Friday, 7 October 2022

CÔNG CHỨC NGHỈ VIỆC - TIẾNG CÒI BÁO ĐỘNG CHO HỆ THỐNG NHÀ NƯỚC (Lê Kiến Thành)

 



Công chức nghỉ việc - tiếng còi báo động cho hệ thống nhà nước

Lê Kiên Thành

Thứ bảy, 08/10/2022 - 00:00

https://dantri.com.vn/tam-diem/cong-chuc-nghi-viec-tieng-coi-bao-dong-cho-he-thong-nha-nuoc-20221007223921366.htm

 

(Dân trí) - 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc không phải con số lớn. Nhưng thứ mà những người có trách nhiệm nên suy nghĩ từ sự kiện này thì sẽ nhiều hơn thế rất nhiều.

 

Bộ Nội vụ vừa thông báo, có khoảng 40 nghìn công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc (hơn 9.000 người là của ngành Y tế) trong hai năm qua. Tôi không ngạc nhiên khi nghe tin đó, vì nghĩ, nó là điều tất yếu khi chúng ta không thể trả một mức lương "sống được" cho họ.

 

Nó làm tôi nhớ đến thời chúng tôi bỏ nhà nước đi làm kinh tế tư nhân mấy chục năm về trước.

 

Tôi còn nhớ, tôi từng rất nghèo vào những năm 20-30 tuổi…

 

Khi đó, dù là con trai Tổng Bí thư, nhưng lúc còn ở bộ đội, để có tiền mua sữa cho con, tôi thường chỉ giữ lại một trong hai bộ quân phục được phát mỗi năm, bộ còn lại đem ra đầu phố Nam Bộ (nay là phố Lê Duẩn) bán. Người lạ có thể không tin, nhưng bạn bè tôi đều đã chứng kiến sự khó khăn của tôi những năm gian khó đó.

 

Sau khi  làm Phó Tiến sĩ ở Liên Xô, tôi trở về nước làm ở phòng Vật lý Ứng dụng của Viện Khoa học Việt Nam, lương tháng được 60 nghìn đồng. Phòng Vật lý Ứng dụng của chúng tôi năm đó có một cái bàn uống nước cũ, một bộ ấm chén sứt sẹo, để mỗi ngày cán bộ trong phòng (toàn Tiến sĩ, Phó Tiến sĩ) đến ngồi uống nước rồi nhìn nhau. Nếu ai tham gia vào nhóm làm ngoài giờ ép dầu bưởi để bán thì sẽ kiếm thêm được 20 nghìn mỗi tháng.

 

Là Phó Tiến sĩ đi du học trở về, nhưng tôi không bao giờ có đủ tiền để đổ đầy bình xăng và luôn cảm thấy bình xăng sao mà nhanh hết thế. Tôi cũng không có tiền mà ăn bát phở sáng như một ông thủy thủ tàu viễn dương hay một người chủ tiệm tạp hóa. 

 

Không thể kiếm đủ tiền nuôi gia đình, nên khi Nhà nước có chính sách cho phép mở các công ty đời sống trong các viện nghiên cứu, tôi xin trở thành công chức loại B (công chức không ăn lương) và bắt đầu làm kinh tế, rồi sau này bỏ hẳn Nhà nước ra làm kinh tế tư nhân. 

 

Lúc mới bỏ Nhà nước đi tư nhân, có một người từng là cấp dưới của ba tôi đã nói với tôi: "Cháu làm gì thì làm, đừng để cha viết sách mà con đốt sách". 

 

Nhưng tôi tin và tôi biết, nếu ba tôi còn sống, ông sẽ hiểu và sẽ ủng hộ những gì tôi làm. Thời ba tôi còn nhỏ, nhà ông bà nội tôi nghèo đến mức chỉ mơ có một rổ khoai lang để ăn. Ba tôi và những người thế hệ ông đi làm cách mạng, suy cho cùng, chính là để người dân có cơm ăn, có áo mặc, có hạnh phúc. Nên ông sẽ không bao giờ phản đối con trai mình hướng tới cuộc sống đó. 

 

Thế hệ chúng tôi, những người đầu tiên rời Nhà nước đều phải dò dẫm tìm đường, vừa đi vừa học. Người thành công cũng có, nhưng người thất bại cũng nhiều. 

 

Thứ mà chúng tôi phải đối mặt không chỉ là thất bại, mà còn là những áp lực, những định kiến dành cho các công chức - đảng viên ra ngoài làm kinh tế. 

 

Năm 1995, tôi nằm trong danh sách những đảng viên có thể phải ra khỏi Đảng vì làm kinh tế tư nhân. Tôi nhớ lúc đó, để bảo vệ bản thân cũng như để tiếp tục được là đảng viên, tôi đã phải tranh luận với cả Tổng Bí thư Đỗ Mười và Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Minh Triết để chứng minh rằng, đôi khi, ở khu vực tư nhân, người đảng viên có thể cống hiến và có ích cho đất nước hơn cả ở trong  các cơ quan nhà nước.

 

Một trong những tiếc nuối lớn nhất đời tôi là không thể theo đuổi con đường chính trị - con đường mà tôi đã lựa chọn từ bỏ ngay từ đầu khi quyết định ra ngoài làm kinh tế tư nhân. Nhưng ngày đó, với mức lương đó, nếu có cơ hội lựa chọn lại lần nữa, tôi vẫn đưa ra quyết định tương tự.

 

Năm ấy khi rời đi, tôi đã không ngừng suy nghĩ về đồng lương công chức và những hệ lụy nó mang lại.

 

Khi đồng lương không đủ sống, thì người ta lơ là công việc để làm nghề tay trái, như thế hệ tôi đã từng nuôi lợn, từng ép dầu bưởi…

 

Khi đồng lương không thể trang trải những chi phí sinh hoạt thiết yếu, thì nạn tham ô, tham nhũng, phong bì… cũng sẽ từ đó mà sinh ra.

 

Có nhiều người tham ô, tham nhũng vì họ tham. Nhưng có lẽ không ít người làm thế vì mức lương không đủ sống mà ra.

 

Nhiều năm trôi qua, chuyện lương công chức, viên chức vẫn nhức nhối như vậy. Lương bác sĩ sau 7 năm ra trường 3 triệu đồng, bác sĩ có kinh nghiệm làm việc sau vài năm được 7 triệu đồng. Không ai sống được với mức lương đó vào thời buổi này, nhất là ở các thành phố lớn. 

 

Không như thế hệ tôi ngày đó, thế hệ hiện nay có nhiều lựa chọn hơn. Giờ người ta có thể chọn làm nhà nước hay tư nhân, thậm chí là sang nước ngoài làm việc ở những vị trí cao với mức lương xứng đáng. Không có những áp lực như thời chúng tôi ngăn cản họ, cũng không có những hoang mang của người mở đường làm chùn bước chân họ. Tôi mừng cho họ - vì việc hướng tới cuộc sống tốt hơn là bản năng của con người. Nhưng càng mừng cho họ bao nhiêu, tôi càng lo cho khu vực công bấy nhiêu. 

 

Tôi hình dung 40.000 người nghỉ việc kia chính là những người giỏi, hoặc đa phần là người giỏi, có kinh nghiệm, được các tổ chức ngoài nhà nước chào đón với những điều kiện vật chất cao hơn hẳn. Dù chúng ta đang nỗ lực giảm biên chế, tinh gọn bộ máy của khu vực công, nhưng rõ ràng, đây không phải cách "tinh gọn" mà chúng ta mong chờ, khi mà những người rời đi không phải là những "công chức cắp ô" dư thừa, mà là những người ra đi vì một trong những lý do chủ yếu là chúng ta đang không trả lương cho họ xứng đáng với sức lao động họ bỏ ra.

 

Tôi hình dung, với sự ra đi này, các dịch vụ công, nhất là y tế, sẽ vì thế mà xuống cấp theo, ảnh hưởng đến đa số người nghèo trong xã hội.

 

Hôm nay có thể là 40.000, nhưng ai dám đảm con số này sẽ không tiếp tục tăng trong những năm tới?

 

Việc ra đi của những công chức, viên chức này là theo nguyên lý của thị trường: Lực lượng lao động sẽ tìm đến những nơi trả công cao hơn, môi trường làm việc minh bạch hơn, có điều kiện phát triển hơn và cuối cùng là ít rủi ro hơn. 

 

Nhưng chính sự ra đi của họ (vì cùng với đó mà chất lượng dịch vụ công đã thấp lại càng thêm thấp) nếu trở thành xu hướng ngày càng trầm trọng mà không có giải pháp hữu hiệu, sẽ phần nào ảnh hưởng tới "định hướng XHCN" của nền kinh tế thị trường mà chúng ta theo đuổi?!

 

Cho nên, 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc không phải con số lớn. Nhưng thứ mà những người có trách nhiệm nên suy nghĩ từ sự kiện này, thì sẽ nhiều hơn thế rất nhiều.

 

---------------------

Tác giả: Ông Lê Kiên Thành là con trai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ông tham gia kinh doanh từ năm 1989 trong ngành ngân hàng và sản xuất, từng giữ chức Chủ tịch Techcombank; trước đó ông được đào tạo tại Trường Lái máy bay Kratxnoida và Học viện Kỹ sư không quân Giucopxky, Liên Xô; nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Dupna, Liên Xô.

 

Ông từng công tác tại: Bộ Tư lệnh Không quân Việt Nam; Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia; Viện Khoa học Việt Nam.

 

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!





No comments:

Post a Comment

View My Stats