Monday 24 October 2022

SỰ CHỌN LỰA CỦA DÂN TỘC TRONG THẾ KỶ 21 : ĐỘC TÀI và BẠO LỰC BÊN NÀY, DÂN CHỦ và ĐỒNG THUẬN BÊN KIA (Đào Tăng Dực)

 



Sự chọn lựa của dân tộc trong thế kỷ 21: Độc tài và bạo lực bên này, dân chủ và sự đồng thuận bên kia

Đào Tăng Dực

24/10/2022

https://baotiengdan.com/2022/10/24/su-chon-lua-cua-dan-toc-trong-the-ky-21-doc-tai-va-bao-luc-ben-nay-dan-chu-va-su-dong-thuan-ben-kia/

 

Một cách tổng quát, bản chất của độc tài là bạo lực và bản chất của dân chủ là sự đồng thuận.

 

1.- Trong phạm vi của một quốc gia như Việt Nam, vụ đồng Tâm là tiêu biểu nhất cho độc tài và bạo lực

 

Thật vậy, theo Wikipedia, tại Việt Nam “Vào khoảng 3 giờ sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020, khoảng 3.000 cảnh sát cơ động và các lực lượng tại địa phương bắt đầu bao vây và tấn công xã Đồng Tâm. Chính quyền tổ chức cuộc bao vây, tấn công mà không có thông báo trước. Theo truyền thông độc lập và blogger, phía công an đã cắt mạng internet và cắt sóng điện thoại trước, sau đó ồ ạt tiến vào làng với súng ống, hơi cay và lựu đạn, chất nổ. Cuối cùng, công an xông vào nhà riêng của ông Lê Đình Kình và bắn chết ông tại buồng ngủ. Trong cuộc tấn công, phía chính quyền có ba người thiệt mạng”.

 

Chưa hết, trong tương quan giữa chính quyền và những công dân cá thể tại Đồng Tâm, thì cũng theo Wikipedia “Chiều 14/9, Hội đồng Xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án tử hình Lê Đình Công và Lê Đình Chức (hai con trai cụ Lê Đình Kình) về tội giết người với cáo buộc họ “chủ mưu, cầm đầu vụ giết người”. Cùng tội danh trên, tòa tuyên Lê Đình Doanh (cháu nội cụ Lê Đình Kình) án chung thân. Bị cáo Bùi Viết Hiểu lĩnh 16 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù, Nguyễn Văn Tuyển 12 năm tù. 23 bị cáo còn lại lĩnh các mức án từ 15 tháng tù treo đến 6 năm tù giam đều về tội Chống người thi hành công vụ.Về trách nhiệm dân sự, tại tòa, đại diện gia đình các bị hại yêu cầu các bị cáo bồi thường theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, HĐXX buộc mỗi bị cáo thuộc nhóm cầm đầu phải bồi thường 116 triệu đồng cho mỗi gia đình nạn nhân và chu cấp chi phí nuôi dưỡng các con của 3 nạn nhân cho đến khi họ đủ 18 tuổi”. 

 

2. Trong phạm vi tương quan quốc tế thì cuộc chiến giữa LB Nga và Ukraine là tiêu biểu nhất cho độc tài và bạo lực

 

Khi xét đến tương quan giữa một tiểu quốc nằm cạnh một siêu cường quân sự thì ngày 24 tháng 2 năm 2022 quân đội LB Nga, thừa lệnh Tổng thống Vladimir Putin, tiến hành cuộc xâm lăng quốc gia Ukraine, một thành viên Liên Hiệp Quốc. Sau đó, vào ngày 30 tháng 9 năm 2022, sau những cuộc trưng cầu dân ý do Nga tổ chức tại 4 tỉnh của Ukraine với tỷ số đồng thuận gần 100%, Putin tuyên bố sát nhập 4 tỉnh Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson vào lãnh thổ của LB Nga. Các tỉnh này của Ukraine có diện tích gần 100,000 cây số vuông và chiếm 15% diện tích quốc gia. Putin và giới lãnh đạo Nga cũng tuyên bố là nếu bất cứ lãnh thổ nào của tổ quốc Nga, kể cả những vùng vừa được sát nhập, bị xâm phạm thì Nga sẽ trả đũa quyết liệt. và hăm dọa toàn thể nhân loại, kể cả NATO bằng vũ khí hạt nhân.

 

3. Tuy khác biệt ở mức độ tầm vóc, nhưng trong bản chất Đồng Tâm và Ukraine giống nhau.

 

Hành động của công an CSVN giới hạn ở mức độ tương quan giữa nhân dân và chính quyền, khác với sự sát nhập 4 tỉnh của Ukraine do Nga Sô chủ xướng, vốn thể hiện tương quan giữa một siêu cường và một tiểu quốc. Tuy nhiên bản chất giống nhau. Cả 2 tương quan đều căn cứ trên bạo lực.

 

Đã chủ trương bạo lực thì bất chấp luật pháp, hiến pháp và những công ước quốc tế về nhân quyền, các quyền tự do dân sự và chính trị mà CSVN tham gia ký kết. Nga Sô dĩ nhiên cũng bất chấp bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và chủ quyền quốc gia như khắc ghi trong Hiến Chương Liên Hiệp Quôc (United Nations Charter) khi họ tham gia làm thành viên của định chế này.

 

Tóm lại, cả CSVN lẫn LB Nga là những chế độ độc tài, chỉ đơn thuần hành xử theo luật kẻ mạnh, không chấp nhận bất cứ một quy luật nào ngoài bạo lực mà họ nắm trong tay.

 

4. Nếu độc tài trong bản chất là bạo lực thì bản chất của dân chủ là gì?

 

Khái niệm dân chủ có thể được diễn đạt dưới nhiều khía cạnh và hình thức khác nhau. Abraham Lincoln gọi đó là chế độ “của dân, do dân và vì dân”. Tuy nhiên trong hoàn cảnh thế giới đương đại, có lẽ một nền dân chủ toàn vẹn cần phải có 3 yếu tố nền tảng. Đó là các yếu tố Hiến Định, Pháp Trị và Đa Nguyên (xem cuốn Dự Thảo Hiến Pháp Việt Nam trên quan điểm dân chủ Hiến Định, Pháp Trị và Đa Nguyên của tác giả). Dù diễn tả dưới bất cứ khía cạnh nào thì một cách tóm gọn, bản chất của dân chủ là sự đồng thuận.

 

Trong một hệ thống chính trị đơn quyền (unitary system) thì sẽ có một tương quan đồng thuận giữa chính quyền và công dân cá thể. Trong một hệ thống chính trị Liên Bang (federal system) thì ngoài tương quan đồng thuận giữa chính quyền và công dân cá thể, còn có tương quan đồng thuận giữa chính quyền liên bang (federal powers) và các tiểu bang cấu thành (constituent states).

 

5. Trong một quốc gia dân chủ với bản chất đồng thuận thì vụ Đồng Tâm sẽ diễn biến ra sao?

 

Vào tháng 1 năm 2020, dân số xã Đồng Tâm gồm khoảng trên dưới 9,000 người, và 2,500 hộ, kể cả nam nữ, già trẻ lớn bé. Sự kiện công an vũ trang huy động 3,000 binh lính tấn công không báo trước sẽ không bao giờ được chính quyền dân cử hoặc tòa án cho phép. Trước đó, nếu chính phủ muốn tịch thu đất, thì phải bồi thường với giá thị trường. Hai bên có thể thương thuyết với nhau và nếu thương thuyết thất bại thì sẽ có một tòa án chí công vô tư, không có sự hiện diện của đảng ủy giật dây, giải quyết sự tranh chấp. Nên nhớ trong một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính, tòa án sẽ hoàn toàn độc lập và phán quyết nghiêm minh.

 

Dĩ nhiên sẽ không đưa đến những xung đột và không có 3 công an tử vong. Cũng sẽ không có các bản án tử hình và chung thân sau đó.

 

6. Tại sao Hoa Kỳ dân chủ và Nga Sô lại độc tài?

 

LB Nga được thành lập sau cuộc cách mạng tháng 10 năm 1917. Đây là hậu duệ của Đế Quốc Nga dưới quyền trị vì tuyệt đối của Nga Sa Hoàng. Từ thế kỷ thứ 10 đến 14, lãnh thổ Nga chịu sự cai trị của người Viking từ phương bắc và sau đó người Mông Cổ từ phương đông. Tuy nhiên từ thế kỷ 15 trở đi, họ vượt thoát và từ đó xây dựng một đế quốc rộng lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Đế Quốc Mông Cổ và Đế Quốc Anh. Những dân tộc bị họ chinh phục cấu tạo thành Đế Chế Nga Sa Hoàng và sau đó trở thành Liên Bang Nga như là một thành phần cấu tạo ra LB Sô Viết. Ngay cả Liên Bang Sô Viết cũng được Lê Nin dựng lên bằng bạo lực. Liên Bang Sô Viết bao gồm các cộng hòa sau đây cũng được sáp nhập bằng bạo lực: LB Nga, Ukraine, Belorussia, Uzbekistan, Turkmenistan, Tajikistan, Armenia, Georgia, Azerbaijan, Kazakhstan, Kirghizia, Lithuania, Latvia, Estonia và Moldavia qua những cuộc cướp chính quyền hoặc sát nhập bằng vũ lực.

 

Trong khi đó, Hoa Kỳ lập quốc bằng sự đồng thuận. Vào khoảng cuối thế kỷ 18, 13 thuộc địa của Anh Quốc tại Bắc Mỹ thành lập một liên minh, hầu lật đổ sự đô hộ của đế quốc Anh, công bố Bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 4 tháng 7 năm 1776. Dưới sự lãnh đạo của tướng George Washington, họ đã chiến thắng quân Anh vào năm 1781. Năm 1788 các tiểu bang phê chuẩn Hiến Pháp Hoa Kỳ và Hiến Pháp có hiệu lực vào năm 1789. Hiến Pháp này, ngoài hiến định hóa khái niệm Tam Quyền phân Lập của tư tưởng gia người Pháp Montesquieu, còn hiến định hóa sự phân quyền hàng dọc giữa chính quyền liên bang và các tiểu bang. Trong tiến trình phát triển của Hoa Kỳ, hiến pháp này không những áp dụng cho 13 tiểu bang nguyên thủy mà cả 50 tiểu bang bây giờ. Trong quá trình lập quốc và kiến quốc, Hoa Kỳ cũng không tránh khỏi phần nào tham vọng bá quyền, nhất là trong cuộc chiến với quốc gia lân bang Mexico từ năm 1846 đến 1848 kết thúc với sự sáp nhập Texas như một tiểu bang của Hoa Kỳ và chinh phục miền bắc của Mexico. Trong cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Đế Quốc Tây Ban Nha năm 1898, Hoa Kỳ chiến thắng và Tây Ban Nha nhường các thuộc địa Cuba, Philippines, Guam và Puerto Rico cho Hoa Kỳ. Hoa Kỳ trao trả độc lập cho Cuba năm 1902. Riêng về Philippines, sau cuộc chiến dành độc lập kéo dài nhiều thập niên, Hoa Kỳ trao trả độc lập vào năm 1946.

 

7. Câu hỏi chúng ta có thể đặt ra là: tại sao sau thế chiến thứ nhì Hoa Kỳ, Anh Quốc và các nước Tây phương chấp nhận trật tự thế giới theo tinh thần bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 của LHQ và trao trả độc lập cho các thuộc địa, trong khi Liên Bang Xô Viết và CSTQ, mặc dầu trở thành thành viên của LHQ, vẫn bám víu đế quốc chủ nghĩa?

 

Câu trả lời là: Hoa Kỳ và các nước Tây phương chấp nhận các bảng giá trị dân chủ và sự đồng thuận làm nền tảng cho trật tự chính trị. Các bảng giá trị dân chủ này khởi đầu có nhiều khuyết điểm nhưng với đà phát triển xã hội, ngày càng hoàn thiện hơn và lan tỏa khắp thế giới. Trong khi đó, Liên Bang Xô Viết (Hậu duệ là LB Nga) cũng như CSTQ xây dựng trên nền tảng độc tài và bạo lực. Các lực lượng cai trị vì quyền lực và quyền lợi trở thành những định chế bảo thủ và chuyên nghiệp hơn trong kỹ thuật sử dụng bạo lực để đàn áp đối lập. Thói quen sử dụng bạo lực này cũng được họ áp dụng trong bang giao quốc tế.

 

8. Trong thế kỷ 21, không những dân tộc Việt Nam mà nhiều dân tộc đang bị hiểm họa độc tài khác phải đối diện với sự chọn lựa quan trọng giữa độc tài, bạo lưc bên này và dân chủ, sự đồng thuận bên kia.

 

Theo cơ quan Pew Research thì năm 2017 có 84% người Việt Nam có cảm tình với Hoa Kỳ, hầu như cao nhất trong mọi quốc gia.

 

Rõ ràng là nhân dân Việt đã chọn dân chủ và sự đồng thuận làm nền tảng cho trật tự chính trị quốc gia. Đảng CSVN chắc chắn sẽ chạy tọt vào thùng phân thối tha của lịch sử.

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats