Sunday, 16 October 2022

NGUYÊN NHÂN NÀO GÂY RA CUỘC CHIẾN UKRAINE? (Joseph S. Nye, Jr.  / Project – Syndicate)

 



Nguyên nhân nào gây ra cuộc chiến Ukraine?

Joseph S. Nye, Jr.  -  Project – Syndicate

Đỗ Kim Thêm, dịch

15/10/2022

https://baotiengdan.com/2022/10/15/nguyen-nhan-nao-gay-ra-cuoc-chien-ukraine/

 

Giữa những cuộc tranh luận sôi nổi về các yếu tố khiến Nga xâm lăng Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, nó giúp phân biệt các nguyên nhân sâu xa, trung gian và trực tiếp. Nhưng trong khi mỗi nguyên nhân có thể gây ra vấn đề theo những cách riêng của nó, chiến tranh không cần phải được coi là không thể tránh được, ngay cả khi tất cả các nguyên nhân đều hiện diện.

 

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine là sự xung đột gây rối loạn nhất mà châu Âu đã chứng kiến kể từ năm 1945. Trong khi nhiều người ở phương Tây thấy một cuộc chiến do Tổng thống Nga Vladimir Putin lựa chọn, ông nói rằng quyết định của khối NATO vào năm 2008 ủng hộ tư cách thành viên của Ukraine cuối cùng đã mang lại một mối đe dọa sinh tồn đối với các biên giới của Nga, và những người khác vẫn theo dõi cuộc xung đột trở lại kể từ lúc kết thúc Chiến tranh Lạnh và sự thất bại của phương Tây trong việc hỗ trợ Nga một cách phù hợp sau khi Liên Xô sụp đổ. Làm thế nào chúng ta có thể phân biệt được các nguồn gốc của một cuộc chiến mà nó có thể kéo dài trong nhiều năm?

 

Đệ nhất Thế chiến đã xảy ra hơn một thế kỷ, nhưng các nhà sử học vẫn viết các cuốn sách tranh luận về nguyên nhân gây chiến. Cuộc chiến khởi đầu do một kẻ khủng bố người Serbia đã ám sát Công tước người Áo vào năm 1914, hay nguyên nhân có liên quan nhiều hơn đến sức mạnh của nước Đức trỗi dậy đang thách thức nước Anh, hay tinh thần dân tộc đang dâng trào trên khắp châu Âu? Câu trả lời là “tất cả những điều trên, cộng với nhiều hơn nữa”. Nhưng chiến tranh không phải là không thể tránh khỏi cho đến khi nó thực sự bùng nổ vào tháng 8 năm 1914 và thậm chí sau đó, chiến tranh không thể tránh khỏi việc bốn năm tàn sát theo sau.

 

Để phân loại mọi thứ, nó giúp phân biệt giữa nguyên nhân sâu xa, trung gian và cấp thời. Hãy nghĩ về việc xây một đống lửa: Chất đống các khúc gỗ là một nguyên nhân sâu xa; thêm mồi nhử và giấy là nguyên nhân trung gian; và nổi lửa là nguyên nhân thúc đẩy. Nhưng ngay cả khi đó, một đống lửa không thể tránh khỏi. Một cơn gió mạnh có thể dập tắt ngọn lửa, hoặc một cơn mưa bất chợt có thể đã làm ướt gỗ. Trong cuốn sách về nguồn gốc của Đệ nhất Thế chiến “Những kẻ mộng du” (The Sleepwalkers), nhà sử học Christopher Clark ghi nhận rằng, vào năm 1914, “tương lai vẫn còn rộng mở – đơn giản.” Lựa chọn chính sách kém cỏi là nguyên nhân quan trọng của thảm họa.

 

Tại Ukraine, không có nghi ngờ gì về việc Putin đã nổi lửa khi ra lệnh cho quân đội Nga xâm lược vào ngày 24 tháng 2. Giống như các nhà lãnh đạo của các cường quốc trong năm 1914, có lẽ Putin tin rằng đó sẽ là một cuộc chiến ngắn, sắc bén với một chiến thắng nhanh chóng, nó có phần giống như việc Liên Xô chiếm giữ Budapest năm 1956 hoặc Prague năm 1968. Các không lực sẽ chiếm sân bay và các xe tăng tiến công sẽ chiếm giữ Kyiv, loại bỏ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và thiết lập một chính phủ bù nhìn.

 

Putin nói với người dân Nga rằng ông đang tiến hành một “chiến dịch quân sự đặc biệt” để làm cho Ukraine không còn bị Nazi hoá và ngăn ngừa khối NATO mở rộng sang các biên giới của Nga. Nhưng đứng trước việc Putin tính toán sai lạc một cách nghiêm trọng, chúng ta phải hỏi Putin thực sự đang nghĩ gì. Chúng ta biết từ các tác phẩm của chính Putin, và từ nhiều nhà viết tiểu sử khác nhau như Philip Short, họ nói rằng nguyên nhân trung gian là Putin từ chối coi Ukraine là một quốc gia chính danh hợp pháp.

 

Putin than phiền về sự tan rã của Liên Xô, nơi ông từng phục vụ như một sĩ quan KGB, và do mối quan hệ văn hóa chặt chẽ của Ukraine và Nga, Putin coi Ukraine là một quốc gia giả mạo. Hơn nữa, Ukraine đã vô ơn, xúc phạm Nga bằng cuộc nổi dậy Maidan năm 2014, loại bỏ một chính phủ thân Nga và tăng cường thêm các mối quan hệ mậu dịch với Liên minh châu Âu.

 

Putin muốn khôi phục lại điều mà ông gọi là “thế giới Nga”, và khi bước sang tuổi 70, Putin đã suy nghĩ về di sản của mình. Các nhà lãnh đạo trước đó, như Đại đế Peter đã mở rộng quyền lực Nga trong thời đại của mình. Đứng trước việc yếu kém trong các biện pháp trừng phạt của phương Tây sau khi Nga xâm lược Ukraine và sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, Putin dường như đã tự hỏi mình: Tại sao không đi xa hơn?

 

Triển vọng mở rộng khối NATO là một nguyên nhân trung gian ít hơn. Trong khi phương Tây đã thành lập một Hội đồng NATO – Nga, thông qua đó các sĩ quan quân đội Nga có thể tham dự một số cuộc họp của khối NATO, Nga mong đợi nhiều hơn từ mối quan hệ này. Và trong khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker nói với người đồng cấp Nga hồi đầu thập niên 1990, rằng khối NATO sẽ không mở rộng; các nhà sử học như Mary Sarotte chỉ ra rằng, Baker đã nhanh chóng đảo ngược sự bảo đảm trong lời nói của mình, vốn chưa bao giờ có một văn bản thỏa thuận cho việc này.

 

Khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton thảo luận vấn đề này với Tổng thống Nga Boris Yeltsin vào thập niên 1990, đã có sự chấp nhận miễn cưỡng của Nga đối với một số việc mở rộng của khối NATO, nhưng các kỳ vọng của cả hai bên đều khác nhau. Quyết định của khối NATO tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Bucharest năm 2008 bao gồm Ukraine (và Georgia) là những thành viên tiềm năng trong tương lai chỉ đơn giản là xác nhận những kỳ vọng tồi tệ nhất của Putin về phương Tây.

 

Trong khi quyết định của khối NATO vào năm 2008 có thể đã sai lầm, tuy nhiên, sự thay đổi thái độ của Putin đã có trước đó. Ông ta đã giúp Hoa Kỳ sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001, nhưng bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich năm 2007 của ông cho thấy rằng, ông đã tỏ ra chua chát với phương Tây trước Hội nghị Thượng đỉnh Bucharest. Do đó, khả năng mở rộng khối NATO chỉ là một trong một số nguyên nhân trung gian – một nguyên nhân trở nên ít nổi bật hơn ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh Bucharest của Pháp và Đức, thông báo rằng họ sẽ phủ quyết tư cách thành viên trong khối NATO của Ukraine.

 

Đằng sau tất cả những điều này là những nguyên nhân xa xôi hoặc sâu rộng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Ban đầu, cả Nga và phương Tây có tinh thần lạc quan rằng sự sụp đổ của Liên Xô sẽ cho phép nền dân chủ và kinh tế thị trường Nga trỗi dậy. Trong những năm đầu, Clinton và Yeltsin đã nỗ lực nghiêm túc phát triển mối quan hệ tốt đẹp. Nhưng trong khi Mỹ cung cấp các khoản vay và hỗ trợ kinh tế cho chính phủ của Thủ tướng Nga Yegor Gaidar, nhiều người Nga mong đợi nhiều hơn nữa.

 

Hơn nữa, sau bảy thập niên theo kế hoạch tập trung, một sự chuyển đổi đột ngột thành một nền kinh tế thị trường hưng thịnh là chuyện không thể. Những nỗ lực để buộc thông qua những thay đổi nhanh chóng như vậy không thể không tạo ra sự gián đoạn to lớn, tham nhũng và tình trạng bất bình đẳng cùng cực. Trong khi một số nhà tài phiệt và chính trị gia trở nên cực kỳ giàu có từ việc tư nhân hóa nhanh chóng các tài sản thuộc sở hữu nhà nước, hầu hết mức sống của người Nga đã suy giảm.

 

Tại Davos vào tháng 2 năm 1997, Thống đốc Nizhny Novgorod, Boris Nemtsov (sau đó bị ám sát), báo cáo rằng, không ai ở Nga đang nộp thuế, và chính phủ chậm trễ trong việc trả lương. Sau đó, vào tháng Chín năm sau, trong một bữa tối tại Trường Harvard Kennedy, Nghị sĩ có khuynh hướng tự do Grigory Yavlinsky nói rằng: “Nga hoàn toàn tham nhũng và Yeltsin không có tầm nhìn“. Không thể đối phó với hậu quả chính trị của tình hình kinh tế xấu đi, Yeltsin, khi đó trong tình trạng sức khỏe suy giảm, đã chuyển quyền sang cho Putin, cựu đặc vụ KGB vô danh, để giúp ông khôi phục trật tự.

 

Không có điều nào trong số này có nghĩa là cuộc chiến Ukraine là chuyện không thể tránh khỏi. Nhưng nó đã trở nên ngày càng có thể xảy ra theo thời gian. Vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, Putin đã tính toán sai và đốt lửa gây ra đám cháy. Thật khó để thấy Putin thoát ra khỏi đám cháy này.

______

 

Tác giả: Joseph S. Nye Jr. là Giáo sư Đại học Harvard và tác giả sách Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump (Oxford University Press, 2019).

 

----------------

Bài liên quan: 

 

Chiến tranh hạt nhân không thể tránh khỏi? 

 

Liệu cuộc chiến tranh Ukraine có thúc đẩy việc phổ biến hạt nhân? 

 

Tám bài học từ chiến tranh Ukraine

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats