Nancy
Pelosi đi Đài Loan hay sự « lộn xộn » về chiến lược của Mỹ ?
Minh
Anh - RFI
Đăng ngày:
11/08/2022 - 11:53
Chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ
Viện Mỹ hồi đầu tháng 8/2022 đã khiến Bắc Kinh tức giận và tiến hành một cuộc tập
trận không – hải quân hùng hậu chưa từng có. Nhiều nhà quan sát cho rằng sự việc
còn làm lộ rõ những hạn chế, hay đúng hơn là một sự « lộn xộn »
về chiến lược của Mỹ trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng.
Quảng cáo
Đài
truyền hình Nhà nước CCTV Trung Quốc phát hình ảnh phóng tên lửa từ một địa điểm
không được xác định, ngày 04/08/2022. AP
Tuy ngắn,
nhưng chuyến thăm Đài Loan của Nancy Pelosi mang tính biểu tượng cao :
Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện Mỹ là nhân vật quan trọng thứ ba của Nhà nước Mỹ.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên một nhân vật cao cấp như thế đến thăm Đài
Loan. Năm 1997, chủ tịch Hạ Viện là Newt Gingrich cũng có chuyến thăm Đài Bắc,
gặp tổng thống Đài Loan thời đó là ông Lý Đăng Huy (Lee Teng Hui).
Nhưng
Trung Quốc của năm 1997 yếu thế hơn nhiều, nên đành phải « nuốt giận »,
dung thứ cho chuyến đi của Gingrich. Giờ đây, Bắc Kinh chỉ trích bà Pelosi đang
mang lại hy vọng về quyền tự trị cho Đài Loan khi đến Đài Bắc và tuyên bố
« sát cánh cùng nền dân chủ » của hòn đảo. Nhìn từ Bắc Kinh,
đây không phải là chuyện bảo vệ « nền dân chủ » mà đúng hơn là
một sự vi phạm quyền chủ quyền quốc gia và bản sắc lịch sử Trung Hoa. Để trả
đũa, Trung Quốc tổ chức rầm rộ một loạt các cuộc tập trận quy mô lớn chưa
từng thấy, bao vây đảo và thông báo một loạt các trừng phạt thương mại nhắm vào
Đài Bắc.
Theo
chuyên gia về an ninh Trung Quốc, Michael Swaine, giám đốc chương trình Đông Á,
Viện Quincy của Mỹ, sự giận dữ này của Trung Quốc cũng là một điều dễ hiểu.
Chuyến thăm này của chủ tịch Hạ Viện Mỹ đã vượt quá khuôn khổ những hiểu biết,
quy định và quy trình, vốn là nền tảng cơ bản cho chính sách « Một nước
Trung Hoa duy nhất » mà Mỹ đeo đuổi từ nhiều năm qua. Ông giải
thích :
« Bà
Nancy Pelosi bay đến Đài Loan trên một chiếc máy bay phản lực quân sự chính thức
của Hoa Kỳ, trông giống chiếc Air Force One. Bà ấy mô tả chuyến đi Đài Loan của
mình như là một chuyến thăm chính thức. Bà công khai chuyến đi này theo cách rất
quan trọng, không giống như ông Newt Gingrich, người đã từng đến Đài Loan cách
nay 25 năm cũng với tư cách là chủ tịch Hạ Viện.
Nhưng
ông Newt Gingrich đến Bắc Kinh trước, và ông ấy chỉ dừng ở Đài Loan một thời
gian rất ngắn và sau đó đi tiếp. Vào thời kỳ đó, Trung Quốc đã tỏ ra bực bội.
Nhưng bây giờ bà Pelosi thực hiện điều này trên một quy mô lớn hơn rất nhiều, mức
độ công khai cao hơn cả dấu hiệu của một chuyến thăm chính thức. Và điều này là
một sự vi phạm thật sự nền tảng cơ bản của thỏa thuận mà Hoa Kỳ và Trung Quốc
đã đạt được vào thời điểm bình thường hóa quan hệ. » (DemocracyNow ngày
03/08/2022)
Chiến lược « dân chủ chống chuyên quyền »
và những hạn chế
Trên trang
mạng của Viện Quincy, hai nhà nghiên cứu Sina Azodi1 và
Christopher England2 cho rằng phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh
có một ý nghĩa quan trọng. Trung Quốc muốn chứng tỏ là một đối thủ ngang hàng với
Mỹ và có khả năng trả đũa trên nhiều mặt. GDP của Trung Quốc giờ cao gấp 17 lần
so với năm 1997. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc cũng tăng gấp 15 lần, từ 15
tỷ trong năm 1997 lên 230 tỷ cho năm 2022, trong khi vẫn tăng đều đặn kho vũ
khí hạt nhân để đạt mức 350 đầu đạn như hiện nay.
Hơn nữa,
chuyến đi này của bà Pelosi càng củng cố hơn niềm tin của người dân Trung Quốc,
nhất là phe « diều hâu » trong nội bộ đảng Cộng Sản, rằng Mỹ
và phương Tây đang nỗ lực « kềm chế » sự trỗi dậy của Trung Quốc,
ngăn cản nước này trở lại trường quốc tế, và việc kêu gọi bảo vệ dân chủ đơn giản
chỉ là một cách nói uyển chuyển để thay đổi chế độ.
Vẫn theo
hai nhà nghiên cứu của Viện Quincy, chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi đã làm lộ
rõ những hạn chế trong chiến lược « dân chủ chống chuyên quyền »,
mà ông Biden xem như là một cột trụ trong chính sách đối ngoại nhằm khôi phục lại
uy tín của nước Mỹ. Một mặt, sự việc diễn ra vào lúc nội tình nước Mỹ rối ren
và bị chia rẽ sâu sắc vì hậu quả của cuộc tấn công đồi Capitole ngày 06/01/2021
và những tranh cãi gay gắt cho cuộc bầu cử giữa kỳ mùa thu năm nay.
Mặt khác,
chuyến thăm này đã không giải đáp được thắc mắc về thực lực của Mỹ khi đối mặt
với những thách thức mới do những quốc gia muốn xem xét lại trật tự thế giới đặt
ra, và điều đó có nguy cơ làm gia tăng các biến động toàn cầu qua việc đe dọa
các lợi ích chiến lược của các đối thủ như Nga và Trung Quốc tại những khu vực
mà những nước này có một số lợi thế quân sự. Việc thúc đẩy trở lại nền dân chủ
cũng có nguy cơ gây phản cảm ở chính các nước đồng minh của Mỹ từ Ả Rập Xê Út đến
Thổ Nhĩ Kỳ, những nước mà Mỹ rất cần đến sự ủng hộ trong tương lai.
Tập trận quy mô lớn : Một chuẩn mới cho
Đài Loan ?
Nhưng nhà
chính trị học, Dominique Moisi, cây bút bình luận của Les Echos có cái nhìn khắt
khe hơn khi tự hỏi : Trong chính sách đối với Trung Quốc, phải chăng Hoa Kỳ dường
như đang chuyển từ « mập mờ » sang « lộn xộn » về chiến lược ? Việc
chủ tịch Hạ Viện Mỹ đến Đài Bắc không xóa tan được những nghi vấn trước khả
năng Mỹ từ bỏ « chiến lược mập mờ, mơ hồ » sau những phát ngôn
của Joe Biden thời gian gần đây liên quan đến Đài Loan.
Rồi bởi
vì, chuyến đi Đài Loan của Nancy Pelosi diễn ra vào một thời điểm khá đặc biệt.
Hoa Kỳ và phương Tây đang nỗ lực cung cấp vũ khí cho Ukraina chống lại cuộc chiến
xâm lược do Nga tiến hành từ nhiều tháng qua, nên việc khiêu khích Trung Quốc của
Tập Cận Bình lúc này là không cần thiết.
Thứ nhất, điều đó còn tạo thêm cớ cho Trung Quốc « bình
thường hóa » các hành động hung hăng mới đối với Đài Loan. Chuyên gia
về hải quân Collin Koh, thuộc S. Rajaratnam School of International Studies tại
Singapore, trả lời AFP dự báo, Đài Loan kể từ giờ sẽ phải quen thuộc với việc
Trung Quốc thường xuyên tổ chức những cuộc tập trận lớn như vậy. « Những
bài tập gần đảo chính của Đài Loan sẽ trở thành một chuẩn mực » và việc
« quân đội Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận lớn như thế đã tạo thành
một tiền lệ ».
Cũng theo
vị chuyên gia này, mức thang tập trận sẽ còn được nâng cao hơn cả trên quy mô lẫn
cường độ. Khi có căng thẳng, Trung Quốc cũng sẽ thường xuyên đưa tầu chiến hay
chiến đấu cơ vượt qua bên kia đường trung tuyến, đường biên giới không chính thức
giữa hai bên ở eo biển Đài Loan. Chuyến thăm của bà Pelosi đã mang lại cho Bắc
Kinh « một cái cớ hay lời biện minh để nói rằng trong tương lai, Trung
Quốc có thể tiến hành một cách hợp pháp các bài tập trận ở phía đông đường
trung tuyến mà không phải bận tâm ».
Và nhất là
đây cũng là cơ hội để đảng Cộng Sản Trung Quốc còn có thể củng cố hơn nữa tính
chính đáng của mình khi kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa như lưu ý của nhà
chính trị học, Jean-Philippe Béja, chuyên gia về Trung Quốc, giám đốc nghiên cứu
danh dự thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia.
« Đảng
Cộng Sản Trung Quốc xây dựng tính chính đáng dựa trên tinh thần chủ nghĩa dân tộc,
sự trở lại của Trung Quốc trên trường quốc tế. Họ muốn chứng tỏ chính sách bất
di bất dịch trong các vấn đề về quyền chủ quyền như đã cho thấy ở Hồng Kông,
đương nhiên là họ đã thành công nhưng không chiếm được trái tim cử tri đặc khu
hành chính. Và dĩ nhiên, đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng chẳng bận tâm đến việc
chinh phục tình cảm và trái tim người Đài Loan. Giờ chúng ta đang đối mặt với một
đảng Cộng Sản Trung Quốc cực kỳ hung hăng, tìm cách áp đặt quan điểm của
mình về quyền chủ quyền và cố kích động tinh thần chủ nghĩa dân tộc. »
(France Culture ngày 03/08/2022)
Pelosi đi Đài Loan : Món quà tặng dành
cho V. Putin và Tập Cận Bình
Thứ hai, sự « khiêu khích » này từ
Mỹ có nguy cơ đẩy Trung Quốc của Tập Cận Bình ngày càng siết chặt hơn nữa mối
liên minh với nước Nga của Vladimir Putin. Cho đến lúc này, Trung Quốc vẫn tìm
cách tránh can dự trực tiếp và bắt đầu ngờ vực về sự thành công của chiến dịch
quân sự của Nga.
Điều này
giải thích vì sao bộ Quốc Phòng Mỹ ban đầu đã phản đối chuyến thăm, theo như nhận
định của Pascal Boniface, chuyên gia về địa chính trị, Viện Quan Hệ Quốc Tế và
Chiến Lược : « Bởi vì ông Biden cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay,
thúc đẩy hơn nữa mối liên minh giữa Bắc Kinh và Matxcơva là không đáng, rằng vấn
đề Ukraina mới là khẩn cấp. Do vậy việc chọc giận Trung Quốc lúc này là chưa vội,
vào thời điểm mà Hoa Kỳ đang nỗ lực chia rẽ Bắc Kinh và Matxcơva, càng xa càng
tốt. » (LCI ngày 03/08/2022)
Món quà
này không chỉ dành riêng cho Vladimir Putin mà cả cho Tập Cận Bình, ngay trước
thềm Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc. Trên nguyên tắc, kỳ Đại Hội thứ XX này sẽ
cho phép ông Tập nắm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ ba, nhưng điều đó vẫn không
che giấu được ngày càng nhiều tiếng nói chỉ trích ông thâu tóm quyền lực.
Từ cách xử
lý dịch bệnh, dẫn đến nhiều hệ quả kinh tế nghiêm trọng gây bất mãn trong dân
chúng, cho đến việc danh sách các nước mắc nợ Trung Quốc với những khoản tiền
vay lớn đến chóng mặt rơi vào tình trạng mất khả năng thanh khoản ngày một thêm
dài. Thế nhưng, theo nhà chính trị học, Jean-Philippe Béja, lịch trình chuyến
đi Đài Loan của bà Pelosi vô hình chung lại là một cơ hội để ông Tập Cận Bình củng
cố thêm vị thế của mình.
« Bởi
vì vào lúc này, người ta nhận thấy Tập Cận Bình ngày càng trong thế thủ trước
những bất bình được thể hiện. Có nhiều đồn đoán cho rằng có một sự phản đối mạnh
mẽ trong hàng ngũ chóp bu đảng Cộng Sản. Đương nhiên những đồn đoán này là khó
kiểm chứng nhưng người ta có thể nói rằng việc ông tái đắc cử tại Đại Hội Đảng
lần thứ XX bắt đầu gây ra vấn đề. Nhưng rủi thay, chuyến thăm của bà Pelosi lại
củng cố vị thế của ông ấy đối với xã hội Trung Quốc. Và cũng không may là vì những
lý do chính trị nội bộ tại Mỹ, bà Pelosi đã thật sự không đặt ra câu hỏi về những
gì chuyến đi của bà có thể gây ra cho khu vực, cũng như là cho (tổng thống)Thái
Anh Văn và Đài Loan. » (France Culture ngày 03/08/2022)
ASEAN kẹt giữa đôi đàng
Cuối
cùng, như nhận định của
chuyên gia Pascal Boniface, sự việc cũng đặt các nước trong khu vực, các nước đồng
minh, đặc biệt là khối ASEAN rơi vào thế khó xử. Trong bối cảnh, Hoa Kỳ đang
tìm cách ve vãn tìm kiếm sự hậu thuẫn của các nước ASEAN cho chiến lược Ấn Độ -
Thái Bình Dương, chuyến thăm Đài Loan của Pelosi làm thổi bùng lên những căng
thẳng, có nguy cơ gây tổn hại cho các lợi ích của những nước này, vốn dĩ cũng
đang gặp khó khăn vì tình trạng lạm phát do đại dịch Covid-19 và chiến tranh
Ukraina gây ra.
« Các
quốc gia ASEAN bị giằng xé và không muốn chọn phe giữa Bắc Kinh và Washington.
Họ cần sự bảo hộ của Hoa Kỳ và cũng cần có các mối quan hệ chặt chẽ với Trung
Quốc. Thường các mối quan hệ thương mại của họ với Trung Quốc quan trọng hơn là
với Mỹ như đã từng có cách nay 10 năm. Do vậy những nước này tự nhận mình như
là những quốc gia thương mại, nên họ không thích có những căng thẳng chút nào
đơn giản bởi vì điều đó chỉ bất lợi cho việc làm ăn và những nước đó biết rất
rõ là họ cũng không thể tự mình bảo vệ cho an ninh đất nước nếu như căng thẳng
giữa Bắc Kinh và Washington tăng thêm. Thế nên, tất cả những việc này chắc chắn
là không làm cho các nước trong khu vực hài lòng và họ sẽ không phiêu lưu quy
trách nhiệm cho bên này hay bên kia làm căng thẳng bùng lên. Họ muốn ở giữa hai
phe và có những mối quan hệ với cả hai phía. Giờ thì những nước ASEAN đang
trong một tình thế bất tiện nhất ». (LCI ngày 05/08/2022)
Nguyệt quế cho Pelosi, Đài Loan lãnh hậu quả
Tóm lại
theo các nhà quan sát, bên lãnh hậu quả trước tiên của chuyến thăm « lịch
sử » này không ai khác chính là Đài Loan. Trong một động thái mới nhất,
Bắc Kinh hôm 10/8 công bố Sách Trắng mới, rút bỏ những lời hứa từng được đưa ra
trong các phiên bản năm 1993 và năm 2000, theo đó, « sẽ không đưa quân
đội hoặc nhân sự hành chính đến đóng tại Đài Loan » sau khi hoàn thành
điều mà Bắc Kinh gọi là « thống nhất » Đài Loan, vốn bị Bắc
Kinh coi là một vùng lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.
Trong sách
trắng 2022, Bắc Kinh còn xóa bỏ những bảo đảm cho Đài Loan được hưởng quyền tự
chủ sau khi trở thành đặc khu hành chính của Trung Quốc, hoặc cụm từ « bất
cứ điều gì cũng có thể thương lượng được » miễn là Đài Loan chấp nhận
chỉ có một Trung Quốc và không đòi độc lập…
Thế nên,
ông Dominique Moisi cho rằng, một đại cường phải biết sắp đặt thứ tự của
những ưu tiên. Liệu rằng Hoa Kỳ có đủ phương tiện và mong muốn để xử lý cùng
lúc ba cuộc khủng hoảng gay gắt : Nga, Trung Quốc và Iran hay không ?
------------
Ghi
chú:
(1) - Sina
Azodi là Học viên sau Tiến sĩ về Quan Hệ Quốc Tế tại Đại học Nam
Florida. Các lĩnh vực nghiên cứu của ông tập trung về an ninh quốc tế,
không phổ biến vũ khí hạt nhân và quan hệ Mỹ-Iran.
(2)
- Christopher England: Tiến sĩ Khoa học Chính trị tại Johns Hopkins, từng
là giảng viên đại học Nam Florida.
No comments:
Post a Comment