Vĩnh
biệt giáo sư Nguyễn Văn Trung
Huỳnh
Như Phương
20-10-2022 - 18:01
https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/vinh-biet-giao-su-nguyen-van-trung-20221020180105588.htm
Theo tin từ gia đình, Giáo sư Nguyễn Văn Trung,
nguyên Khoa trưởng Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, do tuổi cao sức yếu, đã qua
đời ở Brossard, Québec, Canada, lúc 21 giờ 30 ngày 19-10-2022, hưởng thọ 92 tuổi.
GS Nguyễn Văn Trung (còn có bút danh Phan Mai,
Hoàng Thái Linh) sinh ngày 26-9-1930, quê ở làng Thanh Hương, huyện Thanh Liêm,
tỉnh Hà Nam.
https://nld.mediacdn.vn/291774122806476800/2022/10/20/image001-16662634518631251263333.jpg
GS Nguyễn Văn Trung
Sau khi học trung học Chu Văn An ở Hà Nội, từ
1950-1955, ông du học tại Pháp và Bỉ, đậu cử nhân triết học. Từ 1955-1960, ông
về miền Nam mở trường mẫu giáo, dạy trung học ở Sài Gòn, rồi Đại học Huế. Năm
1961, ông trở lại Bỉ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Louvain. Về
nước, ông dạy đại học ở Sài Gòn và Đà Lạt, từng làm Khoa trưởng (tương đương hiệu
trưởng ngày nay) Đại học Văn khoa Sài Gòn, sau đó làm Trưởng ban (tương đương
Trưởng khoa ngày nay) Triết học Tây phương thuộc trường này.
Sau 1975, ông tiếp tục nghiên cứu văn học và
triết học tại Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TP HCM. Từ cuối năm 1993,
sau khi về hưu, ông cùng gia đình định cư tại Montréal, Québec, Canada.
Nhà giáo uyên bác
và dấn thân
Ở miền Nam giai đoạn 1955-1975, Nguyễn Văn
Trung không chỉ là một nhà giáo, nhà nghiên cứu trong phạm vi học đường mà còn
là một nhà báo, nhà bình luận chính trị, nhà hoạt động xã hội với quan niệm
"tri hành hiệp nhất". Ông tham gia sáng lập các tạp chí Đại Học, Hành Trình, Đất Nước và
cộng tác với nhiều tờ báo như Sáng Tạo, Bách Khoa, Thế Kỷ Hai Mươi, Văn, Văn Học,
Nghiên Cứu Văn Học, Thái Độ, Đối Diện, Trình Bầy, Tin Sáng, Sống Đạo, Dân Chủ Mới… Ông cũng là thành viên
ban chủ trương các nhà xuất bản Nam Sơn và Trình Bầy.
Nguyễn Văn Trung cùng với Lý Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan,
Chân Tín, Trương Bá Cần, Nguyễn Huy Lịch, Thiện Cẩm, Thế Nguyên, Diễm Châu…
được xem như những trí thức Công giáo tiêu biểu dấn thân vào những hoạt động chống
Mỹ, kêu gọi hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc. Ông khuyến khích sinh viên bảo
vệ và phát huy văn hóa dân tộc, đồng thời tìm hiểu triết học Marx thời trẻ
trong khía cạnh nhân bản của nó. Ông cùng một số đồng nghiệp tham gia tuyệt thực
trước Hạ nghị viện, đòi chính quyền Việt Nam Cộng hòa trả tự do cho các sinh
viên tranh đấu và từng được cử làm Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Vận động cải
thiện chế độ lao tù miền Nam Việt Nam (1970).
Nguyễn Văn Trung có một sự nghiệp trước tác
phong phú gồm nhiều thể loại. Về biên khảo triết học, ngoài những sách giáo
khoa bậc trung học, ông đã biên soạn các công trình Triết học tổng quát (1957), Danh từ
triết học (đồng tác giả, 1958), Ca tụng thân xác (1967), Ngôn
ngữ và thân xác (1968), Hành trình trí thức của Karl Marx (1969), Đưa
vào triết học (1970), Nhận diện Marx (1974), Triết
lý văn nghệ (1974).
Về nghiên cứu văn học, ông cho xuất bản Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết (1962), Lược khảo
văn học (ba tập, 1963-1968), Nhà văn - người là ai, với ai?
(1965), Vụ án Truyện Kiều (1972), Chữ, văn quốc ngữ thời
kỳ đầu Pháp thuộc (1974), Trường hợp Phạm Quỳnh (1974), Chủ
đích Nam Phong (1975), Câu đố Việt Nam (1986), Những
áng văn quốc ngữ đầu tiên: Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản (1987).
Trên lĩnh vực văn hóa – lịch sử, ông công bố
các tác phẩm Biện
chứng giải thoát trong Phật giáo (1958), Người Công giáo trước thời đại (đồng
tác giả, 1961), Lương tâm Công giáo và công bằng xã hội (đồng
tác giả, 1963), Nhận định (6 tập viết và in trước 1975, 4 tập
sau 1975), Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam: thực chất và huyền thoại (1963), Góp
phần phê phán giáo dục và đại học (1967), Trương Vĩnh Ký – nhà
văn hóa (1993), Về sách báo của tác giả Công giáo thế kỷ
XVIII-XIX (1993), Hồ sơ Lục châu học: Tìm hiểu con người ở
vùng đất mới (2015).
Là người được đào tạo trong môi trường văn
minh phương Tây, Nguyễn Văn Trung có điều kiện đi sâu tìm hiểu và quảng bá các
trào lưu tư tưởng triết học và mỹ học hiện đại: phân tâm học, hiện tượng luận,
chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa cấu trúc, tiểu thuyết mới, phê bình mới, lý thuyết
tiếp nhận.
Ông giúp độc giả làm quen với quan niệm của những
tác gia nổi tiếng: F. de Saussure, R. Jakobson, G. Lanson, M. Heidegger, J.-P.
Sartre, P. Valéry, A. Robbe-Grillet, N. Sarraute, Ch. Mauron, G. Bachelard, L.
Goldmann, R. Barthes… Vào lúc ra mắt, bộ Lược khảo văn học gồm ba tập "Những vấn đề tổng quát",
"Ngôn ngữ văn chương và kịch", "Nghiên cứu và phê bình văn học"
có thể xem là bộ sách lý luận văn học cập nhật những tư tưởng hiện đại một cách
hệ thống nhất ở nước ta. Sau khi được tái bản, bộ sách này đoạt Giải thưởng
Sách quốc gia năm 2020. Trước đó hai cuốn Ca tụng thân xác, Hành trình
trí thức của Karl Marx, và gần đây cuốn Chủ nghĩa thực dân
Pháp ở Việt Nam: thực chất và huyền thoại cũng được in lại.
Người trí thức gắn
bó với văn hóa dân tộc
Nguyễn Văn Trung không phải là nhà nghiên cứu
thuần túy lý thuyết. Có thiên hướng xã hội và tinh thần dân tộc, ông luôn gắn
liền những suy tưởng của mình với hoàn cảnh đất nước có chiến tranh và bị lệ
thuộc.
Trong ý hướng góp phần giải quyết những vấn đề
đặt ra từ thực tiễn Việt Nam, ông liên hệ lý thuyết với lịch sử văn học dân tộc
và bước đầu đưa ra những gợi ý cho người sáng tác, phê bình. Ông góp tiếng nói
phân tích và bình luận những hiện tượng văn học phức tạp của dân tộc từ cổ điển
(Truyện Kiều, Hồ Xuân Hương…) đến hiện đại (Trương Vĩnh Ký, Tự Lực Văn
đoàn, văn chương Nam bộ…). Hiếm thấy nhà nghiên cứu triết học nào có tầm nhìn
sâu rộng về văn học Việt Nam như ông. Có thể xem ông là nhà trí thức từ bỏ tháp
ngà để nhập cuộc với đời sống, theo tinh thần của Jean-Paul Sartre, triết gia
hiện sinh mà ông chịu nhiều ảnh hưởng.
Với Nguyễn Văn Trung, Sartre không chỉ là một
hiện tượng văn hóa mà còn là một chỗ dựa tinh thần, một nguồn chia sẻ và lời giải
đáp cho những vấn đề của con người tại thế, trong hoàn cảnh sống cụ thể. Trong
bài Sartre trong đời tôi, ông viết: "Chúng ta không có thời đại
nào khác, ngoài thời đại hiện nay của chúng ta. Có thể có thời đại khác thanh
bình hơn, đẹp hơn, nhưng đó không phải thời đại của ta, thời đại có chiến tranh
nóng lạnh giữa hai khối, thời đại có mối đe dọa thường xuyên của bom nguyên tử,
thời đại đế quốc chủ nghĩa, thực dân xâm lăng… Chúng ta không có quyền lựa chọn
hoàn cảnh, thời đại, nhưng chỉ có thể lựa chọn trong hoàn cảnh, thời đại của
ta" (Nhận định V, Nxb Nam Sơn, Sài Gòn, 1969, tr. 249).
Ở miền Nam trước 1975, ngòi bút Nguyễn Văn
Trung có ảnh hưởng nhất định đến công chúng, nhất là trí thức trẻ, sinh viên học
sinh. Một phần vì ông thể hiện quan niệm xem triết học, văn học không chỉ như một
đối tượng khảo sát mà quan trọng hơn, là một cách thế sống và một thái độ làm
người ở đời. Phần khác vì văn phong của ông không tư biện, lý thuyết suông mà vừa
khúc chiết, mạch lạc, vừa thấm đẫm hơi thở của cuộc sống và giàu yếu tố thời sự.
Hình ảnh người trí thức băn khoăn, thao thức
nơi Nguyễn Văn Trung từng gợi cảm hứng cho Ngô Thế Vinh xây dựng nhân vật Hoàng
Thái Trung trong tiểu thuyết Vòng đai xanh: "Dưới con mắt của
đám sinh viên trẻ, ông Trung được coi như thần tượng, một trí thức dấn thân, chữ
của ông Trung. Vậy mà ông cũng có những nỗi băn khoăn thất vọng. Ông Trung cô
đơn trong sự yêu mến của nhiều người khác. Đôi mắt sáng và buồn của ông soi qua
một làn kính trắng dày, trông ông Trung trơ trọi như một ảnh tượng đẫm nét bơ
vơ trong một không gian bạc màu".
Người tìm đường, hay tra vấn và đặt lại vấn đề
thường là người cô đơn. Trong nghiên cứu những hiện tượng nhân văn, không hiếm
trường hợp sự phê phán nồng nhiệt có thể dẫn đến chỗ không thấu tình đạt lý, nhất
là khi chưa bao quát toàn diện và thấu đáo những tình thế của người cầm bút.
Nguyễn Văn Trung từng có dịp nhìn lại những đánh giá của mình trước đây, lúc
ông viết những lời lẽ nặng nề và không thỏa đáng về một số hiện tượng văn học sử
như Đông Dương Tạp Chí và Nam Phong Tạp Chí.
Trong tinh thần đó, những ý kiến của ông cần
được xem xét một cách khách quan như một bài học kinh nghiệm về ý thức trách
nhiệm của người cầm bút không xem mình là người phát ngôn sau cùng cho chân lý
mà chỉ là tiếng nói đóng góp vào cuộc đối thoại dân chủ không ngưng nghỉ trên
con đường đi tìm sự thật. Trên tất cả những điều đó, nhớ đến GS Nguyễn Văn
Trung là nhớ đến hình ảnh một người trí thức không bao giờ thờ ơ với vận mệnh Tổ
quốc, luôn trăn trở và ưu tư với văn hóa dân tộc, đồng thời không ngần ngại đón
nhận cái mới vì sự phát triển của đất nước trong một thế giới đang chuyển biến.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
================================================
Diễn
Đàn Forum
20/10/2022 15:34
https://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/nguyen-van-trung-1930-2022
Nguyễn Văn Trung
(1930-2022)
Hình : https://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/nguyen-van-trung-1930-2022/nvt.png
Chân
dung Nguyễn Văn Trung (của Phan Nguyên)
Chúng tôi được tin giáo sư Nguyễn Văn Trung đã
từ trần tại Montreal ngày 19.10.2022 tại Montreal (Canada), thọ 92 tuổi.
Diễn Đàn xin thành thực chia buồn với các con
ông và gia đình.
Diễn Đàn
*
Sinh ngày 26.9.1930 tại làng Thanh Hương, huyện
Thanh Liêm, Hà Nam trong một gia đình Công giáo. Năm 1951, học trường Chu Văn
An (Hà Nội) đỗ tú tài I, được một trường dòng cấp học bổng du học ở Toulouse
(Pháp) rồi Louvain (Bỉ); tốt nghiệp cử nhân triết. Về Sài Gòn năm 1955, dạy ở
Chu Văn An, năm 1957 ở Đại học Văn khoa Huế. Năm 1961 trở lại Louvain bảo vệ luận
án tiến sĩ, rồi dạy triết tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Khoảng 63-64, dạy ở Đaj
học Công giáo Đà Lạt rồi bị “đuổi” vì cuốn Ca tụng thân xác bị coi là tác động “độc hại” lên sinh viên.
Nguyễn Văn Trung là tác giả nhiều cuốn sách :
Sách
giáo khoa: Luận lý học (tủ sách Á Châu, 1957). Đạo đức học (tủ
sách Á Châu 1957). Luận triết học tập I (nhà xuất bản Nam Sơn). Phương pháp làm
luận triết học (nxb Nam Sơn).
Tiểu luận : Nhận định I (nxb Nguyễn Du, 1958). Nhận định II
(nxb Đại học 1959). Nhận định III, (nxb Nam Sơn, 1963). Nhận định IV ( Nam Sơn,
1966). Nhận định V (Nam Sơn, 1969). Nhận định VI (Nam Sơn, 1972) .
Lý luận văn học : Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết (Cơ sở xuất bản
Tự Do, 1962). Lược khảo văn học tập I (Nam Sơn 1963). Lược khảo văn học II (Nam
Sơn, 1965). Lược khảo văn học III (Nam Sơn 1968).
Văn học và chính trị : Chủ nghiã thực dân Pháp ở Việt Nam thực chất
và huyền thoại (Nam Sơn 1963). Chữ và văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc (Nam
Sơn, 1974). Trường hợp Phạm Quỳnh (phỏng vấn những người viết sách báo đương thời
với Phạm Quỳnh, Nam Sơn 1974). Chủ đích Nam Phong (Trí Đăng, 1975). Vụ án truyện
Kiều (tập hợp những bài viết trong vụ tranh luận về truyện Kiều giữa Ngô Đức Kế
và Phạm Quỳnh năm 1924, in 1972).
Triết học : Triết học tổng quát (Vĩnh Bảo, 1957). Ca tụng thân xác
(Nam Sơn 1967). Hành trình trí thức của Karl Marx (Nam Sơn 1969). Đưa vào triết
học (Nam Sơn 1970). Góp phần phê phán giáo dục và đại học (Trình Bày, 1967).
Ngôn ngữ và thân xác (Trình Bày, 1968). La conception bouddhique du Devenir (Xã
Hội, 1962). Danh từ triết học (làm chung với LM Cao Văn Luận, Đào Văn Tập, Trần
Văn Tuyên, LM Xuân Corpet (nxb Đại học 1958).
Tôn giáo : Biện chứng giải thoát trong Phật giáo (nxb Đại học Huế,
1958). Người công giáo trước thời đại (nhiều tác giả) (Đạo và Đời, 1961). Lương
tâm công giáo và công bằng xã hội (Nam Sơn, 1963).
Sau 1975 : Câu đố Việt Nam (nxb TP Hồ Chí Minh, 1986).
Những áng văn quốc ngữ đầu tiên: Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản (Đại học
sư phạm TP Hồ Chí Minh, 1987; nxb Hội Nhà Văn tái bản). Về sách báo của tác giả
công giáo thế kỷ XVII- XIX (nhiều tác giả, nxb TP Hồ Chí Minh 1993).
Bản thảo soạn sau 75, chưa in : Lục châu học, Ngôn ngữ và văn học dân
gian, Ăn mặc theo truyền thống Việt Nam, Đạo chúa vào Việt nam, Hồ sơ về hàng
giám mục Việt Nam, Trương Vĩnh Ký con người và tác phẩm, Nhận định VII, VIII.
( Theo trang
mạng của Thụy Khuê : Nguyễn Văn Trung )
Năm 1993, định cư cùng gia đình ở Montreal
(Canada), viết Nhận định IX và X. Trên trang mạng Nguyễn Văn
Trung (chưa hoàn thành), có thể đọc những
trang viết tản mạn (2003) về một số đề tại văn học, lịch sử.
Trang liên quan : Mượn dấu thời gian : NGUYỄN VĂN TRUNG của Phan
Nguyên
No comments:
Post a Comment