‘Hoàng Đế’ Tập Cận Bình –
mối nguy hiển hiện
Hiếu Chân/Người Việt
October 4,
2022
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/hoang-de-tap-can-binh-moi-nguy-hien-hien/
Chủ Tịch Tập
Cận Bình của Trung Quốc chắc chắn sẽ giành được nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba tại đại
hội toàn quốc lần thứ 20 của đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), sẽ diễn ra trong
hơn 10 ngày nữa. Thành tích chưa từng có tiền lệ này sẽ biến ông Tập thành một
“hoàng đế” mới của 1.4 tỉ dân Trung Quốc.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/10/BL-Hoang-De-Tap-Can-Binh-1068x711.jpg
Ông Tập Cận Bình, chủ tịch nhà nước Trung Quốc.
(Hình minh họa: Matthew Walsh/AFP via Getty Images)
Theo bàn
luận của giới quan sát, đại hội ĐCSTQ sẽ sửa đổi điều lệ để khôi phục chức vụ
“chủ tịch đảng” (chairman) mà người thành lập đảng, ông Mao Trạch Đông, từng nắm
giữ cho đến khi chết. Hiến Pháp Trung Quốc trao cho chủ tịch ĐCSTQ quyền hạn tối
đa, đồng thời là chủ tịch nhà nước (president) và tổng tư lệnh quân đội.
Từ tổng bí thư tới chủ tịch đảng
Khi thực
hiện cải cách năm 1978, ông Đặng Tiểu Bình bãi bỏ chức chủ tịch đảng, thay bằng
chức tổng bí thư (general secretary). Vấn đề không chỉ là thay đổi từ ngữ mà
ông Đặng muốn thay đổi cơ chế lãnh đạo, cơ chế ban hành quyết định và chính
sách, từ cá nhân lãnh tụ sang tập thể lãnh đạo. Chủ tịch là quyền lãnh đạo tối
cao của một người, trong khi tổng bí thư chỉ là người đứng đầu một tập thể.
Ở Trung Quốc
hiện nay, tập thể đó là Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị gồm bảy thành viên, chọn ra
từ 25 ủy viên Bộ Chính Trị. Ông Đặng cho rằng, chức vụ chủ tịch cho phép ông
Mao thâu tóm mọi quyền lực như một hoàng đế, dẫn tới tệ sùng bái cá nhân hết sức
tai hại cho sự phát triển của Trung Quốc.
Ông Tập Cận
Bình luôn coi ông Mao Trạch Đông là thần tượng, là mẫu mực về chính trị để ông
noi theo. Từ khi lên nắm quyền lãnh đạo năm 2012, ông Tập từng bước mở rộng quyền
lãnh đạo cá nhân dù vẫn duy trì về hình thức cơ chế lãnh đạo tập thể của Bộ
Chính Trị mà ông chỉ là tổng bí thư.
Ngay từ
năm 2016 ông Tập đã cho đưa vào điều lệ ĐCSTQ khái niệm “lãnh đạo cốt lõi”
(core leader) và “Tư tưởng Tập Cận Bình,” tự đặt mình lên trên các lãnh đạo
khác, vượt qua những tổng bí thư tiền nhiệm.
Năm 2018,
ông cho sửa Hiến Pháp để ông có thể làm chủ tịch nhà nước Trung Quốc thêm nhiệm
kỳ thứ ba. Ông thành lập một số ban chỉ đạo có nhiệm vụ hoạch định chính sách
cho từng lĩnh vực, và đều do ông phụ trách. Ngay cả việc điều hành nền kinh tế,
theo thông lệ là nhiệm vụ của chính phủ, ông Tập cũng vượt quyền Thủ Tướng Lý
Khắc Cường, trực tiếp ban hành những chính sách cụ thể, phục vụ cho ý tưởng “thịnh
vượng chung” của ông.
Với việc
thay đổi cơ chế từ tổng bí thư sang chủ tịch đảng và bãi bỏ giới hạn hai nhiệm
kỳ trong đại hội sắp tới, ông Tập gần như đạt được mục đích làm lãnh tụ trọn đời,
thành một Mao Trạch Đông thứ hai trong lịch sử Trung Quốc hiện đại.
Không còn
nữa những giới hạn của chế độ tập thể lãnh đạo thời ông Hồ Cẩm Đào, ông Giang
Trạch Dân, không còn những nguyên tắc cải cách thị trường và “trỗi dậy hòa
bình” mà ông Đặng Tiểu Bình đề ra 40 năm trước. Chỉ còn “Hoàng Đế” Tập Cận Bình
với tư tưởng và tham vọng của ông làm kim chỉ nam cho con đường phát triển của
Trung Quốc.
Sự thay đổi
đó có phải là điều tốt cho Trung Quốc và thế giới?
Cái hại cho Trung Quốc
Thực tế,
10 năm lãnh đạo vừa qua của ông Tập Cận Bình là bước lùi của xã hội Trung Quốc.
Công cuộc cải cách do ông Đặng Tiểu Bình khởi xướng và góp phần tạo nên sự phát
triển thần kỳ của nền kinh tế nước này bị dừng lại, một xã hội tương đối cởi mở
và phồn thịnh được thay bằng một xã hội khép kín trong đó người dân thường
xuyên bị theo dõi.
Trung Quốc,
từ một cường quốc được ngưỡng mộ, biến thành một quốc gia bị thế giới sợ hãi và
xa lánh!
Về kinh tế,
Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng GDP 7.9% năm 2012 khi ông Tập lên cầm quyền,
đến năm 2021 chỉ còn 2.2%, đồng thời phát lộ những vấn đề nghiêm trọng trong
các thị trường bất động sản, tài chính và môi trường. Thay vì tiếp tục đẩy mạnh
cải cách theo thị trường tự do, ông Tập chọn hướng ngược lại là củng cố doanh
nghiệp nhà nước và áp đặt quyền kiểm soát của đảng lên cả khối doanh nghiệp tư
nhân như tập đoàn Alibaba của ông Jack Ma.
Về đối ngoại,
Trung Quốc vẫn là một cường quốc có triển vọng bắt kịp và vượt qua Hoa Kỳ để trở
thành cường quốc số một thế giới, nhưng những chính sách của ông Tập như đại dự
án “Vành Đai và Con Đường” biến thành một thứ bẫy nợ, chính sách ngoại giao
hung hăng, chính sách bành trướng lãnh thổ, đe dọa các nước láng giềng, và lập
trường ủng hộ Nga trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, khiến nhiều nước lo
ngại.
Một liên
minh các đối thủ của Trung Quốc đã hình thành và ngày càng mở rộng.
Nhiều nhà
phân tích coi sự chuyển hướng của chính trị Trung Quốc sang chế độ toàn trị khắc
nghiệt dưới thời ông Tập Cận Bình là một phản ứng tự nhiên chống lại tác động
phá hủy của tư tưởng tự do dân chủ đối với uy quyền tuyệt đối của ĐCSTQ.
Tuy nhiên,
do ông Tập coi trọng sự tồn vong của đảng hơn sự phát triển của đất nước nên
Trung Quốc phải trả giá.
Nếu ông Tập
tiếp tục cầm quyền, trở thành một tân hoàng đế, thì con đường tương lai của
Trung Quốc chắc sẽ không thuận lợi như 10 năm qua. Đất nước này có thể đi lùi
và không loại trừ khả năng xảy ra biến động chính trị làm chệch hướng nỗ lực
xây dựng của người dân.
Tập và Putin, ai đáng sợ hơn?
Trên bình
diện quốc tế, ông Tập thường tuyên bố: “Phương Đông đang trỗi dậy, phương Tây
đang suy tàn.” Ông cho rằng mô hình “chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc”
tốt hơn mô hình dân chủ tự do vì nó không vướng vào những thủ tục cồng kềnh
trong tiến trình hoạch định chính sách.
Thực tế,
ĐCSTQ có thể huy động toàn bộ nguồn lực của xã hội để thực hiện một mục tiêu
nào đó của đảng một cách nhanh chóng mà không bị thách thức, trái hẳn với cơ chế
tam quyền phân lập của Phương Tây.
Một ví dụ,
cho đến nay, Trung Quốc là nước duy nhất phong tỏa nhiều thành phố chỉ để thực
hiện chính sách “zero-COVID” của ông Tập, bất chấp những thiệt hại khủng khiếp
cho nền kinh tế và cuộc sống người dân nhưng không ai dám có ý kiến khác với
ông.
Cũng có thể
thấy một sự tập trung quyền lực như vậy đối với nhà độc tài Vladimir Putin,
trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine đang diễn ra.
Chế độ độc
tài không bao giờ là tốt. Quyền lực tuyệt đối, quy tụ chung quanh ông Tập những
người do ông chọn lựa, chỉ lo thực hiện những ý tưởng của ông. Ông dần dần xa rời
thực tế, luôn thủ thế và hoang tưởng. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy lãnh đạo
càng độc tài thì càng nguy hiểm và càng khó bị thay thế. ĐCSTQ sắp trao quyền
tuyệt đối cho ông Tập, và ông sẽ coi đó là một thứ “thiên mệnh” trời ban để ông
có thể làm bất cứ chuyện gì ông muốn.
Một “Hoàng
Đế” Tập Cận Bình cầm đầu 1.4 tỉ dân và nền kinh tế quy mô thứ hai thế giới sẽ
là điều đáng ngại. Vì cái chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong “Tư tưởng Tập Cận
Bình,” ông có thể đẩy nhanh tiến trình xâm chiếm các lãnh thổ tranh chấp ở Biển
Đông, biển Hoa Đông, thâu tóm Đài Loan và xung đột quyết liệt với Hoa Kỳ.
Đi xa hơn
là phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ thay bằng trật tự dựa trên sức mạnh.
So với ông Putin của nước Nga mà cả thế giới đang ghê tởm thì ông Tập nguy hiểm
hơn nhiều, bởi vì ông có đủ phương tiện và sức mạnh để thực thi các mưu đồ
hoang tưởng của mình trong khi ông Putin chỉ thạo cướp đất và dọa sử dụng vũ
khí nguyên tử.
Ông Tập Cận
Bình sắp đăng quang vào lúc thế giới đang trong cơn nguy biến, cả về kinh tế,
chính trị lẫn quân sự.
Và đó là
điều thật sự rất đáng lo ngại. [đ.d.]
No comments:
Post a Comment