Đến
lúc Việt Nam phải thay đổi
Nguyễn
Quang Dy
https://nghiencuuquocte.org/2022/10/08/den-luc-viet-nam-phai-thay-doi/
Việt Nam đã cải cách “vòng một” từ năm 1986,
làm thay đổi diện mạo đất nước về kinh tế. Nhưng cải cách đã hết đà nên đến lúc
Việt Nam phải cải cách “vòng hai” để tháo gỡ những ách tắc về thể chế nhằm tiếp
tục phát triển. Điều đó càng trở nên cấp bách vì thế giới đang đứng trước nguy
cơ và bất ổn do hệ quả nặng nề của đại dịch và tranh chấp ngày càng gia tăng giữa
các siêu cường. Hội nghị Trung ương 6 có thể là một bước ngoặt mới.
***
Việt Nam đã chuyển đổi nền kinh tế từ mô hình
Liên Xô dựa trên kế hoạch hóa tập trung và bao cấp sang nền kinh tế thị trường,
nhưng còn nhiều bất cập cập và ách tắc vì Việt Nam theo đuổi mô hình ghép “kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nay để lấy lại đà cải cách và đối
phó với những thách thức mới đầy bất ổn, đến lúc Việt Nam phải tiến hành cải
cách “vòng hai” trong đó chủ yếu là đổi mới về thể chế như mong đợi.
Báo Cáo “Việt Nam 2035” do Ngân hàng Thế giới
(World Bank) và Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì (hoàn thành năm 2016) là một kế hoạch
phát triển toàn diện dựa trên ba trụ cột chính, trong đó có cải cách thể chế.
Nhưng đến nay kế hoạch đó vẫn chưa được triển khai, làm cho Việt Nam khó tháo gỡ
những ách tắc và cản trở để phát triển. Có thể nói cải cách chính trị là “nhiệm
vụ bất khả thi”, khó khăn hơn nhiều so với cải cách kinh tế.
Cải cách “vòng một” đã thành công vì Việt Nam
buộc phải làm vì đứng trước các thách thức cấp bách. Năm 1986, Việt Nam đứng
trước một thảm họa kinh tế vì bị xô đẩy vào cuộc chiến tranh biên giới với
Trung Quốc hao người tốn của mà không có viện trợ từ Liên Xô và Đông Âu vì họ
cũng đang lâm vào thế cờ tàn. Việt Nam không có lựa chọn nào khác, nên khẩu hiệu
lúc đó là “Cải cách hay là chết” và “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”.
Việt Nam vẫn theo đuổi “Kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa” theo mô hình Trung Quốc, nên chưa sẵn sàng cải cách
“vòng hai” về thể chế. Tuy Việt Nam có cơ hội phát triển, nhưng có nguy cơ tụt
hậu so với các nước khu vực. Bình luận về việc Việt Nam theo đuổi mô hình “định
hướng xã hội chủ nghĩa”, nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đã
có lần bình luận thẳng thắn: “Mô hình đó có đâu mà đi tìm”.
Phát biểu tại Đại hội Đảng lần thứ XII
(22-29/1/2016), nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nhấn mạnh: “Một hệ thống
chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây nay không
còn phù hợp với nền kinh tế thị trường. Thậm chí nó đang trở thành rào cản, gây
ách tắc cho phát triển tiếp theo. Vì vậy, cải cách toàn diện để thể chế chính
trị phù hợp với nền kinh tế thị trường là một đòi hỏi cấp bách”.
***
Trong thế kỷ 20, lý thuyết “quản trị sự thay đổi”
(leading change) của John Kotter đã dược giảng dạy tại các trường kinh doanh ở
Mỹ và các nước, nhưng không còn phù hợp với thực tế trong thế kỷ 21. Trong cuốn
“Tương lai quản trị” (The Future of Management, 2007) Gary Hamel
(Harvard Business School) tuyên bố: “Quản trị đã chết” (management is dead).
Thay vì “Quản trị sự thay đổi”, Hamel đề xuất “Thay đổi quản trị” triệt để.
Bà Drew Gilpin Faust (chủ tịch Harvard) đã
phát biểu trong lễ khai giảng năm 2009: “Chúng ta phải làm đảo lộn các định kiến,
làm giới trẻ mất phương hướng và giúp chúng tìm cách định hướng lại”. Triết gia
Eric Hoffer đã từng nhận xét: “Những người có học thường được trang bị những
kiến thức để sống trong một thế giới không còn tồn tại”. Nói cách khác, phải
thay đổi tư duy và hệ quy chiếu để đối phó với các thách thức mới.
Trong dịp tranh cử tổng thống Mỹ gần đây, vụ bạo
loạn gây sốc tại Điện Capitol ngày 06/01/2021 đã bộc lộ những bất cập và phân
hóa nghiêm trọng trong hệ thống chính trị và xã hội Mỹ. Nay đại dịch và cuộc
chiến tranh Ukraine đã làm bộc lộ những góc khuất về nước Nga và trật tự thế giới.
Nếu không thay đổi tư duy và hệ quy chiếu thì rất khó hiểu rõ, và đối phó được
với các thách thức mới khi thế giới biến đổi khó lường.
Trong một hội thảo gần đây tại Hà Nội, giáo sư
Trần Văn Thọ (Đại học Waseda) đã giới thiệu một cuốn sách mới về sự phát triển
thần kỳ của Nhật Bản. Tuy nhiều chuyên gia kinh tế và quan chức Việt hiểu rõ về
mô hình phát triển của Nhật và tiềm năng phát triển của Việt Nam, nhưng họ tỏ
ra bi quan, không phải về khả năng người Việt học hỏi kinh nghiệm phát triển của
người Nhật, mà là ách tắc do Hà Nội không chịu đổi mới thể chế.
Tuy việc bảo tồn văn hóa truyền thống rất quan
trọng để người Việt duy trì bản sắc, nhưng đến lúc họ phải tư duy “phi truyền
thống” và hành động “toàn cầu”. Trước những biến đổi khó lường do đại dịch và
chiến tranh Ukraine, thế giới đã thay đổi quá nhiều và không còn như trước nữa.
Để đối phó với các thách thức mới, Việt Nam phải vận dụng không chỉ công nghệ mới
mà còn cả tư duy mới.
***
Hội nghị Trung ương 5 (4-11/5/2022) chưa phải
lúc thay đổi lãnh đạo vì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa sẵn sàng chuyển giao
quyền lực. Hội nghị Trung ương 6 (3-10/10/2022) là một cơ hội mới để thay đổi
lãnh đạo và cải cách thể chế. Vì các quan chức đứng đầu nhắm ghế số một và tứ
trụ bị dính vào các vụ bê bối, ông Trọng đã củng cố quyền lực mạnh hơn với quy
định 80 (18/08/2022) về phân cấp quản lý và bổ nhiệm cán bộ.
Trước những biến chuyển gần đây tại Ukraine và
Đài Loan trước Đại hội Đảng lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối
năm, Việt Nam phải điều chỉnh tư duy chiến lược để tránh bị bất ngờ và đối phó
với các tình hưống mới khó lường. Trong khi chiến dịch “đốt lò” chống tham
nhũng được tăng cường để chuyển giao quyền lực theo kịch bản của ông Trọng (ít
nhất đến năm 2026), việc thay đổi lãnh đạo không thay thế cho cải cách thể chế.
Kể từ năm 2016, hơn 87.000 cán bộ đảng viên đã
bị kỷ luật, gồm 2 ủy viên Bộ Chính trị, 21 ủy viên Trung ương mới và cũ, cùng 23
tướng lĩnh. Riêng từ tháng 1/2021 đến nay, có 7 ủy viên Trung ương bị kỷ luật.
Đó là những con số báo động nhưng chưa dừng lại, và chỉ là “phần nổi của tảng
băng chìm”. Với tương quan giữa các vụ bê bối và các quan chức bị điểm danh,
chiến dịch “đốt lò” chắc không nguội đi cho tới trước năm 2026.
Trong diễn văn khai mạc hội nghị Trung ương 6,
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh các vấn đề cần được thảo luận và quyết định
“rất quan trọng, nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp và nhạy cảm”. Đề cập đến các
nhiệm vụ trước mắt, ông nói: “Các khó khăn và thách thức mà chúng ta đang đối mặt
còn lớn hơn các cơ hội và thuận lợi để phát triển”. Ông cũng thừa nhận: “Có những
vấn đề còn chưa rõ và quan điểm còn khác nhau”.
Tuy quan hệ hai nước Việt Nam và Mỹ đã thay đổi
từ kẻ thù thành bạn tốt (thực chất là đối tác chiến lược) cộng đồng người Việt
vẫn chưa chịu hòa giải. Trong cùng “bên thắng cuộc” cũng có sự phân hóa thành Người
Việt cũ và Người Việt mới (theo Lê Kiên Thành). Trong khi cải
cách thể chế còn quá ít và quá chậm, các nhóm lợi ích trong Người Việt
mới đã tìm cách khống chế “đoàn tàu quốc gia” và bẻ ghi để nó chạy theo hướng
họ muốn.
***
Công nghệ mới đang góp phần thúc đẩy các sự kiện
diễn biến nhanh như đoàn tàu siêu tốc, trong khi cải cách thể chế dựa
trên thay đổi tư duy và hệ quy chiếu diễn ra chậm như chiếc xe ngựa.
Trong kỷ nguyên “hậu sự thật” (post truth), internet và mạng xã hội đang làm
thay đổi trật tự truyền thông, và tin vịt (fake news & half truth) đang làm
nhiều người ngộ nhận và nhầm lẫn trong thế giới mạng.
Để biến nguy thành cơ, Việt Nam phải cải cách
toàn diện về kinh tế và chính trị. Nhưng Hà Nội vẫn theo đuổi “định hướng xã hội
chủ nghĩa”, bám vào “chủ nghĩa đặc thù” (exceptionalism) và “chủ nghĩa tiệm tiến”
(gradualism), để trì hoãn cải cách chính trị. Dù Hội nghị Trung ương 6 có là một
bước ngoặt mới cho Việt Nam hay không, nhưng nếu thay đổi lãnh đạo được ưu tiên
cao hơn cải cách thể chế thì Việt Nam có thể để lỡ chuyến tàu mới.
No comments:
Post a Comment