Nguyễn
Quang Thiều
09/10/2022
https://dantri.com.vn/tam-diem/giac-mo-nobel-van-chuong-20221009150005669.htm
Giải Nobel năm 2022 tiếp tục gây bất ngờ. Giải
Nobel năm 2021 cũng tương tự. Những tên tuổi như Murakami Haruki, Milan Kundera
hay như Salman Rushdie... tiếp tục đứng ngoài.
Dễ dàng thấy rằng áp lực với các thành viên của
Viện Hàn lâm Thụy Điển là vô cùng to lớn. Có không ít những nhà văn được cả thế
giới biết tới và ủng hộ. Nhưng Viện Hàn lâm Thụy Điển không hề nao núng và hình
như chẳng mảy may làm họ "động lòng". Họ quyết định bởi cách nhìn độc
lập của họ.
Với nhà văn Annie Ernaux -
Khôi nguyên Nobel văn chương năm nay, Hội đồng Nobel vinh danh vì các tác phẩm
của bà "khám phá ra gốc rễ, sự ghẻ lạnh và những hạn chế chung của ký ức
cá nhân bằng sự can đảm và nhạy bén".
Còn với nhà văn Abdulrazak Gurnah, chủ
nhân giải Nobel 2021, được trao giải vì truyền tải được "sự thâm nhập
không khoan nhượng và giàu lòng trắc ẩn trước những tác động của chủ nghĩa thực
dân và số phận người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục
địa".
Những lời vinh danh các nhà văn của Viện hàn
lâm Thụy Điển đã cho thấy cách nhìn và tư tưởng của họ khi quyết định chọn nhà
văn để trao giải.
Đã từng có một thành viên của Viện hàn lâm Thụy
Điển là ngài Knut Ahnlund từ chức khi không đồng tình với việc trao giải cho
nhà văn Elfriede Jelinek - giải Nobel Văn học năm 2004. Nhưng Hội đồng
Nobel vẫn kiên định con đường của mình. Tôi nghĩ, nếu Hội đồng Nobel bị chi phối bởi dư luận thì
họ sẽ không có khả năng quyết định vì các ứng cử viên đều là những tên tuổi khổng
lồ của văn chương thế giới.
Khi tôi bàn về giải Nobel văn học 2022 trên
trang cá nhân, một bạn đồng nghiệp bình luận rằng "Nỗi buồn chiến
tranh" của Bảo Ninh hoàn toàn xứng đáng được giải Nobel. Tôi nghĩ rằng đây
là một ý kiến hết sức nghiêm túc. Bởi vậy, tôi đã làm một cuộc khảo sát nho nhỏ
xem những ai quan tâm tới văn học Việt Nam sẽ chọn những nhà văn, nhà thơ nào
mà mình nghĩ xứng đáng được trao giải?
Trước đây, khi nghe tin Viện hàn lâm Thụy Điển
gửi thư cho tôi đề nghị đề cử nhà văn Việt Nam cho giải Nobel, đã có rất nhiều
ý kiến khác nhau về việc này. Có người gửi tác phẩm được dịch ra tiếng Anh cùng
hồ sơ để Hội nhà văn xem xét và đề cử. Có người viết thư cho tôi gợi ý tên nhà
văn nên đề cử. Tôi tôn trọng cách nhìn của họ. Trong đầu tôi cũng nghĩ tới một,
hai nhà văn.
Kết quả cuộc khảo sát nhỏ của tôi: Nhà văn Bảo
Ninh được đề cử nhiều nhất. Hầu hết thái độ đề cử rất nghiêm túc. Tất nhiên có
những đề cử vui, có những đề cử mỉa mai, châm chọc, có những đề cử cảm tính và
có cả người tự đề cử.
Việc đề cử dù thế nào cũng gợi mở cho tôi một
phác thảo chân dung văn học Việt Nam, hiểu thêm những người Việt Nam có quan
tâm đến văn chương đang mang tâm thế nào, đang quan tâm đến vấn đề gì của văn học?
Bên cạnh các nhà văn trong nước, trong đề cử
tôi thấy có cả những nhà văn gốc Việt đang sống ở nước ngoài và rất xứng đáng.
Nếu bất cứ nhà văn nào mang dòng máu Việt được giải Nobel thì đó là niềm kiêu
hãnh của tất cả chúng ta. Văn chương đích thực không có biên giới, nó phá bỏ mọi
biên giới để bay lên lộng lẫy trong tự do.
Giải Nobel là vô cùng danh giá. Nhưng văn
chương đích thực không phụ thuộc vào bất cứ giải thưởng nào. Tự thân nó là cái
Đẹp. Giống những loài hoa sinh ra không nhằm để được chọn làm quốc hoa, được tặng
trong lễ tình nhân, được đặt trong phòng tiệc hay trong lễ tưởng niệm.
Và cũng qua cuộc khảo sát nhỏ, tôi nhận thấy
văn học Việt Nam còn quá nhiều công việc phải làm để có được vị trí
bình đẳng với những nền văn học khác. Nhà văn Việt Nam phải lớn lên hơn nữa, bạn
đọc cũng phải lớn lên hơn nữa trong nhiều nghĩa. Để đến một ngày nào đó chúng
ta tự tin đề cử những nhà văn ưu tú của mình cho Viện hàn lâm Thụy Điển.
Và rất có thể một nhà văn Việt Nam không được
nhắc tới trong các đề cử này hoặc là một cậu bé, cô bé sẽ viết văn trong tương
lai là người mang giải Nobel về cho Việt Nam. Mọi chuyện đều có thể và đang ở
phía trước.
Nhưng trước hết hãy yêu thương con người, hãy
sống văn minh, bình đẳng, biết lắng nghe và biết trân trọng sự sáng tạo khác biệt
của người khác. Chỉ như thế người đọc mới có thể hy vọng vào nhà văn và tác phẩm
của họ.
----------------------------------------------
Tác giả: Viết văn từ năm
1983, ông Nguyễn Quang Thiều hiện là Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam. Ông đã xuất
bản 11 tập thơ, 17 tập văn xuôi và 3 tập sách dịch. Ngoài ra, ông Nguyễn Quang
Thiều còn viết báo, kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh và là họa sĩ.
No comments:
Post a Comment