Sunday, 14 August 2022

CẢI CÁCH THỂ CHẾ : GIẢI MÃ SỰ KẾT HỢP "BÍ ẨN" CỦA CÁC YẾU TỐ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NHANH (TS Phạm Quý Thọ)

 



Cải cách thể chế : giải mã sự kết hợp “bí ẩn” của các yếu tố tăng trưởng kinh tế nhanh  

Bài phân tích của TS. Phạm Quý Thọ
2022.08.09

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/institutional-reform-decipher-fast-economic-growth-08092022110012.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/institutional-reform-decipher-fast-economic-growth-08092022110012.html/@@images/c9b50ecd-4180-4082-b497-7406f033fb7f.jpeg

Công nhân dựng biển có hình cờ Việt Nam và cờ Đảng Cộng sản VN trên đường phố Hà Nội hôm 4/1/2016.  Reuters

 

 

Vì sao các nhà cải cách đã chậm chạp giải mã sự kết hợp ‘bí ẩn’ của các yếu tố tăng trưởng kinh tế?

 

Tăng trưởng GDP ngắn hạn thường bộc lộ rõ những nghịch lý từ đó gợi ý lựa chọn giải pháp đối phó, nhưng tăng trưởng cao dài hạn và ổn định đòi hỏi áp dụng những thể chế đúng. Khái quát về quá trình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam từ năm 1986 khi ‘Đổi mới’ được khởi xướng tại Đại hội 6 của Đảng Cộng sản (CS) GDP là khá cao với mức trung bình xoay quanh 7%, đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp trong bối cảnh toàn cầu hoá.

 

Tuy nhiên, xu hướng này không ổn định, có biên độ giao động tương đối rõ rệt tuỳ thuộc vào việc bỏ lỡ cơ hội cải cách chuyển đổi thị trường. Bỏ qua sự ‘bất thường’ do chiến tranh hay đại dịch, thì chỉ tiêu GDP 5,2% năm 2012 là cận dưới, do chính sách tăng trưởng nóng vội. Hậu quả là thập kỷ mất mát với “bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế” kéo dài từ đó đến nay chưa kết thúc bởi việc chống tham nhũng ‘chưa’ mang lại hiệu quả, bộ máy cầm quyền thiếu minh bạch và cải cách thị trường khó khăn. Việc tìm kiếm “mô hình tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững” đang ‘dậm chân tại chỗ’. Các nhà cải cách đã chậm chạp giải mã sự kết hợp ‘bí ẩn’ của các yếu tố tăng trưởng kinh tế.

 

Yếu tố thể chế

 

Theo nguyên lý, thể chế có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng ổn định dài hạn. Bỏ qua những nhược điểm của thước đo GDP, phản ánh thiên về số lượng hơn là chất lượng kinh tế, nó vẫn là thước đo cần thiết quan trọng. GDP được xác định dựa vào các yếu tố vốn nhân lực, vốn vật chất, kiến thức công nghệ và yếu tố kết hợp chúng lại với nhau là tổ chức. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra khuyến khích (incentives), ưu đãi mới tạo ra khác biệt thực sự về tăng trưởng kinh tế, cơ chế thị trường tạo ra động lực kích thích làm việc, ngược lại cơ chế kinh tế tập trung triệt tiêu nó. Các nhà hoạch định chính sách thấu hiểu yếu tố khuyến khích là quan trọng và phụ thuộc vào thể chế, bởi vậy cải cách chuyển đổi kinh tế tập trung sang thị trường là trọng tâm.

 

Các nhà kinh tế đã chỉ ra các thể chế chủ yếu là quyền tài sản minh bạch, chính phủ trung thực, ổn định chính trị, hệ thống pháp luật đáng tin cậy, và thị trường cạnh tranh. Và, câu hỏi đặt ra là, vì sao các thể chế khác nhau ràng buộc tăng trưởng kinh tế không giống nhau? Xung quanh vấn đề này tranh luận diễn ra sôi nổi nhất trong quá trình cải cách thể chế, bởi câu trả lời không hề đơn giản khi  các yếu tố lịch sử, tư tưởng, văn hóa, địa lý… kết hợp với nhau ‘bí ẩn’ và, có thể chỉ là chút ‘may mắn’ do thời cuộc.

 

Khái quát khung khổ thể chế như trên làm cơ sở cho sự phân tích dưới đây tập trung vào sự khác biệt các loại thể chế và chế độ chính trị quyết định tăng trưởng tương đối bền vững.

 

Khác biệt thể chế dân chủ

 

Trước hết, mô hình Phương Tây từng trải hàng trăm năm chủ nghĩa tư bản với động lực thị trường và thể chế dân chủ để trở thành các nước phát triển như ngày nay. Hoa Kỳ là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới và, từng có quá trình tăng trưởng GDP ổn định trong hơn một thế kỷ, được duy trì nhờ có thể chế bền vững. Sự thành công nhờ các yếu tố tăng trưởng nhờ thị trường được đảm bảo bởi Nền Dân Trị Mỹ được viết bởi Alexis De Tocqueville từ năm 1835 và luôn cải tiến.

 

Ngoài ra, sự ổn định chế độ dân chủ Hoa Kỳ còn được ‘tự nhận định’  do có ‘chút may mắn’. Đó là Hiến pháp Hoa Kỳ được viết vào thời điểm khi ý tưởng của John Locke và Adam Smith được phổ biến. Và, nó kế thừa một xu hướng tới nền kinh tế thị trường và thể chế dân chủ từ Vương quốc Anh, có môi trường xã hội rộng mở và tự do để thử những ý tưởng mới và những cách sống mới, đặc biệt văn hóa doanh nhân Mỹ chịu ảnh hưởng sâu sắc ý tưởng này cho đến tận ngày nay, bỏ lại phía sau những lề lối cũ, bảo thủ. Ngoài ra, người dân Mỹ cũng ‘may mắn’ có vị Tổng thống đầu tiên, George Washington đức hạnh, chỉ cầm quyền giới hạn trong hai nhiệm kỳ thay vì cố gắng trở thành một vị vua…

 

Các nước noi theo

 

Tuy nhiên, sự kết hợp ‘bí ẩn’ của các yếu tố thể chế đòi hỏi tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia khác, đặc biệt các nước Đông Á và Đông Nam Á, noi theo mô hình dân chủ phương Tây và, từng có giai đoạn tăng trưởng nhanh, mà Việt Nam có mối quan hệ kinh tế tích cực  và sâu rộng hiện nay.

 

Nhật Bản từng ‘bứt phá’ với “kỷ nguyên tăng trưởng cao” trung bình đạt 10% trong khoảng giữa thập niên 50 và 70, vươn lên cường quốc kinh tế thứ hai thế giới sau Mỹ, nhưng từ những năm 1990 là thời kỳ trầm lắng kéo dài đòi hỏi cải cách sâu rộng, trong đó chính phủ luôn bất ổn. Hàn Quốc được ca ngợi về “kỳ tích sông Hàn” với thời kỳ công nghiệp hóa thần tốc bởi huy động nguồn lực bởi chính phủ độc tài, nhưng đã chuyển đổi dân chủ thành công để bứt phá trở thành quốc gia có thu nhập cao. Vương quốc Thái Lan đã từng tăng trưởng nhanh nhưng không thể thoát khỏi chế độ quân chủ nên tăng trưởng trì trệ. Singapore trở thành “rồng châu Á” nhờ tận dụng ưu thế vị trí địa chính trị và Chính phủ độc đoán ‘ôn hoà’. Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu từng cho rằng Việt Nam có thể tăng trưởng đúng với tiềm năng nếu không bị níu kéo bởi ý thức hệ XHCN giáo điều...

 

Khác biệt chế độ chính trị

 

Chế độ chính trị bao trùm và quyết định các thể chế. Để so sánh ưu thế chế độ chính trị các trường hợp điển hình được viện dẫn là Đông Đức và Tây Đức trước đây và Hàn Quốc và Triều tiên ngày nay. Đông Đức tự sụp đổ và, ở Triều tiên việc chuyển đổi dường như không thể.

 

Trung Quốc là nước có ảnh hưởng nhất đến cải cách ở Việt Nam. Mô hình tăng trưởng Trung Quốc, từng được coi là phép màu, lý tưởng cho Việt Nam noi theo bởi sự tương đồng về chế độ chính trị. Chế độ Đảng CS lãnh đạo chuyển đổi kinh tế thị trường bằng “cải cách và mở cửa” đã giúp tăng trưởng cao kéo dài. Một số nguyên nhân cơ bản gồm: chính sách thực dụng không bị ‘che phủ’ bởi ý thức hệ giáo điều; vai trò “hạt nhân” Đặng Tiểu Bình thoát khỏi ‘bóng’ của Mao Trạch Đông; tận dụng ‘lòng tham’ của tư bản nước ngoài trong bối cảnh toàn cầu hoá; và các khu hành chính – kinh tế mang tính ‘đột phá’; Đánh đổi dân chủ lấy tăng trưởng…

 

Tuy nhiên, ‘sản phẩm’ của mô hình tăng trưởng này là một nhà nước tư bản thân hữu ngày càng bành trướng đang tạo ra những bất ổn kinh tế - xã hội nghiêm trọng. Chế độ đang bộc lộ bản chất chuyên chế, phản dân chủ để đối phó với tình hình. Chính sách thực dụng và thời kỳ tăng trưởng nhanh đang kết thúc trong bối cảnh cạnh tranh ý thức hệ ngày càng gay gắt khi phương Tây coi Trung Quốc là đối thủ nguy hiểm, lâu dài.

 

Hàm ý cải cách

 

Phần trình bày trên đây hàm ý cải cách cho Việt Nam theo những chủ đề chủ yếu sau: Một là, xu hướng tăng trưởng nhanh kéo dài đang kết thúc cùng với sự thoái trào toàn cầu hoá; Hai là, bài học cải cách trụ cột cho mô hình tăng trưởng đều nhằm vào ba mục đích: tích cực kết nối kinh tế với thế giới trong bối cảnh toàn cầu hoá, chính sách kinh tế thị trường ‘đột phá’ và chuyển đổi dân chủ; Ba là, sự khác biệt chế độ chính trị chi phối cải cách thể chế ở Việt Nam, phản ánh trong trạng thái ‘đi dây’ giữa hai cường quốc Trung - Mỹ và, có ngày càng ít cơ hội lựa chọn. Cố chủ tịch Đặng từng nói ‘thấu hiểu’ Việt Nam và, Trung Quốc ‘yên tâm’ bởi sự tương đồng về chế độ chính trị. Mỹ ‘xoay trục’ châu Á nhưng chưa tạo đủ độ ‘hấp dẫn’ cho chính sách thực dụng của Việt Nam.

 

----------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 

-------------------

Tin, bài liên quan

 

BLOG

Kinh tế Việt Nam: Nghịch lý đằng sau GDP tăng trưởng cao

COVID-19: Cú sốc kinh tế và cảnh báo về tâm lý nóng vội tăng trưởng

“Bất ổn” thể chế, gieo rắc nỗi sợ hãi, và niềm tin của xã hội vào chế độ

Đại hội 13: Chế độ đang phải tự thay đổi để ứng phó với tình hình!

Đại hội 13: Cần bỏ “tính pháp lệnh” của chỉ tiêu tăng GDP trong các văn kiện của Đảng!





No comments:

Post a Comment

View My Stats