Thursday 25 August 2022

LUẬN CỨ BÀO CHỮA CHO NHÀ BÁO PHẠM ĐOAN TRANG (LS Trịnh Vĩnh Phúc)

 



Luận cứ bào chữa cho nhà báo Phạm Đoan Trang

Trịnh Vĩnh Phúc

25/08/2022

https://baotiengdan.com/2022/08/25/luan-cu-bao-chua-cho-nha-bao-pham-doan-trang/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/08/Vinh-4.jpeg

Nhà báo Phạm Đoan Trang trước toà hôm 25/8. Ảnh: TTXVN

 

– Thưa quý Tòa,

 

Tôi, Luật sư TRỊNH VĨNH PHÚC, một trong bốn luật sư bào chữa cho bà PHẠM ĐOAN TRANG tại phiên tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

 

Sau khi nghe bà Phạm Đoan Trang trình bày nội dung kháng cáo, nghe đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm về vụ án và đơn kháng cáo của bà Phạm Đoan Trang, sau khi lắng nghe với sự đồng thuận phát biểu bào chữa của các đồng nghiệp luật sư dành cho thân chủ Phạm Đoan Trang, là luật sư phát biểu sau cùng tôi có ý kiến ngắn gọn qua 5 vấn đề sau đây:

 

1. Đơn kháng cáo của bà Phạm Đoan Trang đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 443/2021/HS-ST ngày 14/12/2921 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội là có căn cứ, qua đó cho thấy bà Phạm Đoan Trang không phạm tội, nói cách khác, việc Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt bị cáo 9 năm tù theo Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999-2009 cần được Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xem xét, sửa án… Tại phiên tòa hôm nay, đại diện Viện Kiểm sát đặt ra các câu hỏi dành cho bà Phạm Đoan Trang trong đó có những câu: “Bị cáo có thẩm quyền gì, lấy tư cách nào mà quan tâm và báo cáo về môi trường, về tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam?…” cho thấy sự bất cập về nhận thức về quyền con người của người tiến hành tố tụng.

 

2. Hành vi bị quy kết, truy tố và xét xử của Phạm Đoan Trang là hành động tự giác của một công dân có ý thức trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, là hành động dấn thân của một nhà báo chân chính, của người cầm bút, người đưa tin trong môi trường xã hội Việt Nam còn nhiều bất cập, chưa minh bạch thông tin, nhằm để bảo vệ phẩm giá con người, các giá trị nhân quyền, lên tiếng về môi trường sống, về bất công xã hội… Hành động đó ở chừng mực đã vượt khỏi khuôn phép thông thường, đi trước nhận thức của nhiều người, vượt không gian… nhưng không có nghĩa là hành động không chính đáng và vi phạm pháp luật.

 

3. Để quy kết, truy tố và kết án bà Phạm Đoan Trang với tư cách bị can – bị cáo, các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Hà Nội đã sử dụng các biện pháp pháp lý mà Bản án số 443 có vẻ như hợp pháp và chính đáng. Nhưng qua phân tích và dẫn chứng của các luật sư tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm hôm nay cho thấy các hoạt động tố tụng thể hiện sự định kiến và thành kiến, chỉ cốt buộc tội, không xem xét các yếu tố gỡ tội, đặc biệt là sử dụng sản phẩm duy ý chí qua các kết luận giám định tư pháp về tư tưởng của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội, không màng đến các chuẩn mực của các Điều ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị dành cho công dân mà nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia ký kết và công nhận.

 

Trong khi các cơ quan nhà nước và pháp luật Việt Nam sử dụng các công cụ pháp lý để trừng phạt bà Phạm Đoan Trang thì nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, các tổ chức về tự do báo chí và cơ quan ngoại giao nhiều nước có các hoạt động vinh danh bà Phạm Đoan Trang.

Ngay sáng nay trước cổng Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hà Nội, nhiều viên chức ngoại giao của Đại sứ quán các nước khối EU, Hoa Kỳ và các nước Đông Âu cũ… đăng ký tham dự “phiên tòa công khai” của Tòa án Việt Nam vì họ quan tâm sâu sắc đến số phận pháp lý của công dân Việt Nam – nhà báo Phạm Đoan Trang. Đáng tiếc, mong muốn chính đáng của họ, người nước ngoài và cả mẹ ruột và anh ruột của bị cáo Phạm Đoan Trang đều bị từ chối thẳng thừng từ các nhân viên an ninh chốt trực trước cổng tòa.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/08/Vinh-5-1024x768.jpeg

Bà Bùi Thị Thiện Căn (Mẹ của Phạm Đoan Trang, đứng giữa), gia đình và các đại diện ĐSQ các nước (Mỹ, Cộng Hoà Séc, Đức, EU, Thụy Sĩ) không được vào dự phiên toà. Ảnh: FB Thu Đỗ

 

4. Bà Phạm Đoan Trang có nhiều tình tiết để Tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt, tuy nhiên bị cáo kháng cáo khẳng định không phạm tội, không xin giảm nhẹ hình phạt nên chúng tôi không đề cập. Song, pháp luật tố tụng hình sự vẫn có các điều luật cho phép cấp phúc thẩm sửa án, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo khi có căn cứ cho thấy bản án sơ thẩm áp dụng hình phạt nặng, không tương xứng cho bị cáo.

 

Quan điểm của chúng tôi: Bất luận quan điểm các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm và phúc thẩm nếu cho rằng bà Phạm Đoan Trang phạm tội theo Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999-2009 thì việc xử phạt bà Phạm Đoan Trang 9 năm tù thể hiện sự hà khắc của nền luật pháp.

 

5. Để kết thúc bài bào chữa ngắn dành cho Phạm Đoan Trang tại phiên tòa phúc thẩm, chúng tôi gửi đến quý Tòa:

 

Nếu mọi nỗ lực bào chữa của các luật sư dành cho bị cáo cũng như sự lên tiếng của các tổ chức nhân quyền, báo chí quốc tế và các nhà ngoại giao không làm lay chuyển quan điểm và thái độ của các cơ quan nhà nước và Tòa án Việt Nam thì: quý Tòa cứ kết án Phạm Đoan Trang – Lịch sử sẽ xóa án cho cô ấy!

 

Hà Nội, ngày 25/8/2022.

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats