Wednesday 24 August 2022

THẦN TƯỢNG MÃI MÃI LÀ THẦN TƯỢNG (Dương Tự Lập)

 



Thần tượng mãi mãi là thần tượng

Dương Tự Lập

24/08/2022

https://baotiengdan.com/2022/08/24/than-tuong-mai-mai-la-than-tuong/

 

(Nhớ thời bác Tạ Đình Đề, nhớ về bác Phùng Lê Trân)

 

Những đêm hè như đêm hội của lũ trẻ Nhà hát Nhân dân, tiền thân  của Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô tại số 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, chúng tôi nằm mãi trong ký ức dù đã lùi xa hơn nửa thế kỷ trước.

 

Sẽ kém vui nếu như đêm ấy trong khoảng sân trống giữa hai con sư tử lớn như sư tử thật, tác phẩm được đúc bằng gang rất mỹ thuật do bàn tay khéo léo của người Pháp tạo nên để lại, nơi hội tụ của chúng tôi mà vắng mặt thằng Hồ Xuân Nam. Nó có biệt danh Nam “da cát” bởi da nó sạm như cát. Nhưng vì bố đẻ nó tên Hồ Xuân Lượng nên sau này bọn tôi quen mồm gọi ghép lại Nam “da cát lượng”. Vô hình trung ví nó như ông Gia Cát Lượng – Khổng Minh trong bộ sử thi Tam Quốc Diễn Nghĩa của Tàu, nên hắn có vẻ khoai khoái, thinh thích.

 

Hắn hơn hẳn chúng tôi về nhiều tài lẻ, bóng đá, bóng bàn, đá cầu, leo trèo, bơi lội, đánh vật… mà phải nói đến là tài kể chuyện rất hấp dẫn. Trong đầu hắn có lẽ chứa cả một kho tàng chuyện đông tây – kim cổ Việt Nam. Khi nhập cuộc chơi hắn xuất hiện bất ngờ và cử chỉ hành động cũng bất ngờ.

 

– Pằng pằng pằng…

 

Mọi người quay lại nhìn đã thấy Nam “da cát lượng” làm điệu bộ chĩa hai ngón tay bắn ai đó rồi giải thích:

 

– Chúng mày có biết ông Tạ Đình Đề là ai không?

 

– Là ai? Cả hội nhao nhao hỏi.

 

Nam trả lời ngay:

 

– Là tình báo của quân Pháp đào tạo. Chúng mày không biết đâu, có đêm bác Hồ ngồi hút thuốc lá trước nhà, bất ngờ phát đạn từ đâu bắn đứt đầu mẩu thuốc Bác ngậm trên mồm để cảnh cáo Bác. Vì ông Đề được gián điệp cử đi ám sát Bác. bác Hồ vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra nhẹ nhàng gọi: Chú Đề đấy hả? Xuống đây nói chuyện với Bác. Bỗng từ trên nóc nhà, một người đàn ông nhanh như sóc nhảy xuống đặt súng lục dưới chân chắp tay cúi đầu tỏ sự thán phục xin nghe theo lời Bác. Từ đấy Tạ Đình Đề được làm cận vệ cho bác Hồ.

 

Nam ta ra vẻ am tường chân tơ kẽ tóc về ông Đề. Cả bọn nhao nhao tranh nhau:

 

– Thế bây giờ ông Đề ở đâu? Còn sống hay chết? Tùng “hồ” hỏi.

 

– Nam gân cổ: Ông ấy làm sao mà chết được, còn sống chứ lị và được bác Hồ phong làm đại tướng. Thằng Nam trả lời rành rọt trôi chảy.

 

Sau khi nghe chuyện Nam kể về “đại tướng” kỳ tài Tạ Đình Đề, hình ảnh ông từ đó là thần tượng ước mơ của lũ trẻ chúng tôi, trên gương mặt đứa nào cũng lộ rõ mong muốn có ngày được tận mắt thấy ông. Ai cũng nghĩ rồi đây mình sẽ là một tay súng Tạ Đình Đề thiện xạ, võ nghệ cao cường.

 

Thỉnh thoảng cuối tuần cha đưa tôi đến chơi nhà bác Hồ Sỹ Lương người đồng hương, làm bên Tổng cục Đường sắt. Bác ở khu nhà lợp mái giấy dầu qua đường chắn tầu Khâm Thiên. Cả khu nhà ấy dành riêng cho cán bộ công nhân viên ngành đường sắt. Có hôm chị Thảo Phương, con gái đầu của bác Lương gặp cha con tôi đầu ngõ, vồn vã đưa vào nhà. Đi qua máy nước công cộng trước sân chung, chị nhìn thấy con quay nằm bên rìa sân gọi nhỏ: Tiến ơi, em bỏ quên con quay cạnh máy nước ra lấy vào kẻo lại bị quét gom theo rác. Thằng Tiến nhỏ tuổi như tôi chạy ra cầm lấy con quay mừng quýnh. Chị Phương bảo nó là con ông Tạ Đình Đề cách nhà bác Lương một nhà nữa. Nghe đến tên Tạ Đình Đề tôi ngạc nhiên hỏi:  Có phải đại tướng Tạ Đình Đề bắn súng giỏi phải không chị. Chị Thảo Phương cười bảo, bác Đề nổi tiếng bắn súng ai cũng biết, bác làm ở Xưởng Dụng cụ Cao su Đường sắt.

 

Trong lòng tôi mừng thầm kiểu gì mình cũng tận mắt thấy ông Đề trước cả bọn trẻ Nhà hát Nhân dân. Chúng nó phải phục lăn sát đất tôi tài cỡ nào mới gặp được cao nhân. Tôi sẽ vênh váo, phổng mũi, dương dương tự đắc với cả đồng bọn và Nam “da cát lượng”. Thế rồi ít lâu sau chẳng hiểu sao khu nhà dầu bị cháy rụi. Các hộ gia đình giải thể, gia đình bác Hồ Sỹ Lương chuyển về khu tập thể Mai Hương, từ đấy tôi hết hy vọng được gặp thiện xạ Tạ Đình Đề. Tiếc quá, ý định khoe khoang mình đã gặp ông Đề tắt ngóm trong lòng.

 

Vì chiến tranh nên trường cấp 1-2 Trưng Vương chúng tôi tạm thời cho thầy trò nghỉ học tới khi nào có thông báo mới. Cha đi làm và hàng ngày mang tôi theo tới cơ quan báo Lao Động ở 51 phố Hàng Bồ. Những khi cha đi lấy tư liệu hay nộp bài không đem tôi theo được thì gửi tôi nhờ bác Tần, nhà cạnh tòa báo chuyên bán sách báo, bìa cạc tông cũ, trông và kiểm tra bài học giùm. Có lúc xao nhãng tôi chơi xa, làm bác phải đi tìm hết hồn. Có hôm học xong ngồi chơi nghe bác kể chuyện cổ tích thì thấy bác chào người phụ nữ ngang qua:

 

– Đi đâu mà trông tất bật thế chị?

 

Người phụ nữ đáp lại:

 

– Dạ, giỗ ông ngoại của tụi nhỏ, em về nhà, làm mâm cơm tưởng nhớ chứ bom rơi đạn nổ thế này bày vẽ sao được.

 

Người phụ nữ chào rồi đi. Lát sau vợ bác Tần tay cầm chổi quét nhà ra hỏi:

 

– Vừa rồi nhìn như chị Thọ vợ anh Đề ấy nhỉ?

 

– Vợ anh Tạ Đình Đề chứ còn ai.

 

Nghe tiếng Tạ Đình Đề, tôi lại giật mình nghĩ, chắc là ông Tạ Đình Đề bắn giỏi nhưng không dám hỏi. Nhà ông Đề có lẽ liền kề đâu đây, lòng đoán thầm vậy. Ít năm sau đi với họa sĩ Văn Len, tôi mới biết nhà bố mẹ vợ bác Tạ Đình Đề ở phố Hàng Ngang ngay cạnh đây thật. Sợ tôi có ngày bị lạc cha viết mấy câu vần điệu cho tôi học thuộc lòng phòng khi cha có việc bận về muộn thì tôi có thể tự một mình đi bộ về nhà.

 

Hàng Bồ vô Hàng Thiếc
Hàng Thiếc liếc Hàng Nón
Hàng Nón đón Hàng Điếu
Hàng Điếu chiếu Hàng Da
Hàng Da qua Hàng Bông
Hàng Bông trông Quán Sứ
Quán Sứ cứ thẳng tới Nhà hát Nhân dân.

 

Nếu tôi mải chơi xa bị lạc thì chỉ cần hỏi khách đi đường tìm vào một trong những tên con phố trên sẽ yên tâm về được nhà.

 

Đang cắm cúi đi, sắp về đến nhà thì có quả bóng lăn qua cái cổng lớn ra ngoài vỉa hè đúng tầm chân mình. Tôi xoay người đá quả bóng ngược vào cổng đã có người mặc bộ đồ công nhân đang đuổi theo lấy chân chặn quả bóng lại và giơ ngón tay cái tỏ ý khen tôi. Ngước trông tấm biển treo trước cổng thấy ghi:

 

Tổng Cục Đường Sắt
(Xưởng Dụng cụ Cao su Đường sắt)
65 Quán Sứ.

 

Cổng trống toang hoác không có bảo vệ. Nghĩ đến lời chị Thảo Phương hôm nào, nên tôi mạnh bạo đi vào bên trong. Nhìn khoảng sân xi măng rộng rãi dưới mấy cây bàng già thấy kê đâu như ba, bốn bàn bóng bàn bằng gỗ đều đang có các cặp đôi chơi đấu với nhau rất điêu luyện, điệu nghệ, đẹp mắt. Những quả giao bóng chớp nhoáng, có người tung bóng lên cao khi rơi xuống sát mặt bàn mới lắc nhẹ tay bóng bay xoáy giật, những cú cắt, những cú tiu, ve, đập, úp vợt, những cú vuốt bóng bàn kỹ thuật vô cùng. Họ không phải nhà nghề mà đánh ghê như chuyên nghiệp. Nhìn mấy người đang chơi bóng đá gôn tôm, tôi đi lại gần cái chú ban nãy khen tôi khi chạy ra lấy bóng hỏi:

 

– Chú ơi bác Tạ Đình Đề bắn súng giỏi làm ở đây phải không chú?

 

Chú chĩa hai ngón tay vào tôi: Đoành đoành đoành… Chú cười hiền lành và ngoái hỏi bạn đồng nghiệp:

 

– Anh Lâm anh Lâm, hôm nay anh Đề có tới không mà em chẳng thấy. Ôi giời, cái nhà ông gián điệp Tạ Đình Đề thoắt ẩn thoắt hiện, thoắt thấy thoắt biến, thoắt đi thoắt về cứ như con thoi ai mà biết.

 

Chú quay sang tôi:

 

– Mà cháu muốn gặp bác Đề có chuyện gì cứ nói chú.

 

– À không cháu chỉ muốn nhìn thấy bác ấy thôi.

 

Chỉ muốn nhìn thấy, chú trợn mắt.

 

– Ờ, chú hiểu rồi, thủ trưởng Đề của bọn chú nổi tiếng tốt bụng, nổi tiếng bắn súng, nên ai cũng yêu mến, tò mò muốn được gặp bác ấy. Cháu có thỉnh thoảng đi qua đây vào giờ nghỉ giải lao giữa ca như này của các chú, thế nào có ngày cháu cũng gặp bác Đề.

 

Trong sâu hơn có người khum hai bàn tay trước mồm báo:

 

– Đã hết giờ giải lao, tất cả vào công việc.

 

Chú công nhân cúi xuống nhặt quả bóng và chào tôi, chú phải làm việc rồi. Từ đấy có dịp đi qua cổng 65 Quán Sứ, bất kể giờ giấc nào tôi cũng tạt vào hỏi xem ai là bác Tạ Đình Đề. Với hy vọng của một kẻ mang căn bệnh mãn tính hiếu thắng trầm trọng như tôi.

 

“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Mùa đông năm 1972 se sắt tái tê, giá lạnh cực ghê. Hà Nội đã đuổi hết không tặc Mỹ về. Khoảng 8, 9 giờ tối đêm đó, Xưởng Dụng cụ Cao su của bác Tạ Đình Đề bỗng bốc cháy khủng khiếp hơn một tiếng đồng hồ, thiệt hại khổng lồ. Chúng tôi đứng trước cổng Nhà hát Nhân dân nhìn thẳng phố Quán Sứ, lửa tốc cao hàng chục mét sáng rực vùng trời. Mấy xe cứu hỏa không đủ nước phun chạy trước mặt chúng tôi qua Trần Hưng Đạo quẹo vào Trần Bình Trọng để lấy nước cấp tốc từ hồ Ha-le (hồ Thiền Quang) trở lại dập lửa. Vì xưởng sản xuất vợt bóng bàn nên toàn gỗ với cao su, dễ bắt lửa cháy tàn lụi.

Mấy hôm sau đi qua, tôi thấy các mái nhà quanh đó và tường hông chùa Quán Sứ cũng như bờ tường bên Tổng Công Đoàn Việt Nam đen thui. Chỉ có tự lòng tôi não nề, nghĩ số mình thùi lùi như cứt chó. Gặp bác Tạ Đình Đề? Ấy vậy mà khó. Xưởng Dụng cụ Cao su của bác Đề cũng mất hút từ đó. Chúng tôi lớn lên càng không thể lãng quên buồn vui thuở nhỏ.

 

Tôi chơi thân với Tạ Đình Hùng khi học cấp 2 ở trường Quang Trung, nằm giữa phố Quang Trung. Thường gọi Hùng “bóng” vì chẳng biết hắn bôi gì lên đầu mà tóc lúc nào cũng bóng mượt. Nhà Hùng trong phố chợ Nguyễn Cao. Mỗi lần vào nhà, Hùng có thể đi được từ hai ngả đường hoặc Lê Quý Đôn hoặc Lò Đúc. Không biết có phải vì thế mà Hùng “bóng” có lối sống chợ búa lại cộng với tính thù dai dài nhớ.

 

Người anh ruột Tạ Đình Dũng của Hùng cũng dân có máu mặt một thời, làm ăn sau ga Trần Quý Cáp. Làm ăn phi pháp thế nào mà anh bị bắt đi cải tạo. “Đi cải tạo – mất sổ gạo” là những từ khủng khiếp trên đời của thời chúng tôi tồn tại. Anh Dũng trở về bị cắt hộ khẩu, người bị cắt hộ khẩu đồng nghĩa như bị mất sổ gạo, sống vô đạo, ngoài vòng pháp luật mặc dù họ rất muốn phục thiện.

 

Những người bị “phốt” (tội lỗi) đừng mong hòng xin vào làm nhà nước. Nghe tin Xưởng Dụng cụ Cao su của bác Tạ Đình Đề chiêu nạp các thành phần tốt xấu khác nhau, dẫu biết lý lịch mình không mấy trong sạch, anh vẫn liều lao đơn vào đó với hy vọng mong manh, có việc làm lương thiện và không ngờ được tiếp nhận dù chẳng quen biết dính dáng họ hàng gì với nhà bác Đề. Cũng chẳng phải biếu xén quà cáp chi nhiêu khê phiền toái.

 

Vừa chân ướt chân ráo khoác áo công nhân đường sắt đầu năm 1974 thì cuối năm đó chính thủ trưởng Đề của anh lại bị bắt. Chuyện gì vậy? Loáng thoáng như đâu “tham ô tài sản Xã hội Chủ nghĩa”. Hai năm sau Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã đưa bác Tạ Đình Đề ra xét xử. Hùng biết tin này từ anh Dũng nên tới nhà rủ tôi.

 

– Anh Dũng tao bảo cả ngành đường sắt đình công không làm, để cùng nhau kéo đến dự nghe xem phiên tòa xét xử ông Tạ Đình Đề ra sao.

 

Vẫn ôm mộng thấy mặt bác Đề chỉ một lần thôi nên tôi đồng ý, mặc dù lúc này tôi đã phải lên họa sĩ Văn Len thuê trên 76 Hàng Đường nhà của ông bà chủ Hùng – Nhàn để vẽ tranh bờ hồ tàng tàng kiếm sống. Loại tranh lòe loẹt rẻ tiền đó được quét từ tấm mi ca khắc sẵn phong cảnh như Tháp Rùa, Chùa Một cột, cô gái áo dài thướt tha là lượt bên cầu Thê Húc, con thuyền độc mộc lướt nước Hồ Gươm xanh lục… quét bố cục thành hình chính xong mình chỉ việc lấy bút vẽ chấm phá phết phẩy mầu mè hoa hòe hoa sói để đánh lừa con mắt bình dân. Cuối tuần đem ra phơi bày bán trên bờ Hồ Gươm, dưới chân tường Tháp Bút cho mấy người nhà quê ra tỉnh chơi, mua về đóng đanh treo tranh Hà Nội.

 

Hà Nội ơi! Mới thống nhất đất nước một năm mà đói tả đói tơi. Đói vàng con mắt, đói thắt con tim, đói chìm mơ ước. Tổng Bí thư Lê Duẩn ơi! Ông vẽ viễn cảnh chơi vơi? Dân tộc ta sắp bằng thời người Nhật? “Lời Anh là cả lời non nước”. Thơ của “Sáu búa” – Lê Đức Thọ ơi! Lúc đó Thọ viết bài thơ tặng Lê Duẩn. Bọn nịnh thần bệ nguyên câu này in đậm trên trang đầu báo Nhân Dân để bốc đít anh Ba Duẩn tới tận trời cao khi mà vận nước vô cùng lao đao, con người mặt mũi hốc hác xanh xao.

 

Giữa năm đó, tháng 6 – 1976, không ngờ phiên tòa xử Tạ Đình Đề kéo dài gần cả tuần lễ. Đời tôi cho tới nay, cả Tây lẫn ta chưa bao giờ thấy một phiên tòa nào dữ dội như vậy. Từ các phương trời, đoàn người ùn ùn nối nhau rủ về Thủ đô, ngày nào xử cũng nghìn nghịt người dân đứng kín ngoài sân lân ra các phố. Phía trước Lý Thường Kiệt, sau lưng Hai Bà Trưng, bên hông trái phố Hỏa Lò cũng độc nhất nhà tù mang tên Hỏa Lò. Người nối vòng vo dài tới bên hông phải đống mồ tro hài cốt. Nay tro cốt đó người ta dọn sạch hình thành phố mới “19 tháng 12”.

 

Tôi cùng Hùng chỉ tham dự được hai ngày. Hùng “bóng” khôn ranh đứng tranh trước cổng Hỏa Lò nên nhìn rõ bác Đề bị còng tay, bọn công an đẩy nhanh ngay sang Tòa án. (Cửa tù Hỏa Lò sang cửa phụ bên hông Tòa án chỉ có mấy bước chân). Ngày cuối, tôi tới sớm hơn nghe ngóng binh tình, thấy bảo hình như ông Đề về với ông Hoan tới đón (Hoàng Văn Hoan Ủy viên Bộ Chính trị). Mà xe Volga đen của ông Hoan để chếch cổng Tòa án. Tôi nhắm mình sẽ trèo lên cây cơm nguội già đầu phố Dã Tượng nhìn qua xe Volga rất rõ nếu ông Đề đi ra hướng đó.


Tôi xin trích một trong muôn vàn câu hỏi, câu trả lời trên đây gói gần một tuần xử của tòa thôi.

 

Tiếng loa treo bên ngoài phát ra nhiều câu hỏi của tòa và trả lời của bị cáo:

 

– Tại sao anh lại nhận cả những kẻ tù tội, phạm pháp, bất lương, vào làm trong Xưởng.

 

Tiếng ông Đề rõ ràng:

 

– Họ là những người phạm tội nên mới bị đi cải tạo vào lao tù. Mãn hạn tù và cải tạo tức là họ đã tốt, họ được về và muốn trở thành người lương thiện. Nếu chúng ta không dành tình thương yêu, không có lòng bao dung độ lượng, dang tay cứu họ thì ai cứu họ đây. Tiếng vỗ tay vang cả một vùng trời.

 

v…v…v…

 

Lời cuối của ông Tạ Đình Đề càng thêm đanh thép. “… Tính tới hôm nay gần 45 ngày tôi không được tắm rửa. Theo Cách mạng đi kháng chiến, tôi từng bị ngồi tù thời Pháp nhưng không đến nỗi tàn bạo thế này…” Cả một rừng người đông nghìn nghịt đều lặng đi im phăng phắc. Sau đó lại ào ào không ngớt.

 

Mở đầu buổi sáng phiên tòa cho tới hết buổi chiều phiên tòa người ta hỏi nhiều, nhiều, nhiều lắm. Trả lời cũng nhiều, nhiều, nhiều lắm…

 

Tòa kết thúc, Tạ Đình Đề trắng án. Tiếng hô dậy đất, vang trời, reo mừng dài dài không ngớt. Phó chủ tịch Quốc hội Hoàng Văn Hoan chỉ là khách tới dự và bà Thẩm phán Phùng Lê Trân được ngợi khen bất tận.

 

Chỗ này ta phải đánh giá cho công tâm đối với nhân vật lịch sử Hoàng Văn Hoan. Trong cuốn “Thiên Thu Định Luận”, 1994 – phả ký gia tộc của Hoàng Nhật Tân, con trai ông Hoan có nói một đoạn. Những ngày sau phiên tòa xử Tạ Đình Đề, nhiều người của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội lặng lẽ tới nhà riêng, nơi Hoàng Văn Hoan ở Phan Đình Phùng gặp gỡ rồi họ lại lặng lẽ đi. Chỉ biết từ đó Hoàng Văn Hoan bị thất sủng, Bộ Chính trị không trọng dụng ông nữa.

 

Có một chi tiết chẳng biết liên quan gì không mà ít người chú ý. Cũng vào thời điểm ấy “con cọp thọt” Hoàng Quốc Việt, một đại công thần của Triều đình Cộng sản đang đương kim Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, kiêm Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. “Cây đa” Hoàng Văn Hoan mà còn bị quật như thế thì nói chi “cây khế” Phùng Lê Trân. Bà được người dân Hà Nội lúc đó mến yêu gọi là bà “Bao Công” nước Việt. Chấp pháp nghiêm minh, không vị nể tư tình, uy vũ bất năng khuất. Sau vụ tòa lịch sử ấy bà suy sụp tinh thần và đổ bệnh. Bất ngờ người ta báo bà về nghỉ hưu năm 1978. Tiếp theo, năm 1979 Hoàng Văn Hoan ôm hận bỏ nước đi theo Tàu, lòng muôn bi sầu. Tới năm 1985 thì Tạ Đình Đề bị bắt lại và lại đưa ra tòa xét xử nhưng vẫn trắng tội. Một kịch bản tồi thối um khó ngửi mà ông Đề hóm hỉnh gọi đó là lần đậu “tú tài” – tái tù, tù lần hai.

 

Cháy, cháy, cháy, nghe tiếng hô hoán nhốn nháo, tôi vội tuột tới nửa thân cây rồi nhẩy xuống đất. Tổ phục vụ bán nước, bán than, củi, dầu hỏa, đầu ngõ Dã Tượng bị lửa bắt vào táp cháy mái lợp giấy dầu. Cũng may cháy không lớn, trước sân nhào than lẫn bùn bán theo bìa mua chất đốt hàng tháng họ có để mấy thùng nước sẵn đấy nên mọi người kịp dập tắt. Dập lửa xong cũng là dập tắt luôn niềm hy vọng ngày hôm nay của tôi, ngày cuối cùng khép phiên tòa những mong được gặp bác Đề không trở về với tôi nữa.

 

Chiều đầu thu 1978, tôi ngồi bán nốt số tranh ế ẩm còn lại ngoài bờ hồ Hoàn Kiếm, lòng nghĩ tới Hùng “bóng”. Nghĩ tới số phận mỗi con người trong cuộc đời. Lúc này hắn đã yên vị trên trại giam Tân Lập. Họa sĩ Văn Len được cha tôi nói nên ra báo tin tôi có giấy gọi nhập ngũ. Giầu nghèo có số nếu cố cũng chẳng hơn ai, tôi thu cuộn tranh lại ôm theo về với Văn Len. Đến đầu phố Hàng Ngang họa sĩ dừng chân chào người phụ nữ đang đi ngược chiều. Tôi chớp chớp nhìn người này hình như mình đã gặp ở đâu đó. Lại gần chào bác và ngắm kỹ hơn người phụ nữ vẫn còn vương sót lại trên gương mặt, làn môi những nét pha phôi của một thời xuân sắc.

 

– Từ ngày chị Thọ không phải mang cơm nuôi, tù em thấy chị trẻ ra nhiều đấy? Ừ cái tên chị Thọ tôi nhớ ra rồi.

 

– Cảm ơn chú, chú cứ quá lời khen.

 

– Em nói thật vậy.

 

Quay sang tôi họa sĩ Văn Len muốn để bà nghe:

 

– Thằng cháu này ngày nhỏ mê tài bắn súng của anh Đề lắm, em đã hứa với nó hôm nào anh Đề ra (lúc ấy bác Đề đang trong Nam) em vác giá tới xin được vẽ tặng anh một bức chân dung có cho nó đi cùng. Bức chân dung người anh hùng ngành Đường sắt Tạ Đình Đề được họa sĩ Văn Len hoàn thành ngay sau đó. Mà tôi đành phải vắng mặt, nhanh nhanh khoác ba lô đời mưa gió lên biên cương chống giặc bạo cường phương Bắc.

 

Hùng học sắp hết cấp 2 thì bị đuổi khỏi trường vì hay “bát tiết – dạt vòm”, trốn học, bỏ nhà là từ lóng thời chúng tôi. Hùng sống lang thang ra nhập làng dân phe phẩy. Hồi đó chuyện buôn đi bán lại (phe phẩy) tem phiếu thực phẩm là bị nghiêm cấm và nghiêm trị. Ai vào con đường này thì coi như người đó xã hội bỏ đi. Hùng “bóng” chuyên quẩn quanh trước Bách hóa Tổng hợp số 5 Nam Bộ, đầu Cao Bá Quát, ga Trần Quý Cáp, cửa Rạp Kinh Đô.

 

Tối ấy, Hùng “bóng” trấn lột được đôi “đúc Tầu” (dép cao su Trung Quốc) của một thanh niên bỏ dép ra ngoài ngồi xổm trên ghế băng ăn cháo lòng bên vỉa hè chợ Cửa Nam ngay sát chỗ chắn ngang đường tầu hỏa. Nhìn mặt Hùng lạnh băng đang đặt tay nơi con dao thái lòng của bà hàng, nên kẻ kia không mong hòng chống lại. Đúc Tầu, mũ cối, quần ga, tông gan gà, những tên hàng Trung Quốc – Thái Lan ấy là xa xỉ phẩm thời “quân khu” oanh liệt của chúng tôi nay còn đâu.

 

Tưởng hôm sau sẽ có mấy đồng bạc để tiêu không ngờ Hùng “bóng” bị một đàn anh lì lợm khác dí con lê (lưỡi lê súng) vào sườn bắt nộp lại. Bị nẫng tay trên “quả đúc Tầu” quá đau, Hùng ẩn nấp lặng lẽ bám sau mà kẻ đó không hề hay. Hùng theo hắn về đường Phùng Hưng và biết nhà kẻ đó ở đầu phố Nguyễn Quang Bích. Hùng “bóng” hỏi dò mấy bà hàng quanh đấy, họ nói kẻ đó cũng tên Hùng, thường gọi Hùng “lẩn”. Bậc đàn anh này hung hãn lắm nhưng vì tính khí thù dai dài nhớ nên Hùng “bóng” vẫn nuôi chí trả thù khi có dịp. Thù chưa kịp rửa thì thông tin Hùng “lẩn” bị bắt xử tử hình với đầy đủ tên họ: Phạm Đăng Hùng, can 3 tội ác giết người, cướp của, hiếp dâm. Hùng gây án trên phố Phạm Đình Hổ.

 

Thêm một vụ kinh thiên động địa mà sống ở Hà Nội từ nhỏ nhưng chưa bao giờ bọn tôi được nghe vì kẻ này rất hung bạo, mưu mô, xảo quyệt. Hùng “lẩn” gây án xong lại đi “đánh quả” (ăn trộm) lẻ khác trắng trợn để cố tình bị bắt vào tù coi như bịt đầu mối tội ác kia. Mưu này của Hùng “lẩn” cao cờ chưa từng có ở thời “đầu bò đầu gấu” chúng tôi. Hôm nghe tin Tòa án tử hình Phạm Đăng Hùng, Hùng “bóng” cũng có mặt bên ngoài sân, tòa tuyên bố:

 

– Nếu tòa không tử hình Hùng “lẩn” thì Hùng “bóng” này cũng xuống tay tiễn biệt Phạm Đăng Hùng.

 

Mọi người xung quanh nhìn Hùng “bóng” kinh hãi. Sau lời tuyên bố lạnh máu ở sân tòa đầu năm 1978 ấy để vĩnh biệt Phạm Đăng Hùng. Hùng “bóng” dính “chưởng” (phạm tội) khác bị đi mấy “biển” (mấy năm) lên trại giam Tân Lập – Phú Thọ.

 

                                                       ***

 

Biết tôi mê bóng đá, một tối mùa đông năm 1982, Minh “lừa” tới rủ tôi xuống phố Hàng Cháo mua vé bóng đá cho trận đấu ngày hôm sau trên sân Hàng Đẫy. Mua qua tay Lan “cáo”, mụ này phe vé chuyên nghiệp. Tôi cũng chẳng nhớ đội nào đấu với đội nào. Lòng dạ đâu mà nhớ khi bụng đang réo, dạ đang teo, thất nghiệp ngồi nhà vừa mới ra quân mốc meo rỗng túi. Đang cò kè, mè nheo giá vé trước nhà mụ Lan thì có tiếng quát:

 

– Tất cả đứng im.

 

Hùng “bóng” cười ha hả với một thằng bạn của hắn nữa. Trời ơi gần năm năm rồi, Hùng ôm lấy tôi, gật gật đầu chào Minh “lừa”. Rồi quay sang hất hàm với thằng bạn:

 

– Mày hỏi nó có phải vụ xử Tạ Đình Đề tao và nó đi xem mấy ngày không?

 

Hùng quay sang tôi:

 

– Tao vẫn kể chuyện anh em mình mê ông Tạ Đình Đề bắn giỏi cho thằng Tâm này nghe.

Qua Hùng tôi mới biết Tâm là con trai duy nhất của bác Thẩm phán Phùng Lê Trân, nhà hắn ở số 7 trên tầng 3 gần đầu phố Cao Bá Quát. Chưa kịp mời nhau thì có tiếng kêu thất thanh:

 

– Cháy, cháy cháy…

 

Tiếng hô hoán bất ngờ làm chúng tôi cũng hoảng loạn. Cháy từ cái nhà hàng chuyên cắt lốp xe ô tô bắt lửa sang nhà bên, có tiếng trẻ kêu rên thảm thiết. Không có cách gì để cứu được nữa rồi. Có nước đấy nhưng cũng đành chịu. Ác nỗi dây điện chập rơi dính vào cửa sắt, mà cửa sắt khi đi người mẹ khóa chặt để hai đứa con trai nhỏ bên trong. Cả phố Hàng Cháo bó tay đứng nhìn trông cái chết đớn đau tang thương quá. Bà mẹ trẻ từ đâu chạy về ngã nhào, thét gào điên loạn. Chúng tôi chia tay trong hốt hoảng đêm đông.

 

                                                          ***

 

Chú Đinh Văn Loan, làm ở nhà xuất bản Lao Động. Người cùng tập thể Nhà hát Nhân dân với tôi. Về hưu chú mở một sạp bán báo trước khu nhà B Trung Tự. Chú biết sở thích của tôi. Hôm đi qua, chú vẫy lại chìa tờ báo Tiền Phong mới trong ngày:

 

– Nay báo đăng đơn khiếu nại của ông Tạ Đình Đề, rõ tội người ta trắng án tới mười lăm năm nay (1991) mà không một ai có lời xin lỗi.

 

Tôi rút tiền trả chú rồi kẹp tờ báo ở yên sau xe đạp. Tí nữa cháu đọc sau, chào chú tôi lên xe đạp về. Dựng xe đạp để thằng cháu chục tuổi đầu, con anh trai trông cho chú. Tôi quay ra mua mớ rau vào nấu cơm. Khi trở lại thấy nó đang cầm mảnh báo cháy phừng phực huơ huơ chân tường đốt đàn kiến vỡ tổ. Tôi lao tới nhưng không kịp. Nó đã xé tờ báo Tiền Phong tôi vừa mới mua, mà lại xé đúng trang có đăng đơn khiếu nại của bác Đề, ác thế. Tôi giơ tay bạt tai nó rõ đau, bực mình ném mớ rau vãi vung trên đất.

 

Mong thấy bác Tạ Đình Đề ngoài đời cũng không xong mà mơ gặp bác trong trang báo cũng chẳng được. Người ta bảo gặp lửa thì đỏ (vận may). Thế mà cứ mỗi lần muốn gặp bác thì lại bị cháy. Những giai thoại cũng như hình ảnh con người đôn hậu của bác. Không, phải nói cho chính xác của hai bác, mãi mãi là thần tượng, mãi mãi cháy sáng trong tim lũ trẻ Nhà hát Nhân dân chúng tôi. Khép lại đây một ký ức xa vời, song không quên cúi đầu trước hương linh hai bác Thẩm phán Phùng Lê Trân và Giám đốc Tạ Đình Đề.

 

Tháng 8 – Sinh nhật bác Tạ Đình Đề

________

 

Một số hình ảnh:

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/08/1-35.jpg

Bà Thẩm phán Phùng Lê Trân (1921-2007). Photo Courtesy

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/08/2-1.jpg

Ông Giám đốc Tạ Đình Đề (1917-1998). Ảnh trên mạng

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/08/1-36-696x392.jpg

 Hồ Xuân Nam “da cát lượng” (trái), ngồi với Tùng “hồ”. Nguồn: Dương Tự Lập

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/08/2-2.jpg

 Một nhóm trẻ Nhà hát Nhân dân chúng tôi thời 1972-1973 đang ngồi trên bệ cấm trước khu vực Ban nhạc và sau lưng là hàng ghế cho khán giả bằng bê tông, hàng ngồi gần phía cuối bằng gỗ. Nguồn: Dương Tự Lập

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/08/1-37-696x527.jpg

Em trai Dương Tự Quyết trên lưng sư tử gang trong sân Nhà hát Nhân dân – 1973. Một ngày sau khi Hiệp định Paris được ký kết 27/1. Nguồn: Dương Tự Lập.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/08/2-3-602x420.jpg

Khu Đấu xảo – Triển lãm hội chợ (ảnh tư liệu) tiền thân của Khu Nhà hát Nhân dân, tuổi thơ của chúng tôi.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/08/3-696x464.jpg

Tòa soạn báo Lao Động 51 – Hàng Bồ và khu phố cổ, tuổi thơ của riêng tôi. Nguồn: Hoàng Luật

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats