Bóp
nghẹt chíp điện tử Trung Quốc: ‘‘Món quà’’ Biden gửi Đại hội Đảng XX
Trọng Thành - RFI
Đăng ngày: 22/10/2022 - 16:31
Ít ngày trước dịp Đại Hội XX đảng Cộng Sản Trung Quốc,
Washington gửi đến Bắc Kinh một món quà độc: một loạt quy định siết chặt quy định
xuất khẩu công nghệ bán dẫn đỉnh cao sang Trung Quốc, nhằm ngăn chặn các tham vọng
quân sự của Bắc Kinh. Đông đảo giới trẻ Trung Quốc lãnh đạm với Đại Hội Đảng.
Tổng
thống Hoa Kỳ Joe Biden. REUTERS - JONATHAN ERNST
Cựu thủ tướng
Ý Berlusconi – người sáng lập một đảng thành viên trong liên minh cầm quyền mới
tại Ý - làm thân trở lại với lãnh đạo Nga Putin. Chợ trời bán quân trang, quân
dụng tại Nga cháy hàng, trong bối cảnh cấm vận nghiêm ngặt và tân binh thiếu
trang bị. Trên đây là các chủ đề chính của tạp chí Thế giới Đó đây của RFI tuần
này.
***
Ngày
thứ Sáu 07/10/2022, hơn một tuần lễ trước Đại Hội đảng Cộng
Sản Trung Quốc, chính quyền Mỹ ra thông báo siết chặt việc kiểm soát xuất khẩu
chíp điện tử cao cấp. Phòng Công nghiệp và An ninh (BIS) thuộc bộ Thương Mại Mỹ
cho biết rõ : các linh kiện bán dẫn công nghệ tân tiến này có thể được
‘‘Trung Quốc sử dụng để sản xuất các hệ thống vũ khí tối tân, đặc biệt là các
vũ khí hủy diệt hàng loạt., cải thiện tốc độ và mức độ chính xác của việc ra
quyết định, việc lập kế hoạch và cơ sở hậu cần quân sự của Trung Quốc… cũng như
cho các hoạt động xâm phạm nhân quyền’’.
Theo
AFP, dự án siết chặt các công nghệ bán dẫn đỉnh cao của Trung Quốc đã được bộ
Thương Mại Mỹ dự trù từ mùa hè này. Nâng cao năng lực sản xuất trong nước, đồng
thời kìm hãm ngành công nghiệp bán dẫn đỉnh cao của Trung Quốc là hai mũi tiến công của chính quyền Biden.
Cuối tháng 7/2022, Quốc Hội
Mỹ ra luật đầu tư 52 tỉ đô la trợ giá để chấn hưng nền công nghiệp bán dẫn cùng
hàng chục tỉ đô la bổ sung cho nghiên cứu và phát triển. Tháng 3/2022, Mỹ đề xuất
lập liên minh bán dẫn bốn nước Mỹ - Nhật – Đài – Hàn, gọi là
tắt là ‘‘Chip 4’’, nhằm khống chế tham vọng của Bắc Kinh. Từ
mùa hè năm nay, Trung Quốc được coi là đã làm chủ được công nghệ vi mạch 7 nm.
Ngay từ tháng 8, Washington đã ra quyết định ngăn chặn cung cấp vật liệu và
công nghệ cho phép Trung Quốc sản xuất được vi mạnch cỡ nhỏ hơn 3 nm.
Triệt hạ Trung Quốc, thay vì vượt trước
Theo một số
nhà quan sát, trong bối cảnh các đồng minh còn lưỡng lự, Washington quyết định
đi trước một bước. Trong một phân tích trên trang mạng của Viện nghiên cứu Quốc
tế và Chiến lược CSIS, chuyên gia về công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và kiểm
soát xuất khẩu Gregory Allen nhận định
là : ‘‘với chính sách mới này, chính quyền Biden
đang vượt ra khỏi chính sách truyền thống của Hoa Kỳ vốn chỉ là tìm cách duy
trì khoảng cách đi trước của công nghệ bán dẫn của Hoa Kỳ trước Trung Quốc “hai
bước”, chuyển thành nỗ lực bóp nghẹt sự trưởng thành công nghệ của Trung Quốc’’.
Loạt biện pháp mới nhằm bóp nghẹt
ngành chíp điện tử cao cấp của Trung Quốc gồm những gì ? Báo Anh The Guardian cho biết cụ thể một
số biện pháp chính như sau : Các công ty Mỹ phải ngừng cung cấp thiết bị
cho các nhà sản xuất chip Trung Quốc nào có thể chế tạo được các loại chip cao
cấp, trừ khi được cấp phép. Công dân Hoa Kỳ và người có thẻ xanh của Mỹ cũng sẽ
bị cấm làm việc về một số công nghệ cho các công ty và tổ chức của Trung Quốc.
Quy định mới có hiệu lực ngay tức khắc. KLA Corp, Lam Research và
Applied Materials - ba nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu của Mỹ - đã phải tạm dừng bán hàng và
dịch vụ cho YMTC (Yangtze Memory Technologies Corp / Công ty Công nghệ Thẻ nhớ Dương
Tử), được coi là nhà sản xuất thẻ nhớ số một của Trung Quốc. Khoảng
200 chuyên gia quốc tịch Mỹ sẽ phải rời khỏi các hợp tác với Trung Quốc.
Bắc Kinh thúc đẩy xây dựng đội ngũ chuyên gia
trong nước
The
Guardian dẫn lại nhận định của chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc Bille Bishop, khẳng định quy định mới
nói trên là ‘‘một bước leo thang lớn’’ trong thế đối đầu thương mại và địa –
chính trị Mỹ - Trung. Trung Quốc phản ứng ra sao ?
Mạng Asia Times, thân cận với chính
quyền Trung Quốc, lên
án ‘‘loạt biện pháp ngăn chặn chưa từng có của chính quyền Biden’’ sẽ ảnh hưởng
tồi tệ đến ngành bán dẫn toàn cầu. Asia Times dự báo thiệt hại cho ngành công
nghiệp bán dẫn của phương Tây sẽ vượt quá ‘‘mức trợ cấp khiêm tốn’’ của Washington
dành cho ngành này, và đồng thời ‘‘sẽ khơi gợi nỗ lực toàn diện của Trung Quốc
tìm các biện pháp thay thế’’. Cũng Asia Times cho biết biện pháp đầu tiên Bắc
Kinh chuẩn bị là sẵn sàng cho việc tuyển dụng và xây dựng một đội ngũ các nhà
khoa học và kỹ sư chiến lược, để khắc phục tình trạng thiếu chuyên
gia. Trong một thông báo nội bộ ngày 10/10, bộ Công nghiệp và Thông tin
Trung Quốc dự kiến sẽ khuyến khích sinh viên xuất sắc tham gia từ sớm vào lĩnh
vực chiến lược này, cấp tốc tập trung nguồn lực để xây dựng các trung tâm, viện
nghiên cứu để tiếp tục thúc đẩy các đột phá công nghệ, bất chấp Mỹ.
Giới trẻ Trung Quốc lo cho tương lai, thờ ơ với
Đại hội Đảng
Đại Hội đảng
Cộng Sản Trung Quốc mở ra trong bối cảnh đất nước vẫn tiếp tục bị đình trệ do
chính sách siết chặt phòng dịch từ hơn hai năm nay. Thất nghiệp gia tăng, giá cả
đắt đỏ, áp lực xã hội, công nghiệp, ‘‘giấc mộng Trung Hoa’’ ngày càng trở nên
xa với hơn với một bộ phận giới trẻ. Tâm trạng thờ ơ với Đại Hội Đảng phổ biến
trong giới trẻ. Phóng sự của hai thông tín viên Stéphane Lagarde và Louise May
từ Bắc Kinh :
Một người
phụ nữ nói : ‘‘Tôi mong đất nước chúng tôi tình hình mỗi ngày một cải thiện !’’,
‘‘Đảng Cộng Sản Trung Quốc muôn năm !’’. Dường như chỉ toàn là những
thông điệp tình yêu đối với đất nước và với Đảng trong các phát biểu của người
dân nhân dịp Đại hội lần thứ 20.
Tuy
nhiên, ngay dưới các ống kính camera giám sát, đối diện với một trung tâm
thương mại tây bắc Bắc Kinh, Liu, một kỹ sư 30 tuổi, đã không có một phát biểu
ca ngợi nào. Người thanh niên này thuộc thế hệ ‘‘Bailan / Bãi Lạn’’. Một từ mới
xuất hiện, đang là thời thượng ở Trung Quốc, Bãi Lạn có nghĩa là ‘‘chín nẫu’’
hay ‘‘sắp rụng’’.
Liu
nói: ‘‘Tôi không có tương lai, mà tôi cũng không muốn có tương lai nữa. Tôi
mong tìm được một nơi yên ổn, rồi nghỉ hưu. Tôi thích làm cho một doanh nghiệp
nhà nước, như vậy ổn định hơn. Lương của tôi ở khu vực tư nhân đã giảm trong thời
gian đại dịch’’.
Lương
giảm, nhưng áp lực gia tăng. Liu làm việc trong ngành công nghệ cao, tuy nhiên,
tương tự như nhiều công nhân cổ xanh của ngành kỹ thuật số, Liu không còn muốn
sống theo công thức 996. Có nghĩa là làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6
ngày trên 7. Ngày làm việc dài lê thê, mà giá sinh hoạt tại Bắc Kinh thì tăng vọt.
Cô
Zhang 24 tuổi sắp tốt nghiệp đại học lâm nghiệp, mang chiếc áo tee-shirt hình
con ếch, cốc giấy trên tay, đứng trước cửa một trạm metro. Zhang thích trở về tỉnh
nhà, và làm việc cho một doanh nghiệp trồng cỏ cho các sân golf. Cô cho biết đời
sống ở Bắc Kinh là ‘‘quá khó khăn’’.
Không còn cuộc ganh đua để tìm kiếm thành
công, khi hơn 19% thanh niên mới ra trường không có việc làm mùa hè
này. Nhiều sinh viên hướng đến những chân trời khác.
Nữ sinh
trung học Yu Shu 16 tuổi nhuộm vàng một nửa bộ tóc dài của cô. Yu Shu không muốn
chìm khuất trong đám đông, cô muốn đi Canada. Cô nói : ‘‘Ngày nào cũng đi
làm vào giờ cao điểm, cha mẹ tôi đã ngán ngẩm cuộc sống này lắm rồi. Họ ủng hộ
tôi. Tôi hy vọng kiếm được visa vào năm tới. Đôi khi mọi việc suôn sẻ, nhưng
nhiều người cũng phải mất hàng tháng. Đây là chuyện có gặp may hay không’’.
Chúng
ta trở lại với Liu, người kỹ sư 30 tuổi. Đối với Liu, chân trời của anh chật hẹp
hơn nhiều. Liu muốn được ở yên. ‘‘Tangping/ Thảng Bình’’ trong tiếng Hoa có
nghĩa là ‘‘nằm dài’’. Liu nói: ‘‘Tôi thực sự muốn được nằm thẳng cẳng. Sống như
thế cho dễ chịu, không phải chịu nhiều áp lực’’.
Không
phải chịu áp lực. Trong bối cảnh thất nghiệp gia tăng, các ngành nghề trong
lĩnh vực công lập đã trở thành chốn nương thân mơ ước của rất nhiều người. Nếu
năm 2012 chỉ có 172 nghìn ứng viên trong các kì thi vào ngành giáo dục tại
Trung Quốc, thì đến năm 2022, con số này là hơn 11 triệu.
Dân đổ đi mua quân trang, quân dụng: Chợ trời
Nga cháy hàng
Tổng thống
Nga phải ban hành lệnh động viên một phần để huy động thêm hàng trăm ngàn binh
sĩ cho chiến trường tại Ukraina, nhằm gấp rút đối phó với đà tiến tới của quân
đội. Tuy nhiên, gần một tháng sau lệnh động viên, khâu quân nhu của Quân đội
Nga dường như đang gặp bế tắc, nhiều binh sĩ mới được huy động trong tình cảnh
thiếu thốn đủ thứ. Nhiều tân binh và thân nhân đổ đến các chợ trời để tự mua sắm
đồ quân trang, quân dụng.
Phóng sự của thông tín viên Anissa
el-Jabri tại chợ Sadovo, ngoại thành Matxcơva:
Khu nhộn
nhịp nhất trong chợ từ 3 tuần nay là nơi bán quân trang, quân dụng. Chúng
tôi gặp nhiều người vợ, bạn gái của tân binh ở đó. Họ trao đổi thông tin cho
nhau, so sánh hàng hóa, giá cả. Nhiều người đàn ông đi cùng vợ hoặc thường là
đi một mình, với một danh sách đồ mua sắm trong tay.
Một người
đàn ông cho biết : ‘‘Cần có một ba lô, một túi ngủ, tất, lót dày. Ở đây
không có kính đặc biệt, nhưng ngược lại có miếng bảo vệ đầu gối. Chúng tôi phải
sẵn sàng, sẵn sàng cho mọi điều, tốt cũng như xấu’’.
Nhu cầu
lớn đến mức mà một số cửa hàng phải thông báo ngay ở mặt tiền các mặt hàng đã cạn
kiệt, đặc biệt trong số đó là bộ dụng cụ y tế sơ cứu. Một người bán hàng cho biết :
“Họ mua đủ thứ, từ dao các loại, thìa, dĩa, ba lô, đặc biệt là ba lô”.
Người
bán hàng này hoàn toàn hết hàng. Ông cho biết đang gặp khó khăn trong việc nhập
hàng về. Các trừng phạt đối với các trang thiết bị quân sự xuất khẩu sang Nga
là nguyên nhân. Ông nói:
“Chúng
tôi không thể mua được bất cứ thứ gì trực tiếp từ Trung Quốc. Hàng sẽ bị tịch
thu ngay tức khắc. Thổ Nhĩ Kỳ cấm bất cứ thứ gì thuộc về quân sự. Áo khoác đen
thì không sao, nhưng những chiếc áo khoác màu xanh lá cây như ở trên kia thì
không còn nhập được nữa’’.
Dân bán
hàng ở đây cho biết hàng hóa có khi phải đi qua 3 quốc gia mới đến được Nga. Lộ
trình dài này khiến giá cả tăng vọt, đôi khi hàng vừa mới đến đã có người mua.
Trên
các lối đi của khu chợ rộng lớn này, đầy những kiện hàng khổng lồ bọc nylon. Hướng
đến là Rostov, thành phố miền nam nước Nga, một trong những con đường đổ về
vùng Donbass - miền đông Ukraina, và tiền tuyến’’.
Ý: Berlusconi làm thân lại với Putin, liên đảng
cầm quyền ủng hộ Kiev
Vẫn về nước
Nga, nhưng liên quan đến chính trị nước Ý. Trong lúc tân thủ tướng Ý đang nỗ lực
lập chính phủ liên hiệp, chính trị gia Berlusconi, nổi tiếng với nhiều bê bối,
sáng lập viên đảng cánh hữu Forza Italia – một thành viên chủ chốt của liên đảng
cầm quyền, đã bất ngờ bày tỏ thái độ thân thiện đến không ngờ với lãnh đạo Nga
Putin.
Nỗ lực của
ông Berlusconi tuy nhiên đã không thể ngăn cản được liên minh cầm quyền tiếp tục
chủ trương hậu thuẫn Ukraina trong cuộc kháng chiến chống Nga.
Thông tín viên Anne Treca tường trình
từ Roma :
Trong một
đoạn băng được bí mật ghi âm, ta có thể nghe Berlusconi - hiện là thượng nghị
sĩ - tâm sự với các dân biểu của đảng Forza Italia: “Tôi đã nối lại với Putin, ông ấy đã gửi cho tôi
20 chai rượu vodka và một bức thư rất ngọt ngào, và tôi đã đáp lại ông ấy bằng
rượu vang Ý Lambrusco, và một lá thư cũng rất ngọt ngào’’.
Xa hơn
một chút, Berlusconi tuyên bố rằng : nếu như chiến tranh đã nổ ra ở
Ukraina, đó là “vì sự kháng cự của người Ukraina”. Cựu thủ tướng Ý tỏ ra khinh
thường Zelensky.
Berlusconi
chưa bao giờ phủ nhận tình bạn lịch sử dành cho Putin. Một tháng trước đây, ông
ta thậm chí còn bày tỏ sự tha thứ đối với việc Nga gây hấn ở Ukraina. Trong các
cuộc đàm phán để thành lập chính phủ mới, người sáng lập đảng Forza Italia có
quan điểm ngược với các đồng minh.
Đối
mặt với Matxcơva, nữ thủ tướng Giorgia Meloni - người sẽ lãnh đạo chính phủ mới
– đã chọn đứng cùng chiến tuyến với Washington. Chính trị gia Matteo Salvini, một đồng minh nặng ký khác trong liên minh, đã cố gắng
quên đi sự ngưỡng mộ trước đây đối với Putin. Chính quyền Ý đã cam kết hỗ trợ
Ukraina về mặt quân sự và kinh tế. Từ tả sang hữu, những lời lẽ ngọt ngào
của Silvio dành cho người bạn thân Vladimir đều bị coi là khó hiểu và không thể
tha thứ được.
No comments:
Post a Comment