Sunday 23 October 2022

TRUYỀN THÔNG VIỆT NAM ĐỐI VỚI ĐẠI HỘI ĐẢNG CSTQ (Bích Huệ, BBC Tiếng Việt)



Truyền thông Việt Nam đối với Đại hội ĐCSTQ

Bích Huệ

Gửi Ban Việt ngữ BBC từ Hà Nội

23 tháng 10 năm 2022  19:56 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cpwz9ywpzqno

 

Truyền thông trong nước được “xông xênh” đưa tin về Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐH20), nhưng tuyệt nhiên không thấy báo quốc doanh nào dám đăng lại các bình luận sắc sảo về ĐH từ các bỉnh bút gạo cội tận bên trời Tây.

 

Tuy nhiên, Việt Nam cũng không tỏ ra quá “sốt sắng” trong việc đưa tin và bình luận về ĐH20. Ngay bản tin “giờ vàng” của Đài truyền hình trung ương (VTV) tối 22/10 – thời điểm ĐH20 bế mạc – cũng phải chờ hơn nửa giờ, sau khi đưa các tin quan trọng trong nước trước, khoảng 7h35 đến 7h40, tin về ĐH kết thúc mới xuất hiện trong vòng 5 – 6 phút.

 

Trong suốt 7 ngày ĐH, thông tin trên VTV khá nhạt nhòa và hoàn toàn dựa theo nội dung của Tân Hoa xã hay theo tường thuật từ các phóng viên thường trú của VTV ở Bắc Kinh.

 

Tuy nhiên, tin tức về ĐH xuất hiện với tuần suất dày hơn trên các tờ báo của Đảng, Nhà nước và các trang mạng chính thống như vietnam.net, vietnamplus.vn, tuoitre.vn, vov.vn…  

 

Nội dung trên các đường link của ĐCSVN, Chính phủ, QĐND, CAND… đều tập trung vào lộ trình trong 5 năm tới và xa hơn nữa là “xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại và phục hưng dân tộc”, đưa tin ông Tập tái cử nhiệm kỳ thứ ba và việc bầu chọn đội ngũ lãnh đạo 5 năm tiếp theo cho quốc gia 1,4 tỷ dân. 

 

Nội dung nhấn mạnh, hiện đại hóa kiểu Trung Quốc vừa mang đặc trưng chung của các nước, vừa mang đặc sắc Trung Quốc dựa trên tình hình của nước này, đồng thời có 5 điểm nổi bật: quy mô dân số lớn, toàn thể người dân cùng giàu (thịnh vượng chung), hài hòa giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần, tồn tại hài hòa giữa con người và thiên nhiên và sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình.  

 

“Ba điều cần phải” được đúc rút từ báo cáo của TBT Tập Cận Bình: “Cần phải không quên nguyện ước ban đầu, khắc ghi sứ mệnh; Cần phải khiêm tốn thận trọng, phấn đấu gian khổ; Cần phải dám đấu tranh, giỏi đấu tranh”. Đây được coi là yêu cầu mới mà ĐH đưa ra cho toàn đảng khi tình hình trong nước, đặc biệt là môi trường quốc tế có nhiều thay đổi lớn. (Tuy nhiên, chỉ mấy giờ đồng hồ sau khi đăng thì bài viết này cũng bị đục bỏ!) 

 

Vấn đề chủ yếu vẫn để trống 

 

Các diễn ngôn ở ĐH20 được trưng ra trên các trang mạng chính thống như vừa điểm không phản ánh tâm thế bao trùm trong dư luận ở Việt Nam. Một câu hỏi lớn được giới nghiên cứu quan tâm là, 5 năm tới đây, đường lối chính sách của ĐCSTQ vẫn như hiện nay hay sẽ có sự thay đổi? 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/624/cpsprodpb/16cc/live/257d1e80-52d2-11ed-9d08-abdcada2a94b.jpg.webp

Ông Tập Cận Bình tiếp tục lãnh đạo Trung Quốc với nhiệm kỳ ba cầm quyền

 

Nld.com.vn đưa lại China Daily khẳng định huấn thị của ông Tập: "Chúng ta phải vận dụng đầy đủ và trung thành triết lý phát triển mới trên tất cả các mặt, tiếp tục đổi mới để phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy mở cửa tiêu chuẩn cao, đẩy mạnh nỗ lực thúc đẩy một mô hình phát triển mới tập trung vào các đặc điểm và nền kinh tế trong nước".

 

Nhưng “mô hình phát triển mới” ấy là gì thì không thấy bản tin đề cập chi tiết. Ông Tập nói sẽ thiết kế “mô hình mới” nhưng mọi động thái của ông ta tại ĐH20 thì vẫn như cũ. Trung Quốc vẫn đi theo một mô hình độc tài – toàn trị, lấy Tập làm hạt nhân. Cách TBT chọn 7 vị trong Thường vụ BCT cũng cho thấy, ông chỉ chọn những “cạ” hợp với ông. 

 

Bốn ủy viên Ban Thường vụ bị loại, trong đó có Lý Khắc Cường, Thủ tướng nổi tiếng có tinh thần cải cách, “trên từng cây số” sát cánh với ông Tập 10 năm liền, đã không bám trụ được tiếp. Và một sự cố vô tiền khoáng hậu, cựu Chủ tịch – Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào, “sếp” của ông Tập một thời, bị ông cho bảo vệ “lôi” ra khỏi Đoàn Chủ tịch ngay trong ĐH. 

 

Một bất thường khác, cũng như các “bất bình thường” kể trên, không được truyền thông trong nước đề cập. Đó là ĐH đã bỏ qua Bản báo cáo quan trọng về tình hình kinh tế và đường hướng phát triển kinh tế tương lai. Các “cửa ải” trong 5 năm tới ông Tập cùng bộ sậu phải vượt qua: nới lỏng kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế, giải quyết các vấn đề dân số già, bất bình đẳng xã hội, môi trường bị tàn phá… Không vấn đề nào trong số này có giải pháp được trình bày tại ĐH. 

 

Trên thực tế, các biện pháp quản trị đất nước khổng lồ này vẫn để trống. Liệu TBT Tập Cận Bình tới đây sẽ coi trọng các ý kiến của chuyên gia, tính toán lại “chính sách zero Covid” khiến hơn 200 triệu người bị phong tỏa? Khuynh hướng “thiên tả Mác-xít” làm cho kinh tế Trung Quốc chậm lại. World Bank dự báo, Trung Quốc năm nay sẽ chỉ tăng được 2.9%, thấp hơn tỷ số 5.9% so với năm 2021. Sau 10 năm cầm quyền, Tập Cận Bình làm cho Trung Quốc giảm bớt cơ hội tiến xa hơn.  

 

Đối ngoại: Coi các lân bang là chư hầu? 

 

Ngoại trưởng Vương Nghị vào tháng 4/2022 đã tuyên bố rằng Bắc Kinh “có lời giải cho các vấn đề của thời đại” và “cống hiến trí tuệ của Trung Quốc cho nỗ lực của loài người”. Nhưng thực tế, ông Tập đã điều hành các quan hệ đối ngoại như một hoàng đế. Dưới thời Tập, Chính phủ mang sắc thái của một triều đình phong kiến và ông Tập bang giao với lân bang cũng giống một hoàng đế.

 

 “Triều đình” nhìn nhận thế giới theo trật tự do Trung Quốc đứng đầu. Bất cứ nước nào chống lại trật tự đó và không tuân theo luật lệ của Trung Quốc sẽ bị trừng phạt, như mất quyền tham gia thị trường Trung Quốc. Ông Tập đã ngang nhiên áp đặt luật lệ về ngoại giao để lập ra một trật tự thế giới, trong đó, Trung Quốc nằm ở trung tâm. Đó chính là “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) mang dấu ấn của Tập cũng gần giống hệ thống triều cống thời xưa. 

 

Tập Cận Bình từng chủ trì hai hội nghị quốc tế về BRI mà nguyên thủ các nước đến Bắc Kinh để “chầu” giống như quan hệ phiên thuộc trong lịch sử. Theo Michael Sobolik, tác giả của một cuốn sách về “Vành đai và Con đường”, sáng kiến này là ván cờ của Trung Quốc để làm điều mà Bắc Kinh đã từng làm hàng ngàn năm qua: kết hợp vị thế địa chiến lược với nền văn minh Trung Hoa. 

 

Với ngôi vị “Thiên tử”, ông Tập sẽ theo đuổi một trật tự khu vực mà các nước láng giềng, đều trở thành chư hầu. Việt Nam trong con mắt của Trung Quốc cũng bị nhìn nhận như thế, không thể nào thoát được. Cam kết của Tập Cận Bình trong phát biểu khai mạc ĐH20, quyết đánh thắng mọi cuộc chiến tranh ở tầm “khu vực”, không chỉ là mối đe dọa cho Đài Loan, mà còn là sự cảnh báo không thể nhầm lẫn cho những lân bang có vị trí địa-chiến lược như Việt Nam.  

 

Rủi ro lớn nhất mà Việt Nam và các nước trong khu vực sẽ phải đối mặt là những chính sách cai trị sai lầm của ông Tập ở quốc nội có thể đẩy Trung Quốc tới một điểm nguy hiểm, buộc ĐCSTQ phải “xuất cảng xung đột” ra bên ngoài, tức là gây chiến tranh với các nước láng giềng để chuyển hướng sự bất mãn của dân chúng trong nước. Đài Loan, Việt Nam, các quần đảo ở Trường Sa, ở biển Hoa Đông, đều có thể là mục tiêu ra tay của quân đội Trung Quốc.  

 

Vấn đề nan giải khác của Bắc Kinh là thái độ “nước đôi” đối với cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine. Không thể công khai ủng hộ Moscow sáp nhập lãnh thổ của Ukraine vào Nga, nhưng cũng không thể bỏ phiếu chống Nga ở Liên Hiệp Quốc.

 

 Và đấy cũng là vấn đề của Việt Nam, một thành viên ASEAN, đang bị sức ép giữa ba nước lớn: Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ.

 

--------------------------------------------------------------

*Bài thể hiện quan điểm riêng và văn phong của tác giả.

 

=================================================

LIÊN QUAN

 

Cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bị đưa ra khỏi Đại hội đảng Trung Quốc

.

Lý Cường: Chân dung nhân vật ‘sắp trở thành Thủ tướng Trung Quốc’

.

Hồ Xuân Hoa: Ủy viên Bộ Chính trị kỳ cựu 'rớt ghế' vì thân Hồ Cẩm Đào?

.

Hồ Cẩm Đào: Bí ẩn của việc bị đưa ra khỏi phiên bế mạc Đại hội Đảng

.

Đại hội Đảng Trung Quốc: Lý Khắc Cường ‘sẽ nghỉ hưu’, Vương Nghị ‘có thể vào Bộ Chính trị’

.

Truyền thông Việt Nam đối với Đại hội ĐCSTQ

.

Ai là ai: Những gương mặt sẽ nắm quyền tại Trung Quốc sau Đại hội ĐCS

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats