Sunday, 2 October 2022

16.000 GIÁO VIÊN BỎ VIỆC TRONG NĂM 2022 (VnExpress)

 



16.000 giáo viên bỏ việc trong năm 2022 

VnExpress

Thứ sáu, 30/9/2022, 19:02 (GMT+7)

https://vnexpress.net/16-000-giao-vien-bo-viec-trong-nam-2022-4517768.html

 

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, năm 2022, cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành.

 

Chiều 30/9, ông Nguyễn Kim Sơn tiếp xúc cử tri quận Hà Đông, Hà Nội, trước kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV. Cử tri Đào Văn Phê nêu thực trạng một số tỉnh thành thiếu giáo viên trầm trọng do chế độ, chính sách chưa hợp lý, đồng lương chưa đảm bảo cuộc sống. Một số giáo viên xin thôi việc vì hợp đồng quá lâu mà chưa được vào biên chế dù rất yêu nghề. Ông Phê đề nghị Bộ trưởng chia sẻ thực trạng, nguyên nhân và cho biết việc giáo viên nghỉ việc ảnh hưởng thế nào đến kế hoạch đào tạo.

 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, thống kê của ngành giáo dục cho thấy, hiện cả nước có 1,6 triệu giáo viên, thiếu khoảng 100.000. Vừa qua, Bộ Chính trị, Chính phủ đã duyệt cho ngành từ nay đến năm 2025 được tuyển trên 64.000 biên chế, đáp ứng được một phần quan trọng nhu cầu, trong đó riêng năm 2022 ngành được được duyệt chỉ tiêu hơn 27.000. Dù vậy, chỉ trong năm 2022, tổng số giáo viên bỏ việc trên cả nước là hơn 16.000.

 

Theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu giáo viên. Mỗi năm có khoảng 300.000-400.000 trẻ em được sinh ra, riêng giáo viên duy trì lớp học ứng với tăng dân số tự nhiên đã là con số đáng kể. Trong khi nhiều năm qua, ngành giáo dục không được tuyển thêm chỉ tiêu mà còn giảm 10% theo chỉ đạo chung.

 

Ông Sơn cũng cho biết, tình trạng thừa thiếu giáo viên có tính chất cục bộ. Một số vùng lao động trẻ tập trung về rất đông như các khu vực đô thị, ven đô, khu công nghiệp. Những nơi đó nhu cầu lớp học, giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non, tiểu học tăng rất cao. Trong khi đó ở nông thôn, do lao động dịch chuyển về các khu thành thị nên số học sinh giảm xuống, dẫn đến có nơi thừa giáo viên.

 

Khi thực hiện chương trình phổ thông mới 2018, lớp học đạt chuẩn với tiểu học không vượt quá 35 học sinh/lớp; THCS, THPT không quá 45 cháu/lớp. Trong khi đó ở Hà Nội, đặc biệt các quận, huyện ven đô, sĩ số học sinh thường là 50-60 học sinh/lớp nên để đạt tỷ lệ chuẩn sẽ thiếu giáo viên.

 

Việc thiếu thầy cô giảng dạy theo Bộ trưởng cũng liên quan đến chương trình phổ thông mới 2018. Theo chương trình mới, thời gian dạy không chỉ một buổi mà là hai buổi một ngày, cùng với đạt mục tiêu phổ cập mầm non 5 tuổi. Các mục tiêu này muốn thực hiện đều cần số lượng giáo viên rất lớn. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục phổ thông mới muốn trang bị cho học sinh những phẩm chất, năng lực, kỹ năng mới nên có thêm một số môn học như tin học, ngoại ngữ, nghệ thuật, âm nhạc..., cũng cần bổ sung giáo viên.

 

Đối với bậc học mầm non, một số tỉnh có chỉ tiêu nhưng không tuyển được vì không có nguồn; hoặc có nguồn nhưng nhiều người lại chọn làm việc khác có thu nhập cao hơn. Theo lãnh đạo ngành giáo dục, dạy bậc mầm non rất vất vả, áp lực cao khi phải vừa dạy, vừa dỗ, vừa chăm sóc... Dù vậy, thu nhập của họ lại thấp nhất, người mới vào nghề tiền lương chỉ 3-4,5 triệu đồng mỗi tháng.

 

"Áp lực tăng, yêu cầu đổi mới giáo dục thì cao nên một số giáo viên tìm công việc khác, hoặc chuyển dịch sang hệ thống giáo dục tư thục", ông Sơn nói.

 

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Bộ trưởng Sơn cho biết sẽ kiến nghị trung ương tăng chỉ tiêu biên chế, hiện đã được giải quyết một phần. Ngành đang thực hiện cơ chế đặt hàng trường sư phạm, tính toán số chỉ tiêu đào tạo sinh viên để đủ nhu cầu các tỉnh, thành, đặc biệt giáo viên môn học mới. Cùng với đó, một số nơi đang vận dụng nhiều giải pháp, như huy động giáo viên có chuyên môn để dạy các môn thiếu, như giáo viên Toán dạy Tin học...

 

Ngoài ra, ngành cũng cải thiện môi trường làm việc, nâng cao trình độ chuyên môn với tinh thần hỗ trợ tối đa, giúp giáo viên yên tâm làm việc. Tuy đã được quan tâm, do giáo viên đang chiếm gần 70% tổng số công chức, viên chức cả nước nên việc nâng lương không thể "một sớm, một chiều giải quyết được".

 

Hiện chưa có số liệu công chức, viên chức cả nước nghỉ việc nhưng một số bộ ngành và địa phương đã có thống kê. Cụ thể, trong lĩnh vực y tế đã có gần 10.000 nhân viên tại các cơ sở công lập chuyển sang tư nhân từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6 năm nay; tại TP HCM, từ đầu năm 2020 đến giữa 2022, thành phố ghi nhận gần 6.200 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, là mức cao nhất trong 7 năm gần đây.

 

Tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự Luật giá (sửa đổi) hôm 19/9, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay Bộ đang "rất khó khăn" về nhân sự. "Một số anh em xin thôi việc, kể cả vụ phó, trưởng phòng cũng xin nghỉ. Tôi phải gặp, động viên suốt", ông Phớc nói.

 

Trước thực trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, Bộ Nội vụ mới đây đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp tham mưu hoàn thiện chính sách, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Võ Hải





No comments:

Post a Comment

View My Stats