Lính
Triều Tiên có thể sẽ xuất hiện ở miền đông Ukraine?
A.B.
Abrams - The
Diplomat
Nguyễn
Thị Kim Phụng, biên dịch
19/08/2022
https://nghiencuuquocte.org/2022/08/19/linh-trieu-tien-co-the-se-xuat-hien-o-mien-dong-ukraine/
Cam kết quân sự của Bình Nhưỡng có thể thành
hiện thực như thế nào?
Các báo
cáo từ nhiều nguồn tin của Nga và từ Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk tự
xưng ở miền đông Ukraine cho thấy, Triều Tiên có thể sẽ triển khai lực lượng vũ
trang của mình cho các chiến dịch tại Ukraine. Bình Nhưỡng chính thức công nhận
và thiết lập quan hệ ngoại giao với hai nước cộng hòa ly khai vào ngày 13/07,
và chỉ vài ngày sau đó, có thông tin cho rằng công nhân Triều Tiên sẽ được cử đến
để hỗ trợ các nỗ lực tái thiết ở miền đông Ukraine. Nhà nước Đông Á này nhiều
khả năng cũng hỗ trợ và tham gia vào các phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh ở
Donetsk.
Các báo
cáo về kế hoạch đưa quân nhân Triều Tiên tới Donetsk và Luhansk sau đó đã xuất
hiện trên phương tiện truyền thông của hai nước cộng hòa, trước khi được công bố
rộng rãi hơn trên Kênh 1, kênh truyền hình nhà nước Nga.
Dù vẫn
chưa được xác nhận, nhưng khả năng lực lượng Triều Tiên được triển khai ở một mức
độ nào đó tới Ukraine – có thể không nhiều bằng con số 100.000 mà các báo cáo từ
vùng Donbas tuyên bố – vẫn là đáng kể, dựa trên xu hướng triển khai lực lượng ở
nước ngoài của Bình Nhưỡng trước đây, cũng như những lợi ích mà nước này, hai
nước cộng hòa tự xưng, và Moscow có thể đạt được.
Đối với
Triều Tiên, việc đóng góp lực lượng vào nỗ lực chiến tranh ở Ukraine là rất
bình thường, vì lực lượng vũ trang của nước này từng chiến đấu tại Việt Nam để
chống lại Mỹ, và còn chiến đấu trong nhiều cuộc chiến tranh Trung Đông, chủ yếu
chống lại các bên được Mỹ hậu thuẫn. Triều Tiên đã hỗ trợ các đối thủ của Mỹ,
nhưng không tác chiến ở tiền tuyến, trong nhiều cuộc xung đột khác nữa, từ Chiến
tranh Biên giới Nam Phi đến Chiến tranh Iran-Iraq. Trong cuộc chiến giữa Iran
và Iraq, Bình Nhưỡng cung cấp cho Quân đội Iran loại pháo có tầm bắn xa nhất
trong khu vực, cũng như phần lớn kho vũ khí tên lửa đạn đạo của nước này. Nếu
Bình Nhưỡng tin rằng lực lượng của mình có thể ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến
cuộc chiến ở Ukraine, họ có thể sẵn sàng làm tất cả để phương Tây tập trung vào
Đông Âu, và theo đó tránh xa Đông Á, đồng thời gây thêm áp lực lên Mỹ, quốc gia
mà họ vẫn đang chính thức ở trong tình trạng chiến tranh.
Việc góp mặt
trên chiến trường còn mang lại kinh nghiệm quý báu khi trực tiếp đối đầu với
lính Ukraine, lực lượng đã nhận được hàng chục tỷ USD trang thiết bị từ NATO, đồng
thời đang chiến đấu với thông tin tình báo, đội ngũ cố vấn, và chương trình huấn
luyện từ Mỹ. Bất kỳ hoạt động triển khai quân nào của Triều Tiên có lẽ cũng sẽ
được Nga tài trợ, bằng việc tạo điều kiện tiếp cận hàng hóa, khí tài quân sự,
và các hỗ trợ kinh tế khác của Nga. Việc tích lũy kinh nghiệm nhờ hoạt động
cùng với lực lượng Nga cũng có thể được đánh giá cao, do phần đường biên giới
chung và các đối thủ chung mà cả hai nước phải đối mặt ở Đông Á.
Khác với
Trung Quốc và Iran, những nước đã chính thức tuyên bố trung lập trong Chiến
tranh Nga-Ukraine, làm suy yếu các tuyên bố rằng họ có thể cung cấp máy bay
không người lái hoặc các thiết bị khác cho quân đội Nga, Triều Tiên đã mạnh mẽ
đứng về phía Moscow. Cùng với Eritrea, Belarus, và Syria, Triều Tiên là một
trong bốn quốc gia nước ngoài bỏ phiếu phản đối việc lên án sự can thiệp quân sự
của Nga tại Liên Hiệp Quốc. Do đó, nước này có thể là nguồn cung cấp vũ khí nước
ngoài duy nhất cho Nga ngoài Belarus, vì trừ Trung Quốc và Iran, Triều Tiên là
một trong số ít quốc gia nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của phương Tây, với lĩnh vực
quốc phòng đủ lớn để mang lại lợi ích đáng kể cho lực lượng Nga.
Trong khi
Bắc Kinh và Tehran vội vã cải thiện quan hệ với thế giới phương Tây, người Triều
Tiên lại đang bị các nước phương Tây đối xử hà khắc nhất trong hàng chục năm
qua, và Bình Nhưỡng đã bị trừng phạt nặng nề đến mức chẳng còn mấy để mất khi ủng
hộ nỗ lực chiến tranh của Nga cũng như tăng cường quan hệ với Moscow và Donbas.
Khả năng việc này giúp mở đường cho hội nhập kinh tế sâu rộng hơn với Nga, do
đó làm suy yếu các nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập cả hai nền kinh tế, cũng vẫn
còn đáng kể.
Thiết lập
quan hệ kinh tế với Donetsk và Luhansk cũng có thể mang lại một loạt cơ hội
quan trọng. Vì hai nước ly khai không phải là quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc,
nên họ cũng không có nghĩa vụ tuân theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên
Hiệp Quốc về việc trừng phạt Triều Tiên – biến họ trở thành các lãnh thổ duy nhất
trên thế giới mà quốc gia Đông Á có thể tự do trao đổi buôn bán. Việc cung cấp
nhiều loại hàng hóa và dịch vụ của Triều Tiên, từ công nhân nước ngoài đến hệ
thống pháo binh, sẽ không bị cấm như đối với các quốc gia thành viên Liên Hiệp
Quốc như Nga.
Lực lượng
đặc nhiệm, lục quân, và một số bộ phận của lực lượng pháo binh của Triều Tiên lớn
hơn đáng kể so với của Nga, và sức mạnh của họ trong một số lĩnh vực cụ thể của
tác chiến mặt đất kể từ sau Chiến tranh Lạnh đã vượt qua quân đội Nga ở một số
khía cạnh chủ chốt. Một ví dụ đáng chú ý, được nêu ra lần đầu tiên vào ngày
23/07, là các hệ thống pháo tên lửa KN-09 và KN-25. Cả hai đều có tầm bắn xa
hơn bất kỳ đối thủ nước ngoài nào ngoài Trung Quốc. Triều Tiên từng nhiều lần tự
hào về tầm bắn gấp nhiều lần so với các loại tên lửa Nga hoặc HIMARS của Mỹ, vốn
là loại tên lửa đã gây ra tổn thất đáng kể cho các lực lượng Nga từ khi chúng
được cung cấp cho Ukraine gần đây.
Phát biểu
trên Kênh 1, người dẫn chương trình Igor Korotchenko là một trong số những
người chỉ ra rằng các hệ thống pháo của Triều Tiên có thể có giá trị ở Ukraine
và có thể được triển khai tại chiến trường. Ông nói: “Nếu Triều Tiên tình nguyện
tham gia cùng với các hệ thống pháo và kinh nghiệm dày dạn trong chống pháo
binh (counter battery warfare) của họ, cũng như với bệ phóng tên lửa cỡ lớn
hàng loạt (large caliber multiple launch rocket systems) do chính họ sản xuất,
chúng ta hãy bật đèn xanh cho lực lượng tình nguyện này… Nếu Triều Tiên bày tỏ
mong muốn thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình là chống lại chủ nghĩa phát xít
Ukraine, chúng ta nên để họ làm như vậy.”
Các sĩ
quan pháo binh của Triều Tiên đã hoạt động cùng với Quân đội Syria trong Chiến
tranh Lebanon, và trong các chiến dịch chống nổi dậy hồi thập niên 2010, nhiều
khả năng sẽ là một trong những đơn vị đầu tiên được triển khai tới miền đông
Ukraine. Tác động của họ sẽ đặc biệt đáng kể nếu được triển khai cùng với các hệ
thống pháo của Triều Tiên, vốn có thể bắn tới Donbas qua lãnh thổ Nga.
Ngoài các
đơn vị pháo binh, các đơn vị đặc nhiệm của Triều Tiên cũng có thể đóng một vai
trò quan trọng ở Ukraine sau khi đã được triển khai trong các chiến dịch chống
nổi dậy ở Syria. Triều Tiên sở hữu lực lượng đặc nhiệm lớn nhất trên thế giới,
với ước tính dao động từ 180.000 đến 200.000 nhân sự. Họ đã được mô tả trong
các đánh giá của Anh là “có tinh thần cao, được hướng dẫn đầy đủ về chính trị,
và được đào tạo tốt…các đơn vị được kỳ vọng sẽ liên tục tìm kiếm sáng kiến, biến
tất cả các sự kiện không lường trước được thành lợi thế của họ, và tận dụng mọi
thứ để đạt được mục tiêu của mình, bất kể cái giá phải trả.” Hai đơn vị đặc nhiệm
của Triều Tiên từng được triển khai đến Syria trong những năm 2010 đã được các
nhà lãnh đạo của lực lượng nổi dậy mà họ nhắm mục tiêu mô tả là “nguy hiểm chết
người” trên chiến trường. Được huấn luyện để hoạt động sau chiến tuyến của kẻ
thù, chống lại những đối thủ được trang bị và huấn luyện tốt hơn nhiều so với
Quân đội Ukraine, việc triển khai lực lượng Triều Tiên có thể có tác động đáng
kể trên chiến trường tùy thuộc vào việc họ được tích hợp với các đơn vị Nga và
Donbas hiệu quả đến mức nào.
Việc nhắc
đến chuyện binh sĩ Triều Tiên tham gia mặt trận Ukraine với tư cách “tình nguyện
viên” cho thấy rằng quyết định triển khai lực lượng có thể sẽ không được chính
thức hóa bởi Quân đội Nhân dân Triều Tiên. Điều này có thể tương tự như sự can
thiệp trước đây của Trung Quốc vào Chiến tranh Triều Tiên, khi Bắc Kinh điều động
lực lượng Chí nguyện quân Nhân dân chứ không phải là Quân Giải phóng Nhân dân
Trung Quốc. Theo đó có thể tránh đặt Triều Tiên vào việc chính thức tham chiến
với Ukraine và các nước ủng hộ nó.
Tuy nhiên,
việc triển khai nhân sự vẫn sẽ khiến lực lượng Triều Tiên trực tiếp chống lại lực
lượng của Mỹ và các cường quốc phương Tây khác. Tờ New York Times nói rằng
Mỹ đang thiết lập “một mạng lưới biệt kích và gián điệp bí mật cung cấp vũ khí,
thông tin tình báo, và huấn luyện” bên trong biên giới Ukraine. “Các nhân viên
CIA đã tiếp tục bí mật hoạt động tại nước này, chủ yếu ở thủ đô [Kyiv], điều phối
phần lớn lượng tin tình báo khổng lồ mà Mỹ đang chia sẻ với các lực lượng
Ukraine,” Times viết.
“Lực lượng
biệt kích từ các nước NATO khác, bao gồm Anh, Pháp, Canada và Litva, cũng đang
làm việc bên trong Ukraine…đào tạo và cố vấn cho quân đội Ukraine, cũng như hướng
dẫn tại chỗ về vũ khí và các hỗ trợ khác,” tờ báo nói thêm, nhấn mạnh về “quy
mô của nỗ lực bí mật đang được tiến hành nhằm hỗ trợ Ukraine.”
Mức độ hiện
diện và hoạt động của các lực lượng phương Tây ở Ukraine gần đây đã được nhấn mạnh
trong một báo cáo của tạp chí Causeur của Pháp, trích dẫn các nguồn tin
tình báo từ nước này, trong khi các nguồn tin chính phủ Nga thường xuyên cáo buộc
phương Tây can dự sâu hơn vào chiến dịch ở tiền tuyến. Kết quả cũng có thể là
các cuộc đụng độ trực tiếp giữa lực lượng Triều Tiên và phương Tây, trong đó
lính Triều Tiên hoạt động với tư cách tình nguyện viên, còn lính phương Tây là
một phần trong “mạng lưới bí mật” với các vai trò mang tính hỗ trợ hoặc với tư
cách là nhà thầu quân sự.
Các lực lượng
Triều Tiên và Mỹ đã từng nhiều lần đối đầu nhau trong các cuộc xung đột quá khứ,
mà gần đây nhất là ở Syria. Ukraine có khả năng là nước mới nhất trong danh
sách này, đồng thời là một trong những nước mà Triều Tiên triển khai nhân lực ở
số lượng lớn nhất, nơi hai nước tiếp tục đối đầu trong cuộc xung đột kéo dài 70
năm của họ với nhau.
----------------------------------
A.B.
Abrams là tác giả hai cuốn sách “Immovable Object: North Korea’s 70 Years at
War with American Power” và “Power and Primacy: A History of Western
Intervention in the Asia-Pacific.” Ông hoàn thành chương trình Thạc sĩ tại Đại
học London và đã xuất bản nhiều bài viết về chính trị và quốc phòng quốc tế.
Nguồn: A.B.
Abrams, “Will
We See North Korean Forces in Eastern Ukraine?,” The Diplomat, 10/08/2022
No comments:
Post a Comment