Tình
hình cạnh tranh vũ khí hạt nhân giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan
Sumit
Ganguly - Foreign Policy
Nguyễn Thị
Kim Phụng, biên dịch
Một bài viết gần đây đã phân tích tình hình cạnh
tranh hạt nhân ở châu Á và những tác động răn đe sâu rộng của nó.
Trong những
tuần gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã liên tục nhắc đến việc sử dụng
vũ khí hạt nhân khi quân đội của ông phải đối mặt với những thất bại đáng kể
trên chiến trường Ukraine. Chính sách bên miệng hố chiến tranh của Nga chắc chắn
có ảnh hưởng đến các cường quốc hạt nhân khác, kể cả những nước ở châu Á. Tại
đây, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan từ lâu đã vướng vào một cuộc cạnh tranh hạt
nhân ba bên, phát triển trong bối cảnh địa chính trị đầy biến động – trong đó
điều quan trọng nhất là sự trỗi dậy và quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trung Quốc,
Ấn Độ và Pakistan có lẽ đã bắt đầu so kè với nhau trong các chương trình hạt
nhân ngay từ những năm 1970, nhưng các cuộc thử nghiệm hạt nhân mang tính bước
ngoặt của New Delhi và Islamabad vào năm 1998 đã đưa cạnh tranh lên một tầm cao
mới. Bài viết gần đây của Ashley
J. Tellis, nghiên cứu viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, đã
trình bày chi tiết các bước phát triển trong chính sách hạt nhân của ba quốc
gia trong những thập niên sau đó. Tellis cho thấy cách mà cạnh tranh hạt nhân
đã gia tăng trong khu vực trong 10 năm qua, khi mỗi cường quốc hạt nhân đều hiện
đại hóa kho vũ khí của mình để có được những khả năng mới, bao gồm cả vũ khí hạt
nhân chiến thuật.
Những phát
triển này có tác động lan tỏa quan trọng đối với hệ thống quốc tế. Khác với Ấn
Độ và Pakistan, hai nước có chương trình hạt nhân chủ yếu tập trung vào khu vực,
Trung Quốc đang tìm cách nhắm vào các đối thủ trong khu vực lẫn các nước ở xa
hơn – cụ thể là Mỹ. Hơn nữa, cách tiếp cận bên miệng hố chiến tranh của Moscow
có thể khiến Bắc Kinh hoặc Islamabad – đều theo chủ nghĩa xét lại – sử dụng lập
luận đe dọa hạt nhân tương tự trong các cuộc khủng hoảng tương lai để tìm kiếm
lợi thế chiến lược.
Trung Quốc,
Ấn Độ và Pakistan lần lượt khởi động các chương trình vũ khí hạt nhân của họ ở
những thời điểm khác nhau trong Chiến tranh Lạnh. Dù các tài liệu nghiên cứu
chính sách đã không thừa nhận rộng rãi điều này, nhưng chương trình vũ khí hạt
nhân của Ấn Độ đã bắt đầu sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc tại La Bố
Bạc, Tân Cương, vào năm 1964. Hai năm trước đó, Ấn Độ tham gia vào cuộc chiến
thảm khốc kéo dài một tháng chống lại Trung Quốc ở đường biên giới chung giữa
hai bên. Thử nghiệm hạt nhân thành công của Bắc Kinh làm gia tăng lo ngại an
ninh ở New Delhi, và 10 năm sau đó, Ấn Độ đã tiến hành vụ thử hạt nhân của
chính mình. Phản ứng toàn cầu rất gay gắt và đã có lệnh trừng phạt được áp dụng.
Mỹ lên án vụ thử nghiệm và được hầu hết các đồng minh ủng hộ. Ấn Độ buộc phải tạm
hoãn chương trình phát triển hạt nhân cho đến cuối những năm 1980, phần lớn là
do nước này không thể chịu đựng các biện pháp trừng phạt bổ sung.
Tuy nhiên,
quan hệ hợp tác chiến lược ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Pakistan – cùng với
mối đe dọa tên lửa đạn đạo đang nổi lên tại Pakistan – đã khiến Ấn Độ thực hiện
thêm 5 vụ thử hạt nhân vào tháng 05/1998. Ngay sau đó, Pakistan cũng có 6 vụ thử
hạt nhân của riêng mình. Mỹ một lần nữa dẫn đầu các nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn
chặn các chương trình hạt nhân của Ấn Độ và Pakistan, nhưng cả hai nước đều
không tỏ thiện chí hợp tác. Cuối cùng, Washington miễn cưỡng chấp nhận tình trạng
hạt nhân trên thực tế của Ấn Độ và Pakistan. Năm 2008, Mỹ và Ấn Độ đã thiết lập
một hiệp định hạt nhân dân sự trong đó có các biện pháp bảo vệ an toàn đối với
chương trình hạt nhân của Ấn Độ.
Trái ngược
với suy nghĩ của nhiều người, chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan không bắt
đầu sau vụ thử hạt nhân năm 1974 của Ấn Độ, mà là sau Chiến tranh Giải phóng
Bangladesh năm 1971. Sau cuộc chiến, các nhà lãnh đạo chính trị của Pakistan kết
luận rằng chỉ có vũ khí hạt nhân mới có thể chống lại ưu thế vượt trội của Ấn Độ
về vũ khí thông thường. Vụ thử hạt nhân của Ấn Độ sau đó đã thúc đẩy các nỗ lực
của Islamabad nhằm có được vũ khí hạt nhân của riêng mình bằng bất cứ giá nào –
kể cả qua việc thành lập các công ty giả để ngụy tạo lý do thu mua các thành phần
hạt nhân, thậm chí lén lút mua công nghệ làm giàu hạt nhân.
Trong khi
đó, chương trình hạt nhân của Trung Quốc đã bắt đầu từ cái mà các học giả quan
hệ quốc tế gọi là khả năng răn đe hữu hạn – phụ thuộc vào một kho vũ khí hạt
nhân nhỏ – nhưng kể từ những năm 1990, Trung Quốc đã chuyển hướng phát triển một
kho vũ khí lớn hơn và phức tạp hơn. Một loạt các yếu tố đã góp phần vào sự thay
đổi này, bao gồm cả lo ngại về một cuộc tấn công áp chế (counterforce) từ người
Mỹ, được thiết kế để tiêu diệt năng lực hạt nhân của Trung Quốc. Trong Chiến
tranh Lạnh, Trung Quốc đã dựa vào mối quan hệ răn đe lẫn nhau giữa Mỹ và Liên
Xô để bảo vệ mình, nhưng ngày nay, Bắc Kinh đang phải cạnh tranh trực tiếp với Washington.
Dù Trung
Quốc đã mở rộng kho vũ khí hạt nhân, Ấn Độ vẫn chỉ thực hiện những nỗ lực khiêm
tốn để nâng cao năng lực của mình. Sự do dự này một phần xuất phát từ niềm tin
của Ấn Độ rằng vũ khí hạt nhân không phải là công cụ chiến đấu, và mục đích duy
nhất của chúng là răn đe. Trong nghiên cứu của mình, Tellis chỉ ra ba thành tố
chính trong học thuyết hạt nhân hiện tại của Ấn Độ: một biện pháp răn đe hạt
nhân đáng tin cậy, một cam kết đối với chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân
trước, và việc dựa vào chính sách trả đũa gấp bội (massive retaliation) nếu phải
đối mặt với mối đe dọa hạt nhân.
Học thuyết
này có ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, Ấn Độ đang giữ đầu đạn hạt nhân tách biệt
khỏi tên lửa và đặt chúng dưới sự kiểm soát dân sự, một phần vì họ không sợ gặp
phải tấn công bất ngờ. Thứ hai, Ấn Độ sẽ trì hoãn việc trả đũa tùy thuộc vào phạm
vi và mức độ của cuộc tấn công nhắm vào đất Ấn. Thành tố cuối cùng trong học
thuyết của nước này nhấn mạnh đến sự trừng phạt, nhưng liệu Ấn Độ có thể thực
hiện được đòn trả đũa gấp bội mà không cần mở rộng kho vũ khí hiện tại hay
không vẫn là một câu hỏi được bỏ ngỏ.
Tellis đã
chứng minh rằng kho vũ khí hạt nhân của Ấn Độ phát triển chậm hơn nhiều so với
của Trung Quốc. Một phần lý do xuất phát từ số lượng hạn chế các vụ thử hạt
nhân mà Ấn Độ đã tiến hành, dù họ đã tìm cách theo đuổi vũ khí nhiệt hạch trên
cơ sở mô phỏng máy tính – về cơ bản là tiến hành thử nghiệm hạt nhân trong
phòng thí nghiệm. Tellis tỏ ý hoài nghi về độ tin cậy của những thiết kế này, nếu
không có chế độ thử nghiệm kỹ càng hơn. Đã năm thập niên trôi qua kể từ vụ thử
hạt nhân đầu tiên, quyền chỉ huy các lực lượng hạt nhân và vũ khí hạt nhân của Ấn
Độ vẫn thuộc về các quan chức dân sự, và giới lãnh đạo chính trị nước này vẫn
không có ý định trao quyền phóng vũ khí hạt nhân cho quân đội. Cuối cùng, Ấn Độ
đã không tích hợp vũ khí hạt nhân vào chiến lược chiến tranh thông thường của
mình – một sự tương phản rõ rệt với các nước khác trong khu vực.
Trong khi
đó, Pakistan đã theo đuổi một cách tiếp cận rất khác đối với chương trình vũ
khí hạt nhân của mình, đầu tư vào cả vũ khí hạt nhân chiến thuật và tầm xa.
Khác với Trung Quốc hay Ấn Độ, học thuyết hạt nhân của Pakistan hướng tới sự sống
còn của đất nước, bắt nguồn từ việc Pakistan yếu thế về quân sự so với đối thủ
lớn là Ấn Độ. Islamabad coi vũ khí hạt nhân là một cách để ngăn chặn mối đe dọa
đối với an ninh quốc gia từ New Delhi. Hiện tại, học thuyết hạt nhân của
Pakistan được thiết kế để gây ra “thiệt hại không thể chấp nhận được” cho kẻ
thù, và cũng bao gồm việc nhắm mục tiêu vào các trung tâm dân cư của Ấn Độ, đồng
thời kêu gọi chấm dứt nhanh chóng bất kỳ cuộc xung đột hạt nhân nào bằng cách
gây ra thiệt hại tối đa.
Học thuyết
hạt nhân của Pakistan đang thay đổi, vì nước này đang ngày càng tích hợp các lực
lượng hạt nhân và thông thường. Họ cũng đã đạt được những khả năng để có thể đối
phó với Ấn Độ ở mọi nấc leo thang, trong trường hợp khủng hoảng xảy ra. Để đạt
được mục tiêu đó, Pakistan cuối cùng sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật
để ngăn chặn một cuộc tấn công thông thường của Ấn Độ tiến vào lãnh thổ
Pakistan. Sự thay đổi trong học thuyết của Islamabad về cơ bản có nghĩa là họ
có thể trở thành người đầu tiên khơi mào xung đột hạt nhân trong khu vực – rằng
họ sẵn sàng tấn công trước.
Cuối cùng,
kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc vượt xa so với của Ấn Độ và Pakistan – điều
này là dễ hiểu, xét đến vị thế siêu cường của nước này. Rốt cuộc thì, phạm vi,
tầm bắn và sự đa dạng của vũ khí hạt nhân Trung Quốc được thiết kế để tập trung
vào đối thủ chính của họ: Mỹ. Năng lực và học thuyết hạt nhân của Pakistan chủ
yếu tập trung vào việc ngăn chặn một cuộc tấn công thông thường của Ấn Độ. Ấn Độ
– đối mặt với hai đối thủ trang bị vũ khí hạt nhân – hy vọng sẽ ngăn chặn chủ
nghĩa phiêu lưu của Pakistan, đồng thời xây dựng lực lượng hạt nhân có thể chống
chọi và trả đũa đòn tấn công đầu tiên từ Trung Quốc.
Về phần
mình, Tellis đã đưa ra một đề xuất chính sách thú vị. Ông lập luận rằng Mỹ, quốc
gia đã giúp hợp pháp hóa vũ khí hạt nhân của Ấn Độ thông qua hiệp định hạt nhân
dân sự Mỹ-Ấn, nên coi kho vũ khí của New Delhi là nhằm hỗ trợ lợi ích an ninh của
Washington ở châu Á. Cả Ấn Độ và Mỹ đều phải đối mặt với mối đe dọa từ Trung Quốc
đang ngày càng hung hăng. Nhờ quan hệ đối tác chiến lược của họ, kho vũ khí hạt
nhân của Ấn Độ có thể được ví như kho vũ khí của Pháp trong Chiến tranh Lạnh:
Dù không có khả năng tự mình giải quyết mối đe dọa từ Liên Xô, nhưng Pháp vẫn
đóng góp vào khả năng răn đe hạt nhân ở châu Âu, bên cạnh khả năng hạt nhân của
Mỹ và NATO.
Khả năng
răn đe hạt nhân hạn chế của Ấn Độ có thể đóng vai trò như một sự bổ sung hữu
ích cho các khả năng mà Mỹ đang triển khai chống lại Trung Quốc. Điều này càng
có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Trung
Quốc và Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ấn Độ thường xuyên phản
đối việc quân sự hóa Đối thoại An ninh Bốn bên (Quad) giữa Australia, Ấn Độ, Nhật
Bản và Mỹ vì lo ngại sẽ kích động một Trung Quốc vốn đã thù địch – nhưng không
nghi ngờ gì, hợp tác an ninh Mỹ-Ấn đã được tăng cường nhờ Quad. Trước thách thức
an ninh lâu dài từ Trung Quốc, kho vũ khí hạt nhân của Ấn Độ có thể ngầm phục vụ
cho việc tăng cường khả năng răn đe của Mỹ trong khu vực.
--------------------------
Sumit
Ganguly là một chuyên gia bình luận của Foreign Policy và là nghiên cứu viên
khách mời tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford. Ông là giáo sư về khoa học
chính trị và giám đốc về văn hóa và văn minh Ấn Độ tại Đại học Indiana
Bloomington.
Nguồn: Sumit Ganguly, “What
Would Brinkmanship Look Like in the Indo-Pacific?,” Foreign Policy,
10/10/2022
No comments:
Post a Comment