Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt
Nam - VCCI
Thứ hai,
8/8/2022, 00:00 (GMT+7)
https://vnexpress.net/chinh-sach-vo-cam-4496843.html
Hàng ngày
tôi đi làm qua con đường Láng Hạ, Hà Nội và không bao giờ ngừng đặt câu hỏi tại
sao lại có sự hỗn loạn và bất cập như vậy.
Con đường
này nằm trên trục giao thông đã triển khai tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên ở Hà Nội.
Một nửa làn đường phía ngoài dành riêng cho xe buýt nhanh, nửa đường còn lại là
xe buýt thường, ôtô, xe máy... chen chúc nhau. Tần suất một chuyến buýt nhanh
thì rất... chậm, hơn 10 phút mới có một chuyến.
Người ta
không thể chen chúc trên nửa con đường, nhường nửa còn lại cho loại phương tiện
phải hơn 10 phút mới có một chuyến. Điều bức xúc nhất là từ khi đưa tuyến buýt
nhanh vào hoạt động, tất cả phương tiện công cộng khác như taxi và xe hợp đồng
đều bị cấm vào tuyến đường này, trong giờ cao điểm buổi sáng và chiều, tổng cộng
khoảng 6 giờ mỗi ngày.
Nên về tổng
thể, trên tuyến đường này, cả biển xe máy, xe ôtô, xe buýt trộn hỗn độn vào
nhau; ôtô ở giữa, xe máy bao quanh. Trong giờ cao điểm, buýt nhanh đương nhiên
không thể đi nhanh. Mục tiêu của chính sách vì vậy đã không thể đạt được.
Tuyến đường
này có mấy cây cầu vượt, thuộc nhóm cầu vượt đầu tiên ở Hà Nội. Từ khi có buýt
nhanh, người ta cắm biển cấm xe máy lên cầu vượt vào giờ cao điểm. Nhưng từ khi
cắm biển đến nay có lẽ chưa giờ phút nào quy định này được tuân thủ.
Pháp luật
có, được đề ra nhưng không được tuân thủ và chuyện đó đã trở nên bình thường.
Không chỉ người dân ngó lơ quy định mà cơ quan nhà nước cũng không tính đến hiệu
ứng phụ của sự nhờn luật.
Giáo sư Mã
Khải (Đài Loan, Trung Quốc) từng nói tại một hội nghị năm 2014, rằng muốn biết
mức độ tuân thủ pháp luật của một quốc gia, hãy nhìn ra đường phố. Trật tự,
ngăn nắp hay hỗn loạn trong cách người dân tham gia giao thông hàng ngày sẽ nói
lên nhiều điều.
Tôi cho rằng
sự tuân thủ kém các quy định giao thông có nguyên nhân từ chính quyền, không phải
từ người dân. Đó là cách tổ chức giao thông có vấn đề.
Toàn bộ sự
phân luồng bất cập trên là để cho tuyến buýt nhanh này hoạt động thuận lợi? Hay
chỉ là một sự trình diễn để đảm bảo cho dự án buýt nhanh gượng ép này thành
công? Rõ ràng đây là một mâu thuẫn lớn trong chính sách.
Các phương
tiện giao thông công cộng khác bị cấm trên tuyến đường thí điểm buýt nhanh BRT.
Trong khi với loại hình giao thông công cộng, cần nhất là sự kết nối.
Người dân
không dùng xe cá nhân, họ sử dụng buýt nhanh đến hết tuyến này, muốn đi tiếp
thì sẽ đi bằng gì, chẳng lẽ phải mang sẵn xe cá nhân đến gửi sẵn ở đây để đi tiếp?
Bất tiện như vậy thì họ có động lực gì để dùng buýt nhanh? Tại sao cho phép xe
cá nhân thoải mái nhưng lại cấm các phương tiện công cộng như taxi hay xe hợp đồng
trong khi hiệu suất sử dụng xe công cộng bao giờ cũng cao hơn xe cá nhân và cả
thế giới đang làm ngược lại, luôn ưu tiên xe công cộng hơn?
Những người
đặt ra chính sách này liệu có suy nghĩ về ảnh hưởng của chính sách tới người
dân trên tuyến đường hay không?
Những người
yếu thế trong xã hội như người dân bị bệnh, người già, người khuyết tật, trẻ
con đi học, người không tự đi xe ôtô hay không có xe ôtô... nếu việc cần kíp
thì sẽ đi bằng gì trong thời gian 6 tiếng hàng ngày? Không phải lúc nào đi khám
bệnh, đi viện gấp cũng có thể gọi được xe cứu thương.
Nếu cấm xe
cá nhân, cho phép xe công cộng thì người có xe cá nhân vẫn có thể đi xe buýt;
nhưng ngược lại, cấm xe công cộng như xe taxi và xe hợp đồng thì người không có
xe cá nhân sẽ gặp bất tiện? Thử đặt mình vào tình cảnh: nhà ở trên tuyến phố
này, bạn loay hoay với ba cái vali lớn khi phải ra sân bay; hoặc ai đó đau bệnh,
phải đi cấp cứu... mà không thể gọi được taxi hay xe hợp đồng, mới thấy chính
sách này vô cảm đến cỡ nào.
Không có
bóng dáng người dân trong khi hoạch định chính sách này.
Vì sự bất
tiện trong đi lại nên một người bạn tôi đã chọn giải pháp mua xe ôtô mới dù cả
nhà anh trước đây hầu như di chuyển bằng phương tiện công cộng và không có nhu
cầu mua xe riêng. Với một đại đô thị trước nguy cơ tắc nghẽn giao thông trầm trọng,
quá tải phương tiện cá nhân, chính sách đưa ra phải làm người dân tăng động lực
sử dụng phương tiện công cộng, giảm quyết định mua sắm phương tiện cá nhân.
Chính sách này gây tác động ngược lại.
Một con đường
cho chúng ta thấy nhiều câu chuyện về chính sách. Một chính sách ban hành phải
tính đến khả năng thực thi của người dân, không để tình trạng "nhờn luật"
xảy xa; phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu và phải tính đến hiệu ứng
phụ của chính sách.
Đậu Anh
Tuấn
No comments:
Post a Comment