Thursday, 20 October 2022

KHI TRÍ TUỆ NÔNG DÂN GẶP LOGIC THƯƠNG TÍCH : ĐÁNH GIÁ NGHỊ QUYẾT 36 VỀ NGƯỜI VIỆT Ở NƯỚC NGOÀI (Nguyễn Hữu Liêm)

 



Khi trí tuệ nông dân gặp logic thương tích: Đánh giá Nghị quyết 36 về người việt ở nước ngoài  

Nguyễn Hữu Liêm

20/10/2022

https://www.danchimviet.info/khi-tri-tue-nong-dan-gap-logic-thuong-tich-danh-gia-nghi-quyet-36-ve-nguoi-viet-o-nuoc-ngoai/10/2022/27366/

 

https://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2022/10/G%C4%83p-g%E1%BB%A1-Ki%E1%BB%81u-b%C3%A0o-t%E1%BA%A1i-San-Jose-696x522.jpg

Quang cảnh buổi gặp gỡ Việt kiều ở tư gia NHL hôm 14/10/2022. Đứng phát biểu là ông Ngô Trịnh Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban người Việt nước ngoài.

 

Thứ Sáu 14 tháng 10 vừa qua, tại tư gia của tôi ở San Jose, California, có một buổi gặp gỡ giữa Uỷ ban người Việt ở nước ngoài đến từ Hà Nội và một số nhân sĩ Việt kiều. Trong suốt hơn hai giờ, cuộc trao đổi đều tương đối khá thẳng thắn và thực tiển về các chính sách đối với Kiều bào.

 

Nhưng khi nói về Nghị Quyết 36 năm 2004 của Bộ Chính Trị Đảng CSVN về chính sách đối với người Việt đinh cư ở nước ngoài thì buổi thảo luận trở nên sôi nổi gần như là một cuộc tranh luận.

 

Về phía Phái đoàn ngoại giao thì đánh giá Nghị quyết 36 là một thành công lớn, một bước ngoặc quan trọng trong chính sách của Đảng đối với Kiều bào trong tiến trình hòa giải dân tộc để cùng chung tay xây dựng đất nước, hướng về tương lai.

 

Phía nhân sĩ Kiều bào thì cho đó là một thất bại từ cơ bản vì nó không giải hóa được hố sâu ngăn cách giữa người Việt tỵ nạn và thể chế chính trị Cộng sản Việt Nam. Chưa nói về bình diện vĩ mô, có người nói thẳng rằng hãy nhìn xem buổi gặp mặt hôm nay tại một nhà riêng với một số nhỏ chưa tới 10 người – thay vì là một buổi gặp gỡ công khai, có đông đảo các thành phần người Việt và giới truyền thông tham dự – thì đây là bằng chứng rõ nhất về sự thất bại của Nghị quyết 36.

 

Chưa sòng phẳng với quá khứ

 

Có ý kiến cho rằng chế độ chính trị CSVN đã thay đổi rất nhiều, từ bản chất cầm quyền đến trình độ nhân sự. Các chính sách thực tiển đối với Việt kiều cũng đã rất thông thoáng và tiến bộ nhiều mặt. Tuy nhiên, hố sâu ngăn cách giữa Đảng và Kiều bào vẫn còn đó.

 

Tác nhân tạo ra hố sâu đó là Đảng CSVN. Nhưng cho dến nay,  Đảng vẫn chưa nhận lấy trách nhiệm đó, ít nhất là về mặt đạo lý dân tộc. Ngôn ngữ Nghị quyết 36 không đề cập gì đến những sai lầm lớn lao và ác độc của Đảng sau 1975 đối với dân miền Nam, nhất là người dân Sài Gòn. Từ học tập cải tạo tàn ác, đến đánh tư sản, đánh Hoa kiều, chế độ lý lịch khắt khe, chính sách lùa dân thành thị lên các vùng kinh tế mới rừng thiêng nước độc, xua đuổi và cướp nhà cửa, tài sản, đưa hàng trăm ngàn dân vượt biển, vượt biên đường bộ, để bị cưỡng hiếp bởi hải tặc, chết khát, chết vì mìn bên Campuchea.

 

Đó là chỉ nêu lên vài nét chính. Chúng là những tội ác lịch sử mà Đảng CSVN chưa lần trực diện với chúng, sòng phẳng với quá khứ sai lầm lớn lao đó. Phần đông khối Kiều bào Việt ở Hoa Kỳ vẫn còn mang thương tích lớn từ những chính sách bất nhân đó. Họ chưa tha thứ vì Đảng chưa chịu nhận trách nhiệm trước lịch sử, trước dân tộc, trước đại khối Kiều bào hải ngoại.

 

Từ trí tuệ nông dân

 

Trong lúc thảo luận hôm ấy, một nhân sĩ đặt tên cho những chính sách sai lầm và kém cỏi là tác phẩm của trí tuệ nông dân. Mới nghe qua thì tên gọi nầy có vẻ như là một xúc phạm. Nhưng thực ra đó là một nhãn hiệu công bằng. Đảng CSVN hãnh diện là của giai cấp công nông – tức là của giới vô sản, bần cùng. Với trí tuệ và ý chí công nông, vô sản đó, họ đã làm nên lịch sử, một lịch sử bách chiến bách thắng – như ngôn ngữ lịch sử chính thống của Đảng vẫn ca ngợi. Và ai – kể cả người CS – cũng thấy rằng các tác phẩm từ trí tuệ nông dân đó cũng đã gây ra biết bao tai họa cho quốc gia, cho dân tộc.

 

https://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2022/10/%C4%90%E1%BB%97-M%C6%B0%E1%BB%9Di-HN-1994.-e1666232716332-696x928.jpg

TBT Đỗ Mười tiếp NHL tại trụ sở trung ương Đảng ở Hà Nội, 1994.

 

Trí thức thiên tả thường huyền thoại hóa giai cấp bần cùng, quê mùa, vô sản. Đó là sự nhầm lẫn giữa lòng thương hại từ ý thức công lý đối với sự đánh giá khách quan về khả năng quyền lực, đạo đức ý chí chính trị khi nói về giai cấp nông dân. Ý chí chiến thắng của giới bần nông Việt Nam đã tạo nên một Điện Biên Phủ 1954 và Sài Gòn 1975, nhưng nó cũng đã mang đến Cải cách ruộng đất ở miền Bắc, đấu tố giai cấp và đánh tư sản, kinh tế mới ở miền Nam sau 1975. Đó là thể loại trí tuệ của Mao Trạch Đông khi thấy Trung Hoa thu hoạch lúa mùa kém đã đổ lỗi cho chim sẻ và ra lệnh tiêu diệt hết loài chim nầy. Kết quả là châu chấu và côn trùng tàn phá mùa màng, tạo nên nạn đói năm 1958- 60 trong đó hơn 30 triệu dân Tàu đã chết đói vì thiếu gạo.

 

Khúc quanh vươn thoát

 

Nếu quan sát kỹ, chúng ta có thể thấy rằng Đảng CSVN đang vươn thoát khỏi những sai lầm chính sách của trí tuệ nông dân. Tuy nhiên, ngôn ngữ và tinh thần của Nghị quyết 36 vẫn còn là một tác phẩm dung chứa tư duy của tầm mức trí tuệ nông dân đó. Trên bình diện chính trị, Nghị quyết nầy vẫn thể hiện ý chí chiến thắng, định kiến một chiều, đánh giá không chính xác về tâm tư Kiều bào, coi họ chỉ là đối tượng nhằm chính phục chính trị và khuyến dụ kinh tế – thay vì nhằm chia sẻ và thông hiểu vết thương sâu thẳm mà Kiều bào đang còn chịu đựng. Đó là chưa nói đến ý tưởng xây dựng cộng đồng Kiều bào ở hải ngoại theo đề án của Đảng, dù là tích cực, nhưng thiếu thực tế và không cần thiết.

 

Công bằng mà nói, tuy vậy, Nghị quyết 36 là một cách mạng về tư duy lớn của Đảng đối với chính sách Kiều bào. Từ cáo buộc phản quốc, bắt giam, đối với người vượt biên những năm sau 1975, nay Đảng đã chính thức công nhận Kiều bào là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Từ gởi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang quận Cam, California, gặp mặt Kiều bào, cho phép cựu Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ, Nhạc sĩ Phạm Duy… về sống ở nước nhà, cho đến chính sách miễn thị thực, công nhận song tịch, vấn đề mua bán bất động sản, Đảng CSVN đã chứng tỏ những thiện chí vượt bực.

 

Điều đó cho chúng ta thấy rằng Nghị quyết 36 mang hai bình diện song song với nhau: Đó là chính sách thực tiển đối với tinh thần chính trị. Cộng đồng Kiều bào, người Mỹ gốc Việt nay về nước làm ăn, nghỉ hưu, du lịch ngày càng đông. Hãy xem các chuyến bay trực tiếp của Vietnam Airlines từ California về Sài Gòn không còn chỗ ngồi thì sẽ thấy điều đó. Đảng CSVN đã thành công trên bình diện chinh phục Kiều bào ít nhất là trên bình diện thực dụng. Và Đảng cho rằng đây là một chiến thắng chính trị. Đó là nguyên nhân sâu sắc cho một số lớn, nếu không nói là đa số Kiều bào gốc VNCH, chưa chấp nhận thua cuộc trước chiến lược chính trị và nhân tâm đó của Đảng.

 

Đến Logic thương tích của Kiều bào

 

Khi tôi đăng lên trang Facebook về buối gặp mặt nói trên, tôi đã nhận được nhiều bình luận trái chiều. “Đừng nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm”, hay, “Cộng sản tự bản chất là không bao giờ thay đổi.”  Có một số bình luận hằn học hơn cùng với nhiều lời tán thành chuyện đối thoại, gặp gỡ như thế. Tôi thông cảm và chia sẻ với tất cả ý kiến trái chiều, và tôi không xóa bỏ lời bình luận nào. Những kết án thuần chất khẩu hiệu của thời VNCH là những biểu dấu của cái logic thương tích mà chúng ta phải công nhận và thông cảm.

 

Thôi thì hãy bình tâm mà “nhìn kỹ những gì Cộng sản làm”:  Từ cái thời đấu tố ruộng đất, văn kiện đầy ngôn ngữ giai cấp, ca ngợi tuyệt đối chủ nghĩa Mác Lê Nin, cho đến hôm nay, khi họ cố gắng làm hòa với Kiều bào, dù là cho mục tiêu chính trị, hay là khi họ gia nhập toàn diện vào cộng đồng kinh tế của thế giới văn minh, tiến bộ, hay là về bình diện đối nội với những thành đạt về ổn định chính trị, trật tự xã hội – dù bất công và ung thối – và phát triển kinh tế, đã tạo nên một giai tầng trung lưu, tư bản mới cho nhân dân. Những ai về nước gần đây, đi vào vùng xa, làng thôn, dù nghèo khó vẫn còn đó, nhưng đời sống chung của quần chúng đã được nâng cao rất nhiều. Nay dân chúng không còn ăn để no, mà phải ngon; mặc không chỉ đủ ấm, mà phải đẹp. Chúng ta phải công bằng để cho CSVN điểm cộng.

 

CSVN có thay đổi không?

 

Tức là không những bản chất của chế độ đã thay đổi, mà ngay cả con người CSVN cũng đã thay đổi, đã tiến hóa rất xa. Vâng, cái gì cũng phải thay đổi, chuyển hóa theo thời gian. Chế độ và con người CSVN đã và đang thay đổi. Lần nữa, ta phải bình tâm để công nhận điều đó.

 

Trong chuyến về nước tháng Tám vừa qua, tôi có dịp tiếp xúc với khá nhiều cán bộ cấp trung của chế độ. Hầu hết tuổi dưới 50 và tốt nghiệp từ các trường đại học uy tín Âu Mỹ. Trong đó có một số là sinh viên cũ của tôi ở San Jose City College. Trong các bữa ăn trưa hay tiếp xúc xã giao với các cán bộ cấp thứ trưởng và vụ trưởng ở Sài gòn và Hà Nội, tôi không thấy con người cộng sản nào ở họ, từ ngôn ngữ, nhân cách, phong thái. Ngay cả vị sĩ quan an ninh cấp tá hay mời tôi cà phê cũng là một con người sâu sắc, mang dáng dấp văn minh, lịch sự – chứ không như mấy chục năm trước khi tôi mới về nước đã phải làm việc với các ông an ninh chính trị răng đen mã tấu, thô kệch và hách dịch. Hiện tượng nhị nguyên nhân cách nơi cán bộ, tức là con người thể chế đối với con người thực, nay là một chuyện đang giảm bớt rất nhanh.

 

Khi con người thay đổi, thể chế thay đổi. Hãy nhìn vào nhân sự Bộ Chính trị hiện nay. Ở cơ chế quyền lực cao nhất nầy, chỉ còn một người cộng sản duy nhất: TBT Nguyễn Phú Trọng. Tôi cũng có lần gặp gỡ, quen biết một vài nhân vật trong BCT thì theo tôi họ không còn và không phải là người cộng sản. Họ chỉ coi chủ nghĩa Cộng sản như là một gia sản lịch sử cho mục tiêu công lý xã hội, một khung tham chiếu cho trật tự đẳng cấp – và dĩ nhiên, cho ý chí và quyền lợi, tham vọng chính trị. Nói gọn, VN nay không phải là một quốc gia cộng sản nữa.

 

Cần một Nghị quyết Kiều bào mới: Một lời tạ lỗi

 

Từ cái nhìn tích cực – và theo tôi là công bằng, vừa phải – ta phải đánh gía rằng, trên một bình diện nào đó, Nghị quyết 36 đã đưa Đảng CSVN đi đúng hướng trên hành trình hòa giải dân tộc thời hậu chiến. Nhưng nó chưa đủ và còn nhiều khuyết khiếm.(*)

 

Tôi đề nghị BCT hãy tuyên bố một Tân Nghị quyết về người Việt ở nước ngòai. Trong Nghị quyết mới nầy, Đảng hãy can đảm và sòng phẳng để công nhận những sai lầm chính sách đối với dân miền Nam sau 1975. Và có một lời tạ lỗi với họ, và đối với cả dân tộc chung.

Chỉ cần làm điều đó, thì đại khối Kiều bào gốc miền Nam, vốn rộng lượng và dễ tha thứ, hy vọng sẽ quên bớt hận thù, để cùng với người Việt khắp thế giới hướng về tương lai, xây dựng quốc gia như tất cả chúng ta cùng mong mỏi.

 

Nguyễn Hữu Liêm

 

---------

(*) Buổi gặp gỡ nói ở đây chỉ bao gồm nhân sĩ gốc VNCH và miền Nam, gọi chung là dân tỵ nạn. Dù không đề cập đến, nhưng tình trạng ở Đông Âu, Pháp, Anh, không liên quan gì đến bà con cựu thuyền nhân hay gốc VNCH, Nghị quyết 36 nghe nói là cũng không ảnh hưởng gì. Một hai thế hệ người Việt sống, sinh ra, làm việc ở các nước châu Âu đã nghĩ khác hẳn nội dung Nghị quyết 36. Thực ra, giới trí thức gốc Việt phần lớn không thích các chính sách của ĐCS VN, tuy họ không ra mặt chống. Có nhận xét cho rằng đó là lý do các phái đoàn của chính phủ VN khi qua các nơi đó chỉ hạn chế giao lưu với các nhóm làm ăn đa phần cần quan hệ ‘cửa sau” ở Hà Nội. Một số quan chức sang châu Âu còn gặp những nhóm cận xã hội đen. Các sáng kiến Đại sứ quán VN ở châu Âu và Anh Quốc lập “hội trí thức” thân hữu đều thất bại.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats