Kẻ
thù lớn nhất của ông Tập Cận Bình chính là Tập Cận Bình
Phan Minh - RFI
Đăng ngày: 24/10/2022 - 13:19Sửa đổi
ngày: 24/10/2022 - 13:26
Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc XX đã chính thức
khép lại vào cuối tuần qua với việc tổng bí thư Tập Cận Bình đắc cử nhiệm kỳ thứ
3. Trang mạng Mỹ CNN ngày 21/10/2022 có bài viết nói về việc ông Tập tiếp tục
lãnh đạo Trung Quốc không chắc đã phải là điều tốt đối với ông nói riêng và
Trung Quốc nói chung. RFI xin giới thiệu.
Tổng bí thư, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận
Bình tại Đại lễ đường
Nhân dân, Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23/10/2022. REUTERS - TINGSHU WANG
Nền kinh tế Trung Quốc đang chao đảo. Tỷ
lệ thất nghiệp đang tăng vọt. Các biện pháp phong tỏa chống Covid-19 đang
tàn phá các doanh nghiệp và cuộc sống của người dân. Lĩnh vực bất động
sản đang gặp khủng hoảng. Mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các cường quốc toàn cầu
đang trở nên căng thẳng.
Các vấn đề mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới
phải đối mặt vẫn còn đó, và những thách thức dài hạn
này càng trở nên tồi tệ hơn dưới một thập kỷ cầm quyền của Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, quyền lực của nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn không hề bị suy yếu.
Trong thập niên qua, ông Tập đã củng cố quyền
lực ở một mức độ chưa từng có kể từ thời người sáng lập đảng Cộng sản Trung Quốc,
Mao Trạch Đông. Ông là người đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc, đứng đầu nhà
nước, lực lượng vũ trang và nhiều ủy ban khác đến mức ông được mệnh
danh là « chủ tịch của mọi thứ ».
Nhưng quyền lực tuyệt đối thường đi kèm với
trách nhiệm tuyệt đối, và khi các vấn đề ngày càng gia tăng, các nhà phân tích
cảnh báo rằng ông Tập sẽ khó có thể trốn trách nhiệm.
« Tôi
nghĩ kẻ thù lớn nhất của việc Tập Cận Bình nắm quyền trong một thời gian dài,
đó chính là Tập Cận Bình », Steve Tsang,
giám đốc Viện SOAS Trung Quốc ở Luân Đôn nhận định. « Khi ông ấy mắc phải
một sai lầm chính sách lớn gây ra sự tàn phá ở Trung Quốc, điều đó có khả năng
kéo theo sự khởi động của quá trình lật đổ quyền lực của Tập Cận Bình ».
Bên trong phòng cộng
hưởng
Sự cai trị của Mao từ năm 1949 đến năm 1976 được
đánh dấu bằng những quyết định chính sách thiếu suy nghĩ dẫn đến hàng chục triệu
người chết và phá hủy nền kinh tế Trung Quốc. Sau nhiều thập kỷ hỗn loạn
đó, đảng Cộng Sản đã « thiết kế » và phát triển một hệ thống
lãnh đạo tập thể nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của một nhà độc tài khác có thể đưa
ra những quyết định độc đoán và nguy hiểm.
Lãnh đạo sau đó của Trung Quốc là
ông Đặng Tiểu Bình, đã đặt ra một quy tắc bất thành văn với tiền lệ là tổng
bí thư đảng Cộng Sản – chức vụ của nhà lãnh đạo Trung Quốc có thực
quyền - sẽ phải từ chức sau hai nhiệm kỳ.
Khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, nền
kinh tế Trung Quốc đã phát triển vượt bậc khi nước này hội nhập chặt chẽ hơn với
phần còn lại của thế giới. Trước đó 4 năm hồi năm 2008, Trung Quốc
đã khiến cả thế giới choáng váng với Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh vô cùng hoành
tráng. Nhưng đối với ông Tập, Đảng đang trong tình trạng khủng hoảng, chìm ngập
trong tham nhũng, đấu đá nội bộ và kém hiệu quả .
Giải pháp của ông Tập là quay trở lại chế độ
cai trị độc tài và vai trò cá nhân. Ông đã thanh trừng những đối thủ chính trị
trong một chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng, bịt miệng bất đồng nội bộ,
bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch và ghi « Tư tưởng
Tập Cận Bình » vào điều lệ của Đảng.
Theo các nhà phân tích, nhiều chế độ độc tài
rơi vào mô hình lạm dụng quyền lực và đưa ra quyết định tồi tệ khi rất
ít những lời khuyên phản biện được các nhà lãnh đạo lắng
nghe. Họ nêu ra cuộc chiến ngày càng tốn kém của Vladimir Putin chống lại
Ukraina và lo ngại rằng quyền lực tối cao của ông Tập giống như đối với tổng
thống Nga, một ngày nào đó có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc không kém.
Theo chuyên gia Tsang, ông Putin và ông Tập « cùng mắc
phải hội chứng muốn trở thành người hùng, có nghĩa là biến những cộng sự thân cận
chính trị thành những buồng cộng hưởng, sao cho mọi người không còn
có thể tự do phát biểu ý kiến của mình nữa ». « Chúng tôi thấy họ
đang phạm phải những sai lầm lớn, bởi các tranh luận chính sách nội bộ
đã bị thu hẹp hoặc thậm chí bị gạt bỏ ».
Cái bẫy
zero-Covid
Thời gian gần đây, không có quốc gia nào
hiện đại hóa nhanh chóng như Trung Quốc. Đảng Cộng sản khẳng định rằng sự lãnh
đạo của họ đã đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo, biến những ngôi
làng ở vùng sông nước trở thành những siêu đô thị tuyệt đẹp. Nhưng phép màu
tăng trưởng đó đã bị chậm lại. Và các chính sách của ông Tập làm cho nhiều
thách thức dài hạn đối với nền kinh tế Trung Quốc càng trở
nên trầm trọng hơn.
Ông Tập đã tự cho mình có sứ mệnh củng cố quyền
lực Đảng và quyền kiểm soát của đảng đối với các doanh nghiệp và xã hội.
Ông đã tiến hành một cuộc trấn áp lĩnh vực tư nhân-vốn một thời năng
động- và dẫn đến việc sa thải ồ ạt người lao động. Bắc Kinh tuyên bố các quy định
cứng rắn này hạn chế các tập đoàn có quá nhiều quyền
lực, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng, nhưng các biện pháp này đã bóp nghẹt
các doanh nghiệp tư nhân, gây ớn lạnh cho nền kinh tế và làm dấy lên lo ngại về
sự đổi mới trong tương lai.
Bắc Kinh bắt đầu hạn chế cấp tín dụng dễ dàng
cho các công ty bất động sản vào năm 2020, dẫn đến tình trạng khan hiếm tiền mặt
và vỡ nợ đối với nhiều nhà phát triển bất động sản, trong đó có tập
đoàn khổng lồ Evergrande. Các dự án nhà ở đã bị đình trệ và người mua nhà tuyệt
vọng trên khắp nước từ chối tiếp tục thanh toán các khoản tiền đối với những
ngôi nhà chưa hoàn thiện. Sự gián đoạn trong lĩnh vực bất động sản có tác động
lớn đến nền kinh tế trên diện rộng của Trung Quốc, vì nó
chiếm tới 30% GDP của cả nước.
Nhưng trong thời kỳ lãnh đạo của ông Tập,
không có gì làm rung chuyển nền kinh tế và xã hội của Trung Quốc nhiều
như chính sách zero-Covid. Trong năm thứ ba của đại dịch, Trung Quốc
tiếp tục áp dụng chính sách khắc nghiệt dựa vào việc xét nghiệm hàng
loạt, kiểm dịch trên diện rộng và phong tỏa tức thời để dập tắt các
ca lây nhiễm bằng mọi giá, trong khi phần còn lại của thế giới đã học cách sống
chung với virus.
Trung Quốc tiếp tục phong tỏa toàn bộ các
thành phố chỉ vì một số ít trường hợp lây nhiễm, đồng thời đưa tất cả
những trường hợp dương tính và những người có liên quan đến các cơ sở
kiểm dịch của chính phủ. Xếp hàng xét nghiệm Covid và quét
mã hồ sơ theo dõi sức khỏe để vào bất kỳ nơi công cộng nào đã trở
thành chuyện bình thường. Bắc Kinh cho rằng chính sách này đã ngăn
Trung Quốc rơi vào thảm họa y tế như phần còn lại của thế giới, nhưng
chính sách zero-Covid dẫn đến những chi phí khổng lồ.
Nỗi đau 'tự chuốc
lấy'
Các vụ phong tỏa liên tục đã làm giảm
đáng kể tốc độ phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục
của thanh niên đã lên tới gần 20%. Các nguồn thu đang eo hẹp dần. Chính
quyền địa phương hiện mắc rất nhiều nợ vẫn phải chi tiền cho việc xét nghiệm
Covid hàng loạt. Các chuyên gia cho rằng sẽ tốt hơn nếu sử dụng tiền vào việc
gia tăng tỷ lệ tiêm chủng, thay vì xây dựng các địa điểm xét nghiệm và cơ sở kiểm
dịch tốn kém. Trung Quốc vẫn chưa chấp thuận bất kỳ loại vác-xin Messenger RNA
(mRNA) nào của nước ngoài, được chứng minh là có hiệu quả hơn đối với biến thể
lây lan nhanh Omicron, so với các loại vac-xin kém hiệu quả được sử dụng ở
Trung Quốc.
Khi đại dịch mới bắt đầu, Bắc Kinh đã kiểm duyệt,
và trong một số trường hợp đã trừng phạt các bác sĩ, chuyên gia và nhà báo tìm
cách cảnh báo về một con virus nguy hiểm chết người ở Vũ Hán.
Gần ba năm trôi qua, khi hầu hết các chuyên
gia quốc tế khuyên Trung Quốc tìm cách sống chung với virus, Bắc Kinh ngược lại
càng siết chặt những biện pháp phòng dịch. Hồi đầu năm nay, Thượng Hải - một đô
thị có dân số nhiều gấp ba lần thành phố New York, đã bị phong tỏa trong vòng
hai tháng. Mọi người phải vật lộn để có đủ lương thực và các nhu yếu phẩm
cơ bản. Cư dân tuyệt vọng đã lao ra khỏi nhà và xung đột với các nhân
viên thi hành công vụ trong các cuộc biểu tình hiếm hoi trên đường phố.
Nhiều bệnh nhân đã không được hưởng dịch vụ y tế thiết yếu.
Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ trích
chính sách zero-Covid là « không bền vững », Trung Quốc đã kiểm
duyệt tuyên bố này trên mạng xã hội.
Susan Shirk, giám đốc trung tâm
21st Century China và là tác giả cuốn « Overreach », cuốn
sách nói về sự lãnh đạo của ông Tập, cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc
« cạnh tranh với nhau để chứng minh họ trung thành với ông Tập như
thế nào vì ông thăng chức cho những người trung thành chứ không phải những người
có năng lực nhất ». Điều đó dẫn đến việc cấp dưới sẽ thực thi quá thái
các chính sách để cố gắng làm vừa lòng ông Tập.
Chuyên gia Shirk cho biết điều này đã xảy ra với chính
sách zero-Covid, vì ông Tập đã trực tiếp đặt cược vai trò lãnh đạo của
mình với chính sách này, do đó các quan chức địa phương đã hết lòng tuân
theo zero-Covid để thể hiện lòng trung thành với nhà lãnh đạo và bảo tồn sự
nghiệp của họ.
Bà Shirk nói : « Một phần lớn
những khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc đều do ông Tập tự gây ra và
gánh chịu ». « Vì vậy, điều này gợi lên một suy nghĩ đáng lo
ngại, là đảng Cộng Sản Trung Quốc không còn tự coi mình là một Đảng chú trọng đến
phát triển, đặt phát triển kinh tế là mục tiêu hàng đầu. Mà thay vào
đó, chỉ coi trọng việc củng cố quyền lực của ông Tập Cận Bình ».
---------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Hồ
Cẩm Đào bị buộc rời hội trường Đại Hội ĐCSTQ: Tập Cận Bình cảnh cáo phe phản đối?
.
Đảng
Cộng Sản Trung Quốc chủ trương đưa ra các loại thuế mới đối với người giàu
No comments:
Post a Comment