24 Tháng Mười, 2022
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ti-ci-ng-nguyen-van-trung/
Ông Nguyễn
Văn Trung (1930 – 2022) là một nhà nghiên cứu văn-triết nổi tiếng ở miền Nam
trước 1975. Sách ông viết nhiều, cả khi ở trong nước cũng như khi ra định cư ở
nước ngoài, trong đó có hai bộ "Nhận định", "Lược khảo văn học"
và hai cuốn "Ca tụng thân xác", "Ngôn ngữ và thân xác" tôi
đọc thích và đã giúp ích cho tôi trong việc phê bình nghiên cứu văn học.
http://vanviet.info/wp-content/uploads/2022/10/Screenshot-2022-10-23-215501_thumb.png
Nguyễn
Văn Trung và hai tác phẩm "Trường hợp Phạm Quỳnh" (1974) và "Chủ
đích Nam Phong" (1975)
Ông có hai
cuốn sách nhan đề: "Trường hợp Phạm Quỳnh" (1974) và "Chủ đích
Nam Phong" (1975). Tôi cãi ông là từ hai cuốn này. Số là năm 1992, nhân 75
năm Nam Phong và 100 năm sinh Phạm Quỳnh, giáo sư Nguyễn Huệ Chi khi đó là Trưởng
phòng Văn học Cổ cận Việt Nam tại Viện Văn học đã chuẩn bị một cuộc hội thảo do
Phòng chủ trì về tờ tạp chí này và ông chủ bút của nó. Anh Huệ Chi đặt tôi viết
bài điểm lại sự đánh giá từ trước đến nay về Phạm Quỳnh. Cuộc hội thảo đó đến
phút chót đã không được diễn ra.
Năm 2017,
khi Nam Phong tròn 100 tuổi ra đời và Phạm Quỳnh đã thành 125 năm sinh, nhà sử
học Dương Trung Quốc lấy danh nghĩa Hội Nghiên cứu Sử học VN đã tổ chức một cuộc
kỷ niệm toạ đàm nhỏ tại một căn phòng nhỏ của Thư viện Quốc gia Hà Nội. Anh Quốc
mời tôi tham dự. Tôi đã phát biểu ý kiến bằng bài viết từ 25 năm trước (có bổ
sung, cập nhật).
Trong bài
viết của mình, như tên gọi của nó "Phạm Quỳnh trên dòng dư luận", tôi
đã lược khảo lại các ý kiến đánh giá (phần chính là phê phán nặng nề) của các
nhà nghiên cứu trước nay về ông chủ bút Nam Phong. Trong đó có Nguyễn Văn
Trung. Đây là đoạn tôi cãi lại ông:
"Một
nhà nghiên cứu và giảng dạy văn học ở miền Nam trước đây, ông Nguyễn Văn Trung,
đã cho ra hai cuốn sách liên tiếp: “Chủ đích Nam Phong” và “Trường hợp Phạm Quỳnh”
nhằm một mục đích rõ ràng là “chứng minh sự thống nhất về quan điểm, chủ đích
chính trị với toàn bộ những bài biên khảo, dịch thuật văn học của Phạm Quỳnh nhằm
bác bỏ những luận điệu vẫn còn thông dụng tách con người chính trị và con người
văn học ở nơi Phạm Quỳnh và nếu không chấp nhận lập trường chính trị thì vẫn có
thể chấp nhận công trình văn học” . Ông tuyên bố chỉ lấy Nam Phong – Phạm Quỳnh
làm một trường hợp để từ đó đặt ra vấn đề căn bản và bao quát là vấn đề giải thực
tinh thần (décolonisation mentale) trong khoa học nhân văn nói chung, trong văn
học nói riêng, bởi vì “Vấn đề quan điểm trong khoa học nhân văn, xét trong hoàn
cảnh một nước cựu thuộc địa, hay vẫn còn là thuộc địa, mật thiết liên hệ đến vấn
đề thống trị văn hóa và hậu quả của nó là một tình trạng nô lệ tinh thần đưa đến
một tinh thần nô lệ đặc biệt trầm trọng trong giới trí thức bản xứ” (Sđd,
tr.7). Theo định hướng như thế, Nguyễn Văn Trung trong hai tập biên khảo của
mình đã tập trung giải quyết bốn vấn đề chính:
- Nam
Phong là tạp chí chính trị về văn học. “Nguồn gốc xuất xứ của Nam Phong: Bộ
tuyên truyền Pháp quốc hải ngoại; kẻ chủ trương: Toàn quyền Đông dương và phòng
nhì phủ Toàn quyền; Chủ đích: Thực hiện một chính sách thực dân bằng sách báo
nhằm tranh thủ giới trí thức chấp nhận chế độ bảo hộ bằng những chiêu bài bịp bợm”
(Sđd, tr.280-281).
- Không thể
tách con người chính trị ra khỏi con người văn học ở Phạm Quỳnh. “Nói cách
khác, phải phê phán ý nghĩa giá trị công trình biên khảo của Phạm Quỳnh trên cơ
sở sự thống nhất giữa chủ đích chính trị và nội dung văn học. Nếu phải kết án
Phạm Quỳnh thì… kết án Phạm Quỳnh thời làm báo vì lúc đó Phạm Quỳnh có khả năng
mê hoặc, lừa bịp một số người, và sở dĩ mê hoặc, lừa bịp được là vì Phạm Quỳnh
làm chính trị bằng văn hóa núp dưới danh nghĩa một người viết báo, nhà trí thức,
nhưng thực ra là một cán bộ chiến tranh chính trị của phòng nhì phủ Toàn quyền”
(Sđd, tr.288).
- Không thể
tìm hiểu Phạm Quỳnh theo quan điểm Phạm Quỳnh bởi vì Phạm Quỳnh có thái độ ngụy
tín (attitude de mauvaise foi) thành thực tin mình yêu nước, cứu nước bằng cách
làm tay sai cho Pháp. “Không kể thái độ ngụy tín, Phạm Quỳnh còn thái độ tự
cao, tự kiêu, khinh bỉ mọi người! Đó là điểm người đương thời không khoan dung
với Phạm Quỳnh như với Nguyễn Văn Vĩnh” (Sđd, tr.292).
- Có thể về
khách quan Nam Phong và Phạm Quỳnh vẫn có công đối với văn học chăng, dù thực sự
Nam Phong là công cụ chính trị về văn hóa của Pháp và Phạm Quỳnh là tay sai văn
hoá của thực dân? Muốn biết thì phải có một công trình khảo sát khoa học về tờ
tạp chí này và người chủ bút của nó để xem nó có tội hay là khả dĩ có để lại một
số thành quả tích cực nào đó. “Trong trường hợp thứ hai, thái độ của chúng ta
là phải tiếp thu những thành quả đó như những thành quả ngoài ý muốn của thực
dân và do đó không thể đề cao Nam Phong vì đề cao là vô tình nói theo luận điệu
thực dân, vì chỉ thực dân mới đề cao những công trình thuộc địa của họ” (Sdd,
tr.294, nhấn mạnh của tôi – P.X.N).
Hai tập
sách của Nguyễn Văn Trung được viết ra vào thời điểm đấu tranh cho sự hòa hợp,
hòa giải dân tộc theo tinh thần Hiệp định Paris về Việt Nam (1973). Dễ hiểu là
chúng đã được viết với một tính khuynh hướng xác định về chính trị và tư tưởng.
Cho nên mặc dù đây là những chuyên luận đầu tiên nghiên cứu về Nam Phong và Phạm
Quỳnh nhưng chưa thực sự đi sâu nghiên cứu đối tượng như nó cần phải được
nghiên cứu. Nói cách khác Nguyễn Văn Trung, như chính ông đã tuyên bố, chỉ lấy
Nam Phong – Phạm Quỳnh làm một trường hợp, một cái cớ để bàn về một vấn đề
phương pháp luận lớn rộng hơn. Vô tình ông đã rơi vào lối diễn dịch máy móc,
khiến cho đọc xong hai tập sách thấy có những phần khả thủ, nhưng không tránh
khỏi cảm giác bị gò ép, khiên cưỡng. Mà đã như thế thì cái việc giải thực tinh
thần mà ông chủ trương là rất cần thiết quan trọng sẽ bị hạn chế kết quả, nếu
như không nói là sẽ bị rơi vào một cực đoan khác khi tránh cực đoan này. Ông viết:
“Bối cảnh lịch sử của văn học Việt Nam thời Pháp thuộc là một trận tuyến tranh
đấu chính trị trên bình diện văn hóa giữa ta và địch” – đúng. “Vậy phải tìm hiểu
đường lối mỗi phe, mỗi giai đoạn và nhất là vạch mặt những thủ đoạn dành dật
công cụ; tranh thủ chính nghĩa của đối phương về phía mình để biến chúng thành
những chiêu bài lừa bịp” (nhấn mạnh của Nguyễn Văn Trung) – đúng. “Do đó điều
quan trọng cốt yếu không phải là nói gì nhưng là ai nói và nhằm mục đích gì” –
điều này thì không đúng hẳn. Ở đây Nguyễn Văn Trung gặp lại Đặng Thai Mai ở
phép suy ba đoạn đã nói trên. Phạm Quỳnh là ai, viết báo làm văn vì mục đích gì
thì từ trước đến nay mọi người đã khá thống nhất hiểu rõ, nhưng để đánh giá Phạm
Quỳnh mà chỉ dừng lại đó thôi, không tìm hiểu những bài văn, bài báo của ông ta
nội dung thế nào, trình bày ra sao, tiến bộ khoa học hay lạc hậu bảo thủ, thậm
chí dựa vào hai cái trước để quy kết suy ra cái sau, thì thật chưa phải là biện
chứng mác xít."
Nguyễn Văn
trung "gặp" Đặng Thai Mai trong sự đánh giá Phạm Quỳnh như thế nào,
đây là đoạn tôi đã dẫn về Đặng Thai Mai:
"
Nhưng ý kiến của Đặng Thai Mai đánh giá về Phạm Quỳnh tập trung nhất là ở bài
khái luận trong sách "Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX
(1900-1925)" do ông biên soạn. Phải nói ngay rằng bài đó là một công trình
nghiên cứu công phu kỹ lưỡng, có nhiều giá trị, về diễn tiến chính trị – tư tưởng
– văn hoá, văn học của cả giai đoạn lịch sử giao thời đầu thế kỷ rất quan trọng
đối với nền văn học Việt Nam hiện đại. Các hiện tượng văn học giai đoạn này đều
được khảo sát và xét đoán trong hệ thống “đặc điểm và quá trình phát triển của
văn thơ cách mạng” Việt Nam hồi đó. Phạm Quỳnh và Nam Phong được bàn đến trong
chương VI của bài khái luận là chương nói về Văn học Việt nam theo đường lối của
chủ nghĩa thực dân. Phân tích sự chuyển hướng đường lối văn hoá của đế quốc thống
trị khi cho Phạm Quỳnh “phất phẩy cái quạt Nam Phong”, Đặng Thai Mai viết: “Tờ
tạp chí hàng tháng này là một công cụ hết sức tốt của chủ nghĩa thực dân trong
mười mấy năm ròng rã. <…>. Mácti, tên trùm mật thám Đông Dương hồi đó, đã
trao đủ bửu bối cho Phạm Quỳnh. Cửa hàng sẵn có cả một bảng kê thức ăn khá đầy
đủ. Tên đầu bếp chỉ cần áng theo đó mà xào nấu những đĩa tạp-pí-lù để cung cấp
cho bạn hàng” . Nhận thức một cách dứt khoát rằng “lập trường tư tưởng của Phạm
Quỳnh như vậy, thì ý kiến của y nhất định cũng chỉ có thể là nguy hại cho tinh
thần” (Tôi nhấn mạnh – PXN), Đặng Thai Mai nêu lên nhận định tổng quát về Phạm
Quỳnh như sau: “Ông chủ bút Nam Phong, nói cho cùng, chỉ là một ông tham biện của
tòa Liêm phóng, đủ tư cách để chiếu theo mặt hàng mà quảng cáo cho chính sách
thực dân, và truyền bá phần lạc hậu nhất (kể cả chính kiến của Charles
Maurass!) trong tư tưởng nước Pháp. Phạm Quỳnh không phải là người ngu độn. Phạm
Quỳnh có thể nói là một người trí thức “thông minh” – nhưng y đã chọn một chỗ đứng
trong dơ bẩn. Do đó mà những tư tưởng của y cũng không thể sạch sẽ. Phạm Quỳnh
đã đọc khá nhiều sách, đã viết về rất nhiều vấn đề. Nhưng y chưa hề nghiên cứu
về một vấn đề gì. Và về mọi mặt, chỗ “độc đáo” của y là điểm lạc hậu của bọn học
giả phản động Pháp! Cảm tưởng cuối cùng của người đọc Nam Phong, nếu họ chịu
khó suy nghĩ, thì Phạm Quỳnh là một người đã đọc khá nhiều sách và đã đem học
thức ra bán rẻ cho bọn thống trị; là một nhà “học giả” có đủ chữ Hán và tiếng
Việt để bịp người Tây; và cũng có đủ chữ Tây để lòe người “An Nam” (Sđd, tr.124
-124).
Khi viết
bài này cũng như cả bây giờ khi ông vừa qua đời tại Canada (19/10/2022) tôi
chưa bao giờ được gặp mặt nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung. Nhưng tôi đã học được
nhiều điều trong các sách của ông. Ngay hôm nay tôi đã nhắc tới ông trong một
bình luận trên FaceBook khi đọc thấy ý kiến của nhà thơ Hoàng Hưng về chữ
"thức nhận": "Tôi lần đầu tiên đọc thấy hai chữ "thức nhận"
trong một cuốn sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung (R.I.P. ông). Ông phân
biệt "thức nhận" và "nhận thức". "Nhận thức" chỉ
quá trình, "thức nhận" là kết quả của quá trình đó. Tôi còn nhớ ông
chua tiếng Pháp chữ "thức nhận" là "pris de conscience".
Việc tôi
cãi ông là một thái độ học thuật. Ông không biết được việc này vì bài viết của
tôi từ 1992 thì mãi đến 2017 mới đăng ở một tạp chí địa phương ("Văn hoá
Nghệ An"). Nhưng tôi chắc nếu đọc được hay biết được ông hẳn sẽ vui vì có
người trẻ cãi lại các "nhận định" của mình. Và biết đâu ông sẽ trao đổi
lại.
Còn tôi
hôm nay nhắc lại việc này, dẫn lại đoạn viết này, đó là cách tưởng nhớ của một
kẻ hậu bối với bậc tiền bối trên hành trình truy cầu lịch sử và sự thật.
Tưởng nhớ
và biết ơn.
P.X.N
===================================================
.
Cáo
phó Giáo sư Nguyễn Văn Trung
25 Tháng Mười, 2022
.
Giáo
sư Nguyễn Văn Trung và tấm lưới lồng lộng
25 Tháng Mười, 2022
No comments:
Post a Comment