Sunday, 23 October 2022

TẬP LÀM ĐAI HỘI ĐẢNG : DẤU HIỆU NÀO VIỆT NAM NÊN LO NGẠI? (Nguyễn Lương Hải Khôi)

 



Tập làm đại hội Đảng: Dấu hiệu nào Việt Nam nên lo ngại?

Nguyễn Lương Hải Khôi

GSI, University of Oregon

23/10/2022

https://baotiengdan.com/2022/10/23/tap-lam-dai-hoi-dang-dau-hieu-nao-viet-nam-nen-lo-ngai/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/10/1-11-696x415.png

Tập Cận Bình. Biếm họa của © Joe Cummings

 

Đại hội của Đảng Cộng sản có 2 vấn đề cần theo dõi: Nhân sự và chính sách. Một ông Tập sắp xếp nhân sự và bộ máy sao cho có quyền lực bao trùm không bị kiểm soát ngay trong đảng của mình, đồng thời cam kết ngay trong bài phát biểu khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 20 là sẽ đánh thắng trong một cuộc chiến ở tầm “khu vực”, không phải là mối đe dọa cho Đài Loan nhưng là có thể là dấu hiệu không ổn cho những nước lân bang có vị trí địa chiến lược như Việt Nam.

 

1.- Những nhân vật được Tập chọn 

 

Hôm nay 22/10, có 205 Ủy viên Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 đã được chọn. Trong đó có những nhân vật đáng chú ý, có thể được Tập chọn vào Bộ Chính trị. Xét từ tư duy chính trị của Tập, có thể chia những nhân vật này thành 2 nhóm:

 

– Những người chỉ còn đủ tuổi cho một nhiệm kỳ: Vương Mông (Wang Yi, 69 tuổi), Vương Hỗ Ninh (Wang Huning, 67 tuổi), Thái Kỳ (Cai Qi, 67 tuổi), Lý Hi (Li Xi, 66 tuổ), Triệu Lạc Tế (Zhao Leji, 65 tuổi), Hà Lập Phong (He Lifeng, 67 tuổi), Lý Cường (Li Qiang, 63 tuổi), Ứng Dũng (Yin Yong, 64 tuổi), Hoàng Khôn Minh (Huang Kunming, 66 tuổi), Lý Hồng Trung (66 tuổi) v.v…

 

– Những người còn đủ tuổi ở lại sau 2027: Trần Mẫn Nhĩ (Chen Min’er, 62 tuổi), Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang, 60 tuổi), Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua, 59 tuổi), Yi Huiman (Dịch Hội Mãn, 57 tuổi), Lý Cường (63 tuổi) v.v…

 

Nếu Tập chọn những người chỉ đủ tuổi thêm 1 nhiệm kỳ nữa, ông sẽ ngăn chặn dứt khoát cơ hội vào Ban Thường vụ của các nhà lãnh đạo trẻ, đủ tuổi để tiếp tục ở lại sau 2027. Những người như Trần Mẫn Nhĩ, Lý Cường chỉ đủ tuổi cho một nhiệm kỳ kế tiếp, họ vẫn còn cơ may ở lại sau 2027 nếu được Tập tin tưởng và xoay sở tốt.

 

Nếu căn cứ vào tư duy quyền lực của ông Tập, người ta thấy có khả năng cao là những người cao tuổi sẽ được Tập chọn. Họ không chỉ cao tuổi, đủ để không trở thành đối thủ của ông Tập ở nhiệm kỳ thứ 4 mà trong số đó, những người như Thái Kỳ, Hoàng Khôn Minh, Lý Cường là những người có quan hệ trực tiếp với Tập về mặt quyền lực trong quá khứ.

 

Những người chỉ có 1 nhiệm kỳ, không đủ thời gian xây dựng thế và lực, sẽ phải ra đi sau năm 2027. Sau 2027, Tập sẽ lại chọn người mới, những người này cũng sẽ chỉ còn đủ tuổi cho một nhiệm kỳ.

 

Với cách tổ chức bộ máy cai trị như vậy, Tập Cận Bình ngăn ngừa khả năng xuất hiện đối thủ trong bộ máy chính quyền có khả năng đủ mạnh để thách thức ông.

 

2. Những nhân vật bị Tập loại bỏ: Tập chuẩn bị làm lãnh đạo suốt đời từ khi nào

 

Có những nhân vật nổi bật, nhiều kinh nghiệm điều hành kinh tế, còn đủ tuổi, nhưng đã bị loại khỏi danh sách 205 ủy viên trung ương này: Thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang, 67 tuổi), Chủ tịch Chính Hiệp Uông Dương (Wang Yang, 67 tuổi), Phó thủ tướng Hàn Chính (Han Zheng, 67 tuổi), chủ tịch của Ủy ban Điều hành Ngân hàng Trung Quốc Quách Thụ Thanh (Guo Shuqing, 66 tuổi), Thống đốc Ngân hàng Dịch Dương (Yi Gang, 64 tuổi).

 

Việc loại bỏ những nhân vật có kinh nghiệm kinh tế tài chính cho thấy, việc thách đấu Hoa Kỳ về kinh tế không hẳn là ưu tiên của ông Tập trong mấy năm tới, dù ông này luôn khẳng định mục tiêu phát triển.

 

Trong số những nhân vật bị ông Tập loại bỏ, đáng chú ý nhất là Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ San. Cách Tập Cận Bình điều động quân cờ Vương Kỳ San trên bàn cờ cho thấy không phải đợi đến 2018 khi bỏ quy định giới hạn nhiệm kỳ khỏi hiến pháp nước này, mà ngay từ 2012, khi mới năm quyền, ông Tập đã chuẩn bị cho việc làm lãnh tụ suốt đời: chọn quân cờ đưa vào vị trí Phó chủ tịch nước.

 

Dư luận quốc tế ít nói đến một hiện tượng là Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ San đã không xuất hiện ở Đại hội Đảng từ khi Đại hội khai mạc hôm 16/10. Như vậy dấu hiệu ông Vương từ giã chính trường vào mùa xuân năm 2023, khi nhiệm kỳ hết hạn, đã rõ ràng ngay từ đầu.

 

Có thể ông Vương vắng mặt trong Đại hội Đảng vì lý do cách ly Covid-19, do ông vừa đi dự hội nghị quốc tế ở Kazakhstan ngày 12 và 13/10. Trung Quốc yêu cầu cách ly 10 ngày khi từ nước ngoài về. Như vậy, cho đến khi Đại hội kết thúc (ngày 22/10) có thể ông Vương sẽ không dự đại hội này được.

 

Vấn đề là tại sao người ta bố trí cho Phó Chủ tịch nước Trung Quốc đi dự một hội nghị quốc tế bình thường ở Kazakhstan, khiến ông không thể tham dự một Đại hội quan trọng nhất Trung Quốc, 5 năm mới có một lần, lựa chọn bộ máy nhân sự chủ chốt của đất nước?

 

Theo tập quán của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ thời Giang Trạch Dân, người ở vị trí Phó Chủ tịch và nằm trong Ban Thường vụ 7 nhân vật cao nhất sẽ là người kế nhiệm vị trí lãnh đạo tối cao trong tương lai. Giang Trạch Dân cho Vịnh Nghị Nhân (Rong Yiren) làm phó chủ tịch ở nhiệm kỳ đầu tiên nhưng thay bằng Hồ Cầm Đào ở nhiệm kỳ thứ 2 để chuẩn bị cho Hồ Cầm Đào kế nhiệm. Hồ Cẩm Đào cho Tăng Khánh Hồng làm phó chủ tịch ở nhiệm kỳ đầu tiên nhưng thay bằng Tập Cận Bình ở nhiệm kỳ thứ 2 để ông Tập kế nhiệm. Để chuẩn bị làm người kế nhiệm, vị phó chủ tịch sẽ được vào nhóm Ban Thường vụ 7 nhân vật đứng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời được chọn khi còn đủ tuổi.

 

Nhưng khi Tập Cận Bình nắm quyền, ở nhiệm kỳ đầu tiên, ông chọn Lý Nguyên Triều làm phó nhưng lúc này ông Triều đã lớn tuổi, chỉ vừa đủ làm hết một nhiệm kỳ là tới tuổi 67. Đồng thời, ông Triều cũng không được đưa vào nhóm 7 nhân vật quyền lực nhất của đảng. Ở nhiệm kỳ đó, ông Vương Kỳ San được bổ nhiệm vị trí Bí thư Ủy ban Kiểm tra Trung ương, không phải là Phó chủ tịch nước, nhưng được nằm trong Ban Thường vụ 7 nhân vật cao nhất. Ở nhiệm kỳ thứ 2, ông Tập di chuyển quân cờ Vương Kỳ San vào vị trí Phó Chủ tịch nước nhưng lại loại ông khỏi nhóm 7 nhân vật cao nhất, và đến 2022 thì ông đã 74 tuổi. Như vậy, có khả năng ý đồ làm tiếp nhiệm kỳ 3 của Tập đã hình thành ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên, thể hiện trong cách ông ta xử lý vị trí người kế nhiệm: không có ai kế nhiệm cả.

Dấu hiệu ông Vương bị loại khỏi chính trường đã xuất hiện trước đó. Hàng loạt người thân tín của ông Vương bị loại bỏ khiến ông không còn thế lực gì. Đổng Hoành (Dong Hong) là cấp phó của ông Vương Kỳ San, giúp Vương thực hiện chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”.

 

Theo Tân Hoa Xã đưa tin, hồi tháng 1 năm nay, ông Đổng bị tử hình với tội tham nhũng. Năm ngoái, ông Tập cho bắt một doanh nhân thân cận với ông Vương là Trần Phong (Chen Feng), chủ tịch đồng sáng lập HNA Group ở Hải Nam, nơi ông Vương từng là Bí thư Đảng. Vào đầu năm, cháu rể của ông Vương là Diêu Khương (Yao Qing), cũng là cháu ruột của cựu Phó thủ tướng Diêu Ỷ Lâm (Yao Yilin), bị bắt với cáo buộc liên quan đến Trần Phong. Sau vài tháng, Diêu Khương được thả. Vào ngày 7 tháng 10, trước Đại hội hơn một tuần, Điền Huệ Vũ (Tian Huiyu), từng là bí thư của ông Vương và là một trong những lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, bị khai trừ Đảng tịch vì bị nghi ngờ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.

 

Ông Vương Kỳ San là người chỉ huy chiến dịch đả hổ diệt ruồi cho ông Tập ở nhiệm kỳ đầu tiên. Chiến dịch đả hổ diệt ruồi do ông Vương chỉ huy trong những năm tháng đó đã góp phần lớn đẩy nhanh việc ông Tập củng cố quyền lực. Tốc độ củng cố quyền lực nhanh chóng của ông Tập là điều cả thế giới theo dõi một cách tò mò.

 

Ông Vương là bạn ông Tập từ thời trẻ. Nhưng trong chính trị, ông Tập coi ông bạn thời trẻ này chỉ thuần túy là một quân cờ: nhiệm kỳ đầu giao cho đả hổ diệt ruồi, uy thế vô song, nhiệm kỳ hai triệt hạ sau khi xong việc.

 

3. Loại bỏ đối thủ ngay cả khi chưa xuất hiện: nắm cả súng và dao  

 

Mao Trạch Đông từng nói “chính quyền trên đầu ngọn súng”. Ông Tập không chỉ nắm súng mà còn nắm cả dao. Từ cuối nhiệm kỳ đầu tiên sang đầu nhiệm kỳ thứ hai, ông Tập đã tổ chức lại bộ máy nhà nước, làm cho trong bộ máy chính quyền không thể xuất hiện những nhân vật có đủ thế và lực có khả năng thách thức quyền lực của ông.

 

Đối với quân đội, ông cắt hết quyền lực của Bộ Quốc phòng, đưa quyền chỉ huy quân đội về tay Quân ủy Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bản thân ông cũng làm Chủ tịch Quân ủy. Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ huy các lực lượng tác chiến.

 

Các tướng lĩnh quân đội giờ đây không còn thăng tiến trong hệ thống thông qua các mối quan hệ trên dưới trong nội bộ quân đội mà phải chịu sự quản lý trực tiếp từ quân ủy.

 

Như vậy trong quân đội, người nắm các vị trí Bộ trưởng Quốc phòng và các cơ quan trực thuộc quan trọng nhất như Bộ Tổng Tham mưu, Tình báo, Hậu cần… không còn cơ hội xây dựng thế và lực riêng cho mình nữa. Họ không còn khả năng trở thành những mối lo tiềm tàng trong tương lai của ông Tập.

 

Ông Tập cũng làm như vậy với Bộ Công an. Bộ này không còn thực quyền vì lực lượng công an cũng trực thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương. Cả lực lượng cảnh sát biển vốn thường xuyên xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của Việt Nam, Malaysia, Philippines và Nhật Bản mấy năm qua cũng do Quân ủy Trung ương chỉ huy trực tiếp.

 

Để nắm quân đội thêm phần vững chắc, từ 2016 ông là Tổng Tư lệnh Trung tâm Chỉ huy Tác chiến Liên hợp của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA). Với cách nắm quyền thế này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc không còn thực quyền.

 

Như vậy không còn ai có thể xây dựng thế và lực cho riêng mình thông qua khai thác lợi thế của vị trí trung gian giữa lãnh đạo tối cao và lực lượng vũ trang nữa.

 

Không chỉ với lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cảnh sát biển), ông Tập cũng “cải cách” các bộ quản lý kinh tế, ngoại giao theo cách tương tự. Ông Tập kiêm nhiệm thêm vị trí chủ tịch của các ủy ban sau đây của trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

 

·         Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, trực tiếp quyết định các vấn đề đối ngoại thay cho Bộ Ngoại giao.

·         Ủy ban Kiểm toán Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, trực tiếp kiểm toán các vấn đề tài chính.

·         Tổ lãnh đạo các vấn đề Đài Loan.

·         Ủy ban Kinh tế Tài chính Trung ương

·         Ủy ban Trung ương về Công nghệ Thông tin và An ninh mạng

·         Ủy ban Chỉ đạo Trung ương về Cải cách quân sự

·         Ủy ban Trung ương chỉ đạo phát triển Quân Dân dung hợp

·         Ủy ban Trung ương chỉ đạo toàn diện về luật pháp

 

Một số đời tổng bí thư trước cũng kiêm nhiệm một vài ủy ban có tính biểu tượng (như Ủy ban về Đài Loan) nhưng chưa từng có ai kiêm nhiệm toàn diện hầu hết các ủy ban ở hầu hết các lĩnh vực chủ chốt như Tập Cận Bình. Quan trọng hơn cả là những cơ quan trực thuộc đảng như vậy giờ đây đã trực tiếp lãnh đạo các vấn đề chuyên môn, thay vì chỉ lãnh đạo về mặt “lập trường”, “quan điểm” như trước. Trước Tập Cận Bình, đây là việc của bên chính phủ.

 

4. Việt Nam nên lo lắng: Tập Cận Bình sẽ không đánh Đài Loan trong tương lai gần

 

Truyền thông quốc tế có vẻ nói nhiều về việc Tập Cận Bình tuyên bố đánh Đài Loan. Thực ra câu nói của Tập bị cắt ra khỏi ngữ cảnh. Toàn bộ đoạn văn trong đó có câu “không hứa là sẽ từ bỏ biện pháp vũ lực” là đoạn văn kêu gọi thống nhất trong hòa bình, đề cao giải pháp “một đất nước hai chế độ”. Còn cụm từ “không hứa là sẽ từ bỏ biện pháp vũ lực” chỉ là một chi tiết phụ, có tính chất lên gân khi phải thể hiện quan điểm mềm dẻo, tỏ ra mình không yếu đuối.

 

Xét về chiến lược, sau cuộc chiến đại bại của Putin ở Ukraine, việc Trung Quốc mạo hiểm đánh Đài Loan khó có thể trở thành vấn đề trên bàn nghị sự của lãnh đạo Trung Quốc.

 

Trung Quốc không chọn Đài Loan thì nó sẽ phải chọn nơi khác làm chiến trường. Đây là điều Việt Nam và các nước ASEAN khác nên lo lắng.

 

Trong báo cáo của mình, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng của Quân đội để “đảm bảo nòng súng luôn tuân theo mệnh lệnh của Đảng”, tăng cường toàn diện huấn luyện và chuẩn bị chiến tranh, đẩy nhanh phát triển lực lượng tác chiến thông minh không người lái, phối hợp xây dựng và ứng dụng hệ thống thông tin mạng, xây dựng quân đội công nghệ cao để “giành thắng lợi trong chiến tranh cục bộ”.

 

Khái niệm “cục bộ chiến tranh” trong văn cảnh này chỉ một cuộc chiến tranh ở tầm khu vực, không lây lan thành vấn đề quốc tế.

 

– Một cuộc chiến nhỏ ở “tầm khu vực” là một cuộc chiến như thế nào? Đánh Đài Loan thì có phải là một cuộc chiến tầm khu vực hay không? Không. Đánh Đài Loan thì đối đầu trực diện với Mỹ và Nhật Bản.

 

Trong suốt 30 năm qua, Đài Loan tìm sinh lộ cho mình bằng cách theo đuổi chiến lược làm cho xứ sở của mình trở thành một vấn đề toàn cầu, trên tất cả các lĩnh vực, trong đó quan trọng nhất là trở thành nhà sản xuất chip điện tử mà tất cả các bên đều cần đến. Đánh Đài Loan thì cuộc chiến đó thành cuộc chiến quốc tế, không còn là cuộc chiến ở tầm khu vực.

 

– Nếu đánh nốt quần đảo Trường Sa nơi Việt Nam, Đài Loan, Philippines đang đóng quân thì sao? Đây sẽ chỉ là một cuộc chiến ở tầm khu vực, dù sự kiện này sẽ ồn ào trên truyền thông toàn cầu một thời gian.

 

Liệu ông Tập có đủ ảnh hưởng trong Đảng để ra quyết định phiêu lưu một cuộc chiến nhỏ ở “tầm khu vực” hay không? Nhìn cách sắp xếp nhân sự của Tập điểm qua ở trên, câu trả lời là có.

 

Trước thực tế là Đài Loan sẽ khó có thể bị chọn làm con mồi trong tương lai gần, lựa chọn chiến lược của các nước ASEAN như Thái Lan, Singapore là tìm cách đẩy ai đó ra chiến tuyến làm “người lính đi đầu”, còn mình dò đá qua sông, lựa gió bẻ măng mà hưởng lợi. Xét về lợi ích chiến lược quốc gia, ai trong số họ cũng sẽ muốn né khỏi cuộc chiến tiềm năng đó, đẩy Việt Nam ra đứng mũi chịu sào.

 

Việt Nam đương nhiên không muốn trở thành chiến địa cho Trung Quốc đấu với Mỹ. Thế kỷ 20 đã quá đủ. Nhưng để né tránh khả năng bị Trung Quốc chọn làm chiến địa, một nước ở vị trí địa chiến lược như Việt Nam chỉ còn cách phú quốc cường binh như cách Đài Loan đã làm.

 

Những phân tích như trên chỉ là “phân tích”. Mọi tiên đoán đều có thể quá sớm. Dẫu sao Việt Nam nên chuẩn bị theo phương châm mà người phương Tây hay nói, “Expect the best. Prepare for the worst”. (Hy vọng về những điều tốt đẹp nhất nhưng chuẩn bị cho những khả năng tồi tệ nhất”.)

 

Nguyễn Lương Hải Khôi

Global Studies Institute, University of Oregon 

Managing Editor, US-Vietnam Review: https://usvietnam.uoregon.edu

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats