Nhiệm
kỳ thứ ba của Tập có thể là một món quà đối với Phương Tây
Craig Singleton -
Foreign
Policy
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không còn gì phải
giấu giếm, và đó là tin tốt cho các nhà hoạch định chính sách phương Tây.
Trong một
động thái không có gì bất ngờ, Tập Cận Bình đã giành được nhiệm kỳ thứ ba với
tư cách người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại đại hội Đảng lần thứ
20 vào tuần trước. Chiến thắng chính trị của Tập – được chuẩn bị suốt nhiều
tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm – đã đảo ngược tiền lệ kéo dài hàng chục
năm của đảng: các nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ có thể đảm nhiệm tối đa hai nhiệm
kỳ 5 năm liên tiếp. Tuy nhiên, bằng việc phá vỡ quy tắc này, Tập đã giúp Mỹ và
các đồng minh không còn phải phỏng đoán con đường phía trước của Trung Quốc.
Việc Tập
chính thức kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo đã khóa chặt định hướng chính sách hiện tại
của Trung Quốc – một định hướng thể hiện rõ sự thù địch với đa nguyên chính trị
và các lực lượng của thị trường tự do. Thật vậy, trong vài năm gần đây, Tập thường
xuyên nêu chi tiết mong muốn của ông: không chỉ tăng cường ảnh hưởng của đảng-nhà
nước đối với nền kinh tế và 1,4 tỷ công dân Trung Quốc, mà còn mở rộng ảnh hưởng
đó ra ngoài biên giới Trung Quốc. Hiếm có đối thủ địa chính trị nào lại dám
thông báo kế hoạch của mình một cách thẳng thừng như vậy. Tuy nhiên, thế giới
phương Tây vẫn chưa chuẩn bị kỹ càng cho “thập niên quyết định” sắp tới trong
cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, như lời Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tuần trước.
Các nhà hoạch
định chính sách có lẽ vẫn chưa nhận ra một điều rằng sự chắc chắn tương đối đi
kèm với nhiệm kỳ thứ ba của Tập thực sự là một món quà. Sau khi hoàn thành việc
thâu tóm quyền lực, Tập sẽ chẳng còn gì phải che giấu, ông sẽ tái sử dụng những
luận điểm trước đó của mình và “xào lại” tầm nhìn quen thuộc về tương lai của
Trung Quốc. Thật vậy, điều trớ trêu đối với các cường quốc ngày nay là trong
khi Tập dường như không có ý tưởng mới nào để ứng phó với bối cảnh địa chính trị
đang thay đổi và kiên trì đi theo các chính sách đã được đưa ra từ trước đại dịch,
thì phương Tây lại đang bị nhấn chìm trong một loạt các ý tưởng mới, cạnh tranh
với nhau nhằm đối phó với Trung Quốc một cách hiệu quả.
Đó là lý
do tại sao thời kỳ trì trệ trong chính sách đối với Trung Quốc ở phương Tây –
và việc thiếu một khuôn khổ thống nhất với kết cục được xác định rõ ràng – cần
phải sớm kết thúc.
Kể từ sau
Chiến tranh Lạnh, Kremlin học, ngành nghiên cứu về các hoạt động chính
trị nội bộ ở Moscow, đã không còn được chú trọng. (Dù vậy, nó đã thịnh hành trở
lại sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine hồi tháng 2.) Tuy nhiên, đối với các
nhà quan sát Trung Quốc, dự đoán hàm ý luôn là điều được quan tâm, đặc biệt là
sau mỗi lần thay đổi lãnh đạo. Trong khi việc thay đổi nhân sự cấp cao nhất ở
Liên Xô thường xảy ra sau khi một nhà lãnh đạo qua đời, thì quá trình chuyển
giao quyền lực ở Trung Quốc đã diễn ra đều đặn như một cái máy, suốt hơn một phần
tư thế kỷ qua. Và cứ sau mỗi lần thay đổi lãnh đạo Trung Quốc, các học giả
phương Tây sẽ dành nhiều năm để phân tích các bài phát biểu và bài viết được
công bố trên các tạp chí của ĐCSTQ, nỗ lực khám phá triết lý quản trị của từng
thế hệ lãnh đạo mới – và cùng với đó là quỹ đạo tiềm năng của Trung Quốc.
Để có thời
gian nghiên cứu ý định của các lãnh đạo mới ở Trung Quốc, các chính phủ phương
Tây thường sẽ đánh đổi bằng thời gian đáng lẽ dành cho việc xây dựng, sửa đổi,
và thực thi các chính sách tương ứng của họ đối với Trung Quốc. Trong khi đó,
giới lãnh đạo Trung Quốc đã tận dụng tối đa sự bối rối của phương Tây và sử dụng
thời gian đó để hệ thống hóa các chương trình nghị sự chính sách của họ, trước
tiên là một cách riêng tư trong tầng lớp tinh hoa của đảng, sau đó là một cách
có chọn lọc với người ngoài. Quan trọng hơn, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tận
dụng sự mập mờ này để thực hiện các bước cần thiết nhằm định hình, và trong một
số trường hợp là vô hiệu hóa, các hành động của phương Tây và của các đối thủ
khác vốn có thể làm suy yếu vị thế hoặc mục tiêu xét lại của Trung Quốc.
Chẳng cần
tìm đâu xa, lần chuyển đổi lãnh đạo Trung Quốc gần nhất đã cho thấy sự không chắc
chắn của phương Tây về nhà lãnh đạo mới đã mang lại lợi ích gì cho Bắc Kinh.
Quay trở lại năm 2011, trong những tháng cuối cùng cầm quyền của cựu chủ tịch Hồ
Cẩm Đào, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai
thế giới. Sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc đã đặt ra nhiều câu hỏi ở các
thủ đô phương Tây, làm thế nào Bắc Kinh có thể thu lợi từ khả năng kết nối với
các thị trường thế giới, bất chấp việc ngăn chặn các công ty nước ngoài đang
tìm cách thâm nhập vào thị trường béo bở của nước này? Trách nhiệm xoa dịu lo
ngại của phương Tây (và câu giờ) đã được đặt lên vai Tập khi ông bắt đầu nhiệm
kỳ đầu tiên của mình. Đó là lý do tại sao, trong một bài phát biểu năm 2013 tại
Hội nghị Trung ương 3 của ĐCSTQ, Tập đã ám chỉ một số cải cách kinh tế “mang
tính quyết định,” bao gồm nâng cao vai trò của thị trường – chứ không phải của
nhà nước – để phân bổ nguồn lực và vốn. Ngôn ngữ tự do hóa của Tập phần nào đã
hướng đến thế giới bên ngoài, và nó đã có tác dụng xoa dịu phương Tây.
Phản ứng
quốc tế trước phát ngôn của Tập, đặc biệt là phản ứng từ các thị trường tài
chính lúc đó vẫn đang quay cuồng trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu, là rất
tích cực. Các nhà quan sát ca ngợi Tập là người “táo bạo,” số khác gọi ông là
hiện thân của nhà cải cách Đặng Tiểu Bình. Chính quyền Obama đã ủng hộ hợp tác
với Bắc Kinh nhằm đối phó với “những thách thức chung trong khu vực và toàn cầu”
như “tăng trưởng kinh tế,” đồng thời tránh áp dụng các biện pháp mạnh tay để hạn
chế việc Trung Quốc lạm dụng thị trường. Các công ty và nguồn vốn phương Tây
liên tục đổ vào Trung Quốc, và vì thế, các bên liên quan đã gây áp lực với
chính phủ của họ để tránh đối đầu với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Tập đã dành 10 năm
tiếp theo để loại bỏ mọi dấu hiệu của quản trị kinh tế tự do một cách triệt để
và có hệ thống. Thay vào đó, ông tăng cường sự hợp nhất với các tổ chức của đảng
trong toàn bộ lĩnh vực thương mại, sử dụng các quy định về ngành nghề và quyền
lực chính trị vừa như một thanh kiếm, vừa như một cái khiên.
Đỉnh cao của
những nỗ lực của Tập, đã được nêu ra trong Đại hội Đảng lần này, chính là một trật
tự kinh tế bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ, trong đó khả năng chỉ đạo đường hướng
phát triển kinh tế và hiện đại hóa công nghệ của đảng-nhà nước được cho là nhằm
duy trì một lợi thế hệ thống trước những thị trường khác, tự do hơn.
Bên cạnh
việc củng cố quyền kiểm soát đối với đảng và loại bỏ các đối thủ tiềm ẩn, Tập
cũng đã áp dụng cách tiếp cận tương tự đối với một loạt các vấn đề khác – nhưng
luôn theo chiều hướng có lợi cho Bắc Kinh. Ví dụ, ban đầu, mối quan tâm ngày
càng tăng của Tập đối với quản trị toàn cầu và thiết lập tiêu chuẩn được dựa
trên mong muốn của Trung Quốc là đóng góp vào một trật tự thế giới “công bằng
hơn.” Tương tự, Sáng kiến An ninh Toàn cầu được công bố gần đây của Tập cho rằng
mô hình an ninh của Trung Quốc đại diện cho hy vọng tốt nhất của thế giới để
tránh chiến tranh và đảm bảo hòa bình quốc tế. Thông điệp này phù hợp với luận
điệu của Tập tại đại hội, rằng cách làm của Trung Quốc mang lại một “lựa chọn mới”
cho nhân loại.
Nhưng khác
với trước đây, khi những tham vọng của Trung Quốc còn mơ hồ, chí ít là với người
ngoài, hiện tại đã có rất nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy mối quan tâm của
Trung Quốc đối với việc thiết lập và định hình các quan điểm, giá trị, chuẩn mực
toàn cầu không phải là vì sự tốt đẹp của nhân loại. Thay vào đó, những phát biểu
của Bắc Kinh ngày càng ngang nhiên tìm cách củng cố sức mạnh quốc gia tổng hợp
của Trung Quốc, và quan trọng hơn, là hợp pháp hóa quyền lực của đảng-nhà nước ở
trong và ngoài nước.
Điều khiến
cho việc Tập “đăng quang” trở thành món quà quý giá là ông đã lật ngửa gần như
tất cả các quân bài của mình, và át chủ bài duy nhất vẫn là lịch trình “thống
nhất” với Đài Loan. Dù Tập có đảm nhận chức danh chủ tịch đảng hay không – vốn
là chức danh đã không được sử dụng từ thời Mao Trạch Đông – đại hội năm nay đã
cho thấy rõ rằng Tập có quyền lực thực chất của vị trí đó dù không có chức
danh. Kiên định với các ý tưởng của mình hơn bao giờ hết, Tập sẽ không mạo hiểm
thiêu rụi những gì ông đã xây dựng suốt 10 năm qua bằng cách áp dụng tự do hóa
chính trị và cải cách thị trường, hoặc giảm thái độ thù địch nói chung của
Trung Quốc đối với Mỹ. Thay vào đó, giống như hầu hết các nhà chuyên chế khác,
Tập sẽ dốc toàn lực, chấp nhận để nền kinh tế và người dân Trung Quốc chịu ảnh
hưởng nặng nề từ các chính sách hủy diệt của ông.
Dù Tập và
những người tiền nhiệm của ông đã được hưởng lợi từ giai đoạn sau chuyển giao
quyền lực, khi họ lặng lẽ xây dựng các chương trình nghị sự đầy tham vọng của
mình, lần này Trung Quốc có lẽ sẽ không có cơ hội như vậy. Chỉ trừ phi các thủ
đô phương Tây lại tiếp tục thất bại trước thách thức Trung Quốc.
Công bằng
mà nói, Mỹ và các đồng minh của họ cũng từng khó chấp nhận mối đe dọa từ Liên
Xô, đặc biệt là ngay sau Thế chiến II. Cuộc tranh luận hiện tại xoay quanh
Trung Quốc – được kết tinh trong Chiến lược An ninh Quốc gia mà chính quyền
Biden công bố gần đây – có thể là sự lặp lại không cần thiết. Các nhà lãnh đạo
và các nhà hoạch định chính sách phương Tây lầm tưởng rằng cạnh tranh với Bắc
Kinh là mục đích, chứ không phải là phương tiện, và đã né tránh công việc khó
khăn là xác định mong muốn sau cùng của phương Tây đối với Trung Quốc. Hơn nữa,
cách tiếp cận hiện tại của Washington được dựa trên thời kỳ đơn cực đang tàn lụi
nhanh chóng, chứ không phải dựa trên thời kỳ đa cực sắp xảy ra, đi kèm là những
cơ hội để chia sẻ gánh nặng mà loại trật tự đa cực này sẽ mang lại. Tệ hơn nữa,
chiến lược kém tinh tế của Nhà Trắng – khiến các quốc gia dân chủ và chuyên chế
đối đầu nhau – có nguy cơ khiến họ xa lánh các đối tác tuy có cùng chí hướng
nhưng không dân chủ, những nước chia sẻ mối quan tâm của Washington về sự hiếu
chiến của Trung Quốc, đồng thời chia sẻ lợi ích trong việc hiện đại hóa chứ
không phải lật đổ trật tự dựa trên nguyên tắc hiện tại.
Các nhà hoạch
định chính sách của tất cả các phe phái chính trị đã dành quá nhiều thời gian để
phản ứng với mọi hành động khiêu khích của Trung Quốc, thay vì ưu tiên những vấn
đề quan trọng nhất đối với lợi ích cốt lõi của phương Tây. Nếu không kiểm soát
kỹ càng, phương Tây sẽ tiếp tục lãng phí nguồn lực hạn chế của mình cho một loạt
các mối đe dọa ảo đến từ Trung Quốc. Cuối cùng, ngay cả trong các vấn đề như
thương mại, lĩnh vực mà phương Tây có thể thúc đẩy một chương trình nghị sự thịnh
vượng đủ khả năng cạnh tranh với ảnh hưởng địa kinh tế của Trung Quốc, vẫn còn
quá nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, lựa chọn dựa vào chủ nghĩa bảo hộ.
Vì thế,
nhiệm kỳ thứ ba của Tập và sự ổn định về lập trường chính sách của Trung Quốc
còn đem lại một món quà khác: sự táo bạo không bị kiểm soát của Tập có thể buộc
các nước phương Tây thoát khỏi thói quen nghiên cứu Trung Quốc không ngừng, để
chuyển sang công việc khó khăn hơn nhiều: thực sự đối đầu với nước này.
------------------
Craig
Singleton là nghiên cứu viên cao cấp về Trung Quốc tại Quỹ Bảo vệ Các nền dân
chủ và là cựu quan chức ngoại giao Mỹ.
Nguồn: Craig Singleton, “Xi’s
Third Term Is a Gift in Disguise,” Foreign Policy, 21/10/2022
No comments:
Post a Comment