Sunday 16 October 2022

CÁC NHÀ KINH TẾ HỌC NHẬN GIẢI NOBEL VÌ ĐÃ CHỈ RA LÝ DO TẠI SAO CÁC NGÂN HÀNG LẠI THẤT BẠI (Philip Ball / Nature)

 



Các nhà kinh tế học nhận giải Nobel vì đã chỉ ra lý do tại sao các ngân hàng lại thất bại   

Philip Ball   -   Nature   

14.10.22

http://www.phantichkinhte123.com/2022/10/cac-nha-kinh-te-hoc-nhan-giai-nobel-vi.html#more

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgtkb4Qd_Ol0K3osImPGbkb8gKf_b7jptrSurqcUFOQcKb026gJWEj-RPmQAbR6Q98ZKDdJuyuKTg_34QiuhthidlNFwnohfv4JY3cuPZRfnPaRURdugXCCOmQyAw-q5AJkGkwLp_xRgdGlX0Q4BqfMdNrfm7ksSSCCQxDlRM9oY2zvb-q-uzXiWPYaZA/w592-h333/Hinh%20dau%20bai.jpg

Ben Bernanke, Philip Dybvig và Douglas Diamond, những người nhận giải Nobel kinh tế 2022. Nguồn ảnh: Viện Brookings, Đại học Washington, Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago

 

Cả ba nhà kinh tế học đều cùng nhận chung giải Nobel kinh tế năm 2022 cho lý thuyết hệ trọng của họ về việc các ngân hàng hoạt động như thế nào và việc chúng thất bại ra sao.

Ben Bernanke tại Viện Brookings ở Washington, DC, Douglas Diamond tại Đại học Chicago ở bang Illinois, và Philip Dybvig tại Đại học Washington ở thành phố St Louis, bang Missouri, mỗi người chia đều phần thưởng 10 triệu kronor Thụy Điển (tức 915.000 đô la) của giải thưởng có tên gọi chính thức là The Sveriges Riksbank về Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel.

 

Nghiên cứu của ba người nhận giải đã giúp giải thích lý do tại sao các ngân hàng lại tồn tại dưới dạng như chúng vốn là, và tại sao chúng lại có những sự dễ bị tổn thương [fragilities], vốn có thể tàn phá nền kinh tế, mà chúng ta đã thấy trong Cuộc khủng hoảng Phố Wall vào năm 1929 và cuộc Đại Suy thoái sau đó, cùng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008. Những cái nhìn sâu sắc từ công trình của họ là rất cần thiết để cho phép các ngân hàng, chính phủ và tổ chức quốc tế điều hướng đại dịch Covid-19 mà không có các hậu quả kinh tế thảm khốc, ủy ban Nobel cho hay trong lời công bố [giải Nobel kinh tế] ngày 10 tháng 10 [vừa rồi].

 

 

Chế ngự sự hỗn độn

 

Mặc dù văn bản công bố giải thưởng không dùng các thuật ngữ này, song các mô hình toán học và những phân tích về lịch sử của những người nhận giải cho thấy hệ thống ngân hàng là một hệ thống động phi tuyến với những phản hồi đầy nhạy cảm có thể khiến hệ thống này vượt ngoài tầm kiểm soát - ví dụ, khi tình trạng hoảng loạn giữa những người gửi tiết kiệm ngày càng tự khuếch đại và điều đó dẫn tới một cuộc rút tiền ồ ạt [bank run] khiến ngân hàng ngừng cung cấp các khoản vay cho những người đi vay. Nghiên cứu này đã giúp chỉ ra bằng cách nào mà sự điều tiết tốt hơn có thể giảm thiểu những rủi ro và làm thế nào mà sự can thiệp của nhà nước lại có thể khôi phục sự ổn định - cho dù cái giá phải trả là đáng kể đối với người nộp thuế.

 

Trước công trình chủ yếu vào năm 1983 của cả ba người nhận giải Nobel kinh tế năm nay, thì người ta chưa có sự hiểu tổng quát nào về việc các ngân hàng sẽ đóng vai trò như thế nào trong xã hội. Diamond và Dyvbig đã trình bày một mô hình toán học cho thấy rằng các ngân hàng đóng vai trò trung gian giữa người gửi tiết kiệm và người đi vay, các ngân hàng giúp giải quyết sự không tương thích trong những yêu cầu của người gửi tiết kiệm và người đi vay.[1] Những người gửi tiết kiệm muốn có thể đầu tư và rút tiền trong ngắn hạn, còn những người đi vay như các doanh nghiệp cần các khoản vay và những lời cam kết trong dài hạn. Bởi vì những người gửi tiết kiệm nói chung không cần phải rút tất cả cùng một lúc, nên các ngân hàng có thể làm giảm các biến động để duy trì “tính thanh khoản”, tạo điều kiện cho dòng tiền được lưu thông và xã hội được hưởng lợi.

 

Mô hình trên cũng cho thấy điểm yếu của hệ thống này. Nếu có số lượng đủ lớn những người gửi tiết kiệm chịu tác động bởi ‘cú sốc thanh khoản’ ngoại sinh nào đó - cú sốc thanh khoản này được hiểu là một sự kiện xã hội khiến họ muốn đi rút tiền của mình -, thì điều này có thể dẫn tới tình trạng hoảng loạn và một vòng luẩn quẩn, trong tình trạng đó ngày càng có nhiều người muốn rút tiền vì lo sợ rằng ngân hàng sẽ cạn kiệt tiền mặt. Đây là một sự bất ổn định mang tính cố hữu có thể dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng, mặc dù các biện pháp bảo vệ như bảo hiểm tiền gửi có thể giảm thiểu rủi ro. “Các cuộc khủng hoảng tài chính trở nên tồi tệ hơn khi mọi người bắt đầu mất lòng tin vào sự ổn định của hệ thống [ngân hàng]”, Diamond cho hay.

 

Nhà kinh tế học Atif Mian tại Đại học Princeton ở bang New Jersey cho biết: “Diamond và Dybvig giải thích một vấn đề về tính thanh khoản có thể phát sinh như thế nào thông qua hiện tượng tự hoàn thành của cuộc chạy đua ra quầy ngân hàng [self-fulfilling run on the bank]”. Tính giản đơn trong lập luận về toán học của hai ông là một điều đẹp đẽ, và công trình này có nhiều hệ quả quan trọng về mặt chính sách.”

 

 

Nguyên nhân và kết quả

 

Cũng trong năm 1983, Bernanke cho thấy bức tranh này nhất quán với những gì đã diễn ra vào những năm 1930.[2] Trong khi trước đây, người ta vẫn chưa rõ liệu những thất bại của ngân hàng là nguyên nhân hay kết quả của cuộc khủng hoảng, thì Bernanke đã cho thấy sự sụp đổ [của thị trường tài chính] chủ yếu là từ những thất bại của ngân hàng. Ông cũng giải thích lý do tại sao trong tình huống này, nó đã dẫn tới một cuộc suy thoái kéo dài, một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử hiện đại. Một sự sụp đổ của ngân hàng dẫn đến việc mất những thông tin thiết yếu mà ngân hàng có được (và có thể chuyển giao cho người khác) về người gửi tiết kiệm và người đi vay. Khi chưa có những đảm bảo như vậy về mức độ tín nhiệm của các doanh nghiệp và hộ gia đình, thì tính thanh khoản sẽ chẳng thể nhanh chóng được thiết lập lại.

 

Những cái nhìn sâu sắc này làm sáng tỏ sự sụp đổ [của thị trường tài chính] vào năm 2008. Sự sụp đổ này bắt đầu với một cuộc suy thoái trong lĩnh vực bất động sản nhà ở, song đã dẫn tới tình trạng hoảng loạn trong các thị trường tài chính, như mô hình của Diamond và Dybvig dự báo. Tình trạng hoảng loạn đã gây ra sự phá sản của các công ty dịch vụ tài chính như Lehman Brothers có trụ sở tại Mỹ, tạo ra một cuộc suy giảm kinh tế toàn cầu. Vào thời điểm đó, Bernanke là chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, cùng với Bộ Tài chính Hoa Kỳ, đã can thiệp với tư cách là một người cho vay khẩn cấp để duy trì dòng thanh khoản nào đó và giữ cho các ngân hàng thương mại không bị sụp đổ. Những can thiệp tương tự đã diễn ra trên toàn cầu.

 

Cuộc khủng hoảng đó được nhiều người cho là đã bắt nguồn từ việc các ngân hàng cho vay thiếu thận trọng đối với những người đi vay trên thị trường nhà ở, những người vốn không có khả năng trả nợ. Công trình của Diamond và Dybvig đã chỉ ra rằng hệ thống ngân hàng có thể sản sinh ra những khuyến khích ngược [perverse incentives] như thế nào để thúc đẩy các chiến lược cho vay rủi ro như vậy. Vụ sụp đổ [thị trường tài chính] cho thấy sự cần thiết phải có sự điều tiết đối với ngân hàng để tránh hành vi này. Ở Hoa Kỳ, vào tháng 7 năm 2010, điều đó được áp dụng theo Đạo luật Cải cách Phố Wall và Bảo vệ Người tiêu dùng (Đạo luật Dodd-Frank) trong khi các biện pháp bảo vệ tương tự đã được thực thi ở Liên minh Châu Âu và các quốc gia khác. Diamond cho hay, tuy nhiên, mặc dù việc thiết lập hệ thống tài chính để tránh khủng hoảng tài chính là có thể thực hiện, song công trình của ông với Dybvig lại cho thấy rằng “đó có lẽ không phải là điều tốt nhất nên làm bởi rất khó tạo thêm tính thanh khoản mà khu vực tài chính [cần] cùng với sự ổn định tài chính phổ quát.”

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjh9mXMy0OIEYK-OSSG_vYYmq5cJsBe5ERXaWr1WWZI6O0Dr9ZPuR98mNspr8gn2W5PCDtRGR8AXyzvsTTkFssNdpTS5UUnoKP-qLRa56wEyvKp-OvE9ZtNdHCQqSElPkK9ih1e52UxOg2CBvFoaKrWwbrSHjMM-NWpiIxkxGyhgSg36hiI510s8RfMfw/w127-h200/Kinda%20Hachem.jpeg

Kinda Hachem

 

Bài nghiên cứu năm 1983 của họ “là nền móng cho việc suy nghĩ về các cuộc khủng hoảng tài chính”, nhà kinh tế học Kinda Hachem của Đại học Virginia ở Charlottesville cho hay. “Mọi cuộc thảo luận về việc liệu sự điều tiết tài chính có thể loại trừ các khủng hoảng đều dẫn đến công trình cơ bản này”.

 

Những bài học như vậy đã giúp giảm thiểu nguy cơ mất thanh khoản trong suốt thời kỳ phong tỏa của đại dịch Covid-19. Ví dụ, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã can thiệp bằng sự trợ giúp tài chính cho các ngân hàng và khuyến khích họ cho những người tiêu dùng và các doanh nghiệp vay tiền. Hiện tại chúng ta được chuẩn bị tốt hơn nhiều để ứng phó trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai, Diamond cho hay. Những ký ức gần đây về cuộc khủng hoảng [năm 2008] và những cải tiến trong các chính sách điều tiết trên toàn thế giới đã giúp hệ thống [tài chính] ít chịu tổn thương hơn nhiều, và lĩnh vực ngân hàng đang ở trong trạng thái vững chắc, với khả năng quản lý rủi ro tốt.” Nhưng ông cảnh báo rằng những sự dễ bị tổn thương gây ra những cuộc rút tiền ồ ạt “có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi đâu trong lĩnh vực tài chính” - không chỉ riêng các ngân hàng.

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiJWKeducWmdUzH69UqXDoMwgcMN8AFioXUkWLn86AU_UxvGO650x4JoHMFd6-QcywPRShftq02ICh6aKYdh77KawmP8JS0Lttrj-ROuvWqjx6SQj2CA59T3tWzpkhZ0f6Tel-PInFRG0RcRsBsY6YJgh165IebJJjQhHnl_otLM9vei1UvoCRztkuaew/w127-h200/Jean-Philippe%20Bouchaud%20(1962-).jpg

Jean-Philippe Bouchaud (1962-)

 

Bernanke có nhận thức rằng các nhân tố bên ngoài tư tưởng kinh tế học truyền thống - chẳng hạn như các thiên kiến về hành vi, những vòng lặp phản hồi và vai trò của sự sụp đổ niềm tin - có thể tạo ra những sự bất ổn định trong hệ thống [tài chính], mà nhận thức này có lẽ là rất quan trọng để điều hướng trong cuộc khủng hoảng [tài chính] vào năm 2008, Jean-Philippe Bouchaud, vốn là Chủ tịch Quỹ Capital Management tại Paris và cũng là đồng giám đốc của CFM-Học viện Tài chính Định lượng Hoàng gia tại Đại học Hoàng gia London, cho hay. Bouchaud nói tiếp: “khi cuộc khủng hoảng [tài chính] nổ ra, tôi khá chắc rằng ông ấy [Bernanke] hiểu ngay điều gì đang diễn ra, nhờ vào sự hiểu biết sâu rộng của ông ấy về cuộc khủng hoảng vào năm 1929. Tôi cảm thấy rằng chúng ta thật may mắn khi có ông ấy là vị thuyền trưởng của con thuyền Fed vào thời điểm đó, và tôi lại suy nghĩ (và hy vọng) rằng ông ấy sẽ truyền cảm hứng cho nhiều công trình nghiên cứu hơn nữa về những hiệu ứng phi tuyến và phi cân bằng trong các hệ thống kinh tế.”

 

doi: https://doi.org/10.1038/d41586-022-03235-0

 

Hồ Thị Thu Hiền dịch

Nguyễn Việt Anh góp ý

 

Nguồn: Economists win Nobel prize for showing why banks fail, Nature, Oct 10, 2022.

 


 

Tài liệu tham khảo

[1] Diamond, D. W & Dybvig, P. H. J. Polit. Econ. 91, 401–419 (1983). Bài nghiên cứu Google Scholar

[2] Bernanke, B. S. Am. Econ. Rev. 73, 257–276 (1983). Google Scholar

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats