Wednesday, 17 August 2022

CUỘC DI CƯ KHỔNG LỒ CỦA TẦNG LỚP TRÍ THỨC NGA (The Economist)

 



Cuộc di cư khổng lồ của tầng lớp trí thức Nga

The Economist

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

 

Cuộc di cư sẽ có những tác động đáng kể đối với nước Nga và với chính những người lưu vong.

 

Vào một đêm thứ Bảy ấm áp và mát mẻ, khoảng vài chục người Nga – hầu hết đang trong độ tuổi 20 và 30 – đã cùng nhau chen chúc trong một căn hộ nhỏ kiểu Liên Xô ở Vakke, khu nhà giàu thuộc Tbilisi, thủ đô của Gruzia, và giờ đây, là ngôi nhà mới của họ. Trong khi hàng nghìn đồng hương khác đang thưởng thức đồ ăn và rượu của Gruzia trong các quán cà phê đường phố và quán bar nói tiếng Nga, thì những người này quây quần bên chiếc máy chiếu, tổ chức một sự kiện mà họ gọi là “hội nghị tại gia”.

 

Những dịp hội họp của cộng đồng lưu vong thường khiến người ta cảm thấy chán nản. Nhưng sự kiện này lại toát ra năng lượng trí tuệ. Chương trình được chuẩn bị kỹ càng, người tham dự hành xử đúng mực, và gần như chẳng ai uống rượu. Trong suốt hai giờ, 12 diễn giả đã nói về mục tiêu của họ trong quá khứ và hiện tại. Các đề tài trải dài từ “bệnh lý tuyên truyền” và dọn dẹp đường phố Tbilisi, đến tái chế, xe hơi không người lái, và giúp đỡ những người gặp chấn thương tâm lý. Người ta cũng phục vụ các món ăn nhẹ tự làm tại nhà, có cả những chiếc bánh chay, không chứa gluten (giá 5 lari – 1,85 USD – một chiếc). Về cả hình thức lẫn nội dung, hội nghị tại gia này là hình dung về một đất nước mà những người tham dự mong muốn được sinh sống, một đất nước khác xa với nơi họ từng gọi là quê hương.

 

Không ai biết chính xác có bao nhiêu người đã rời khỏi Nga kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Con số ước tính dao động từ 150.000 đến 300.000. Khoảng 50.000 người được cho là đã đến định cư ở Gruzia, một dòng người nhập cư đủ lớn và đột ngột để đẩy giá thuê nhà địa phương lên cao. Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở những con số, mà còn ở chính những người lưu vong này. Giống như nhóm người đã chen chúc trong căn hộ Vakke, cộng đồng người Nga hải ngoại phần lớn là người trẻ, được giáo dục tốt, có ý thức về chính trị, năng động, hoạt ngôn, và tháo vát – nói cách khác, họ là tầng lớp tinh hoa trí thức của Nga. Những người lưu vong đã mang theo thói quen của họ, mạng lưới quan hệ của họ, khả năng tự tổ chức và các giá trị của họ. Điều đó sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến đất nước họ đã bỏ lại sau lưng, và cả những đất nước mà họ đến sinh sống.

 

Gruzia – một thuộc địa cũ của Nga, sau trở thành nước cộng hòa thuộc Liên Xô – cũng từng bị Nga xâm lược, gần đây nhất là vào năm 2008. Ngày nay, khoảng 20% lãnh thổ của Gruzia nằm trong tay nhóm ly khai do Nga hậu thuẫn. Giờ đây, nước này trở thành nơi ẩn náu của các nhà hoạt động và nhà báo. Nhiều người trong số họ còn quá trẻ để có thể nhớ được cuộc chiến chống lại Gruzia của Putin. Nhưng họ vẫn chia sẻ tình cảm được thể hiện trong những bức vẽ graffiti rải rác khắp Tbilisi: “Fuck Putin’s Russia” (Nước Nga của Putin thật khốn nạn). Họ dùng phần lớn năng lượng và động lực của mình để xoa dịu tác động của cuộc chiến chống lại Ukraine của Putin.

 

Vé vào cửa hội nghị Vakke có giá 20 lari. Cùng với tiền bán bánh, số tiền này đã được chuyển đến Emigration for Action (Di cư để hành động), một tổ chức từ thiện chuyên cung cấp thuốc men cho người tị nạn Ukraine. Ekaterina Kiltau, một trong những người sáng lập tổ chức, là diễn giả cuối cùng của sự kiện. “Chúng ta đã đến Gruzia, và có được đặc quyền làm và nói những gì mình muốn, gọi cuộc chiến này là chiến tranh [từ ‘chiến tranh’ bị cấm ở Nga] và giúp đỡ người dân Ukraine,” cô nói với khán giả.

 

Các dự án tình nguyện khác như “Helping to Leave” (Hỗ trợ Di cư) và “Motskhaleba” (có nghĩa là “lòng thương xót” trong tiếng Gruzia) đã phát triển từ các nhóm chat trên mạng xã hội. Hiện tại, họ có đến hàng trăm tình nguyện viên, tập trung giúp hàng nghìn người tị nạn Ukraine thoát khỏi chiến tranh. Larisa Melnikova, một trong những người đồng sáng lập Motskhaleba, là một chuyên viên thiết kế kỹ thuật số kiêm cố vấn kinh doanh, từng làm việc cho chi nhánh tại Nga của Tập đoàn Tư vấn Boston, một công ty đa quốc gia của Mỹ. Giờ đây, cô chuyển kỹ năng của mình sang lập trình bot để giúp các tình nguyện viên xử lý những yêu cầu xin trợ giúp. “Tôi biết rằng nếu không làm gì, tôi sẽ còn thấy đau đớn hơn nữa,” cô nói. “Tôi chưa bao giờ bỏ phiếu cho Putin, nhưng tôi đã nộp thuế ở Nga, và tôi phải chịu trách nhiệm về hành động của nước mình.”

 

Trở lại Nga, các nhà hoạt động dân sự như Kiltau và Melnikova đã giúp giám sát các cuộc bầu cử, tình nguyện hỗ trợ các ứng viên độc lập, và làm việc cho OVD-Info, một tổ chức nhân quyền hỗ trợ các nạn nhân bị nhà nước Nga đàn áp. Nếu chọn ở lại Nga và công khai phản đối chiến tranh, rất có thể họ sẽ phải ngồi tù. Đó chính xác là những gì đã xảy ra với Alexei Gorinov, thành viên hội đồng thành phố Moscow vừa lãnh án bảy năm tù vì chỉ trích chiến tranh, đồng thời dám bác bỏ ý tưởng tổ chức một cuộc thi vẽ cho trẻ em khi chiến tranh đang diễn ra. “Những người như vậy là anh hùng, nhưng tôi cảm thấy mình sẽ hữu ích hơn khi ở đây,” Kiltau chia sẻ.

 

Làm tình nguyện viên ở Gruzia, cô nói, không chỉ là để giúp đỡ người Ukraine, mà còn là để giữ gìn danh dự và sự tỉnh táo của chính cô. “Đau đớn, xấu hổ, và muốn chịu trách nhiệm” là ba cảm xúc mà Kiltau liên tục cảm nhận. Nỗi đau của cô đã càng thêm chồng chất: quê nhà của cô là Rubtsovsk – một thị trấn nhỏ ở Siberia, từng bị bao quanh bởi 5 trại lao động gulag – giờ đây trở thành một trong những điểm chính tiếp nhận bưu phẩm mà lính Nga gửi về nhà sau khi cướp bóc tài sản của người dân Ukraine.

 

Tiếng vọng của lịch sử

 

Giống như hầu hết những người Nga đang lưu vong ở Tbilisi, những người tụ tập trong “hội nghị tại gia” Vakke đã rời khỏi nước Nga trong vòng hai tuần đầu tiên của cuộc chiến. Họ ra đi vì sợ hãi, và vì cảm thấy ngột ngạt bởi cuộc sống dưới một chế độ không cho phép bất đồng chính kiến. Đối với họ, quyết định ra đi xuất hiện một cách tự phát và đầy xúc động, nhưng nó cũng là một phần trong “chiến dịch đặc biệt” của Điện Kremlin. Bằng cách tung tin đồn về những đợt bắt giữ hoặc nhập ngũ sắp xảy ra, đồng thời cử côn đồ đến quấy rối các nhà hoạt động và nhà báo, chính phủ đã đuổi những người công khai phản đối chiến tranh ra khỏi đất nước.

 

Một số người đã được thuyên chuyển bởi các công ty nơi họ làm việc. Số khác thì tự nguyện rời đi. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy khoảng một phần tư những người lưu vong đã đến định cư ở Gruzia. Một số lượng người lưu vong tương tự đã đến Istanbul, và 15% đến Armenia. (Những nơi này không yêu cầu thị thực đối với công dân Nga.) Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 3, có gần một nửa số người lưu vong làm việc trong lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin; 16% là quản lý cấp cao; 16% làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa. Chỉ 1,5% người lưu vong đã từng ủng hộ Đảng Nước Nga Thống nhất của Putin.

 

Những người lưu vong ngày nay không phải là những người Nga đầu tiên bỏ ra nước ngoài khi phải đối mặt với những kẻ thống trị đàn áp. Một trăm năm trước, trong thời kỳ cách mạng Nga, nhiều quý tộc, binh lính Bạch Vệ chống cộng sản, và các thành viên của giới trí thức đã chạy trốn khỏi phe Bolshevik, những người đã đẩy nước Nga vào nội chiến sau khi họ lên nắm chính quyền. Giống như các hậu duệ một thế kỷ sau, họ đã đến Tiflis và Constantinople (ngày nay là Tbilisi và Istanbul).

 

Dù nước Nga ngày nay không xảy ra nội chiến, nhưng cuộc xâm lược Ukraine của nó đã khiến các gia đình bị rạn nứt. Quan điểm khác biệt đã khiến anh chia rẽ với em, con cái chia rẽ với cha mẹ. (Những quan hệ rạn nứt này là chủ đề của một bộ phim tài liệu của Andrei Loshak, một nhà làm phim người Nga, người cũng đã chuyển đến Gruzia). Gần đây, có một sự căng thẳng – dù khó có thể nhận ra, nhưng vẫn có thật – gia tăng giữa những người rời bỏ nước Nga và những người ở lại, bất kể thái độ của họ đối với cuộc chiến có tương đồng đến đâu. Đằng sau vẻ ngoài điềm tĩnh và giàu nghị lực, những người lưu vong mang trong mình nỗi đau của những mảnh đời tan nát, một đất nước vỡ vụn, và những ngôi nhà bị bỏ lại trong vội vã.

 

Ảnh hưởng của làn sóng di cư mới nhất đối với tương lai của nước Nga có thể sẽ lớn hơn nhiều so với những gì số liệu cho thấy. Andrei Zorin, một nhà sử học văn hóa tại Đại học Oxford, chỉ ra rằng việc mất đi giới tinh hoa ‘phương Tây hóa’ sau cách mạng Bolshevik năm 1917 đã được cải thiện một phần nhờ sự trỗi dậy của những đứa trẻ thông minh, xuất thân từ tầng lớp nông dân Nga, những đứa trẻ ham học và đã được chính quyền Cộng sản mới sẵn sàng giúp đỡ.

 

Cùng với nhóm này, còn có nhiều nhóm dân tộc thiểu số khác trong Liên bang Xô Viết – người Do Thái từ các thị trấn nhỏ, người Armenia, người Gruzia, và người từ các nước Baltic, nơi có trình độ biết chữ cao nhất. Giới trí thức mới được phục hồi – phụ thuộc vào, nhưng cũng thường chỉ trích Đảng Cộng sản – đóng vai trò nòng cốt đối với khả năng phát triển công nghệ, khoa học, và văn hóa của nhà nước. Trong thập niên 1980, họ đã hình thành cơ sở xã hội cho những cải cách tự do hóa của Mikhail Gorbachev.

 

Nhưng ngày nay mọi thứ đã khác. Từ chối hiện đại hóa để ủng hộ chủ nghĩa truyền thống, chủ nghĩa dân tộc đế quốc và chiến tranh, nhà nước Nga gọi những người Nga ‘châu Âu hóa’ là người thừa, xa lạ và nguy hiểm. Chế độ đạo tặc ngày nay đã bóp nghẹt tính di động của xã hội và thực sự ít có khả năng tiến bộ. Sự ra đi của tầng lớp trí thức ngày nay có thể chấm dứt xu hướng hiện đại hóa đã bắt đầu từ thế kỷ 18, Zorin nhận định.

 

Nhiều năm sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, giới tinh hoa hiện đại hóa và nhà nước Nga đã cố gắng chung sống dù không thực sự hòa hợp. Từ những năm 1990 đến đầu những năm 2000, con cái của giới trí thức Liên Xô phủ nhận niềm tin của cha mẹ mình, chế nhạo bất cứ thứ gì gắn mác Liên Xô, và tung hô chủ nghĩa tư bản theo cách họ hiểu. Họ không đụng chạm đến nền tảng của nhà nước, nhưng họ đã làm cho nước Nga trở nên đáng sống và hấp dẫn hơn. Họ bắt đầu biến Moscow thành một thủ đô châu Âu thoải mái hơn, với các làn đường dành cho xe đạp và các phòng trưng bày nghệ thuật thời thượng, cùng một dịch vụ giao đồ ăn có tên Yandex.Lavka – một công ty con của Yandex, gã khổng lồ công nghệ Nga.

 

Ilya Oskolkov-Tsentsiper là một quản lý truyền thông ở độ tuổi 50, người đứng sau nhiều dự án đô thị thành công nhất của Nga, bao gồm Afisha, một trong những tạp chí giải trí đầu tiên của Moscow. Ngồi trong một quán cà phê ở Tel Aviv, ngôi nhà mới của mình, ông nói rằng bước chuyển đổi đó bắt đầu như một nỗ lực về mặt thẩm mỹ. “Chúng tôi đã tưởng tượng và mô tả Moscow không phải là một thành phố buồn bã và bị tội phạm hóa, với nhiều vấn đề xã hội và sự bất bình đẳng, mà là một thủ đô phóng túng của châu Âu. Dự án thành công đến mức chúng tôi bắt đầu tin rằng [sự chuyển đổi đó] là có thật,” ông nói.

 

Trong vòng 10 năm qua, làn sóng thay đổi ngày càng trở nên thực chất. Những người Nga trẻ hơn, nhiệt huyết hơn đã tạo ra các tổ chức văn hóa và khởi động các dự án tình nguyện độc lập với nhà nước. Họ giúp đỡ trẻ em tự kỷ, xây nhà cho người vô gia cư, thu âm các podcast về văn học Nga, và thỉnh thoảng xuất hiện trong các cuộc biểu tình. Một khảo sát về cộng đồng lưu vong được thực hiện vào tháng 3 cho thấy 90% quan tâm đến chính trị và 70% đã quyên góp tiền cho các tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông thân thiện với phe đối lập.

 

“Chúng tôi tin rằng thói quen và cách hành xử trong xã hội của chúng tôi sẽ làm cho đất nước trở nên nhân đạo hơn, và những cố gắng nhỏ bé của chúng tôi sẽ có tác dụng,” Sofia Khananishvili, một sinh viên 23 tuổi vừa tốt nghiệp, từng dạy văn tại một trường học ở Moscow, nói. Những ngày này, cô làm việc trong một hiệu sách ở Tbilisi có tên là Dissident Books (Hiệu sách Bất đồng Chính kiến) do cô và những người bạn cùng mở. Trong số sách được bày bán có cuốn “Youth in the City: Cultures, Stages and Solidarities” (Thanh niên trong thành phố: Văn hóa, Các giai đoạn, và Sự đoàn kết)

 

Khananishvili và những người cùng thời với mình không bao giờ tham gia vào bộ máy nhà nước, nhưng họ đã cố gắng để cùng tồn tại với nó. “Chúng tôi không đụng đến họ và họ cũng không đụng đến chúng tôi,” một trong những người bạn của cô, một chuyên gia công nghệ thông tin cho biết. Họ sống trong khuôn khổ của đế chế, hưởng lợi từ nền kinh tế do dầu mỏ của Nga, nhưng đã cố gắng xây dựng một cuộc sống cá nhân tách biệt khỏi một nhà nước đang ngày càng trở nên quân phiệt và đàn áp.

 

Hiếm ai có thể minh họa câu chuyện về mối quan hệ giữa tầng lớp hiện đại hóa và nhà nước Nga tốt hơn Ilya Krasilshchik, một quản lý truyền thông, và bạn gái của anh, Sonia Arshinova. Ở tuổi 35, Krasilshchik đã từng là tổng biên tập trẻ nhất của tạp chí Afisha; và là người xuất bản Meduza, một trang tin trực tuyến độc lập có trụ sở tại Latvia; và gần đây nhất, là giám đốc tại Yandex.Lavka, dịch vụ giao đồ ăn. Anh đã bắt đầu nhận được cảnh báo về cuộc chiến từ nội bộ Yandex vào tháng 11. Một ngày sau khi chiến tranh nổ ra, anh gặp Arshinova trong một quán cà phê ở Moscow. “Mọi người đều nói về việc sơ tán, vội vã tìm kiếm các chuyến bay,” cô nhớ lại.

 

Arshinova, 26 tuổi, từng là giám đốc chương trình tại Strelka, viện thiết kế và kiến trúc hàng đầu của Moscow. (Quán bar trên sân thượng của nó từng là nơi tụ tập của nhiều người đẹp và các nhân vật có quan hệ rộng.) Khi cuộc chiến nhắm vào Ukraine nổ ra, cô đang chuẩn bị đưa các chuyên gia nước ngoài đến thuyết trình cho khán giả Nga về thiết kế đô thị. Các chuyên gia này đã không bao giờ đến Nga. Ngày hôm đó, cô hồi tưởng, “Bong bóng tan vỡ, và nước mắt đã rơi. Chúng tôi đang ở đằng sau chiến tuyến của kẻ thù, và kẻ thù chính là thành phố của chúng tôi, là đất nước của chúng tôi. Chúng tôi đã bị khuất phục.”

 

Vài tuần sau khi họ chuyển đến Tbilisi, chính quyền Nga đã mở một vụ án hình sự chống lại Krasilshchik. Một bài đăng trên Instagram về những hành động tàn bạo của Nga ở Bucha, một thành phố ở miền bắc Ukraine, là đủ khiến anh phải nhận cáo buộc “làm mất uy tín của các lực lượng vũ trang Nga.” Giờ thì, mỗi ngày, Krasilshchik đi vòng quanh Tbilisi trên chiếc scooter màu đỏ của mình, ghi âm podcast và điều hành một công ty khởi nghiệp mới, vừa hoạt động truyền thông vừa hỗ trợ di dân, có tên “Helpdesk Media.” Nó được phát triển từ tài khoản Instagram của anh, với 150.000 người theo dõi, và sở hữu giao diện thân thiện với người dùng của một dịch vụ Yandex.

 

Tuy nhiên, thay vì thức ăn nhanh, nó cung cấp lời khuyên cho những người cần trợ giúp về hậu cần, tâm lý, hoặc pháp lý. Nó cũng kể câu chuyện của những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh: người chết, người bị thương, người tị nạn, và người sống lưu vong. Krasilshchik giải thích: “Trọng tâm của chúng tôi là những đàn ông và phụ nữ đang sống trong thời chiến, những người đã bị cướp mất cuộc sống, bất kể họ là ai.”

 

Hầu hết những người đang sống lưu vong đều nhận ra rằng họ vừa may mắn, vừa có đặc ân khi được ra đi. Nhiều người coi tình cảnh hiện tại chỉ là tạm thời và đã tự trang trải cuộc sống bằng cách cho thuê căn hộ của họ ở Nga. (Tính đến tháng 5, dòng tiền từ Nga sang Gruzia đã tăng gấp 10 lần.)

 

Một vài trong số những người rời đi trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến, và những người không phải đối mặt với nguy cơ bị bắt ngay lập tức, thậm chí đã trở lại Nga trong thời gian ngắn, để gặp cha mẹ của họ hoặc lo việc cá nhân. “Đó là thứ cảm giác kỳ lạ nhất. Bạn quay lại và mọi thứ vẫn hệt như trước – cùng một nha sĩ, cùng một cửa hiệu, cùng một nhà hàng – nhưng đồng thời, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi,” Lika Kremer, một nhà sản xuất podcast người Nga, cho biết. Vẻ ngoài hào nhoáng của một thành phố châu Âu vẫn còn đó. Nhưng bên trong đã rỗng tuếch.

 

Kremer nói rằng chính sự im lặng và việc không có bất kỳ dấu hiệu công khai nào của chiến tranh chính là điều không thể chịu đựng được. Khác với người tị nạn Ukraine, những người chọn trở về nhà ngay khi họ cho là mọi chuyện đã an toàn, nhiều người Nga lưu vong cảm thấy mình chẳng còn nhà để quay về, và phải vật lộn để xác định “nước Nga” thực sự có nghĩa là gì. Nhà sử học Ilya Venyavkin cho biết, “Chúng tôi có bản sắc, có liên hệ xã hội, nhưng không có quốc gia.”

 

Năm tới ở Moscow

 

Chiến tranh, và sự chia cắt vật lý khỏi nước Nga đã truyền cảm hứng cho ý tưởng về một dân tộc Nga khác, một dân tộc không phụ thuộc vào bản sắc đế quốc, thậm chí không phụ thuộc vào vị trí địa lý. Andrei Babitsky, một nhà báo dành 10 giờ mỗi tuần để học đọc và viết bằng tiếng Gruzia, lập luận rằng bước đầu tiên đối với những người theo đuổi ý tưởng đó là loại bỏ sự kiêu ngạo của đế quốc. “Tôi chia sẻ sự kiêu ngạo này. Đến tận hôm nay … tôi vẫn không thể ngừng nghĩ về ngôn ngữ Nga và văn hóa Nga. Văn hóa của tôi. Tôi sẵn lòng cho đi toàn bộ văn hóa ấy vì một nền hòa bình thực sự, nhưng tôi vẫn không thể không nghĩ về việc ngôn ngữ của tôi sẽ tồn tại như thế nào, sau khi rất nhiều người đã bị giết chết nhân danh nó,” ông viết trong một bài bình luận gần đây.

 

Một số người lưu vong nói về việc tạo ra một nhà nước ảo, nơi các cấu trúc xã hội có thể được xây dựng độc lập với bất kỳ hình thức chính phủ hay vị trí địa lý nào. “Nước Nga không phải là về kinh độ và vĩ độ. Cộng đồng người Nga hải ngoại rất thông minh, năng động, và giàu cảm xúc, vì vậy họ chắc chắn sẽ tồn tại,” Fillip Dziadko, một nhà văn và nhà xuất bản, chia sẻ. “Và chúng tôi đã học cách sống mà không có nhà nước.”

 

Họ hy vọng rằng Internet, cùng với năng lượng của chính họ, sẽ cho phép họ duy trì sự hiện diện của mình trong cùng một không gian thông tin giống với những người đã chọn ở lại nước Nga. Chí ít thì trong hiện tại, vẫn còn lỗ hổng trong chế độ kiểm duyệt trực tuyến của Nga. YouTube vẫn hoạt động. Phần mềm VPN, loại phần mềm có thể che giấu các trang web mà người dùng đang xem, cho phép những người am hiểu công nghệ tiếp cận với thế giới bên ngoài. Các tổ chức truyền thông độc lập như Meduza và TV Rain đã dời đến Riga, thủ đô của Latvia, và chuyển sang hoạt động trực tuyến.

 

Shimon Levin, một giáo sĩ Do Thái gốc Israel, sinh ra và lớn lên ở Nga, trưởng thành cùng với văn học Nga và đã dành nhiều năm phục vụ cộng đồng Do Thái, nhận thấy sự tương đồng giữa cách nghĩ này và trải nghiệm của dân tộc Do Thái, những người đã cố gắng giữ cho một nền văn hóa riêng biệt tồn tại hàng nghìn năm. Lý do người Do Thái thành công trong việc giữ gìn bản sắc của họ, ông giải thích, nằm ở việc họ đặt tự do trí tuệ và sách vở, chứ không phải đất đai, làm trung tâm của ý thức dân tộc.

 

“Địa lý là một chỉ dấu quan trọng của bản sắc dân tộc, nhưng bản sắc có tính động, và chỉ có thể phát triển mạnh mẽ nếu nó được làm phong phú hơn bằng những ý nghĩa mới,” ông nói tiếp. “Nếu tầng lớp tinh hoa trí thức Nga có thể tìm ra cách phát triển bản sắc phi đế quốc của mình và tập trung xây dựng cách sống trong một thực tế mới, đồng thời xác định “nước Nga tuyệt vời của tương lai” [một thuật ngữ do nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny đặt ra] sẽ trông như thế nào, điều đó chí ít sẽ bù đắp phần nào cho việc mất đi quê hương của họ.”

 

Làn sóng di cư hiện nay có một khẩu hiệu là Poka Putin Zhiv (Chừng nào Putin còn sống.) Không ai biết làn sóng này sẽ kéo dài bao lâu, dù thời gian chắc chắn đứng về phía những người lưu vong. Bởi hầu hết trong số họ đều đang ở độ tuổi 20 và 30, còn Putin sẽ bước sang tuổi 70 vào cuối năm nay. Nhưng bất chấp sự lạc quan của những người này, việc họ quay trở lại Nga là điều không chắc chắn. Và liệu nước Nga sẽ trở nên như thế nào khi chiến tranh kết thúc là điều thậm chí còn ít chắc chắn hơn. “Cuộc di cư đang diễn ra của tầng lớp trí thức được phương Tây hóa có thể là làn sóng di cư cuối cùng của Nga,” Zorin rầu rĩ nói, “vì chẳng còn cách nào để tái tạo tầng lớp tinh hoa đó.” Dziadko, một cựu sinh viên, thì lại không muốn nghĩ quá nhiều về tương lai. “Chúng tôi không biết mình sẽ hạ cánh ở đâu,” cậu nói. “Bởi vì chúng tôi vẫn còn đang bay.”

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats