Tuesday, 18 October 2022

NGÂN HÀNG VIỆT NAM : NHỮNG QUÂN CỜ DOMINO SẮP ĐỔ (Hiếu Chân / Saigon Nhỏ)

 



Ngân hàng Việt Nam: những quân cờ domino sắp đổ

Hiếu Chân

17 tháng 10, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/ngan-hang-viet-nam-nhung-quan-co-domino-sap-do/

 

Sau khi SCB bị "kiểm soát đặc biệt" sẽ đến ngân hàng nào?

 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/db55b392-d11d-4d89-b742-4701262ddde0.jpeg

Cảnh chầu chực rút tiền tại một chi nhánh ngân hàng SCB ở Sài Gòn.

 

Vụ ngân hàng SCB bị kiểm soát đặc biệt có thể chỉ là bước mở đầu cho cuộc sụp đổ dây chuyền của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

 

Mười ngày trước, vụ bắt giữ bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát – cùng các đồng phạm xảy ra cùng lúc với vụ hàng ngàn người kéo đến các chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (Saigon Commercial Bank, gọi tắt là SCB) rút tiền. Hai sự việc bề ngoài không liên quan với nhau song công chúng biết rõ Vạn Thịnh Phát và Trương Mỹ Lan chính là chủ nhân thật sự của ngân hàng SCB nên khi bà trùm Trương Mỹ Lan vô lò thì cái nhà băng này khó mà đứng vững được.

 

Để ngăn khủng hoảng, chính quyền cộng sản Việt Nam đã làm ba việc, tất thảy đều dối trá. Và khủng hoảng đang ngày càng lan rộng.

 

 

Những lời dối trá trơ trẽn

 

Một là ngay khi bà Lan bị bắt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) liên tục ra thông cáo trấn an dân chúng rằng SCB không liên quan và không bị ảnh hưởng từ việc bà Lan bị bắt giữ, khẳng định “sẽ có giải pháp bảo đảm SCB hoạt động bình thường”, khuyến cáo người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn. Về phần ngân hàng, đại diện SCB khẳng định bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB nên việc bà Lan bị bắt không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của SCB. 

 

Thế nhưng chỉ một tuần sau khi khẳng định SCB “hoạt động bình thường” thì ngày 15 Tháng Mười, chính NHNN ra quyết định đặt SCB vào “tình trạng kiểm soát đặc biệt để ổn định hoạt động”!

 

Kiểm soát đặc biệt là gì? Là khi một ngân hàng không thể tiếp tục hoạt động (do thua lỗ, mất vốn) buộc NHNN phải nhảy vào nắm quyền quản trị thay vì cho ngân hàng đó tuyên bố phá sản. Để kiểm soát SCB, NHNN vừa chỉ định cán bộ của bốn ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) sang điều hành ngân hàng SCB, đồng thời liên tục bơm tiền ra thị trường với lượng tiền 89,376 tỷ đồng, tương ứng khoảng $3.7 tỷ chỉ trong vài ngày .

 

Rất trâng tráo, NHNN chỉ đạo hệ thống báo chí quốc doanh viết bài ca ngợi ngân hàng SCB không chỉ “bình thường” mà còn “hấp dẫn” người gửi tiền: Chỉ trong ngày 13 Tháng Mười SCB đã thu vào tới 12,000 tỷ đồng, gấp đôi ngày hôm trước. Một số đài báo của người Việt ở California đã hào hứng đăng lại thông tin này mà không biết đang tiếp tay phát tán tin giả của nhà nước cộng sản.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/scb-2-1665561525823157125755-2.jpg

Trong cơn khủng hoảng, báo chí trong nước còn đưa tin người dân phấn khởi đến gửi tiền vô nhà băng SCB!

 

Sự dối trá thứ hai là việc che giấu cái chết của ông Nguyễn Tiến Thành và bà Nguyễn Phương Hồng. Ông Thành, 50 tuổi, là Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt – TVSI, kiêm thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng SCB, đồng thời là chồng bà Tống Thị Thanh Hoàng, Phó Tổng giám đốc Vạn Thịnh Phát. Ông Thành chết tại nhà riêng chỉ một ngày trước khi bà Trương Mỹ Lan và bộ sậu của Vạn Thịnh Phát bị bắt. Báo chí nhà nước nói ông ta “đột tử” nhưng nhiều nguồn tin khả tín cho biết ông ta chết vì thuốc độc, mà thuốc độc do ông tự uống hay do người khác đổ vào miệng ông thì không ai rõ.

 

Một thành viên khác của HĐQT ngân hàng SCB bị “đột tử” là bà Nguyễn Phương Hồng, 39 tuổi, cùng bị bắt giam với bà trùm Trương Mỹ Lan hôm 8 Tháng Mười và chết trong trại giam chỉ hai ngày sau đó. Thông báo của Bộ Công an khi bắt các nghi phạm của tập đoàn Vạn Thịnh Phát ghi bà Hồng là “Trợ lý công ty Vạn Thịnh Phát”, giấu nhẹm nhân thân thật của bà Hồng là thành viên HĐQT kiêm Phó tổng Giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định của ngân hàng SCB.

 

Hai thành viên HĐQT chết bất đắc kỳ tử, nguyên nhân rất mù mờ, không thể không liên quan tới những uẩn khúc của ngân hàng SCB. Dư luận cho rằng ngân hàng này thực chất là “cái máy ATM”, làm nhiệm vụ huy động tiền bạc của bá tánh cung phụng cho đế chế Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan. 

 

Sự dối trá lên tới mức trơ trẽn khi cả công an, quốc hội vào cuộc trấn an “người dân, các doanh nghiệp yên tâm vì việc kiểm soát các vấn đề, hoạt động của ngân hàng phải đảm bảo cho người gửi tiền” đồng thời xua quân truy lùng và xử phạt nặng những người đưa thông tin, hình ảnh lên mạng xã hội mô tả cảnh người dân chen chúc nhau chờ rút tiền tại ngân hàng SCB

 

Tất cả những thông tin báo chí có màu sắc tiêu cực liên quan tới tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB, những cái chết bí ẩn lẫn vụ tòa nhà văn phòng của tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại số 8 Nguyễn Huệ Sài Gòn bất ngờ bốc cháy trong đêm đều bị báo chí quốc doanh “tự ý đục bỏ” hoặc chỉ đưa tin theo phát ngôn của công an!

 

 

Ngân hàng – hầu bao của giới kinh doanh bất động sản

 

Hệ thống ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế và nền tảng của ổn định xã hội. Người dân Việt Nam có thể không thiết tha với tự do, dân chủ, nhân quyền nhưng “đồng tiền đi liền khúc ruột”, khi đồng tiền họ gửi ngân hàng bỗng dưng bốc hơi mất thì hàng vạn người có thể kéo nhau xuống đường gây hỗn loạn không kiểm soát được. Và đó là điều nhà cầm quyền hết sức lo sợ và cố tránh.

 

Thế nhưng trong cuộc chuyển đổi từ nền kinh tế chỉ huy tập trung sang kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa”, Việt Nam đã để cho hệ thống ngân hàng phình ra trong khi năng lực quản lý điều hành hết sức yếu kém, luật pháp có nhiều kẽ hở để các nhà tài phiệt lợi dụng để trục lợi.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/IMG_2936.jpg

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết, tiền vay của khu vực bất động sản đã lên tới $101 tỷ, gấp đôi tổng thu ngân sách của cả nước VN trong một năm.

 

Theo thống kê, hiện Việt Nam có 49 ngân hàng. Căn cứ vào chủ sở hữu, có bốn ngân hàng thương mại (NHTM) của nhà nước, 31 NHTM cổ phần, hai NH liên doanh, chín NH nước ngoài, hai NH chính sách và một NH hợp tác xã. Trong 31 NHTM cổ phần, có không ít ngân hàng là “sân sau” của các tập đoàn bất động sản.

 

Các ông trùm bất động sản Việt Nam ngoài thủ đoạn cấu kết với các quan chức chóp bu của guồng máy cầm quyền, hối lộ để chiếm được những lô đất đẹp nhất, giá rẻ nhất, có tiềm năng sinh lời cao nhất thì còn cấu kết với ngân hàng để thu gom tiền bạc của bá tánh làm vốn để phát triển dự án. Những ông bà trùm có thế lực lớn thì mở ngân hàng riêng, như bà Tư Hường – trùm bất động sản ở Nha Trang và Cam Ranh – thì có NH Nam Á; ông Dương Công Minh chủ tập đoàn Him Lam – sở hữu sân golf trong phi trường Tân Sơn Nhất – thì chi phối NH Sacombank, vốn trước đây thuộc về gia đình Đặng Văn Thành, ông trùm tài chính và công nghiệp mía đường; bà Trương Mỹ Lan thì đứng sau điều khiển NH SCB từ năm 2011… 

 

Giới kinh doanh địa ốc ở Việt Nam gọi thủ đoạn lập ngân hàng, chiếm quyền chi phối ngân hàng để huy động vốn làm dự án bất động sản là phương thức kinh doanh “tay không bắt giặc”, mà hầu như “đại gia” nào cũng áp dụng nhuần nhuyễn. [Công ty bất động sản còn có vài phương thức huy động vốn khác như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thu tiền trước của người mua nhà v.v…, chúng tôi sẽ phân tích trong một bài khác].

 

NH SCB của tập đoàn Vạn Thịnh Phát nổi tiếng là nơi trả tiền lời cao nhất, luôn cao hơn một vài điểm phần trăm so với tiền lời của các ngân hàng khác, cho nên có rất đông khách gửi tiền, phần lớn là người về hưu, cán bộ công chức hoặc người kinh doanh nhỏ, ham tiền lời nhiều và tin vào danh tiếng của đại gia Trương Mỹ Lan. Đáng chú ý là huy động nhiều tiền vốn nhưng hoạt động cho vay của SCB khá èo uột, khách hàng vay tiền của SCB chủ yếu là những công ty con trong tập đoàn Vạn Thịnh Phát. 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/013b0000-0aff-0242-ec82-08daaad7552a_w1023_r1_s.webp

Trụ sở của tập đoàn Vạn Thịnh Phát – chủ nhân thật sự của NH SCB

 

Tình trạng các ông bà trùm bất động sản sở hữu hoặc kiểm soát các ngân hàng thương mại cổ phần để hút dòng tiền gửi tiết kiệm vào các dự án nhà đất đã khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại vì tiềm ẩn những rủi ro khó lường khi thị trường nhà đất vỡ bong bóng.

 

Theo Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, đến thời điểm 31 Tháng Năm 2022, tiền vay của lĩnh vực bất động sản là 2.33 triệu tỷ đồng (khoảng $101 tỷ), tăng 12.31% so với cuối năm ngoái. Rất khó hình dung con số khổng lồ này, chỉ cần biết là nó lớn hơn ba lần so với tổng vốn liếng của toàn bộ các công ty nhà nước Việt Nam và hơn hai lần tổng thu ngân sách của nhà nước Việt Nam năm 2021. 

 

 

SCB và chuỗi domino sắp đổ

 

NHNN Việt Nam có kinh nghiệm xử lý các ngân hàng “sân sau” của các đại gia bất động sản, nhất là sau đợt tái cơ cấu ngân hàng lần thứ ba (2011-2015): buộc sáp nhập, đưa vào diện kiểm soát đặc biệt hoặc mua lại 0 đồng hàng loạt ngân hàng TMCP yếu kém và bơm tiền không giới hạn để hoàn trả tiền gửi tiết kiệm cho người dân. NH Xây dựng của ông Phạm Công Danh, chủ tập đoàn Thiên Thanh, bị mua lại 0 đồng là một ví dụ. NH SCB của Vạn Thịnh Phát ra đời trong vụ tái cơ cấu này, do ba NH nhỏ là SCB (cũ), Tín Nghĩa và Đệ Nhất sáp nhập vào nhau mà thành. 

 

Nhưng bơm tiền để duy trì các ngân hàng yếu kém, tránh sự sụp đổ dây chuyền theo kiểu quân cờ domino là biện pháp tốn kém và không giải quyết được gốc rễ vấn đề, đồng thời là nguyên nhân trực tiếp khiến nợ xấu tăng cao, đồng tiền mất giá, lạm phát phi mã mà cuối cùng nền kinh tế và người dân phải chịu thiệt hại. Báo chí nhà nước đã từng phải than thở, tiền đổ vào các ngân hàng yếu kém để tái cơ cấu “giống như muối bỏ biển”

 

Những ngân hàng được “tái cơ cấu” trong các năm 2011-2015 như SCB (cũ), Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Habubank, Tienphongbank, GP Bank, Navibank, TrustBank, Western Bank, DaiA Bank, Southern Bank, MD Bank, MHBank, OceanBank… hầu hết đều là ngân hàng nhỏ, vốn ít, số lượng khách hàng cũng ít nên NHNN dễ sắp xếp.

 

Lần này SCB (mới) là một ngân hàng TMCP lớn, tổng tài sản lên tới 761,177 tỷ đồng ($33 tỷ); trong đó tiền gửi của khách hàng là 594,630 tỷ đồng ($26 tỷ), theo báo cáo tài chính quý 2-2022 của SCB. Đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, và nếu đi xa hơn là mua lại SCB với giá 0 đồng như đã làm với các ngân hàng yếu kém trước đây, NHNN Việt Nam phải gánh một núi nợ không hề nhỏ, bằng tổng thu ngân sách của nhà nước Việt Nam trong nửa năm!

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/1-32-776x420-1.jpg

Bài báo trên VnMedia báo động về núi nợ của tập đoàn Him Lam liên quan tới NH Sacombank đã bị gỡ bỏ.

 

Và khủng hoảng sẽ không dừng ở SCB mà đốm lửa đã có dấu hiệu biến thành đám cháy lan sang các ngân hàng khác. Người gửi tiền ở ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đã kéo nhau đến các chi nhánh STB để rút tiền, làm cho ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank phải lên báo Chính phủ, báo Quân Đội, giải thích SCB và STB [mã cổ phiếu của Sacombank] “không liên quan với nhau”. Với số tiền gửi của khách hàng lên tới 456,417 tỷ đồng ($19.8 tỷ), Sacombank và SCB có quy mô một chín một mười với nhau, và đều thuộc sự chi phối của hai đại gia bất động sản: Tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh và tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan.

 

Khi nhà nước nói “không” thì người dân thường hiểu là “có”. Khi ông Chủ tịch Dương Công Minh lên đài báo tán dương NHNN và khoe các giải thưởng này nọ thì người ta sẽ hiểu là Sacombank đang có vấn đề!

 

Mười ngày trước, vụ Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan nổ ra như một tia sét, nhưng tia sét đã đánh trúng điểm, làm bùng lên đám cháy ngân hàng SCB. Trên cái nền là hệ thống tài chính ngân hàng cổ lỗ, mối quan hệ chằng chịt giữa nhà băng và tập đoàn bất động sản, giữa giới kinh doanh cá mập và giới quan chức chính trị đầu sỏ, đám cháy đã bắt đầu lan rộng. Và đó là tử huyệt của chế độ cộng sản toàn trị ở Việt Nam.

 

------------

Đọc thêm:

 

Những câu hỏi từ vụ bắt Trương Mỹ Lan

 

Tin đồn… có thật





No comments:

Post a Comment

View My Stats