cũng ưu ái quay cận cảnh gương mặt bà nhiều hơn. Bà đẹp, thiện cảm tự nhiên tăng. Nếu bà xấu, đối tác thường không cảm thấy mạnh tay và lấn lướt khi làm ăn với bà. Các tin đồn tiêu cực dễ được dựng lên và loang ra.

 

Bất chấp mọi lý thuyết về bình đẳng nam nữ, thực tế của tâm lý con người trong cuộc sống chính là như thế.

 

Ngoài việc phải đẹp để thỏa mãn lòng yêu cái đẹp bẩm sinh của phụ nữ, để sống toại nguyện nhất với gia sản bà đã kiếm được, thì bà cũng cần đẹp để giữ chồng. Ít nhất, tâm lý của phụ nữ châu Á thường là như vậy.

 

Cho nên, tôi cho rằng với cá nhân bà Nguyễn Phương Hằng và bà Trương Mỹ Lan, cũng như với doanh nghiệp của các bà, việc bị bắt chưa hẳn đã gây sốc và đau đớn bằng việc những tấm ảnh mà chúng ta đang thấy đã tràn ngập trên báo chí, trên mạng xã hội, cũng như việc chúng sẽ tồn tại ở đó vĩnh viễn.

 

Những tấm ảnh đó chỉ ghi lại một khoảnh khắc xấu xí và tạm thời nhất, nhưng nó đập vào vô thức của người xem, ngấm ngầm làm giảm sự khách quan khi tiếp nhận và đánh giá thông tin.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/what-behind-not-good-looking-pictures-of-disgraced-female-monguls-10112022101720.html/nguyenphuonghang2021.jpeg/@@images/411192b1-bb17-4db2-8e8c-7ff31fb45ef8.jpeg

Bà Nguyễn Phương Hằng trong một livestream trên YouTube trước đây.

 

 

Vì sao nữ thần Công lý phải bịt mắt bằng dải băng đen?

 

Nhiều năm trước, khi lần đầu tiên những quy định về việc chụp ảnh, quay phim tại phiên tòa được áp dụng, cánh báo chí nhiều phen đã phải chùn tay trước một góc chụp “đặc tả” bị cáo, mà sẽ rất viral nếu nó được đăng. Quý vị chắc còn nhớ tấm ảnh gây xôn xao dư luận của Nguyễn Hải Dương-người bị tuyên án tử hình do hành vi giết sáu người trong cùng một gia đình ở Bình Dương vào năm…

 

Người ta lập tức gán nụ cười đó với hành vi của Nguyễn Hải Dương. Họ bình luận rằng kinh khủng quá, thằng máu lạnh này phải tử hình nó trăm ngàn lần mới đáng, nó ra tòa mà còn cười được thế kia.

 

Không ai thèm hỏi để biết chính xác Nguyễn Hải Dương cười vì điều gì. Người ta chỉ lập tức nã súng.

 

Chính vì cảm xúc trực quan ảnh hưởng rất mạnh lên vô thức, nên nữ thần Công lý phải bịt mắt bằng dải băng đen để bà không thể bị những biểu hiện ngoại hình (đẹp, xấu, quyến rũ, đanh ác hoặc vẻ tội nghiệp đáng thương…) làm mê hoặc, gây sai lệch trong việc cân nhắc hình phạt.

 

Cạnh đó, phải tính đến xác suất chính xác của việc điều tra, xét xử. Nếu người bị bắt hóa ra vô tội thì sao? Không thể có biện pháp nào minh oan đầy đủ, hay cập nhật thông tin cho toàn bộ những người đã đọc tin trước đó.

 

Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 không có điều khoản nào hạn chế quyền về hình ảnh cá nhân của người bị bắt tạm giam hay đang bị khởi tố điều tra. Do vậy những tấm ảnh mà cơ quan Công an cần chụp bị can, bị cáo chỉ nên được giữ trong hồ sơ, không công bố ra công chúng.

 

Với nhiều lý do cả về quyền con người và hiệu lực của việc điều tra, ở những nước có nền tư pháp phát triển hơn Việt Nam, nghi can/bị can phải được che mặt khi bị bắt và dẫn giải. Họ cũng được giữ kín danh tính, hình ảnh cá nhân trước khi có luật sư bảo vệ và được xét xử công khai bởi một phiên tòa.

 

Xin nhấn mạnh nguyên tắc của nền tư pháp Việt Nam và toàn thế giới: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.” (nguyên tắc suy đoán vô tội, quy định trong Bộ luật Hình sự 2015). Hiếp pháp 2013 cũng nêu nguyên tắc bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư và bí mật cá nhân.

 

Vì lý do đó, báo chí, đặc biệt là cơ quan Công an- KHÔNG được dùng những hình ảnh “có tính minh họa” dìm hàng của người bị bắt để gián tiếp định hướng dư luận rằng họ phạm tội. Đấy là cách làm trái pháp luật, trí trá và khôn vặt.

 

                                                       ***

Việt Nam từ lâu đã gia nhập Tuyên ngôn thế giới và các công ước quốc tế về quyền con người và các quyền tự do cơ bản của công dân. Vì thế, cần phải thay đổi triệt để việc cơ quan điều tra cung cấp cho báo chí những tấm ảnh rõ mặt, trong tình trạng thiếu chỉnh trang tối thiểu của những nghi can, mà ví dụ mới nhất là những tấm ảnh như trên. Làm được điều đơn giản đó mới có thể nói đến tinh thần nhân đạo, thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền con người mà chính cơ quan này theo đuổi và khẳng định.

__________________

 

Tham khảo:

 

https://tuoitre.vn/bat-chu-tich-tap-doan-van-thinh-phat-truong-my-lan-20221007125447397.htm

 

https://vnexpress.net/ba-nguyen-phuong-hang-khai-ly-do-xuc-pham-nhieu-nguoi-4509682.html

 

https://lsvn.vn/bao-dam-quyen-con-nguoi-cua-bi-cao-trong-to-tung-hinh-su1632439825.html

 

https://sotp.thainguyen.gov.vn/pho-bien-giao-duc-phap-luat/-/asset_publisher/hEnG94ajEooh/content/viet-nam-tich-cuc-tham-gia-va-thuc-hien-noi-ia-hoa-tuyen-ngon-the-gioi-ve-nhan-quyen-va-cac-cong-uoc-quoc-te-ve-nhan-quyen

 

https://baodansinh.vn/nu-cuoi-quai-la-cua-nguyen-hai-duong-22809.htm

 

-----------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do





No comments:

Post a Comment

View My Stats