Wednesday, 27 July 2022

VẾT THƯƠNG BUỒN ĐAU CỦA CANADA (Nhã Duyên / Saigon Nhỏ)

 



Vết thương buồn đau của Canada

Nhã Duyên

26 tháng 7, 2022

https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su/vet-thuong-buon-dau-cua-canada/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/E2g94NUVUAElUp0-1024x682.jpg

Một phụ nữ da đỏ ngồi bên bậc thang để những đôi giày tưởng niệm 215 trẻ em da đỏ. Ảnh: Twitter Ben Nelms

 

Đức Giáo Hoàng Francis đã thân hành đến Canada để nói lên lời xin lỗi người thổ dân da đỏ vì những sai lầm của lịch sử. Người dân trên toàn Canada cũng xốn xang, chua xót khi nhắc nhở đến nỗi buồn này, đó là một vết thương lòng sâu đậm mà hơn một thế kỷ qua chưa nguôi ngoai… 

 

Với thân phận của một người “tỵ nạn” đến xứ Lá Phong vào một buổi chiều mùa Đông lạnh lẽo, tôi đã xin nhận nơi này làm quê hương. Và đây cũng là nơi chôn nhau, cắt rún của hai đứa con tôi. Cả gia đình chúng tôi được sống tự do, hạnh phúc trên một xứ sở mà người Việt hay ví von gọi “xứ lạnh, tình nồng”. Canada quả là một xứ đầy tuyết lạnh, một xứ đa văn hóa, có những người dân hiền hòa và hiếu khách.

 

Thấm thoát thời gian trôi, tôi sống ở quê “nhờ” lâu hơn ở quê mẹ, nhưng vẫn bâng khuâng buồn vì tôi luôn ở một “ranh giới nhòe nhoẹt” giữa hai quê. Tôi luôn tự giới thiệu mình là “dân Canada gốc Việt” và thường tự hỏi “phải chăng trong cái ‘ngôn từ’ này đã hàm chứa một sự phân biệt chủng tộc?”. Tôi là công dân Canada, nhưng không phải người “da trắng” mà là da vàng, tóc đen; không thể giấu giếm gốc gác, cội nguồn đến từ Việt Nam – châu Á. Tôi thường ngậm ngùi pha tí dí dỏm khoe khoang rằng “tui có tới hai quê, một quê để nhớ, để thương  và một quê để nương náu…!”

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1242111635.jpg

Thay mặt Giáo hội Công Giáo, hôm 25 Tháng Bảy 2022, Đức Giáo Hoàng Francis đã đọc lời xin lỗi các tộc người bản địa Canada vì vai trò của Giáo hội trong những hành vi lạm dụng, cưỡng bức và tiêu diệt văn hóa bản địa của họ suốt một thế kỷ qua. Ảnh Cole Burston/Getty Images.

 

Rồi… cái “xứ lạnh, tình nồng” cũng như toàn thế giới, đau đớn rơi vào trận Đại dịch Covid -19, từ đó phát sinh ra những biến cố đau thương với chết chóc và nhiễu nhương…! Mọi người đều lo sợ, tìm mọi cách lánh xa và tiêu diệt con  Corona nguy hiểm. Nhưng không riêng con Corona độc địa, cuộc sống của tôi lại bị đe dọa bởi một loại “virus” mới mang tên “Ghét”.  Một loại virus gây cơn bịnh “trầm kha” bao năm qua đã bùng lên mạnh mẽ theo kèm với trận đại dịch Covid-19.  

 

Vancouver, nơi tôi đang sống, là một thành phố xinh đẹp, sầm uất, và giàu có; đã từng được bầu là một trong mười thành phố đáng sống nhất trên thế giới. Nhưng… Vancouver lại có những cái không giống với những thành phố khác. Tôi thấy, dường như nó đang sống và tự đấu tranh không ngừng với những đảng phái chính trị, đa tôn giáo, đa dân tộc và do đó có những cuộc “chiến tranh đa dạng”.

 

Vào những thập niên trước 1970s – 1990s,  những người tỵ nạn thường là vì chính trị , sau này bị gọi là “Người đi tìm đất sống” vì vấn đề kinh tế. Nhưng mới đây, làn sóng di dân gốc Á ào ạt qua Vancouver như nước tràn bờ, và họ đã làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống kinh tế lẫn chính trị ở đây. Không phải là những người tỵ nạn nghèo khổ nữa, mà túi họ đầy tiền, tự lực, tự cường, không cần phải nhẫn nhục, chịu đựng vì họ là những “người đi tìm đất chiếm”. Họ tranh giành mua vội nhiều bất động sản ngay sau khi họ vừa được công nhận là người thường trú, nhưng rồi họ lại trở về quê quán cũ để sống và làm ăn, bỏ nhà không, vườn trống ở Canada. Họ không nói tiếng Anh, không muốn “đồng hóa” hay hội nhập vào cộng đồng xã hội Canada. Thế là họ bị “ghét”…!

 

Nói về sự ganh ghét thì ít có bút mực nào tả xiết! Yêu không bắt nguồn từ đôi mắt mà là từ trái tim, nhưng “ghét” thì khởi nguồn bằng đôi mắt rồi làm tim “tức tối”.  Trên đường phố, mắt nhìn thấy một anh Tây trắng lái chiếc Ferrari hay Bentley đắt tiền thì mọi người suýt xoa, khen ngợi. Nhưng nếu “bác tài” là một anh tóc đen, da vàng, lại có cô tình nhân trẻ đẹp, tóc hoe hoe ngồi kề bên,… là đủ làm cho thiên hạ “ngứa mắt”! Vì vậy, sự ngứa mắt đã dẫn tới một kiểu bài ngoại mới với chiêu bài “Họa Da Vàng” hay “Quỷ Da Vàng”. Thảm thương thay! Thêm vào đó hiểm họa của Corona lại sinh sôi từ Vũ Hán – Trung Quốc, thì hình ảnh “Quỷ Da Vàng” lại được sơn phết lên và đáng sợ hơn bao giờ hết…! 

 

 Đại dịch Covid-19 còn đang trong cơn “dầu sôi, lửa bỏng,” thì Vancouver trở thành một thành phố có tỷ lệ “Bịnh Ghét” khá cao ở Bắc Mỹ với những vụ tấn công người châu Á. Những người yếu đuối, tội nghiệp này phần lớn là những người già; họ bị đánh, đá, đấm, quăng rác, tạt cà phê, nhổ nước miếng, ho vào mặt, và bị chửi rủa, xua đuổi về lại quê quán cũ! 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1242111661.jpg

Đức Giáo Hoàng Francis đội chiếc mũ lông chim đại bàng truyền thống mà đại diện của các tộc người bản xứ tặng cho ngài ở Canada hôm thứ Hai 25 tháng Bảy 2022. Ảnh Cole Burston/Getty Images.

 

Thật ra, nạn phân biệt chủng tộc có từ ngàn xưa. Nếu đi ngược dòng lịch sử, Canada cũng cho người Trung Quốc (châu Á) di dân qua để xây đường rầy xe lửa xuyên bang, và chính phủ đã đánh “Thuế Thân” (1885 – 1923 ) để ngăn chận bớt làn sóng lao động châu Á. Những trang lịch sử lúc nào cũng là nhân chứng hùng hồn nhất, nạn “Phân biệt chủng tộc” được tồn tại lâu đời và đã định số phận của nhiều người qua bao thế hệ. 

 

Ở British Columbia, tỉnh bang nơi tôi đang sống, người dân đã khám phá ra một “vụ án” ly kỳ: Có 215 ngôi mộ không bia của những đứa trẻ con học trường nội trú dành cho thổ dân da đỏ ở Kamloops. Những đứa trẻ da đỏ đáng thương này là nạn nhân của chính sách “Phân biệt và đồng hóa dân tộc” từ hơn một thế kỷ qua. Những đứa trẻ, nhỏ nhất là 3 tuổi, đã bị đưa vào những trường nội trú được chính phủ tài trợ, giao cho những nhà thờ Thiên Chúa Giáo quản lý. Theo thống kê của toàn Canada thì có khoảng 150,000 trẻ em da đỏ, đã bị cưỡng bức đưa vào những trường nội trú từ năm 1830 đến năm 1997. Ở đó, những đứa trẻ học tiếng Anh, học đạo và học cách sống văn minh của người da trắng để hội nhập vào cuộc sống xã hội Canada. Ý tưởng thì tốt đẹp, nhưng thực hành, quản lý lại có nhiều khiếm khuyết. Khốn khổ thay, hằng trăm ngàn đứa trẻ đáng thương đã bị dứt khỏi vòng tay yêu thương của gia đình, đưa vào trường nội trú như một “trại tập trung cho trẻ mồ côi”; có đứa bị hành hạ về thể xác, tinh thần, và chết vì thiếu ăn, bịnh tật. 

 

 Xấu hổ khi nhìn lại lỗi lầm trong chính sách “Phân biệt và Đồng hóa” người dân da đỏ qua hơn 100 năm, chính phủ Canada đã hối hận, nhận sai lầm và bồi thường cho những người còn sống sót. Vấn nạn này là một bi kịch lịch sử vừa đau thương, vừa nhục nhã cho một đất nước được mệnh danh là “Tự Do, Dân Chủ”. Thủ Tướng Canada đương nhiệm Justin Trudeau, vào Tháng 5 năm 2021, đã ra lệnh treo cờ rũ toàn quốc để truy điệu những đứa trẻ đã đau khổ, lặng lẽ ra đi trong giai đoạn lịch sử bi thương này. Khám phá ra những nấm mồ của những trẻ nhỏ tội nghiệp đã đánh lên một tiếng chuông vang vọng, tha thiết kêu gọi sự tìm kiếm hài cốt và điều tra về chính sách đồng hóa, diệt chủng đối với người da đỏ trên toàn Canada.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/2ETV3M7IWZMS7EPBUL7BLMWCNY-1024x683.jpg

Ngôi trường nội trú ở Kamloops, British Columbia, nơi khám phá 215 hài cốt trẻ em da đỏ. Ảnh: The Globe and Mail

 

Có ít nhất 215 hài cốt vừa được khám phá là một trong những nỗi kinh hoàng của lịch sử Canada, trong đó người thổ dân da đỏ đã từ từ bị đồng hóa, băng hoại và diệt vong. Trong khoảng hơn một trăm năm đó, những trẻ em da đỏ – Những thế hệ bị đánh cắp – đã không được hưởng một cuộc sống gia đình đầm ấm có cha mẹ, anh chị em, và nhất là những xóm làng vắng tiếng trẻ thơ chơi đùa. Những đứa trẻ bị hụt hẫng, hoảng sợ, cô đơn, lớn lên trong những trường nội trú với những người xa lạ, khác màu da, khác tiếng nói. Nỗi đau khổ, buồn phiền dai dẳng qua bao thế hệ đã khiến họ dễ lâm vào cảnh nghiện ngập rượu, ma túy, và những tệ nạn xã hội. 

 

 Có những chống đối nổ lớn, dân chúng đã tức tối phá đổ bức tượng của John A. MacDonald  (vị Thủ Tướng đầu tiên của Canada) ở Hamilton – Ontario. Hơn thế nữa, hai ngôi nhà thờ Thiên Chúa Giáo tọa lạc tại khu thổ dân da đỏ đã bị đốt cháy rụi ở Okanagan – British Columbia. Và có những cuộc bạo động, xung đột tiếp diễn khi khám phá thêm hằng ngàn mộ phần và hài cốt của những trẻ thơ vô tội ở những trường nội trú xưa, nằm rải rác khắp Canada. Những biến cố lịch sử này đã khắc ghi nỗi đau thương ngậm ngùi trong lòng người thổ dân da đỏ khi họ bị tước đoạt tự do, nhân quyền, và bị đồng hóa mất cả nền văn hóa dân tộc lẫn tiếng mẹ đẻ. Thật đau buồn với một quá khứ đầy đau thương!

 

William Faulkner đã viết: “Quá khứ không bao giờ chết. Nó vẫn luôn tồn tại”. Ôn lại quá khứ chứ không thể nào làm lại hay thay đổi được. Chính phủ Canada đã tìm mọi cách để sửa chữa lỗi lầm và xoa dịu nỗi đau khổ vì bị kỳ thị của dân da màu..! Hy vọng sẽ có những biện pháp và luật pháp hữu hiệu để chấm dứt những  xung đột trong xã hội. Mong thời gian sẽ làm vơi đi những đau khổ, tỵ hiềm, ganh ghét hay thù hận; người người sẽ tha thứ cho nhau để sống vui vẻ, an lành, hạnh phúc hơn. Vì quá khứ không thể thay đổi được, chúng ta chỉ ôn lại để học hỏi, cải thiện làm cho hiện tại và tương lai tốt đẹp hơn. 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats